Arles thuộc tỉnh Bouches-du-Rhône trong vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur của Pháp. Với lịch sử hơn 2.500 năm, đây là một trong những thành phố cổ nổi tiếng ở châu Âu, năm 1981 được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới nhờ các công trình được xây dựng từ thời La Mã vẫn tồn tại đến ngày nay.
Arles nằm trong vùng khí hậu Địa Trung Hải, vào mùa đông và mùa xuân thường có gió lạnh và khô, còn mùa hè mát mẻ, thu hút đông đảo khách tham quan. Cùng với kinh đô ánh sáng Paris, Arles hiện là thành phố của Pháp có nhiều du khách đến thăm nhất. Vào đúng mùa du lịch, Arles luôn chật kín du khách quốc tế. Họ đến không chỉ để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo của thành phố La Mã bên bờ Địa Trung Hải, mà còn tận hưởng không khí lễ hội đặc sắc tại đây.
Di sản của người La Mã
Mùa hè vừa qua, nhân dịp đi dự đám cưới một người bạn ở Montpellier, cách Paris khoảng ba tiếng rưỡi đi xe lửa, chúng tôi quyết định ngồi xe buýt thêm một giờ nữa để đến Arles thăm Edouard – một anh bạn vì mê kiến trúc La Mã mà quyết định dọn đến vùng này chưa lâu.
Arles có hệ thống giao thông khá thuận tiện. Xung quanh thành phố có sáu sân bay nối Arles với nhiều thành phố ở châu Âu như Athens, Amsterdam, Berlin, Brussels, Rome, Vienna, Lisbon… Trạm xe lửa cách trung tâm thành phố chừng chục phút đi bộ có chuyến xe tới Avignon mất 20 phút, tới Marseille mất 50 phút. Trạm xe buýt chính nằm ở Boulevard de Lices – trung tâm thành phố – có các tuyến xe tỏa đi khắp các hướng. Các công trình kiến trúc cổ ở Arles nằm tương đối gần nhau, do vậy đi bộ là cách tuyệt nhất để khám phá thành phố.
Trong suốt quá trình phát triển, Arles trải qua nhiều thăng trầm. Được người Ai Cập lập ra vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, đến năm 535 trước Công nguyên, Arles rơi vào tay người Celtic Salluvii và được đổi tên thành Arelate. Năm 123 trước Công nguyên, người La Mã chiếm đóng nơi này và xây dựng một kênh đào nối với Địa Trung Hải. Từ đó, Arles trở thành hải cảng quan trọng nối Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Năm 46 trước Công nguyên, hoàng đế La Mã Julius Caesar cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc quan trọng như quảng trường chính, đấu trường, nhà thờ, nhà hát, khu lăng mộ, rạp xiếc… Thế kỷ thứ XII, đô thị này trở thành vương quốc của người Tây Ban Nha, sau đó là thuộc địa của người Đức. Năm 1378, hoàng đế Charles IV của đế chế La Mã đã tặng Arles lại cho Pháp…
Công trình La Mã nổi tiếng nhất ở Arles là đấu trường Arène, được xây dựng ở phía bắc thành phố vào những năm 70-80 của thế kỷ thứ I. Đấu trường uốn hai tầng, cao 136m, chứa được 26 ngàn khán giả. Sàn đấu hình oval, có 34 hàng ghế ngồi bằng gỗ gắn trên nền đá, cầu thang và hành lang được thiết kế thông minh để tạo lối thoát nhanh nhất. Mặt tiền có dãy cuốn đôi với 60 cửa tò vò, mỗi cửa rộng khoảng ba hoặc bốn thước. Đến thế kỷ thứ V, đấu trường trở thành nơi sinh sống của người dân Arles và được xem như một pháo đài với nhiều tháp canh, sau này phần lớn các tháp bị phá hủy, hiện chỉ còn lại ba tháp. Cho đến nay, đấu trường Arène vẫn được sử dụng để tổ chức các trận đấu bò tót, đua ngựa, hòa nhạc… Người bảo vệ của Arène làm việc ở nơi này hơn 30 năm đã kể cho chúng tôi nghe về lịch sử và tỏ ra rất “ghiền” những trận đấu bò đầy kịch tính, những cuộc đua ngựa hào hứng hay những buổi hòa nhạc mang đậm phong cách địa phương. Ông còn hãnh diện cho chúng tôi biết rằng các trận đấu bò diễn ra theo cách của vùng Provence rất căng thẳng nhưng nhân đạo vì sau khi kết thúc, bò không bị giết như ở những đấu trường khác.
Chúng tôi chậm rãi bước lên tầng 2, đến dãy hành lang bằng đá uốn lượn dẫn qua những ô cửa để nhìn ra bầu trời xanh biếc ngập tràn nắng gió. Phía dưới là những dãy phố cổ đều thẳng tắp, những khu phố đi bộ nhỏ xinh, những vỉa hè xếp đầy bàn ghế cho du khách ngồi uống cà phê. Có lẽ đây là một trong những điểm lý tưởng nhất để ngắm toàn cảnh Arles.
Một công trình cổ mang đậm đặc trưng văn hóa của Arles là Nhà hát La Mã, cũng được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ I, có sức chứa 8.000 người với 33 hàng ghế ngồi. Thuở ban đầu, nhà hát được lát đá cẩm thạch xanh và đỏ, trang trí bằng nhiều tượng điêu khắc. Đến thời Trung cổ, nhà hát bị bỏ hoang và người ta bóc lấy đá để xây tường thành. Ngày nay, nhà hát chỉ còn hai cột trụ còn nguyên vẹn giữa rất nhiều mấu cột. Các cuộc khai quật tại đây đã tìm thấy nhiều bức tượng cổ, trong đó tiêu biểu là bức tượng Thần Vệ nữ vùng Arles được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris. Ngày nay, vào tháng 7 hằng năm, nơi đây luôn diễn ra lễ hội nhạc kịch của thành phố. Từ đây có vài con đường nhỏ dẫn đến phố chính được lót đá đẽo hình bầu dục từ thời Trung cổ.
Cột trụ La Mã phía trước tòa thị chính của Arles cũng là một công trình đẹp. Công trình này được xây dựng vào thế kỷ thứ IV, cao 20m, được lát bằng đá granite đỏ. Năm 1676, cột trụ được trùng tu, đặt trước tòa thị chính cùng rất nhiều các dấu tích khác của kiến trúc thời La Mã.
Nhà thờ St. Trophime được xây dựng trên nền một nhà thờ cổ La Mã cũng là một điểm tham quan đặc biệt ở Arles. Gian giữa nhà thờ cao cũng khoảng 20m, các gian thấp hơn bao xung quanh. Nhà thờ có nhiều cửa sổ nhỏ và cao, bên trong đặt những bức tượng các vị thánh trong lịch sử Arles được điêu khắc khá sống động, mỗi tượng được ngăn cách bằng một cột đá xám, chân cột được trang trí bằng các tượng sư tử. Góp thêm vào nét đặc sắc của nhà thờ này là phần mấu và chân của hàng cột ở các dãy hành lang cũng được trang trí bằng nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo.
Bảo tàng Khảo cổ học của Arles nằm trong một tòa nhà hiện đại, được thiết kế và xây dựng hồi năm 1995, chứa đựng một bộ sưu tập lớn các cổ vật, bao gồm nhiều tác phẩm điêu khắc La Mã được khai quật chính tại đây.
Những dấu ấn không phai nhòa của Van Gogh
Arles còn là nơi tạo cảm hứng cho họa sĩ lừng danh Van Gogh. Những người yêu thích các tác phẩm của danh họa nổi tiếng này sẽ cảm thấy thật sự hứng thú khi luôn dễ dàng bắt gặp điều gì đó liên quan hoặc gợi nhớ về ông trên đường phố. Tên ông được đặt cho đại lộ, cho trường đại học, trường trung học. Loại cây trắc bá xuất hiện trong tranh của ông cũng được lấy làm biểu tượng của thành phố và xuất hiện trên cả những tấm bưu thiếp. Tất nhiên, trải nghiệm thú vị nhất là khi thăm Bảo tàng Van Gogh, nằm ngay trong khu phố cổ.
Hồi cuối thế kỷ thứ XIX, Van Gogh đã từng sống ở đây trong vòng 15 tháng và sáng tác hơn ba trăm bức tranh sơn dầu, trong đó có nhiều tuyệt phẩm về hoa hướng dương mà hiện được chào giá rất cao. Ông say mê mảnh đất này bởi ánh nắng rực rỡ và khung cảnh tươi sáng của đồng cỏ, những khu phố hẹp, thanh bình mà vẫn không ngớt người qua lại. Mặc dù phòng trưng bày tranh Van Gogh ở Arles thường xuyên hiện diện ít nhất một tác phẩm được mượn từ Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, nhưng đáng tiếc là thành phố này lại không sở hữu những bức tranh mà ông tạo ra ở đây. Để phục vụ cho du khách hâm mộ họa sĩ tài năng người Hà Lan, các nhà làm dịch vụ giải trí có sáng kiến tổ chức hẳn một tour “Theo dấu chân Van Gogh”. Người ta thiết kế khoảng chục “giá vẽ” bằng xi măng và thép, trên đó trưng bày hình chụp lại bức tranh tại nơi mà Van Gogh chọn làm bối cảnh để vẽ tranh. Đi theo tour này, du khách có thể hình dung ra những gì Van Gogh đã nhìn thấy và thể hiện lại trên tranh ra sao, trong đó hai bức nổi tiếng hơn cả là Starry Night Over the Rhone (tạm dịch: Đêm sao trên sông Rhone) và Café Terrace on the Place du Forum, Arles, at Night (Sân hiên quán cà phê ban đêm). Chúng tôi đã được hướng dẫn viên tour kể cho nghe về quãng thời gian Van Gogh sống tại thành phố này cùng những giai thoại về ông, kể cả chuyện Van Gogh tự cắt tai tặng cho một cô gái làng chơi.
Theo hành trình này còn là dịp để du khách thưởng thức những món ăn đậm chất địa phương, thường là các món nấu từ rau củ tươi và ôliu. Arles có hàng trăm cửa hàng bán đồ lưu niệm rải rác khắp nơi trong thành phố. Ngoài các mặt hàng nổi tiếng của Arles như thời trang cao cấp, nữ trang hoặc đồ thủ công mỹ nghệ, du khách còn có thể chọn mua các bức tượng bằng đất nung rất đặc sắc để làm quà lưu niệm.
Chúng tôi phát hiện ra rằng có thể thuê xe đạp để khám phá phong cảnh thanh bình Arles và vùng phụ cận, nhưng do thời gian không có nhiều, đành bấm bụng hẹn lần khác. Nhỏ nhắn nhưng đặc sắc và ấm cúng, Arles để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng thật đẹp.