Tuy nhiên trong năm 2013, có vẻ như vị thế của người Mỹ có phần bị lép vế hơn so với châu Âu khi chiếc A380 đang tỏ rõ sự thành công về mặt khai thác cũng như số lượng đặt hàng cùng với sự tung hoành kế tiếp của chiếc A350 so với những đau đầu gần đây của Boeing vì những trục trặc triền miên của chiếc B787 – Dreamliner. Không chỉ thắng lớn tại các dự án hiện tại mà với những kế hoạch phát triển cho tương lai dường như Airbus cũng đang tỏ ra “đi trước”.
Chiếc A350 XWB đầu tiên của Airbus đã hoàn tất hơn 300 giờ bay thử. Công ty hy vọng sẽ có thêm năm chiếc bay thử vào năm tới để nâng tổng số giờ bay kiểm tra lên 2.500 giờ. Theo kế hoạch, chiếc A350 XWB đầu tiên sẽ được bàn giao cho hãng hàng không Qatar Airways vào cuối năm 2014. Số lượng cam kết đặt hàng mới nhất cho dòng máy bay này đã lên đến con số 760 chiếc từ 39 hãng hàng không. Trong khi đang thắng lớn với số lượng đơn đặt hàng cho thế hệ máy bay mới ngày càng cao thì Airbus lại tiếp tục khẳng định đẳng cấp của mình trước các đối thủ với dự án mang tính tương lai – máy bay sử dụng nhiên liệu kép E-Airbus, Hydrid Propulsion Regional Aircraft dự kiến ra mắt vào năm 2030.
Chiếc E-Airbus được giới thiệu sẽ có sáu cánh quạt điện, một máy phát khí ga (một tua bin khí được kết nối với một máy phát) sẽ cung cấp điện cho sáu cánh quạt và cho phần dự trữ năng lượng. Trong giai đoạn hạ độ cao, các cánh quạt sẽ tạo gió và sản sinh ra điện. Mục tiêu của hàng không dân dụng châu Âu là sẽ tiết giảm khoảng 75% khí thải CO2, 90% khí thải NOx và 65% tiếng ồn trong giai đoan 2050 so với mức độ của năm 2000.
Đối với Boeing, những vấn đề xảy ra với chiếc B787s không làm giảm số lượng sản xuất mà ngược lại với số lượng đơn đặt hàng như hiện nay, Boeing đang có kế hoạch tăng tỷ lệ xuất xưởng từ bảy chiếc/tháng như hiện nay lên 10 chiếc/tháng vào cuối năm và 14 chiếc/tháng vào cuối thập niên. Đây là thông số do lãnh đạo của Boeing cung cấp trong họp báo về lợi nhuận của công ty trong quý III bên cạnh thông tin giảm tỷ lệ xuất xưởng của dòng máy bay 747-8 từ 1,75 chiếc xuống còn 1,5 chiếc/tháng do sự đi xuống của thị trường vận chuyển hàng hóa. Boeing cũng bày tỏ sự thất vọng về sự không thành công mỹ mãn với sự trình làng của máy bay 787 Dreamliner vừa qua và bày tỏ sẽ cố gắng thay đổi tình huống bằng những sự cải tiến bổ sung hàng loạt cho Dreamliner về những thiết bị, phần mềm và những phần phụ trợ khác… Đó là những cải tiến về thiết bị liên quan đến những thay đổi về kỹ thuật bao gồm việc nâng cấp phần mềm phát hiện và cảnh báo những sai lầm của phi công khi đang bay. Hiện có 16 hãng hàng không đang khai thác 96 chiếc Dreamliner thực hiện trung bình 200 chuyến bay thương mại mỗi ngày.
Ngoài ra, Boeing cũng lặp lại thông báo về dự án cho ra mắt dòng máy bay 777X vào cuối năm nay, trong khi vẫn than vãn về việc đánh mất hợp đồng 35 chiếc vào tay của Airbus. Đó thật sự là một thất bại đáng lo ngại của Boeing và hãng đang quyết tâm để có thể lấy lại gấp đôi trong tương lai. Mối quan hệ giữa Boeing và khách hàng thân thiết Nhật Bản đã chịu đựng những căng thẳng trong những năm gần đây, mà nguyên nhân là do ba năm trì hoãn đưa máy bay B787 vào khai thác và những trục trặc kỹ thuật liên quan về pin trên các máy bay này xảy ra ở cả hai hãng hàng không JAL và ANA. Tuy nhiên, Boeing vẫn có đủ lý do để tự tin trong cuộc cạnh tranh khi nhận được sự hợp tác từ hãng hàng không lớn như Emirates trong thời gian triển khai dự án B 777X cùng với số lượng đơn đặt hàng vẫn ngày một tăng cao.
Tại cuộc triển lãm hàng không Dubai Airshow 2013, bên cạnh sự trình diễn các loại máy bay mới, hiện đại thì sự tiện ích, khả dụng, tăng tính lợi nhuận sẽ luôn được các nhà sản xuất đề cao phù hợp với nhu cầu từ các hãng hàng không. Một trong những điểm nổi bật tại kỳ triển lãm sẽ là sự xuất hiện những chiếc ghế hạng phổ thông có chiều rộng tối thiểu 18 inches (khoảng 46cm) trên máy bay thế hệ mới A350 thích hợp cho những đường bay dài. Airbus đảm bảo chiếc ghế rộng hơn nhưng số lượng ghế không suy giảm, đồng nghĩa thân máy bay sẽ được làm rộng hơn, trong khi Boeing thì nghiêng về khuynh hướng để cho hãng hàng không quyết định độ rộng của các chiếc ghế trên khoang máy bay.
Điều này cho thấy sự khốc liệt cạnh tranh giữa hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới vẫn không hề suy giảm mà còn hứa hẹn sẽ càng quyết liệt hơn trong tương lai. Hệ quả của sự cạnh tranh này rất đáng được mong đợi đối với các hãng hàng không và cả với hành khách bởi sẽ có nhiều mẫu máy bay cùng với những thiết bị hiện đại hơn, hữu dụng nhưng tiết kiệm chi phí hơn… ra đời.
H.K