Ai từng một lần đặt chân đến Quảng Bình, hỏi thăm người địa phương về các món ăn đặc sản sẽ được giới thiệu món bánh lọc trứng lộn theo họ là “tuyệt ngon”. Mới nghe qua cứ tưởng “bánh lọc trứng lộn” là một, hóa ra đó là hai món khác nhau nhưng luôn được bán chung trong một quán ăn.
Hỏi thêm tại sao bánh lọc lại luôn được bán chung với trứng vịt lộn trong khi hai món ăn này đối với người xứ khác xem ra không liên quan gì với nhau thì được trả lời: người Quảng Bình coi trứng vịt lộn như món ăn chơi, món “khai vị”, từ ăn chơi rồi đến ăn thật, ăn cho no luôn cùng với bánh lọc. Ra là vậy! Đúng là mỗi quê, mỗi xứ sở lại có một cách ăn khác biệt.
Người thích ngao du sơn thủy lại muốn thưởng thức món ngon vật lạ thì xứ Quảng Bình không phải là điểm đến thích hợp lắm. Vùng đất chỉ có nắng gió và cát nóng không phải nơi hội tụ những món ăn ngon như nhiều địa phương khác. Tuy vậy, chắt chiu từ những sản vật sinh ra từ vùng đất nghèo khó, Quảng Bình cũng có những đặc sản ẩm thực không nơi nào có, cũng như những nét ẩm thực đặc trưng không lẫn vào đâu, mà một trong những điển hình chính là bánh lọc trứng lộn lạ miệng.
Trứng vịt lộn khắp nơi đều có, nhưng người Quảng Bình có cách ăn riêng.Quả trứng lộn ở đây không lớn lắm, chỉ nhỉnh hơn trứng gà so một chút. Khi luộc, trứng chỉ “già” vừa phải, bên trong không có miếng cồi trắng, rất vừa ăn. Ngoài muối tiêu và rau răm, trứng vịt lộn Quảng Bình còn được ăn với đồ chua (nộm) là đu đủ xanh. Quán trứng vịt lộn này được đánh giá ngon hơn quán khác là từ món đồ chua ăn kèm này. Đu đủ xanh bào sợi, cùng với một ít sợi cà rốt để thêm màu sắc, thêm trái ớt tươi, trộn giấm, đường, muối sao cho sợi đu đủ vừa thấm gia vị nhưng phải giòn mới đúng điệu Quảng Bình.
Bánh bột lọc có xuất xứ từ Huế, vào đến Quảng Bình thì có vài nét thay đổi, biến thành chiếc bánh lọc đặc trưng của xứ này. Nguyên liệu làm bánh gồm bột sắn (khoai mì) đã lọc, tôm sông, thịt rim và mộc nhĩ. Tôm Quảng Bình thường đánh bắt ở cửa sông, vừa có vị ngọt của sông vừa có vị mặn của biển, kết hợp với thịt heo ngon và mộc nhĩ xào chung và nêm nếm vừa ăn. Sau đó nhào bột sắn lọc, bọc nhân rồi gói lá chuối, đem hấp cách thủy. Chiếc bánh lọc Quảng Bình có hình chữ nhật, cỡ bánh trọng hơn chiếc bánh lọc thường thấy ở Huế một chút. Bánh được hấp nên luôn tươi ngon, để nguội rồi hấp lại vẫn ngon như mới gói. Bánh lọc Quảng Bình phải ăn kèm với nước mắm chắt nguyên chất mới ngon trọn vẹn.Mắm chắt hơi đậm mùi, màu vàng hổ phách, sánh tựa mật ong. Chỉ cần thêm trái ớt xắt nhỏ, nước mắm chắt làm cho món bánh lọc ngon hơn.
Người Quảng Bình đi xa thường mang theo hàng trăm chiếc bánh lọc cất trong hộp để dành ăn dần. Du khách đến Quảng Bình du ngoạn Phong Nha Kẻ Bàng, khi ra về không quên mua bánh lọc làm quà. Có khi không đủ bán vì khách ở xa đặt quá nhiều, nhiều hàng bánh lọc quen thuộc Quảng Bình phải đóng cửa! Ngay cả người địa phương muốn thưởng thức bánh lọc cũng phải đến sớm một chút, vì mỗi hàng bánh lọc mở cửa 5 giờ chiều đến 7 giờ tối đã không còn cả bánh lọc và trứng lộn.