Cả diễn viên chuyên nghiệp lẫn không chuyên, mỗi người đều mang lại cái hay riêng trong một bộ phim nhiều đất diễn tâm lý lẫn hành động.
Phạm Anh Khoa, một tay ngang hoàn toàn với nghệ thuật thứ bảy, lần đầu đảm đương một vai chính dài hơi, chiếm đến hơn 80% thời lượng của bộ phim. Đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Huy đã nghĩ đến Anh Khoa từ khi viết kịch bản phim này và anh hầu như không mất thêm thời gian để lựa chọn vai chính cho Đường đua.
May mắn đầu tiên của Phạm Anh Khoa là gương mặt đẹp góc cạnh và thể hình rắn chắc gần như chuẩn xác để trở thành Lộc, một vận động viên điền kinh. Ngoại trừ việc Khoa phải hy sinh mái tóc dài gắn liền với hình ảnh rocker của mình trong nhiều năm liền đi hát, hầu như anh không phải hóa trang gì nhiều để thực hiện những cảnh quay của Đường đua.
Nhưng chính phần nội tâm đa dạng bên trong một vẻ ngoài có phần hiếu động mới chính là yếu tố để giúp Khoa trở thành Lộc một cách hoàn chỉnh. Vì thế, không thể nói không có phần nỗ lực rất nhiều của Phạm Anh Khoa trong việc hóa thân thành nhân vật có nội tâm và những chuyển biến tâm lý liên tục này. Đạo diễn cho biết, trong suốt những ngày quay các cảnh tâm lý nặng, hầu như anh trở thành một con người khác, không tiếp xúc với ai ngoại trừ đạo diễn và diễn viên Hồng Ánh. Chính Hồng Ánh là người đã truyền cho anh những kinh nghiệm, kỹ thuật biểu diễn quan trọng để thể hiện những cảnh quay “nước mắt”, khiến anh có thể vào vai rất ngọt. Có thể do nhiều phần Phạm Anh Khoa may mắn, sở hữu nhiều tố chất trùng hợp ngẫu nhiên với nhân vật. Nhưng trong diễn xuất, thật may mắn khi anh có một vai nặng ký đầu đời rất hay, diễn xuất vừa phải, chân thực, tạo được lòng tin cho khán giả. Người ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một gương mặt điện ảnh mới, nam tính, gai góc, nếu Khoa chọn con đường diễn xuất song song với sự nghiệp ca hát của mình và dành nhiều thời gian trau dồi nghề diễn một cách chuyên nghiệp hơn.
Bất ngờ tiếp theo trong Đường đua thuộc về Nhan Phúc Vinh. Nam diễn viên điển trai rũ bỏ hoàn toàn vẻ ngoài công tử, rất Hàn Quốc vốn quen thuộc trên sàn diễn thời trang và những bộ phim truyền hình anh từng tham gia để vào vai đại ca giang hồ máu lạnh. Nhân vật Hải là một vai khó diễn hay khi diễn rất dễ trở nên… “sến”, nếu không tìm được một lối diễn phớt đời, tỉnh rụi như Nhan Phúc Vinh suốt những cảnh quay của bộ phim này. Có thể nói, anh đã nâng diễn xuất của mình lên một đẳng cấp mới, khó hơn, thử thách hơn và thành công cũng lớn hơn rất nhiều sau một thời gian vào những vai “công tử” không có nhiều đột phá. Với vai Hải, Nhan Phúc Vinh diễn ác nhưng không có bậm môi trợn mắt, không có liếc mắt đanh đá, nhấn giọng ồm oàm như kiểu của các vai ác thường thấy trong phim Việt. Hải hay cười, cử chỉ khoan thai, hành động chậm rãi, điềm tĩnh uống trà trong lúc đàn em giết người…
Trong những thành công về mặt diễn xuất của Đường đua, không thể không nhắc đến đóng góp quan trọng của Trung Dân, Cát Tường, Quý Bình ba gương mặt bản lĩnh dày dạn không chỉ với phim truyền hình mà còn với sân khấu kịch nói chuyên nghiệp. Bản lĩnh và đẳng cấp trong diễn xuất thể hiện rất rõ trong phần đất diễn dù ít ỏi, họ vẫn biết cách làm cho mình tỏa sáng và ghi dấu ấn trong bộ phim lần này. Hạnh của Cát Tường xuất hiện khoảng bốn phân đoạn với những sắc thái rất khác nhau: bà chủ chợ đầu mối đanh đá, chua ngoa, người đàn bà si tình, tội nghiệp… Ba của Lộc qua diễn xuất biến hóa, điêu luyện của Trung Dân trong một đoạn diễn ngắn rất đẳng cấp, vừa cảm động vừa mang đến cho người xem những tràng cười thú vị giữa phim. Quý Bình trong một vai xuất hiện gần như ở vị trí khách mời cũng kịp thể hiện khả năng hóa thân vào vai phản diện sắc nét, có phần đĩnh đạc và chuyên nghiệp về mặt hình ảnh cũng như diễn xuất trên màn ảnh.
Ấn tượng của Đường đua là không chỉ giới thiệu với khán giả một ê-kíp làm phim trẻ có khả năng mà còn khẳng định được tài năng của các diễn viên trẻ. Tất cả như một tín hiệu vui cho sự phát triển điện ảnh nước nhà.
Mai Liên