Nhiều năm trước, khi nói đến Bhutan, chắc hẳn nhiều người không biết quốc gia này ở đâu trên bản đồ thế giới, hoặc quốc gia này có gì đặc biệt. Thời gian gần đây, đặc biệt sau bài thuyết trình ấn tượng và đầy cảm hứng của Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay tại hội thảo Công nghệ, Giải trí, Thiết kế TED vào tháng 3-2016, Bhutan trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều với những từ khóa như “quốc gia hạnh phúc”, “tổng hạnh phúc quốc gia”, “happiest country in the world”, “gross nation happiness”…
Có hai điểm chính mà thủ tướng Bhutan đã trình bày khiến thế giới phải chú ý. Một là, Bhutan không phải là quốc gia không phát thải, mà là quốc gia phát thải âm. Hai là, Bhutan luôn lấy Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross Nation Happiness – GNH), thay vì Tổng Sản phẩm Quốc nội (Gross Domestic Product – GDP) như các quốc gia khác, làm thước đo cho sự phát triển. Vì thế mà truyền thông thế giới liên tục có các bài viết về Bhutan gắn với “thiên đường còn sót lại của thế giới” (The Last Shangri-La), với “quốc gia hạnh phúc” (Nation of Happiness), thậm chí là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” (The Happiest Country in the World”)…
Vậy thực sự, Bhutan có phải là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới không? Hay đó chỉ là một chiến lược marketing và truyền thông xuất sắc của chính phủ Bhutan nhằm thu hút sự chú ý của thế giới và kéo họ đến quốc gia này?
Từ Báo cáo về chỉ số hạnh phúc thế giới…
Trước khi trả lời câu hỏi trên, hãy tìm hiểu một chút về Báo cáo về chỉ số hạnh phúc thế giới của Liên Hiệp Quốc. Tháng 7-2011, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc UNCA đưa ra quyết định lấy hạnh phúc là một trong các chỉ số chính yếu để đo lường sự phát triển con người bền vững. Đến tháng 4-2012, cuộc họp cấp cao Liên Hiệp Quốc về quyết định này đã diễn ra với sự chủ trì của thủ tướng Bhutan. Kết thúc cuộc họp, Báo cáo về chỉ số hạnh phúc thế giới đầu tiên ra đời. Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 vừa qua, bản Báo cáo thứ năm cũng đã được công bố.
Trong các báo cáo này, sáu yếu tố để đánh giá chỉ số hạnh phúc của một quốc gia là GDP Per Capita (thu nhập bình quân đầu người), Healthy Life Expectancy (tình trạng sống khỏe mạnh), Social Support (hỗ trợ xã hội), Freedom to Make Life Choice (tự do chọn lựa cuộc sống), Generosity (rộng lượng) và Perception of Corruption (nhận thức về tham nhũng). Theo các Báo cáo dựa trên sáu yếu tố này thì Bhutan xếp thứ 97 trong danh sách của Báo cáo 2017, tức là có 96 nước có chỉ số hạnh phúc cao hơn Bhutan (trong đó có Việt Nam đứng thứ 93). Rõ ràng, Bhutan không phải là quốc gia hạnh phúc nhất theo các tiêu chí của Liên Hiệp Quốc.
Vậy tại sao Bhutan lại được truyền thông là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”?
…đến Tổng Hạnh phúc Quốc gia Bhutan
Thật ra, Bhutan chưa bao giờ tự nhận mình là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”. Tất cả là do truyền thông thế giới ưu ái và ca ngợi một đất nước hiếm hoi trên thế giới có diện tích rừng chiếm 72% tổng diện tích đất nước và lấy Tổng Hạnh phúc Quốc gia làm thước đo cho sự phát triển của đất nước. Con số trên được công bố chính thức trên website của Hội đồng Du lịch Bhutan (Tourism Council of Bhutan). Tuy nhiên, theo tiết lộ của người dân Bhutan, diện tích rừng có thể đã lên đến hơn 90%.
Năm 1729, tức là thế kỷ XVIII, luật Bhutan có ghi: “Nếu chính phủ không làm cho dân hạnh phúc thì không có lý do gì để tồn tại”. Hơn hai thế kỷ sau, đến năm 1972, khái niệm “Tổng Hạnh phúc Quốc gia” (GNH) được vua Bhutan đệ Tứ Jigme Singye Wangchuck chính thức đưa vào thành tiêu chí phát triển quốc gia. Từ đó đến nay, Bhutan luôn phát triển đất nước theo tiêu chí này.
Điều này cho thấy rằng, dù không có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của thế giới thì Bhutan vẫn là quốc gia hạnh phúc. Họ hạnh phúc từ nội tại, không phải từ những đánh giá bên ngoài. Chính phủ Bhutan có những chính sách riêng nhằm giúp người dân sống và cảm nhận hạnh phúc, chẳng hạn như miễn phí giáo dục và y tế. Chính phủ cũng không chỉ nói suông, họ thường xuyên thực hiện những khảo sát nhằm đánh giá các chỉ số hạnh phúc.
Báo cáo Hạnh phúc của Bhutan được thực hiện dựa trên bốn cột trụ chính là Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Môi trường với chín phạm vi: Khỏe mạnh về tâm lý (Psychological Well-being), Sức khỏe (Health), Thời gian sử dụng (Time Use), Giáo dục (Education), Sự đa dạng văn hóa (Cultural Diversity and Resilience), Sự tồn tại của cộng đồng (Community Vitality), Cai quản tốt (Good Governance), Sự đa dạng về sinh thái học (Ecological Diversity and Resilience) và Các tiêu chuẩn sống (Living Standards).
Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, Tổng Hạnh phúc Quốc gia tăng 1,8% so với 2010; tỷ lệ người dân rất hạnh phúc và hạnh phúc cũng tăng từ 40,9% năm 2010 lên 43,4%. Điều này cho thấy chính phủ Bhutan rất nghiêm túc với định hướng và mục tiêu phát triển của quốc gia nhỏ bé này.
Nhìn về chỉ số hạnh phúc của Bhutan từ góc độ kinh tế
Du lịch là một trong bốn ngành kinh tế chính của Bhutan bên cạnh nghề thủ công, xuất khẩu thủy điện và sản xuất. Nếu xem du lịch là một sản phẩm của Bhutan, hãy nhìn cách Bhutan làm ra sản phẩm và quảng bá nó.
Bhutan định vị đất nước của mình là “quốc gia hạnh phúc”. Vì thế, dù làm gì thì Bhutan cũng phải gắn hạnh phúc với sự phát triển của người dân và đất nước. Đây chính là điểm khác biệt rõ ràng trên thị trường, là lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Mặc dù Bhutan không phải là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới như trong bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, nhưng Bhutan là người đi đầu về việc lấy chỉ số hạnh phúc để đo lường sự phát triển của quốc gia. Người tiên phong luôn có lợi thế trên thị trường.
Tuy nhiên, người tiên phong nếu không có chiến lược phát triển đúng đắn thì sẽ dễ bị cạnh tranh. Bhutan phát triển sản phẩm từ bên trong và thống nhất thông điệp truyền thông. Từ các công ty khai thác du lịch đến các hướng dẫn viên du lịch, từ chính phủ đến người dân đều lấy hạnh phúc làm tiêu chí của mình. Họ luôn trả lời “tôi hạnh phúc” khi được du khách hỏi thăm. Bản thân du khách khi đến một đất nước nhỏ bé, gần gũi thiên nhiên, lượng oxy dồi dào, không khí trong lành, người dân thân thiện cũng dễ cảm thấy thư giãn, thoải mái. Như thế, chính du khách cũng cảm nhận được hạnh phúc khi trải nghiệm tại quốc gia này. Một sản phẩm được đánh giá tốt là một sản phẩm có khả năng tồn tại lâu dài.
Cũng cần phải nói đến yếu tố giá cả. Bhutan phát triển du lịch nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như hạnh phúc của chính quốc gia. Phát triển du lịch đi kèm với bảo tồn và phát triển thiên nhiên. Chính sách “Giá trị cao, Tác động thấp” của du lịch Bhutan giúp hạn chế số lượng du khách đến Bhutan để vừa tăng chất lượng sản phẩm mà du khách nhận được vừa không gây ảnh hưởng đến thiên nhiên. Vì thế, chi phí mà du khách trả cho một ngày ở Bhutan là 200 USD (mùa thấp điểm) và 250 USD (mùa cao điểm) có thể cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Thiết nghĩ, sau khi đọc đến đây, chúng ta hẳn đã có câu trả lời cho câu hỏi đầu bài.
FDI tại Bhutan
Đầu tư nước ngoài FDI là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, Bhutan lại gặp khó khăn trong việc thu hút FDI. Trong năm 2013-2014, có tám dự án FDI được duyệt thì đến năm 2015, con số chỉ còn năm. Trong tổng số 55 dự án FDI thì chỉ có 33 dự án đang hoạt động, 18 dự án còn lại đang trong quá trình xây dựng. Trong số đó, có 21 dự án liên quan đến khách sạn và lưu trú.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến việc đầu tư FDI khó khăn tại Bhutan. Một là nhu cầu thị trường quá nhỏ. Hai là cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn. Với quốc gia có diện tích khiêm tốn 38,394km2 và dân số hơn 790.000 người (năm 2017) với phần lớn làm nông nghiệp thì các nhà đầu tư có ít cơ hội tại Bhutan. Ngoài ra, địa hình đồi núi của Bhutan cũng khiến cho các dự án khó thực hiện khi phải di chuyển và vận chuyển từ điểm này sang điểm khác. Nhân sự có kỹ năng và sẵn sàng làm việc cho các dự án cũng là vấn đề lớn. Công ty phần mềm Banglades Southtech cần tuyển dụng 50 người cho công ty. Tuy nhiên, trong 100 hồ sơ ứng viên, chỉ có 25 người được nhận.
FDI mang lại nhiều ích lợi cho sự phát triển kinh tế của đất nước, Bhutan đã mở cửa cho FDI, mở rộng các chính sách đầu tư từ 2014, nhưng vẫn có rất ít nhà đầu tư muốn vào. Lý do là sự giới hạn về lĩnh vực đầu tư. Chính phủ Bhutan ưu tiên các dự án về du lịch và môi trường, những dự án không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên. Bhutan đã từ chối các dự án về khai thác khoáng sản và tận dụng nguồn năng lượng mà không mang lại giá trị thực sự nào cho đất nước.
Bhutan, một quốc gia nhỏ bé với diện tích cây xanh phủ gần hết đất nước, phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ thiên nhiên.
Xem thêm:
- Bhutan – xứ sở hạnh phúc bên triền dãy Himalaya
- Đón năm mới trên đất nước hạnh phúc Bhutan
- Bhutan – Quốc gia hạnh phúc