Có một lời nguyền thật sự đang ám những đội giành huy chương đồng World Cup. Lời nguyền đó là gì, và Anh hay Bỉ sẽ là đội may mắn “né” được điều này?
Cả Anh lẫn Bỉ đều đã bị loại theo cách đầy đau đớn tại vòng bán kết. Người Anh dẫn trước nhưng thua ngược Croatia với bàn ấn định tỉ số trong hiệp phụ. Trong khi đó, Bỉ thua Pháp theo cách mà thủ thành Thibaut Courtois phải thốt lên “cách Pháp chơi là phản bóng đá”.
Dẫu vậy thì cả hai đội đều chưa phải “về nước” như cách nói quen thuộc của một bộ phận giới mộ điệu. Trận tranh giải ba vẫn đợi “Quỷ đỏ” và “Tam sư”. Song có lý do nhất định để hai đội tuyển châu Âu né tránh chiếc huy chương đồng World Cup.
Lời nguyền giải ba
Bắt đầu từ World Cup 1994, chiếc huy chương đồng World Cup dường như trở thành một lời nguyền kỳ lạ. Đó là hầu hết đội nào giành được nó đều sẽ lụn bại tại kỳ World Cup kế tiếp.
Ở World Cup 1994, Thụy Điển hạ gục Bulgaria của Hristo Stoichkov tới tỷ số 4-0 trong trận tranh giải ba với đội ngũ những cá nhân ưu tú như Tomas Brohlin, Kenneth Andersson, Martin Dahlin hay Henrik Larsson.
Song chỉ 4 năm sau, Thụy Điển thậm chí còn không vượt qua vòng loại để góp mặt tại mùa Hè nước Pháp. Tại France 98, thế hệ Croatia của Davor Suker, Zvonimir Boban hay Robert Prosinecki đã đoạt chiếc huy chương đồng sau khi thắng Hà Lan 2-1.
Và 4 năm sau, Croatia có mặt tại đất Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng ra về ngay sau vòng bảng.
Thổ Nhĩ Kỳ, đội về ba World Cup 2002, không vượt qua vòng loại để có mặt tại World Cup 2006. Gần đây nhất, đội về ba World Cup 2014 là Hà Lan cũng không vượt qua vòng loại để có mặt tại mùa Hè nước Nga. Thậm chí “Cơn lốc màu da cam” còn sa sút tới độ vắng mặt luôn cả Euro 2016 trước đó.
Trường hợp hiếm hoi không đi vào vết xe đổ này là Đức. “Die Mannschaft” giành hai chiếc huy chương đồng tại World Cup 2006 và 2010 nhưng đều có thành tích tốt tại những kỳ World Cup sau đó.
Đặc biệt, chiếc huy chương đồng trên đất Nam Phi đã là bàn đạp để thế hệ của những Manuel Neuer, Mesut Oezil, Toni Kroos, Sami Khedira, Thomas Mueller… lên ngôi vô địch tại Brazil năm 2014.
Anh hay Bỉ thực tế cũng khó mà để ý tới lời nguyền này. Câu chuyện “lời nguyền” (nếu có) chỉ là khía cạnh thú vị của trận đấu mà không ít người sẽ chọn cách không xem để chờ sân khấu chính tại Luzhniki với Pháp và Croatia mà thôi.
Nói vậy để thấy chiếc huy chương đồng World Cup không mang ý nghĩa “an ủi” nhiều như tất cả nghĩ. Bản thân Anh và Bỉ đều đã chứng kiến giấc mơ vàng World Cup bị bóp nghẹt bởi những kịch bản rất khó chấp nhận trong trận bán kết.
Trận tranh giải ba vì thế sẽ chỉ mang đúng ý nghĩa “đá cho xong” với cả hai.
Mưa bàn thắng
Bỉ và Anh thực tế đã chạm trán nhau tại vòng bảng. Khi đó “Tam sư” có nhiều toan tính hơn khi chủ động thua cuộc để né nhánh tử thần với Tây Ban Nha, Pháp, Argentina, Brazil… đợi sẵn.
Kế hoạch của Anh đã thành công mỹ mãn cho đến trước khi Mario Mandzukic sút tung lưới Jordan Pickford trong trận bán kết.
Với tâm lý thoải mái, có thể tin Anh sẽ chơi một trận sòng phẳng trước Bỉ để tạm biệt nước Nga. Những nhân tố dự bị như Jamie Vardy, Danny Rose hay Trent-Alexandre Arnold sẽ được sử dụng. Harry Kane rất có thể vẫn được đá chính để đảm bảo ngôi vị “Vua phá lưới”.
Về phía Bỉ, những ngôi sao tấn công như Eden Hazard, Kevin De Bruyne có thể sẽ được cất lên ghế dự bị. Romelu Lukaku vẫn sẽ được sử dụng để cạnh tranh với Kane cho ngôi vị “Vua phá lưới”.
Nếu có điểm gì chung của những trận tranh giải ba trong lịch sử thì đó đều là việc có những cơn mưa bàn thắng. Lần cuối cùng một trận tranh giải ba có dưới 3 bàn thắng là câu chuyện của World Cup 1974 trên đất Tây Đức. Ba Lan khi đó thắng Brazil sát nút 1-0.
4 thập kỷ đã trôi qua với những cơn mưa bàn thắng trong trận tranh giải “an ủi”. World Cup 2018 trên đất Nga, với 2,6 bàn/trận tính tới lúc này, chắc chắn sẽ không phải ngoại lệ.
Tuyển Anh sau thất bại cay đắng trước Croatia ở bán kết sẽ là đội có thể có khát khao hơn (dù chỉ một chút) trước Bỉ ở trận tranh giải ba này.
_ Theo Zing