Thời gian gần đây, mô hình giáo dục thế kỷ XXI – giáo dục tri thức đang được nhắc đến như một xu thế chung của nền giáo dục hiện đại. Khi đó, các hình thái giáo dục truyền thống với bảng đen, tập vở sẽ được thay thế bởi công nghệ thông tin với internet và các thiết bị thông minh. Học sinh trở thành trung tâm, chủ động tìm kiếm kiến thức với sự trợ giúp của giáo viên và các thiết bị công nghệ.
Trong khi các trường phổ thông, trung học trên cả nước vẫn chưa sẵn sàng ứng dụng mô hình giáo dục thế kỷ XXI thì Trung tâm ngoại ngữ cao cấp ILA đã quyết định triển khai trên toàn hệ thống với 13 trung tâm đào tạo hiện có trên toàn quốc và 15 trung tâm dự kiến sẽ được mở đến hết năm 2015.
Trong buổi họp báo được tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua, bà Trần Xuân Dzu, Tổng giám đốc ILA đã thể hiện rõ quyết tâm mang đến một nền giáo dục hiện đại, chuyên nghiệp cho học sinh. Buổi trò chuyện với bà Trần Xuân Dzu cho chúng ta một cái nhìn mới về tấm lòng của một nhà đầu tư giáo dục.
Vì sao bà quyết tâm đưa mô hình giáo dục thế kỷ XXI vào hệ thống ILA, mô hình mới chỉ được áp dụng vào một số trường đại học và trường quốc tế?
Tôi tin rằng việc ứng dụng thành công mô hình giáo dục mới này không quá tầm đối với ILA. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin thực sự đã thay đổi mọi mặt của cuộc sống, nhất là giáo dục.
Khi đi thăm những trường học ứng dụng mô hình giáo dục của thế kỷ XXI ở Hồng Kông cũng như tham dự các hội thảo về giáo dục ở Anh, Mỹ và các nước trong khu vực, tôi nhận thấy quả thực chúng ta đang thiếu một môi trường học tập hiện đại, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học.
Đúng là mô hình giáo dục mới khi ứng dụng vào các trường đại học, trường quốc tế… sẽ thuận tiện và dễ thành công hơn ở ILA, nơi học viên chỉ gặp giáo viên vài tiếng mỗi tuần. Tuy nhiên, chúng tôi có lợi thế là cơ hội tiếp cận hàng chục ngàn lượt học sinh mỗi năm nên chúng tôi tự tin mang đến cho các em việc được tiếp cận và trải nghiệm với mô hình học tập mới này – một môi trường học tập làm hài lòng cả học sinh lẫn phụ huynh.
Là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng mô hình giảng dạy mới này, hẳn ILA sẽ gặp rất nhiều khó khăn?
Khó chứ không phải là không thể. Từ khi thành lập đến nay, ILA luôn là đơn vị tiên phong trong nhiều hoạt động, chẳng hạn như đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại hay sử dụng 100% giáo viên nước ngoài.
Cách đây hơn mười năm, nhiều người không tin rằng giáo viên nước ngoài có thể dạy tiếng Anh cho người Việt, đặc biệt là cho trẻ em. ILA đã thuyết phục mọi người bằng kết quả tiếng Anh vượt bậc của tất cả học viên. Lần này, ILA tự hào là đơn vị tiên phong ứng dụng mô hình giáo dục mới này.
Và trong hình dung của bà, lớp học tương lai của ILA sẽ như thế nào khi ứng dụng mô hình thế kỵ XXI?
Lớp học ILA sẽ là một không gian mở nơi mà học viên sẽ đóng vai trò trung tâm, sử dụng tiếng Anh hiệu quả, tự tin. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị học tập hiện đại như bảng điện tử tương tác, máy tính bảng… và sự hướng dẫn của giáo viên, học viên chủ động tìm kiếm thông tin, làm bài tập độc lập hoặc theo nhóm.
Các em cũng được tham gia các hoạt động để phát huy tài năng cũng như xây dựng những kỹ năng mềm trong cuộc sống qua các câu lạc bộ, các cuộc thi tìm kiếm tài năng…
Không ít bậc phụ huynh lo ngại về việc cho con tiếp cận sớm với các thiết bị thông tin hiện đại. ILA sẽ thuyết phục họ như thế nào?
Phụ huynh ít nhiều sẽ cảm thấy quan ngại khi cho trẻ làm quen với internet và các thiết bị thông minh như máy tính bảng, smartphone… nhưng đó đã là xu thế phát triển của thời đại.
Để thuyết phục phụ huynh, ILA sẽ tạo điều kiện cho phụ huynh tương tác với học sinh và giáo viên, nắm rõ giáo trình, cách dạy của giáo viên và thành quả của học sinh. Việc sử dụng internet, máy tính bảng, smartphone… chỉ trong khuôn khổ phục vụ cho việc học và có thể dễ dàng kiểm soát bằng những phần mềm chuyên biệt phù hợp với nhu cầu từng lứa tuổi học sinh. Tôi tin rằng với cách làm này, phụ huynh sẽ luôn an tâm khi cho con theo học tại ILA.
Việc đầu tư về công nghệ hẳn là đơn giản hơn nhiều so với việc đầu tư về lực lượng giảng dạy, những người trực tiếp đưa nền giáo dục thế kỵ XXI đến với học sinh…
Đúng vậy. Với nền giáo dục hiện đại thì giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức, thông tin đơn thuần mà còn là người có đầy đủ sự tự tin, kinh nghiệm và tương tác tốt với học sinh. Người giáo viên lúc này vừa lùi lại, nhường sân cho các học sinh, vừa tiến lên qua học hỏi công nghệ và kiến thức mới.
Vì vậy, chúng tôi đã và đang mời các chuyên gia từ nước ngoài sang đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ nhân lực của ILA, không chỉ cho giáo viên mà còn gần 40 giám đốc học vụ, những người giám sát về công tác giảng dạy của giáo viên. Có lẽ cũng sẽ mất không ít thời gian nhưng việc làm này sẽ là một nền tảng vững chắc cho công tác đào tạo của ILA.
Việc tập trung rất nhiều chi phí cho việc đầu tư về trang thiết bị và nhân lực liệu có phải là lựa chọn đúng trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay?
Người làm kinh doanh không chỉ cần có tầm mà cần có cả cái tâm, nhất là người làm giáo dục. Nếu cứ chăm chăm vào lợi nhuận, chắc chắn doanh nghiệp không thể phát triển bền vững được.
Cũng như các nhà đầu tư khác, ILA cũng cần có chiến lược nhằm thu lợi nhuận để duy trì doanh nghiệp. Tuy nhiên, cái chúng tôi nhắm đến là các chiến lược đường dài. Còn mục tiêu trước mắt chính là sự hài lòng của học sinh và sự tin tưởng của phụ huynh.
Không chỉ có ban lãnh đạo, mà tất cả các thành viên ILA đều xem học viên là mối quan tâm duy nhất và lớn nhất – chúng tôi làm việc bằng tất cả sự yêu thương, lòng chân thành và niềm tin về một nền giáo dục tiên tiến.
Với kinh nghiệm lâu năm gắn bó với ILA và ngành giáo dục, theo bà thì đâu là điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư về giáo dục?
Theo tôi, điều quan trọng nhất khi đầu tư vào lĩnh vực này là tạo ra một môi trường giáo dục không chỉ đảm bảo hiệu quả học tập mà còn tạo kích thích được sự hứng thú, năng động của học sinh trong việc nghiên cứu và khám phá thế giới. Đầu tư về giáo dục không thể đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà luôn hướng đến kết quả đào tạo ra những con người có tri thức, tầm nhìn và có tình yêu đối với cộng đồng.
Chính vì vậy, ILA đang xây dựng chuỗi hoạt động “We Care & Share”hướng đến việc xây dựng môi trường giáo dục tiên tiến, nơi người học trở thành trung tâm chủ động tiếp cận nguồn kiến thức, nâng cao nhiều kỹ năng mềm để thành công hơn trong cuộc sống. Đồng thời, “We Care & Share” cũng có nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng nhằm khơi gợi tinh thần tương thân tương ái hơn.
Những hoạt động cộng đồng trong thời gian qua có thu hút được nhiều học viên tham gia?
Kết quả các hoạt động cộng đồng trong thời gian qua thành công ngoài mong đợi của chúng tôi. Thật vui vì các chuyến từ thiện dù chỉ tổ chức vào ngày cuối tuần hoặc ngày lễ nhưng vẫn thu hút được đông đảo học viên tham gia, nhất là các em nhỏ tuổi. Chúng tôi cho rằng những câu chuyện sẻ chia thực tế sẽ có giá trị sâu sắc hơn những bài học đạo đức trên tập vở.
Chúng ta cần những con người vừa có tài vừa có tâm để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Bài học về sự đón nhận – chia sẻ từ câu chuyện biển hồ Galilee nổi tiếng (Palestine) là điều mà ILA luôn muốn mang lại cho mọi người.
Hai biển hồ cùng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan nhưng một biển hồ chỉ giữ lại nguồn nước cho riêng mình nên nước hồ trở nên bẩn và mặn chát, không có sự sống nào bên trong và xung quanh hồ (biển Chết), còn biển hồ thứ hai chia sẻ nước cho các con sông, lạch nhỏ hơn nên nguồn nước trong hồ luôn trong mát, ngọt ngào, mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người (biển hồ Galilee).
ILA sẽ mãi là một nguồn nước trong xanh mang đến những gì tốt đẹp, gần gũi mà ý nghĩa nhất cho từng phụ huynh, từng học viên trong suốt hành trình chinh phục tiếng Anh để tự tin chiếm lĩnh vị thế công dân toàn cầu.
Cảm ơn bà về những chia sẻ trên. Chúc ILA thành công với “We Care & Share”.