Năm 2021 đánh dấu một giai đoạn mới của thị trường bất động sản Việt Nam. Dưới tác động của dịch COVID-19, thị trường đã chứng kiến những thay đổi trong nhu cầu cho sản phẩm nhà ở.
Các dự án có không gian sống thoáng đãng, tiện nghi, tiện ích và yếu tố sức khỏe được quan tâm nhiều hơn. Mặt bằng giá trên thị trường liên tục tăng, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Cuối năm 2021, thị trường nhà ở tại Việt Nam đón nhận dự án hai dự án Bất động sản hàng hiệu đầu tiên, một dự án tọa lạc tại trung tâm thủ đô Hà Nội với mức giá chào bán từ khoảng 35.000 USD/m2 và một dự án tọa lạc tại trung tâm TP.HCM với mức giá chào bán từ khoảng 16.000 USD/m2. Đây được ghi nhận là hai dự án có mức giá bán cao nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Cả hai dự án này đón nhận được nhiều sự quan tâm của người mua trong nước và quốc tế với các sự kiện mở bán tại Hồng Kông, TP.HCM. Thậm chí, tất cả các căn hộ của dự án tại thủ đô Hà Nội cũng đã được công bố là đặt chỗ thành công trong lần mở bán đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
Vậy Bất động sản hàng hiệu là gì? Và vì sao Bất động sản hàng hiệu lại thu hút được nhiều sự quan tâm như vậy? Bất động sản hàng hiệu được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là bất động sản nhà ở bán được quản lý vận hành bởi một thương hiệu khách sạn cao cấp. Do bắt buộc phải được quản lý bởi một thương hiệu khách sạn nên các tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ và tiện nghi tiện ích của dự án nhà ở đó phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao cấp và khắt khe do các thương hiệu đặt ra. Ngoài ra có một vài tiêu chí khác luôn gắn liền với Bất động sản hàng hiệu đó là vị trí đắc địa, tầm nhìn hoàn hảo, các thiết kế độc đáo, cơ cấu và mức độ hoàn thiện của sản phẩm phải vô cùng sang trọng.
Trên thế giới, thị trường bất động sản hàng hiệu trong đô thị được phát triển gần một thế kỷ trước với dự án đầu tiên là The Sherry-Netherland tại thành phố New York ở Mỹ vào năm 1920. Trải qua 100 năm phát triển, loại hình bất động sản hàng hiệu trong đô thị thể hiện sự độc đáo, hiếm có khó tìm tại các “Thành phố toàn cầu” trên thế giới với chỉ gần 350 dự án tại thời điểm 2021. Nếu tính cả các dự án bất động sản hàng hiệu ngoài đô thị ở các khu nghỉ dưỡng thì số lượng lên đến hơn 500 dự án. Như vậy, thị trường bất động sản hàng hiệu trong đô thị chiếm khoảng 62% tổng số lượng bất động sản hàng hiệu, phần còn lại là 38% tổng số lượng dự án đến từ các khu nghỉ dưỡng ven biển, trên núi và vùng ngoại ô.
Nhìn vào thị trường trong khu vực, bất động sản hàng hiệu trong đô thị đã có mặt tại Singapore với dự án St. Regis Residences năm 2006 và tại Bangkok là dự án St. Regis và Sukhothai Residences trong năm 2007. Các dự án hàng hiệu trong đô thị ở các nước trong khu vực nằm tại các vị trí trung tâm hành chính, trung tâm tài chính văn phòng và khu vực ven sông. Đây đều là những vị trí đẹp và hạn chế về quỹ đất.
Tại Việt Nam, thị trường Bất động sản hàng hiệu vẫn còn rất nhỏ. Ngoài hai dự án vừa mới được chào bán tại Tp.HCM và Hà Nội được đề cập ở trên, dự kiến thị trường Việt Nam sẽ đón nhận thêm 1 dự án hàng hiệu nữa ở khu trung tâm trong năm 2022 và một vài dự án trong giai đoạn 2023-2025.
Các dự án căn hộ hàng hiệu đang và sắp chào bán tại Việt Nam có vị trí độc tôn ngay khu trung tâm thành phố và tầm nhìn thoáng đãng. Các dự án này mang đến cho chủ sở hữu những sản phẩm có chất lượng và thiết kế vượt trội, được quản lý bởi thương hiệu quản lý khách sạn 5 sao hàng đầu và lâu đời trên thế giới. Đây là các yếu tố được chủ đầu tư chăm chút để đáp ứng nhu cầu được nghỉ dưỡng hằng ngày sau thời gian làm việc căng thẳng và đảm bảo sức khỏe cho dân cư. Nhu cầu này đang ngày càng được quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua. Ngoài ra, bất động sản hàng hiệu trong đô thị còn là nơi kết giao giới tinh hoa, có giá trị cao và tăng trường bền vững theo thời gian.
Theo thống kê của CBRE, các dự án căn hộ tại TP.HCM có hướng nhìn ra sông có mức giá chào bán cao hơn từ 24% đến 81% so với các dự án không có hoặc hướng nhìn bị hạn chế. Tương tự, các dự án căn hộ tại TP.HCM nằm trong phạm vi đi bộ đến các trạm tàu điện ngầm của tuyến Metro số 1 ghi nhận mức giá cao hơn các dự án nằm ngoài phạm vi đi bộ từ 24% đến 51%.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nhận định: “Sự xuất hiện của bất động sản hàng hiệu trong đô thị đến từ nhu cầu thực tế trên thị trường kết hợp với các yếu tố vị trí, hướng nhìn, chất lượng sản phẩm và đơn vị quản lý sẽ làm tăng giá trị của sản phẩm bất động sản hàng hiệu trong đô thị và đây là sự gia tăng bền vững chứ không phải là sự gia tăng nhất thời. Bên cạnh đó, chúng ta thấy rằng giá trị của một sản phẩm bất kỳ nào đó phụ thuộc rất nhiều vào sự duy tu, bảo trì, bảo dưỡng của sản phẩm trong thời gian sản phẩm được đưa vào vận hành. Các sản phẩm hàng hiệu khi bàn giao sẽ được quản lý bởi các đơn vị quản lý khách sạn 5 sao, là những thương hiệu có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý bất động sản. Bất động sản được sự quản lý chuyên nghiệp như vậy sẽ luôn đảm bảo giá trị của các sản phẩm không bị mai một đi mà còn ngày càng tăng theo thời gian.”
Theo báo cáo của Wealth-X, dân số tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam đã tăng 13,9%/năm giai đoạn 2010-2019 và được dự báo sẽ tăng trưởng 10,1%/năm giai đoạn 2018-2023, nằm trong Top 4 quốc gia có tốc độ tăng trưởng người giàu cao nhất thế giới. Trong báo cáo Xu hướng bất động sản 2021 của New World Weath, giới thượng lưu tìm kiếm nhà ở với an ninh riêng tư tuyệt đối, phong cách sống thời thượng, cộng đồng cùng đẳng cấp, tiện ích cao cấp và kết nối giao thông thuận lợi. Đây chính là những đặc trưng của bất động sản hàng hiệu. Do đó, sự gia tăng của tầng lớp thượng lưu sẽ hỗ trợ tích cực cho nhu cầu bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam.
Trong tương lai, sự tăng trưởng ngày càng nhanh của nhóm người giàu tại Việt Nam và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ góp phần kích hoạt các sản phẩm hàng hiệu trong đô thị, đặc biệt là các dự án nằm gần hệ thống tàu điện ngầm. Các dự án bất động sản hàng hiệu trong đô thị sẽ đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn đặc biệt khắt khe cho cư dân.