Vượt qua đường hầm xuyên núi, chúng tôi đã tạm biệt nước Áo để đi vào quốc lộ A2 của Slovenia. Đất nước nhỏ bé tách ra từ liên bang Nam Tư cũ này có thiên nhiên thật xinh đẹp với núi non hùng vĩ và rừng rậm xanh tươi. Chỉ đi thêm một chặng ngắn, cả đoàn đã tới hồ Bled – thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng của giới quý tộc châu Âu từ nửa sau thế kỷ XIX.
Thung lũng xanh kỳ ảo
Là một hồ băng hình thành từ kỷ nguyên Băng hà, Bled được bao quanh bởi dãy Julian Alps nên thơ. Trước khi đi chơi hồ, nhóm dừng chân tại lâu đài Trung cổ tọa lạc trên vách đá cao sừng sững nằm ở phía bắc hồ Bled. Từ đây nhìn xuống phong cảnh đẹp mê hồn, hồ nước xanh trong như pha lê nằm giữa đại ngàn thăm thẳm. Giữa hồ có hòn đảo nổi bật với thánh đường ngói đỏ và tháp chuông trắng toát. Hồ Bled không rộng nhưng thường được chọn làm nơi tổ chức các cuộc đua thuyền lớn trên thế giới nhờ khí hậu lý tưởng và phong cảnh tuyệt vời. Sau một hồi cân nhắc giữa đi bộ, đạp xe hay thuê xe ngựa, chúng tôi quyết định sẽ dành ba giờ đồng hồ cho việc đi bộ vòng quanh hồ. Vừa tiết kiệm vừa ngắm cảnh cho tới nơi tới chốn. Quanh hồ là các dãy nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng lưu niệm với thiết kế thanh lịch khiến du khách đã bước vào thì khó mà dời chân ngay được.
Tuy vậy, chỉ mới đi được nửa vòng Bled là cả bọn đã bị hòn đảo giữa hồ lôi kéo. Nhìn từ xa đã thấy đảo quá đẹp với nhiều kiến trúc cổ độc đáo, độc đáo nhất là tòa giáo hội Assumption thanh thoát được xây dựng từ thế kỷ XV. Tòa tháp của nhà thờ cao đến 52m và lối dẫn lên tháp gồm có 99 bậc thang bằng đá. Khi đang ì ạch leo tháp, chúng tôi được thấy một chú rể đang bế cô dâu chầm chậm đi phía trước. Thì ra nhà thờ này thường được các đôi uyên ương chọn làm nơi tổ chức lễ cưới. Và theo một tục lệ truyền thống tại đây, chú rể phải bế cô dâu lên hết tất cả các bậc thang của nhà thờ. Trong khi được bế, cô dâu phải giữ im lặng hoàn toàn. Đa số các chú rể sẽ dành ra một vài tháng để rèn luyện thể lực trước khi tổ chức đám cưới. Nghi thức lãng mạn này xem ra rất bám sát thực tế: để hôn nhân tốt đẹp, chú rể cần tăng sức chịu đựng và cô dâu thì nên học cách kiệm lời!
Từ Bled, du khách thường đón bus để đến Vintgar Gorge, một thắng cảnh cách hồ bốn cây số. Gorge là dạng thung lũng thường gặp ở Slovenia, chính xác hơn đó là dải đất hẹp nằm giữa những vách núi dựng đứng và có dòng nước chảy xuyên qua. Đa số các gorge đều kỳ vĩ, trong đó ngoạn mục nhất là Vintgar Gorge dài 1,6km. Du khách tham quan Vintgar bằng cách đi dọc hẻm núi trên những cây cầu gỗ nằm dọc theo vách đá. Thung lũng này đẹp bởi màu ngọc bích kỳ ảo của sông Radovna chảy phía dưới, đẹp bởi những khoảng nắng vàng như rót mật khi ánh mặt trời lọt qua được hai vạch đá dựng đứng và những tán cây dày bao phủ. Đi men theo vách đá đến phía cuối đường mòn, chúng tôi bắt gặp thác Sum đang tuôn chảy. Thác Sum nhìn thẳng ra phía đông nên ánh sáng mặt trời thường tạo ra những cầu vồng ngay trên đỉnh thác, khi mờ ảo khi rực rỡ sau những bụi nước li ti. Từ thác Sum, cả nhóm lần theo đường mòn tìm tới hồ Bohinj. Đường đi xuyên qua một khu rừng tăm tối và ẩm ướt, sau đó là vài đoạn đường khá đẹp với đàn dê núi kiếm ăn bên dòng suối nhỏ, rồi cả hồ nước xanh ngắt với bầy vịt ồn ào.
Nằm cách Vintgar Gorge 30km về phía tây nam, Bohinj như một viên ngọc xanh được cất giữ ở giữa những dãy núi trập trùng có độ cao từ 1.600m đến 2.000m. Hồ nước lớn nhất Slovenia này nằm giữa thung lũng Julian Alps. Dọc hai bên lối đi là những điểm chờ xe buýt nhỏ xinh với mái gỗ nâu, những khóm hoa còn đang hé nở và những cổng làng treo đầy giỏ hoa. Bohinj có chiều dài 4,2km và nguồn nước đến chủ yếu từ hồ Đen (Black Lake), vì vậy mà nước của hồ được chia thành hai vệt rõ rệt: Một nửa hồ phía gần bờ nước trong suốt như thủy tinh, có thể nhìn sâu xuống tận đáy, rồi đột ngột ngỡ ngàng sau vạch phân cách, dòng nước chỉ còn một màu xanh thẫm như ẩn chứa đầy những rêu phong bí ẩn phía dưới. Từ hồ Bohinj, cả nhóm đi lên thác nước Savika nằm ở đỉnh núi cách hồ hơn một tiếng đường đèo. Dọc hai bên lối đường mòn đi lên Savika là thảm thực vật phong phú của Slovenia, trong đó có nhiều loại cây tôi chưa từng được thấy bao giờ. Lấp ló sau những thân cây có mấy ngôi nhà nhỏ tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đứng trên đỉnh Savika, ai nấy cố gắng thu vào tầm mắt khung cảnh núi non trùng điệp của cả thung lũng Bohinj, với những thân cây cổ thụ và những núi đá vôi bám đầy rêu xanh.
Những cây cầu ở thủ đô nhỏ nhất thế giới
Xe bus chạy từ Bled đến Ljubljana chỉ mất hơn một tiếng đồng hồ. Ljubljana là một trong những thủ đô nhỏ nhất thế giới với 300 ngàn dân (chiếm 10% dân số cả Slovenia). Dù diện tích không lớn nhưng Ljubljana là thành phố phồn vinh và văn hóa phát triển bậc nhất Nam Tư cũ nên cũng có nhiều thứ để du khách tham quan. Chúng tôi mua Visit Card 24h giá 20 euro và lên kế hoạch tham quan tất cả những điểm du lịch nổi tiếng nơi đây trong một ngày.
Hành trình tham quan thủ đô của Slovenia thường bắt đầu từ lâu đài Ljubljana tọa lạc trên đồi. Đến cổng ở chân đồi, du khách chỉ cần đưa Visit Card là có người đưa lên tàu (train) để chinh phục công trình nằm trên cao. Tàu có độ nghiêng khoảng 45 độ tạo cảm giác mạnh! Từ trên lâu đài nhìn xuống toàn cảnh thủ đô khá thú vị, phố cổ Ljubljana sang trọng và đẹp mắt. Tôi thích nhất những dãy nhà duyên dáng nhìn ra sông trong xanh chịu ảnh hưởng nhiều của kiến trúc Áo. Biểu tượng của thành phố là con rồng nên có hẳn một chiếc cầu rồng bắc qua sông Ljubljanica. Dòng sông đoạn chảy qua trung tâm dài chưa tới một cây số mà có tới hàng chục chiếc cầu xinh xắn. Trong đó Tromostovje nổi bật nhất bởi chiếc cầu này được tạo bởi ba cây cầu nhỏ ghép lại. Xung quanh khu vực này là những nhà hàng, quán cafe đẹp nhất thành phố, nằm trên khu vực đi bộ tấp nập.
Cách phố cổ 15 phút đi bộ, khu Metelkova dành cho khách “bụi” lại tràn ngập các quán bar theo phong cách nổi loạn, tranh vẽ đường phố táo bạo và người trẻ ăn mặc phá cách. Tuy nhiên, người bạn địa phương cho biết rằng an ninh trên toàn thủ đô rất tốt, du khách có thể tiệc tùng suốt đêm mà không lo ngại. Chúng tôi nghỉ đêm tại Hostel Celica – khách sạn được Lonely Planet bình chọn là hippy nhất trên thế giới. Hơn 100 năm trước đây, Celica từng là nhà tù, sau này được người dân địa phương xây dựng chuyển đổi thành nơi dừng chân cho các nghệ sĩ và người đi du lịch đến từ khắp thế giới. Celica không chỉ là nơi nghỉ ngơi như khách sạn, nhà nghỉ; mà còn là một bảo tàng nghệ thuật. Khu vực dưới lòng đất và những thanh gỗ của nhà tù trước đây được giữ nguyên, tạo cảm giác bí ẩn. Ngoài Celica, Ljubljana còn khá nhiều khách sạn đậm chất nghệ thuật với mức giá chỉ từ 20 euro một đêm.
Nằm gần những quốc gia đã nổi tiếng từ lâu về du lịch như Áo, Ý, Croatia… Slovenia mấy năm gần đây mới được chú ý nhờ thiên nhiên hùng vĩ và những thành phố cổ giàu văn hóa. Đất nước này không có kỳ quan hay di sản thế giới nào nổi tiếng nhưng vẫn khiến du khách nhớ mãi nhờ vẻ đẹp trong trẻo, yên bình.