Thân tặng các bạn đồng du học tại CHLB Đức và Tây Berlin những năm 1960-70 từng sống hết mình với trái tim, và giờ đây cũng đang tự nguyện hết mình tập trung vào công việc “Khoa học và Bàn phím máy tính” xung quanh Nhóm Tủ Sách Nhất Nghệ Tinh để cho ra đời những tác phẩm giáo dục nghề hữu ích cho cộng đồng. Các bạn trước đây đã và bây giờ đang thực hiện “lễ”.
Trước khi trình bày chữ lễ của Tiên sinh Matsushita Kônosuke trong Phần II, xin phép trình bày một chút về một đề tài liên quan gây tranh cãi gần đây: “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”, ám chỉ một sự đánh đổi của lễ để có được sáng tạo, như thể lễ và sáng tạo là hai tính chất đối kháng nhau. Ai muốn có sáng tạo phải từ bỏ lễ. Lễ bao gồm đạo đức cá nhân và xã hội để con người sống với chung với nhau. Ông Phan Chánh Dưỡng đã tóm tắt: “Chữ Lễ trong ‘Tiên học lễ hậu học văn’ không chỉ là lễ phép, lễ nghi, mà cũng không rộng mênh mông như chữ Lễ của Châu Công (Châu Lễ). Nó là quy phạm, tư tưởng, hành vi của con người đối với mọi mối quan hệ xã hội và thiên nhiên, nhằm bảo vệ quyền con người và trật tự cộng đồng xã hội, giữ gìn sự phát triển hài hòa của xã hội và thiên nhiên, giúp cho quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân và tập thể cũng tồn tại và phát triển, làm cơ sở hình thành một xã hội văn minh, hạnh phúc.” Lễ có thể được tu chỉnh theo thời gian cho thích hợp hơn, nhưng cốt lõi của nó không thể thay đổi bao lâu cộng đồng muốn sống chung hài hòa và văn minh.
Để xã hội phát triển văn minh và phồn vinh, chúng ta cần cả hai, lễ và sáng tạo. Chỉ có sáng tạo mà không có lễ, thì người Nhật có thể sẽ nói: “barbaric” (“man di”). Chỉ có lễ mà không có sáng tạo, kinh tế tất yếu sẽ bị tụt hậu. Điều đó dễ hiểu.
Lấy người Nhật thời Tokugawa trong giai đoạn đóng cửa từ đầu thế kỷ 17 đến 1868 làm thí dụ. Họ thiếu sáng tạo lắm hay sao? Hãy xem nền văn hóa Edo thời đóng kín này. Nó phát triển rực rỡ từng khiến cho thế giới phải ngỡ ngàng. Trong thời Minh Trị Duy Tân một phần lớn năng lượng sáng tạo chuyển trọng tâm vào việc sáng tạo một quốc gia hoàn toàn mới theo mô hình phương Tây. Thời Tokugawa, giới samurai cầm quyền Nhật Bản thấm nhuần Khổng giáo mạnh mẽ nhất, có lẽ hơn cả Việt Nam. Tại mỗi trường đại học thời Tokugawa đều có đền Khổng tử. Nhưng họ học Khổng giáo để có văn hóa, và học trong tinh thần tranh luận, sáng tạo chứ không rập khuôn. Họ không phải học để thi làm quan. Khẩu hiệu khai sáng của các nhà cải cách Nhật Bản Minh Trị là “Khoa học phương Tây, Đạo đức phương Đông”. Đó là đạo đức khổng giáo mà họ hết sức tự hào. Đây có lẽ là hiện tượng duy nhất tại các nước chịu ảnh hưởng Khổng giáo. Đạo đức đó cũng là một phần của tinh thần bushido. Nổi tiếng nhất là Học viện Kaitokudō tại trung tâm thương mại và ngân hàng Osaka lớn nhất, ảnh hưởng nhất, của cả Nhật Bản. Mục đích chính của trường là giáo dục đạo đức của các thương gia, là bàn về ý nghĩa sâu sắc của “đức hạnh” (virtue). Học viện được thành lập từ 1726 và kéo dài đến lúc chế độ Tokugawa sụp đổ năm 1868. Shibusawa Eiichi đã lớn lên tại khu vực này.
Các nhà lập quốc của Nhật Bản Minh Trị ngay từ đầu đã đặt đạo đức lên trên hết, bởi họ ý thức sâu sắc rằng, không có giềng mối đạo đức, xã hội có thể sẽ bị băng hoại bởi sự phát triển mới và sự du nhập các ý tưởng của phương Tây mà con người chưa làm chủ được. Nhà nước thành lập một ghế giáo sư năm 1893 tại Đại học Tokyo là đại học trung tâm của họ về môn đạo đức học (ringigaku), nhưng năm 1883 trước đó đã có quyển sách Một lý thuyết mới về đạo đức (Rinsi shinsetsu) luận bàn về đạo đức một cách quy mô do học giả Inoue Tetsujiro biên soạn, đánh dấu tầm quan trọng cho ngành đạo đức học trong thời đại mới. Chính quyền Minh Trị muốn có hình ảnh một đất nước ngang bằng với các quốc gia phương Tây, nghĩa là vừa phát triển vừa văn minh. Không văn minh thì họ vẫn chỉ “bán khai”, như Fukuzawa Yukichi thừa nhận, và họ không thể nào dám nhìn thẳng vào mặt các quốc gia phương Tây mà không thấy xấu hổ. Đạo đức bushido, lòng tự trọng, không cho phép họ thua kém.
Công việc xây dựng nền đạo đức mới không chỉ là việc của các học giả, mà của cả hệ thống chính trị, của hoàng đế, thủ tướng, của ngành giáo dục. Các học giả ringigaku như Inoue kêu gọi phải văn minh hóa các “tầng lớp dân chúng chưa được khai sáng”, từ vệ sinh đến cách ăn mặc và xử thế. Đó cũng là một cách để dân tộc có sự thống nhất.
Học sinh được rèn luyện đạo đức (shushin) từ nhỏ. “Pháp lệnh Đế chế về Giáo dục” năm 1890 có đoạn viết:
Hỡi các thần dân, hãy hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương đối với anh chị, hãy hoà thuận giữa vợ chồng, và chân thành với bè bạn; hãy sống khiêm tốn và điều độ, và vị tha đối với mọi người; theo đuổi sự học và vun xới nghệ thuật và khoa học, và qua đó phát triển các năng lực trí thức, hoàn thiện năng lực đạo đức; hơn nữa, phát triển cái tốt công, khuếch trương các quyền lợi chung. […]
Nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi thì phóng khoáng hơn. Ông không lấy hoàng đế làm mệnh lệnh đạo đức, như người phương Tây lấy Chúa, mà nhấn mạnh hai tính chất kết tinh của đạo đức ông quan niệm cho Nhật Bản: Tự trọng và Độc lập tinh thần như sau:
- Nhiệm vụ phổ quát của con người là nâng cao nhân phẩm anh ta lên, và phát triển những năng lực đạo đức, trí tuệ lên mức cao nhất, không bao giờ bằng lòng với mức độ phát triển đã đạt được, mà luôn luôn phải thúc đẩy đến những thành tựu cao hơn. Cho nên chúng tôi thúc giục, như là bổn phận đối với tất cả những ai có cùng niềm tin với chúng ta, rằng hãy nỗ lực trong mọi công việc để hoàn thành nhiệm vụ trọn vẹn như con người, và đặt vào trái tim mình những nguyên lý của Độc lập và Tự trọng như những kim chỉ nam của đời sống đạo đức.
- Ai gìn giữ được các nguyên lý của độc lập về Tinh thần lẫn Thân thể, biết quý trọng con người, giữ gìn nhân phẩm không bị hoen ố, chúng ta gọi anh ta là con người của độc lập và tự trọng.
Điều 1 và 2 trong Moral Code (“Tu thân yếu lĩnh”)[1]
Cha đẻ chủ nghĩa tư bản Nhật Bản, Shibusawa Eiichi, cũng đã từng tham gia vào việc hun đúc những phẩm chất đạo đức cho giới kinh doanh Nhật Bản đang lên, làm cho họ nhân bản, có trách nhiệm xã hội, quốc gia, thông qua triết lý nổi tiếng của ông “Luận ngữ và Bàn tính”. Tư tưởng ông sẽ có ảnh hưởng lâu dài lên giới doanh nhân Nhật Bản, đến cả hôm nay.[2] Ông là người thừa hưởng giáo dục của thời Tokugawa.
Người Nhật sẽ thành gì nếu bỏ hết những đạo đức đó? Họ sẽ chẳng còn chính danh là một dân tộc văn minh, dù họ giàu có đi nữa.
Ở phương Tây, học để làm người là một mối quan tâm lớn của giáo dục, và một người phát triển toàn diện. Nhà giáo dục Thụy Sỹ rất có ảnh hưởng Johann Heinrich Pestalozzi của thế kỷ XIX từng nói:
Mục đích của giáo dục không phải sản xuất ra các thợ may giỏi, thợ giày giỏi, buôn bán giỏi, hay chiến sĩ giỏi, mà để làm cho ra các thợ may, thợ giày, doanh nhân và chiến sĩ trước nhất thành người, theo nghĩa cao quý nhất của danh từ. Sống, và sống hạnh phúc trong cuộc đời, và trở thành một thành viên hữu ích của xã hội, là chân giá trị của con người, là mục tiêu của giáo dục trẻ em.[3]
Tương tự như thế với J. S. Mill: “Mục tiêu của đại học không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng, mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy), có văn hóa và nhạy cảm”, hay Wilhelm von Humboldt: “Chắc chắn có nhiều loại kiến thức nhất định, … và hơn nữa, có một loại giáo dục nhất định mà không thể thiếu cho mỗi người. Mỗi người rõ ràng chỉ có thể là một người thợ thủ công, một thương nhân, một người lính và một nhà kinh doanh tốt khi anh ta tự mình … là một người tốt, đứng đắn, một công dân được khai sáng…”
Về sáng tạo
Đạo đức châu Âu được xây dựng trên Kitô giáo là chính, đặc biệt trên Bài giảng trên núi và Mười điều răn. “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa. Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hãy trọng kính cha mẹ ngươi. Ngươi sẽ không giết người. Ngươi sẽ không trộm cắp. Ngươi sẽ không làm chứng gian cáo tội đồng loại. […] Nên hoàn hảo, như Cha các ngươi ở trên trời là Đấng hoàn hảo. Đừng khuôn rập theo đời này, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.”
Trong khi đó, đạo đức Tin lành nhấn mạnh sự dấn thân vào việc xây dựng cuộc sống trên thế gian như một mệnh lệnh của Thiên Chúa. Siêng năng, cần cù, tiết kiệm, sống theo “chủ nghĩa khổ hạnh-tại-thế” là những nét đặc trưng. Khổ hạnh trong lao động và trong nếp sống, chống lại sự cám dỗ của xác thịt, sự làm giàu như cứu cánh tự thân, sự tiêu pha phung phí, phô trương hào nhoáng; và sống khổ hạnh để tích lũy vốn đầu tư phát triển sản xuất. Thành công như thành quả của lao động nghề nghiệp là bằng chứng chúc phúc của Thiên Chúa, của sự chọn lựa của Chúa và sự được cứu rỗi. Đạo đức này là một yếu tố quan trọng trong sự thành công kinh tế của các vùng đất Tin lành trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản châu Âu tại các quốc gia như Anh, Hà Lan (thế kỷ 16, 17). (Max Weber)[4] Nếu mượn ý tưởng “Luận ngữ và Bàn tính” của Shibusawa, thì có thể nói, “Đức tin và Bàn tính” là kim chỉ nam của doanh nhân đạo Tin lành, một đức tin đã được thế tục hóa. Không những kinh tế phát triển tốt, mà giáo dục cũng thế. Để câu thông trực tiếp với Chúa, người Tin lành cần đọc được Kinh Thánh, và hiểu, nghĩa là phải có học.
Kitô giáo có rất nhiều quyền lực và ảnh hưởng, có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển nền văn minh phương Tây, nhưng cũng có một số ít tín điều bất khả xâm phạm cản trở việc phát triển khoa học. Người châu Âu không phải đợi có đầy đủ tự do tư tưởng mới sáng tạo. Ngược lại, chính sự sáng tạo của họ, và sự phấn đấu không ngừng đi tìm chân lý, đã từng bước tạo ra tự do, không phải không trả giá.
Tuy thế, châu Âu đã có văn hóa khoa học rất phát triển, được vun xới liên tục từ thế kỷ 11, 12 trở đi tại các đại học trung cổ qua giáo dục khai phóng, vì Nhà thờ quan niệm rằng, lý tính là công cụ giúp đem con người đến gần với Chúa hơn, người có lý tính sẽ hiểu Chúa nhiều hơn. Lý tính cũng như khoa học là những phương tiện để soi sáng thêm tôn giáo. Nền tảng của giáo dục là bảy môn nghệ thuật khai phóng (septem artes liberales), để sinh viên rèn luyện tư duy cho logic, khoa học và vun xới lý tính (reason) của họ. Những môn học này có tác dụng giúp giải phóng con người khỏi vô minh, làm cho họ tự do hơn, và là tiền đề cho sự phát triển khoa học và khám phá. Giáo dục khai phóng rèn luyện tính khoa học và độc lập trong tư duy, hai tính chất mà nhà khai sáng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi nhận ra là đặc thù của phương Tây, và thiếu vắng ở phương Đông Khổng giáo. Giáo dục này diễn ra dưới mái nhà của “một nhà thờ, một đức tin”. Nhưng khoa học qua đó đã có cuộc tiến hóa rất ngoạn mục để cuối cùng tự cởi trói mình khỏi những giới hạn của tôn giáo để trở thành một vương quốc tự nó, từ người hầu trở thành người khai sáng. Đó là sự can đảm hết sức của những nhà khoa học mộ đạo lúc bấy giờ. Từ các đại học họ được giáo dục yêu và đi tìm chân lý đích thực, và có dũng cảm bảo vệ nó. Và cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17 đã dẫn đến Thời đại của Lý tính và của Khai minh ảnh hưởng lên dòng phát triển của lịch sử nhân loại.
Văn hóa khoa học đóng vai trò rất quan trọng cho sáng tạo. Các khám phá thường diễn ra tại những vùng đất giàu loại văn hóa đó. Không thể một sinh viên dễ dàng trở thành một Newton hay Einstein ở một góc trời xa lạ với văn hóa đó. Thứ hai, sáng tạo tốt nhất cần đến văn hóa khoan dung (tolerance), tôn trọng những quyền căn bản và sở thích của công dân, điều John Locke thế kỷ 17 đã yêu cầu, để ý kiến khác biệt không còn là “dị giáo”. Thung lũng Silicon là một thí dụ gần chúng ta nhất.[5]
Sáng tạo cần sự học hỏi có tính học thuật sâu, và tư duy độc lập, phản biện, không chạy theo lề thói, có đủ tự do nội tâm và ngoại cảnh, và can đảm phát biểu. Khổng giáo ở Trung Quốc đã từng kềm hãm sáng tạo vì nó bị chính trị lạm dụng. Liên quan đến tinh thần tư duy độc lập, Albert Einstein đã viết:
Bởi vì, một cộng đồng của những con người được tiêu chuẩn hóa không có đặc tính cá nhân và mục tiêu riêng của nó sẽ là một cộng đồng nghèo nàn không có những năng lực phát triển. Ngược lại, mục đích phải là đào tạo những cá nhân biết tự hành động và tư duy độc lập, nhưng lại nhìn thấy nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời trong sự phục vụ cộng đồng.[6]
Đó là để giữ được tinh thần tư duy, cá tính độc lập, và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, phục vụ vừa cho sáng tạo, vừa cho “lễ”.
Lịch sử khoa học phương Tây cho thấy khó có cái gì là vĩnh cửu, và mọi “sự tin chắc (certainty) chính là bà mẹ của sự không-khoan dung”, cho nên khoan dung (tolerance) là một trong những đặc trưng của lý tưởng khai phóng-tự do. Lịch sử văn minh phương Tây là lịch sử của phê phán, truy vấn, tranh luận, đối thoại giữa những tiếng nói khác nhau, của sự tái diễn giải, tu chỉnh và khám phá bất tận. Đó cũng là văn hóa của đại học, với tư cách là “đỉnh cao – nơi hội tụ tất cả những hoạt động thể hiện nền văn hóa quốc gia” (Humboldt).
Thế giới cổ điển là thế giới của “trật tự”, “tất định”, trong khi thế giới của khoa học hiện đại là “hỗn độn”, không ngừng thay đổi và tự cách mạng. Nhưng chính “vùng cửa sông nơi mà trật tự cứng nhắc và sự hỗn độn gặp nhau” mới là nơi màu mỡ để tạo ra một loại giáo dục nhân văn mới “tinh xảo và sáng tạo”, mượn cách nói trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp.[7]
Để hiểu được những điều đó, và hơn thế nữa, cần giáo dục khai phóng mở rộng, cần đến Bildung, khái niệm giáo dục nhân văn của Humboldt, để giúp con người “tránh được những mỏm đá của sự ngu dại”.[8]
Adam Smith, Immanuel Kant và Đạo đức học
Nhưng khoa học, khám phá, sáng tạo, kinh doanh thôi chưa đủ mà chúng ta cần một cuộc khai sáng đạo đức: khai sáng về các “đức hạnh xã hội” – như lòng trắc ẩn (compassion), nhân từ (benevolence), mối thương cảm (sympathy). Từ thời ông, Adam Smith nổi tiếng như nhà kinh tế chính trị học, nhưng có lẽ ít ai để ý rằng ông cũng rất nổi tiếng như nhà triết học của đạo đức (moral philosopher). Tác phẩm Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết của Những tình cảm đạo đức, 1759), ra đời trước tác phẩm The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia, 1776) đến 17 năm, và được tái bản nhiều lần. “Lòng thương xót” (pity), “Lòng trắc ẩn”, hay “Lòng nhân từ”, “Mối thương cảm”, là những từ mà Smith đã dùng trong quyển sách đó để chỉ ra các phẩm chất cơ bản của bản chất con người tạo thành các tình cảm đạo đức của chúng ta. “Chính sự cảm nhận nhiều hơn cho người khác, ít hơn cho chúng ta, hạn chế sự ích kỷ, và có nhiều tình cảm nhân từ, là những tính chất làm thành sự hoàn hảo của bản chất con người.” Theo Smith, khu vực công được ngự trị bởi nguyên lý của công lý (justice) có tầm quan trọng thứ yếu so với khu vực tư, nơi những tình cảm của lòng thương cảm và từ tâm là quan trọng hàng đầu.[9] Trong Wealth of Nations, ông viết: “Xã hội không thể tồn tại giữa những kẻ luôn sẵn sàng làm tổn thương và hãm hại lẫn nhau”. Cuối đời, Adam Smith đã thêm vào Những tình cảm đạo đức một chương có tiêu đề: “Về sự thoái hóa của những tình cảm đạo đức của chúng ta, điều đã bị gây ra bởi khuynh hướng ngưỡng mộ người giàu và kẻ lớn, và khinh miệt hay bỏ quên những người sống nghèo khổ và khó khăn.” Có lẽ ông đã linh cảm những gì sẽ đến.
Trong khi đó, Immanuel Kant nhấn mạnh đến nhân phẩm bất khả xâm phạm của con người như một tiêu chí của đạo đức:
Trong trật tự của những mục đích, con người (và cùng với nó là mọi hữu thể có lý tính) là một Mục đích-tự thân, nghĩa là không bao giờ được phép sử dụng đơn thuần như một phương tiện bởi bất kỳ ai (kể cả bởi Thượng đế) nếu không đồng thời như một mục đích tự thân; vì vậy nhân tính trong con người của chúng ta phải thiêng liêng với chính chúng ta. Đó là các kết luận tự nhiên, bởi vì con người là Chủ thể của Luật luân lý, nói khác đi, của cái gì là thiêng liêng vì tự thân nó, và chỉ trong sự phù hợp với nó mà một cái gì đó mới có thể được gọi là thiêng liêng.[10]
Con người không thể bị đối xử như một phương tiện hèn mọn, mà phải như cứu cánh thiêng liêng. Phương châm của Kant: “Hành động theo cách mà bạn đối xử với nhân loại, cho dù với con người của bạn hay con người của người khác, luôn luôn đồng thời như một cứu cánh, và không bao giờ chỉ đơn thuần là một phương tiện.”[11]
Đạo đức, đối với Kant, là một “mệnh lệnh”, đòi hỏi sự tôn trọng (Achtung) đối với các con người khác, và cần ý chí tự do, nhưng quan trọng không kém là cần sự hỗ trợ của lý tính để khỏi bị sai lạc, để có năng lực phán đoán đâu là đúng, là sai. Có đạo đức, mới “xứng đáng được hưởng hạnh phúc”. Câu nói nổi tiếng của Kant trong tác phẩm Phê phán lý tính thực hành biểu lộ thái độ đạo đức của ông: “Hai điều tràn ngập tâm tư tôi với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: Bầu trời đầy sao trên đầu tôi, và quy luật luân lý ở trong tôi.” Ngưỡng mộ vũ trụ để thấy mình là một sinh linh nhỏ bé mà khiêm tốn. Còn luân lý giúp ông “khai mở một cuộc sống độc lập với các thú tính và cả với toàn bộ thế giới cảm giác” để trở thành một con người cao đẹp, theo đúng nghĩa Mensch. Con người cần có “cảm xúc đạo đức”, nếu không nó không thể trở thành người. Cho nên vun xới và nuôi dưỡng cảm xúc đạo đức là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng, như Kant nói, bất chấp cảm giác hay xu hướng, đạo đức cũng cần có lý tính hỗ trợ để phán đoán và suy xét, để khỏi bị biến dạng thành một loại “đạo đức phi lý tính” sai lệch nhằm phục vụ lợi ích giai cấp, vô tình hay cố ý, giống như sự ngưỡng mộ bầu trời đầy sao đã từng bị biến dạng thành chiêm tinh học, hay mê tín dị đoan, bởi thiếu khoa học và toán học hướng dẫn. Cho nên, khi con người đã bị biến thành cái máy tự động, hay chỉ còn biết hành động theo “bầy đàn”, mất đi tính tự chủ và lý tính để phán đoán, thì làm sao có thể nói đến đạo đức?
Một bên, Kant, tôn trọng nghĩa vụ để trở nên thực sự có đạo đức, và bên kia, đối với Smith, đạo đức nảy sinh từ sự cảm thông, khả năng hình dung đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác, tạo ra tình cảm nhân từ.
***
Hiện nay, qua nhiều biến động lịch sử, nền tảng đạo đức của xã hội Việt Nam đã mất mát khá nhiều truyền thống đạo đức tốt đẹp. Điều đó ai cũng thấy. Tòa nhà đạo đức có nhiều tầng mà ở những tầng cuối, văn hóa đạo đức còn nhiều sức sống sinh động, trong khi ở nhiều tầng trên thiếu đi ánh sáng và sinh khí, đôi khi đến lu mờ. Văn hóa khoa học, sáng tạo vẫn còn rất yếu ớt. Thiếu văn hóa khoa học thì “văn hóa mê tín” tràn lan, và tư duy sai lý tính, bất chấp sự thật hiển nhiên. Không có lý đủ lý tính giống như sống trong bóng tối, các loại quái vật của cái ác sẽ hiện ra, như một bức tranh của họa sĩ Goya minh họa.[12] Cho nên hơn bao giờ hết cần có giáo dục lý tính, đạo đức, giáo dục công dân cho phải đạo, phải lý, xây dựng “đạo” sống chung giữa con người, và thể hiện trách nhiệm đối với quốc gia, môi trường, cũng như cả đạo đức lao động, tính chân thật, liêm khiết, tôn trong sự thật và sự khác biệt, tôn trọng tài sản người khác, đặc biệt tài sản của nhân dân. Những dây chuyền tham nhũng khắp nước hiện nay không những tiêu hao tài sản to lớn của nhân dân, mà còn hủy hoại đạo đức của quốc gia đáng báo động. Người giàu có sử dụng tài sản một cách phung phí chỉ để phục vụ “chủ nghĩa khoái lạc” và tôn thờ cá nhân là thiếu lễ.
Ngày nay chữ lễ cũng có mối liên quan đến văn minh, tức lễ trên bình diện thế giới. Không hiểu biết văn hóa các quốc gia khác để hành xử cho đúng mực là “thiếu lễ”. Trong giao tiếp thế giới, cần phải thể hiện sự khiêm nhường, tinh tế và tỏ ra hiểu biết đúng mực, không thể chỉ biết mình, mà còn phải biết người. Lễ còn là những phép xã giao, ứng xử văn minh. Được người khác mở cửa cho mà mình không nói được hai chữ “cám ơn” là thiếu lễ, dù người mở cửa là ai, bất chấp tuổi tác lớn hay nhỏ hơn mình, hay màu da, quen hay lạ. Không giúp đỡ người khác giữa đường, cũng là thiếu lễ.
Xã hội có đạo đức của nó, và nhà nước cũng phải có đạo đức của nó, đối với nhân dân và với các quốc gia khác. Một dân tộc, quốc gia không có nền tảng đạo đức vững mạnh sẽ dễ dàng vong thân và hủy hoại. Một đảng cầm quyền cần một bộ đạo đức để có chính danh để lãnh đạo. Để cho dân tộc nghèo nàn lạc hậu là thiếu lễ; cũng như để đường xá nhem nhuốc, mất trật tự, vệ sinh, kênh rạch rác rưởi làm mất thể diện quốc gia là thiếu lễ.
Lễ cũng thay đổi theo thời chứ không đứng yên. Thời Tokugawa phong kiến, lễ đa số dành cho giới samurai cầm quyền, quý tộc, bao gồm một tỷ lệ khoảng 6 % dân số, cũng như một số ít dân thường. Nhưng đến thời Minh Trị đổi mới, lễ đã mở rộng. Khi lên nắm quyền, những người samurai không những không củng cố quyền lực và vị thế của họ thành một cái gì độc tài riêng cho họ, điều họ có đầy đủ quyền lực để làm vì họ đã lật đổ được chế độ Mạc Phủ suy đồi và bất lực trong việc đối phó với nguy cơ phương Tây đang tràn tới, nhưng hoàn toàn ngược lại, họ đã dùng luật pháp để xóa bỏ vĩnh viễn giai cấp và những đặc quyền của họ, để mở cánh cửa công bằng và bình đẳng đến mọi công dân, ai cũng có quyền đóng góp như nhau, trong bộ máy nhà nước lãnh đạo đất nước cũng như trong hoạt động kinh doanh. Chữ lễ đã được mở rộng đến toàn dân, tạo nên sức mạnh to lớn cần thiết cho cuộc chấn hưng. Rào cản phong kiến đã vĩnh viễn bị xóa bỏ, vì lợi ích quốc gia tối thượng. Họ cũng sẽ không thể gọi là “văn minh và khai sáng” (bunmei kaika) như các quốc gia phương Tây, điều họ muốn trong cuộc chạy đua để bắt kịp, nếu không có chế độ dân chủ. Shibuzawa cũng là người tranh đấu cho sự bình đẳng giữa quan chức và doanh nhân. Doanh nhân không có lý do gì để “khiếp sợ” quan chức cả. Mỗi người thủ một vai không thể thiếu.
Ở châu Âu cũng vậy sau các cuộc chiến tranh chinh phục của Napoleon. Các quốc gia quân chủ buộc phải mở cửa tự do, tức cái lễ, cho nhân dân nhiều hơn, cánh cửa khải hoàn được mở rộng cho thiên tài bất cứ từ đâu đến, và cho các lực lượng công dân. Mọi uy quyền hàm chứa sự kềm hãm sức sống và sáng tạo quốc gia là thiếu lễ và không thể biện minh, đồng thời mang trong mình nguy cơ mục ruỗng trước sự đang lên như vũ bão của các quốc gia khác trên vũ đài thế giới. Sự vô cảm trước nhu cầu đổi mới bứt thiết để quốc gia để nhanh chóng tiến lên, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu là vô cùng thiếu lễ.
Hiện nay đạo đức “truyền thống” còn nhiều chỗ rườm rà chưa hợp lý, cần phải được tu chỉnh cho hợp lý, dân chủ hơn giữa các chủ thể, trong gia đình giữa vợ-chồng, bố mẹ-con cái, cũng như trong quốc gia giữa nhà nước-công dân. Nó cần được dân chủ, minh bạch và bình đẳng hơn. Thiếu dân chủ là thiếu lễ. Thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, quốc gia là thiếu lễ. Gây tổn hại dưới mọi hình thức, vật chất cũng như tinh thần, cho người khác còn tệ hại hơn. Việc bắt trẻ em “khoanh tay cúi đầu” khi chào người lớn chẳng hạn, theo thiển ý, là cái lễ thái quá đối với người lớn, để làm vừa lòng người lớn, nhưng có thể gây tai hại về tâm lý cho trẻ em, như mặc cảm thấp kém và tự ti, khiến cho chúng sẽ xa lánh giao tiếp với người lớn. Ngôn ngữ Việt Nam cũng hàm chứa quá tôn ti trật tự, kềm hãm sự phát triển tự nhiên giữa người và người. Có nhiều đại danh từ riêng mà thiếu cái chung, khiến cho giao tiếp xã hội khó khăn. Còn nhiều thứ khác rất đáng nói.
Ý thức được nhiệm vụ của quốc gia là lễ, như Fukuzawa nói ở trên: nâng cao nhân phẩm anh ta lên, và phát triển những năng lực đạo đức, trí tuệ lên mức cao nhất, không bao giờ bằng lòng với mức độ phát triển đã đạt được, mà luôn luôn phải thúc đẩy đến những thành tựu cao hơn; biết quý trọng con người, giữ gìn nhân phẩm không bị hoen ố. Tất cả phẩm chất đó đều xuất phát từ lòng tự trọng ngút ngàn, tự trọng cá nhân và tự trọng dân tộc, một đặc tính của những người samurai. Dân tộc Việt Nam cũng có những thời không thiếu lòng tự trọng, đứng lên bất chấp hy sinh để giành lại độc lập, tự do, nhưng nay có nguy cơ đánh mất lòng tự trọng đó. Kẻ thù nước ngoài thì hữu hình, dễ thấy và chiến đấu, còn “kẻ thù phong kiến, lạc hậu” bên trong thì vô hình, khó thấy hơn, bởi nó nấp trong chủ thể kia và được che chở êm ấm. Bao lâu không có kẻ thù hữu hình, thì kẻ thù bên trong trỗi dậy, che mất ý thức phải nỗ lực bắt kịp với người để khỏi phải đổ nhiều máu xương lần nữa. Chỉ có lòng yêu nước thương nòi đủ mạnh và tầm nhìn xa, hiểu biết rộng, vượt khỏi những lợi ích cá nhân hay phe nhóm như người Nhật Bản Minh Trị từng làm, mới khắc phục được kẻ thù bên trong để thay đổi cả vận mệnh của dân tộc cho tốt hơn.
Những ai có được ân huệ làm người thông minh (intelligent) và có học thức (educated) nên tỏ ra có trách nhiệm đạo lý (moral obligation) nhiều hơn trong việc khai sáng cho xã hội. Giới trí thức, đạo đức Việt Nam, cũng nên làm như thế một cách chuyên nghiệp, để soi sáng vai trò đạo đức trong cuộc chấn hưng quốc gia, giống như những nhà cải cách Minh Trị từng làm. Đơn giản vứt bỏ chậu nước có nghĩa là vứt bỏ cả đứa bé trong đó. Tuy chỉ sự học lễ thôi chưa đủ để bảo đảm bộ máy nhà nước trong sạch, như người ta thường nghĩ, nếu không thay đổi cơ chế và các luật chơi vốn đóng kín, dành quá nhiều độc quyền cho những thành viên trong đó, ánh sáng công lý và công chúng khó lọt vào. Điều đó đúng. Nhưng vứt bỏ học lễ là nguy hiểm cho cả thế hệ, cũng như dùng một số lễ lỗi thời để trói buộc sự tiến bộ quốc gia là nguy hiểm không kém, là thiếu lễ. Không ý thức thiếu lễ là lạc hậu về văn minh đối với thế giới. Thiếu lễ, như theo những điều nói ở trên, chúng ta không thể tự hào là dân tộc văn hóa hay văn minh.
Bây giờ xin quý độc giả xem quan điểm về lễ của Matsushita Kônosuke ở Phần II, nhà sáng lập Công ty Panasonic, một doanh nhân lớn, nhưng rất thấm nhuần lễ như cái “đạo” của con người đối với con người, xã hội và trời đất. Tất cả đều có liên hệ với nhau. Bài rất đáng được tham khảo. Đây là một tấm gương cho doanh nhân Việt Nam.
Nguyễn Xuân Xanh 28. 11. và Giáng Sinh 2021
_____