Nhạc sĩ Văn Giảng tên thật là Ngô Văn Giảng. Ông sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế, trong một gia đình trung lưu. Thừa hưởng năng khiếu thiên phú gia tộc về âm nhạc; ông nội của ông là một nhạc sĩ cổ nhạc rất giỏi, nên Văn Giảng đã có khiếu về âm nhạc từ lúc nhỏ. Ngày còn bé, nghe người ta chơi một loại nhạc khí nào là ông có thể về mò mẫm tự học lấy và thành công trong việc sử dụng loại nhạc khí đó.
Thuở nhỏ có một người bạn lớn tuổi hơn ông biết đàn Tây Ban Cầm, Văn Giảng muốn tầm sư học đạo, đến nhà ông này để nhờ chỉ dạy, nhưng người này bắt ông phải trả công bằng một cây đàn guitar. Không thể có nhiều tiền như vậy nên ông về nhà tìm tòi tự học lấy. Chỉ một thời gian sau, ông vượt qua tài nghệ của ông “thầy hụt” kia và ông này phải nhờ Văn Giảng chỉ lại cho. Nhờ có biệt tài như vậy mà nhạc sĩ có thể sử dụng rành rẽ nhiều nhạc khí cổ kim, trở thành một nhạc sĩ tài giỏi và đào tạo rất nhiều môn sinh có trình độ sau này.
Không chỉ nổi trội trong lãnh vực âm nhạc mà nhạc sĩ Văn Giảng còn giỏi về nhiều mặt và đều là tự học hỏi. Ông vừa làm giáo sư âm nhạc ở Huế, ông vừa tự học để rồi sau đó lặn lội vào Sài Gòn thi lấy bằng tú tài và bằng cử nhân.
Ông tốt nghiệp Anh văn ở Hội Việt Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc ở nước ngoài, được xuất dương du học tại trường Âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Ở Hoa Kỳ, Văn Giảng đã tốt nghiệp với lời khen của Ban Giám khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó ông trở về nước và được đề cử làm Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Huế.
Phần lớn những sáng tác của ông thuộc loại hùng ca như “Thúc Quân” (1949), “Lục Quân Việt Nam” (1950), “Đêm Mê Linh” (1951), “Quân Hành Ca” (1951), “Qua Đèo” (1952), “Nhảy Lửa” (1953)…
Văn Giảng còn có một bút danh khác nữa là Nguyên Thông khi ông viết những ca khúc về Phật giáo. Dưới bút hiệu này, ông đã sáng tác khoảng vài chục ca khúc về Phật giáo, đóng góp không nhỏ cho nền Phật nhạc của Việt Nam. Tuy nhiên, trong số các tác phẩm mà ông sáng tác, bản tình ca Ai về sông Tương mà ông ký là Thông Đạt được nhiều người biết đến nhất. Thông Đạt là bút danh ghép từ pháp danh Nguyên Thông của ông và Tâm Đạt của người vợ.
Ai về sông Tương được sáng tác năm 1949 ở Huế và được vợ chồng nhạc sĩ Mạnh Phát – Minh Diệu hát lần đầu trên đài Pháp Á ở Hà Nội. Lúc bấy giờ, nhạc sĩ Mạnh Phát là một trong những ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng nhất thời thập niên 1940 – 1950.
Về sự ra đời của ca khúc này, gần đây trong một dịp tiếp xúc với nhà văn Trần Kiêm Đoàn; một học trò cũ của nhạc sĩ Văn Giảng trong một dịp họp mặt cựu học sinh Huế. Anh cho biết: Thuở còn học trung học tại Trường Trung học Hàm Nghi (Huế), anh đã được nghe người thầy của mình kể cho nghe lai lịch bản nhạc Ai về sông Tương. Thầy kể lúc còn tuổi thanh niên, nhà thầy ở trong Thành nội và yêu một cô gái ở làng Kim Long bên bờ sông Hương, nhưng duyên không thành vì gia đình nho phong của cô gái không có cái nhìn thiện cảm với đời nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trong ngành âm nhạc.Thế là đôi nhân tình chia tay và cô gái đi lấy chồng!
Một hôm, thầy vào rạp chiếu phim Tân Tân, gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc sông Hương để coi phim “Bé Nhà Trời” (Les enfants du paradis). Ngay trước mắt thầy, ở hàng ghế trước có một cô gái tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt, nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long một thuở. Thầy xúc động đến nỗi không thể ngồi lại lâu hơn trong rạp để xem cho hết bộ phim nên vội vàng ra khỏi rạp. Thầy đạp xe dọc theo bờ sông Hương để vô cửa Thượng Tứ trở về nhà.
Thoáng chốc dòng sông Hương hiện ra như là dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư Trung Hoa. Vừa đến nhà, thầy dựng ngay chiếc xe đạp ngoài hiên, đi nhanh vào nhà và vội vã sáng tác bản nhạc bằng tất cả sự hoài niệm và háo hức nghệ thuật đã đến độ thăng hoa. Bản nhạc Ai về sông Tương ra đời trong hoàn cảnh đó.
Sau đó, thầy bí mật ký tên là Thông Đạt và chép một bản gởi ra đài phát thanh Pháp Á ở Hà Nội. Mấy hôm sau, Mạnh Phát vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ đã hát ca khúc này lần đầu trên đài Pháp Á Hà Nội. Bản nhạc đã nhanh chóng được nhiều người biết đến trong một thời gian khá dài.
Cũng theo lời của nhà văn Kiêm Đoàn, nhạc sĩ Mạnh Phát là bạn thân của thầy, đã nhờ thầy đến nhà xuất bản tân nhạc Tinh Hoa ở Huế do ông Tăng Duyệt làm Giám đốc để hỏi cho ra Thông Đạt là ai ngay sau khi bản nhạc phát trên đài Pháp Á, thầy tảng lờ như không hay biết. Nhưng mãi đến 3 tháng sau thì tông tích của thầy mới được tiết lộ. “Mạnh Phát vô Huế chơi khi biết tui là Thông Đạt, hắn đấm lưng tui thùi thụi như rứa thì thôi!”. Thầy Văn Giảng đã cười vui kể lại như vậy.
Vậy tại sao lại là sông Tương mà không phải là sông Hương?
Nhà văn nhớ lại: Một lần trong giờ học nhạc, một người bạn trong lớp hỏi thầy: “Thưa thầy, tại sao mình có sông Hương, mình cũng có Hương giang đầu, Hương giang vỹ mà thầy lại phải vay mượn sông Tương của Tàu như rứa ạ?”. Thầy trả lời đại khái là tại sông Hương chưa có chuyện tình nào nổi tiếng trong tình sử như sông Tương. Tương Giang là một con sông ở Trung Hoa, bắt nguồn từ núi Duyên Hải, chảy qua Hồ Nam dài hơn hai ngàn dặm. Còn ý “ai về sông Tương” của thầy trong bản nhạc là bắt nguồn từ cảm hứng của bốn câu thơ tình sử trích từ khúc Trường Tương Tư của nàng Lương Ý đời Hậu Chu. Nàng và Lý Sinh yêu nhau say đắm nhưng phải chia tay. Nàng làm thơ mong gửi gắm nỗi niềm tâm sự khi phải xa cách người yêu:
Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy
(Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không thấy mặt
Cùng uống nước sông Tương)
Nhà văn còn cho biết thêm là khoảng năm 1963, lúc bấy giờ nhạc sĩ Vặn Giảng còn ở Huế, có lần anh gặp thầy đang qua đò Thừa Phủ trên sông Hương. Khi đò ra giữa sông, nhà văn đột ngột hỏi: “Thưa thầy, đã có ai về sông Tương chưa ạ?”. Thầy cũng cười đáp lại: “Đối với tôi thì sông Tương là sông Hương. Tôi chỉ mong cuối đời về lại con sông này…”.
Điều đó có thể hiểu rằng, đối với tâm hồn nghệ sĩ như ông thì sông Tương và sông Hương, tuy 2 mà chỉ là 1. Mượn sông Tương để kể chuyện tình sông Hương, nơi đó mãi còn in dấu bóng dáng của một người con gái Kim Long… Ông mong cuối đời về lại được con sông này, nhưng ước nguyện đó đã không thành. Ông định cư ở Úc từ khoảng đầu thập niên 1980 rồi mất tại đây năm 2013, hưởng thọ 89 tuổi.
Cũng liên quan tới bài hát Ai về sông Tương, nhạc sĩ Lê Dinh kể một câu chuyện khác cũng rất thú vị trên một tạp chí ở hải ngoại như sau:
Trong những thập niên 40-50, ở Huế ai cũng biết ông Tăng Duyệt, Giám đốc nhà xuất bản âm nhạc Tinh Hoa. Nhạc sĩ Văn Giảng rất thân với ông Tăng Duyệt, một số hành khúc của ông đều do nhà xuất bản này ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ngụ ý bảo rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi, còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.
Nhạc sĩ Văn Giảng nghe xong không nói gì, chỉ về nhà và âm thầm lấy giấy bút viết bài Ai về sông Tương, không ghi tác giả là Văn Giảng như mọi khi mà đề tên là Thông Đạt, sau đó gửi đến đài phát thanh ở Hà Nội. Một thời gian bài ca đã được cả nước biết đến.
Sau nhiều lần được nghe bài hát đó trên làn sóng điện, qua các đài phát thanh, ông Tăng Duyệt gặp Văn Giảng để hỏi thăm rằng có biết nhạc sĩ Thông Đạt là ai không để ông thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc phẩm Ai về sông Tương. Nghe vậy, nhạc sĩ Văn Giảng tảng lờ như không biết Thông Đạt là ai.
Một hôm có hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ đến nhà Văn Giảng chơi, tình cờ thấy bản thảo bài Ai về sông Tương trong xấp nhạc trên bàn, nên về nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông Duyệt vội lại nhà Văn Giảng, vài tuần sau đó, giới ngưỡng mộ tân nhạc mới có một bản nhạc tờ được phát hành của ca khúc Ai về sông Tương trong tay, để mà ngân nga cho đỡ thương nhớ những khi trái tim rung động vì một bóng hình nào đó!
… Đã trải qua hơn 70 năm, những mối tình đã cũ, những hẹn hò thuở răng trắng tóc xanh đã thành “răng long đầu bạc”. Nhưng Ai Về Sông Tương vẫn mới như thời gian là nước chảy qua cầu, vẫn còn là tiếng lòng tình tự của những đôi tình nhân ước hẹn không thành. Bản nhạc với một giai điệu thướt tha lãng mạn, lời lẽ đậm nét hoài niệm, sâu lắng và trữ tình làm dậy lên nguồn tình cảm mượt mà mà rất “sang”; âm điệu đó như một dòng suối tươi tắn, mát dịu mãi dành riêng cho những chuyện tình buồn:
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương…
- Xem thêm: Nhạc tờ Sài Gòn và những bản quay ronéo