Chị khó tính, thời thanh xuân không dễ yêu. Có yêu, yêu một người, gia đình chưa ai biết mặt thì anh ấy đã thành liệt sĩ. Năm ấy chị hai mươi tuổi. Đóng cửa lòng.
Một nhóm bạn gái chí cốt làm cái việc xếp chữ nhà in. Giờ nghe chuyện ấy như thể là chuyện bịa. Chữ bằng chì, muốn chữ in vào giấy báo, phải có người xếp. Toàn là phụ nữ, tỉ mẩn, giờ này sang giờ khác. Xếp đã mệt, báo in xong, khuôn chữ tháo ra, còn phải ngồi trả chữ, tay như múa trên những ô vuông nhỏ đựng chữ. Thời chiến, nhà in bí mật âm dưới mặt đất bí mật, lấy đêm làm ngày trong chiếc mùng phủ cả xưởng in cỡ nhỏ, nhóm bạn của chị gắn bó nhau còn hơn chị em ruột. Chỉ khác là riêng chị không chịu yêu nữa, vô định chồng con.
Anh kết nghĩa của nhóm ở một Tiểu ban khác, đàn hát, nói chyện duyên đổ trời. Thi thoảng gặp nhau cười hết cỡ, thâu đêm. Tội gì không cười vui khi vây quanh là các em gái tôn vinh ông anh chuyện vãn hay. Nhưng đường vợ con của anh sao mà lận đận, vợ cũng hát hay diễn kịch hay nhưng cũng dễ đi diễn hay với người khác, bỏ lại cho anh một đứa con trai phải gửi về cho cô ruột nó. Có lẽ đời vậy nên anh cởi mở với nhóm em kết nghĩa, cho qua ngày tháng.
Lần thứ hai anh cưới vợ, một phụ nữ nông dân, không dính dáng cái mác cán bộ hoặc đàn hát gì. Lại đẻ con trai, liền ba đứa con trai. Đám em kết nghĩa mỗi lần nghe chị đẻ thì kín đáo lè lưỡi tội nghiệp cho anh. Hai bề con, bốn đứa trai hết, sao nuôi dạy nổi đây trời? Dân gian bảo sinh toàn con trai độc cho người mẹ, dương quá thịnh thì âm tiệt. Tiệt thật, vợ của anh bị tai nạn đột tử, những cô em kết nghĩa lần này khóc thiệt, vì quá thương anh.
Nhớ cô em tốt bụng gần bốn mươi mà chưa một lần áo cưới. À há, anh và em, sao không, hở em? Ai cũng bảo chị đã chờ anh, đích thị là anh chứ không ai khác. Hát hay, nói hay, miệng rất duyên và thâm niên anh em với nhau đã mấy chục năm dài. Lần đầu chị chòng chành, sáng rỡ, lăn xả vào làm mẹ ghẻ bốn đứa con trai. Chao ơi, cả gia tộc chị không biết nên vui hay nên buồn.
Tình yêu của gái trinh kỳ lạ, dâng hiến và tận hiến. Chân tay không ngơi nghỉ và nghe tiếng chị cười, đoán biết chị mỹ mãn. Một bầy con trai cầm chắc đứa nọ xọ đứa kia, chị không còn tuổi sinh đẻ, chị có đẻ đâu mà tận tường cảm xúc với tình thương người mẹ? Cứ hoài nghi vậy nên càng khó gần nhau. Chị bắt đầu sống với nước mắt.
Đứa con trai với vợ đầu của anh thuần nghiệp nông dân lên bờ xuống ruộng, âm thầm ganh với các em được sống với cha. Nhưng ba đứa đươc chăm ấy đâu có nghĩ vậy, con ghẻ mà ngoan với dì ghẻ chuyện hiếm, đốt đuốc tìm thử coi có gặp không? Một đứa lấy vợ, cô vợ tốt, cầm trịch được, đôi này sóng gió ít. Một đứa nữa lấy vợ sớm, vợ trẻ người non dạ, lại vứt con cho chồng và bỏ đi. Ông bà nội ôm lấy đứa bé hai tuổi ấy, bây giờ, đứa con trai có vợ bỏ đi ấy gọi chị là mẹ và dạy cháu gọi bà ghẻ là bà nội. Không lâu sau cậu chàng lấy vợ và sinh con, tách biệt.
Rồi anh bị nan y. Chị góa. Cháu nội khi ấy mới vào lớp tám. Còn đứa con trai út của anh, thôi đành, để lại cho anh nó và cô ruột nó. Một cuộc di cư quả quyết, chị bỏ miền Tây, lên Đà Lạt để nuôi cho kỳ được đứa bé như thể con trai này. Một bà một cháu tránh xa hết. Đất lành, hai bà cháu may mắn gặp được những vị thầy giáo thương trò kiểu cổ điển, tự nguyện kèm trò khi làu bài thì mới cho về. Tháng Chạp gió núi hù hù, chị sáu mươi tuổi, phóng xe máy nửa đêm rồi ngồi thu lu ở hàng hiên nhà thầy chờ đón cháu. Lần hồi, cháu vào lớp 10 trót lọt, cứ thế nhích dần lên 11 và 12, nhích về hướng thiện lương, lạ lùng, như một đứa bé chưa từng bị mẹ bỏ rơi.
- Xem thêm: Sông rẽ
Gia tộc chị bấm nhau không hé lộ gì về bà nội hiện giờ là bà nội bánh đúc. Nó vào đại học Tôn Đức Thắng – Sài Gòn, cả gia tộc chị mừng ứa nước mắt. Cho chị và cho đứa trẻ từng vào tay chị khi mới hai tuổi. Chị vẫn huỳnh huỵch mọi việc, giỗ chạp, họ mạc, nhà chồng, con chồng, cháu của chồng. Duy tiếng cười ngặt nghẽo sung sướng hạnh phúc thì không bao giờ nữa. Anh đã mang nó đi theo tiếng cười từ thời anh kết nghĩa rồi là anh yêu, và giờ, vẫn là anh yêu dưới suối vàng. Chỉ có tình yêu bền bỉ và viên mãn thì người phụ nữ mới tận hiến được như thế. Cười ra tiếng hay cười mỉm hay cười nhẹ chẳng quan trong gì.
Giờ thì cháu nội lấy vợ. Nó đã biết bà nội là “bánh đúc có xương”, sợi dây kỳ diệu ấy giữa chị và nó chắc chắn sẽ kỳ diệu mãi, nhớ cười nhiều trong ngày vui của cháu nghe chị phi thường của em!