Tỷ lệ lạm phát giảm, cán cân thương mại không còn thâm hụt khiến áp lực lên tiền đồng giảm đi, tuy nhiên mấy tháng vừa qua tình hình lạm phát dường như nóng trở lại khi một số chi phí và dịch vụ tăng đột biến. Cộng thêm việc hệ thống ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tái cấu trúc, có ngân hàng vốn chủ sở hữu đã thấp hơn vốn điều lệ… nên lãi suất khó thể giảm trong ngắn hạn và tỷ giá USD/VNĐ có thể sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, một khi ưu thế về giá nhân công rẻ và tỷ lệ lao động trẻ không còn ở mức đỉnh cao, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trước áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự cải cách triệt để nhằm thích ứng với những thay đổi và thách thức mới, đặc biệt là phải tập trung vào cải cách doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, hạn chế nguy cơ sụt giảm tăng trưởng GDP trong dài hạn.
Trong khi đó, đề án thành lập công ty mua bán tài sản để xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo, với một loạt nhóm giải pháp liên quan đến sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành. Có khả năng đề án này sẽ được triển khai trong tháng tới và có quy mô ban đầu khoảng 100.000 tỉ đồng. Khi đi vào hoạt động, công ty này sẽ mua đứt một lượng lớn nợ xấu của các ngân hàng, từ đó giúp giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu, bước đầu khai thông nguồn vốn cho xã hội. Trước mắt sẽ xử lý các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản và không loại trừ khả năng số tiền bán nợ mà các tổ chức tín dụng nhận được là trái phiếu hoặc các giấy tờ có giá khác do Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước phát hành.
Trong số các thông tin liên quan đến kinh tế vĩ mô, thì thông tin lượng kiều hối năm nay có thể đạt 10 tỉ USD thực sự là một tin vui. Lượng ngoại tệ chuyển về Việt Nam để đầu tư so với năm trước có giảm, trong khi kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động lại tăng lên. Hiện có trên bốn triệu người Việt ở nước ngoài, trong đó có khoảng 400 ngàn lao động xuất khẩu đang sinh sống, làm việc tại hơn một trăm quốc gia. Kiều hối từ lâu đã được coi là một nguồn lực quan trọng của nước ta. Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, nước ta hiện xếp thứ chín về lượng kiều hối trong số các nước đang phát triển. Năm 2011, lượng kiều hối chuyển về nước đã có thể cân đối được đến 92% chênh lệch của cán cân thương mại và điều đáng mừng là lượng kiều hối luôn có dấu hiệu năm sau cao hơn năm trước.
Lượng kiều hối từ Mỹ vẫn chiếm một tỷ trọng lớn. Lãi suất tiền gửi USD trong nước dù giảm còn 2%/năm, thị trường chứng khoán, bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục… thì so với lãi suất tiền gửi tại Mỹ (khoảng 0,35%/năm) vẫn còn cao hơn nhiều, nên việc kiều bào chuyển tiền về nước đầu tư bên cạnh khoản trợ giúp cho người thân cũng là điều dễ lý giải. Rồi người được nhận tiền ở trong nước dùng ngoại tệ đó để gửi tiết kiệm USD hoặc chuyển sang tiền đồng, giúp cho cung ngoại tệ của các ngân hàng tăng lên, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối nhiều tháng qua không ngừng tăng lên, đem đến sự thặng dư trong cán cân thanh toán tổng thể cũng có phần đóng góp không nhỏ từ kiều hối.
Minh Hằng