ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại do dịch Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam.
Theo báo cáo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm 22/9, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Dịch bệnh đã làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp.
Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 của ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022.
Tăng trưởng đã phục hồi vào nửa đầu năm 2021, chủ yếu do lưu lượng thương mại tăng cao, nhưng chậm lại trong nửa cuối năm do làn sóng thứ 4 của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động.
ADB dự báo lạm phát sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.
“Dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam”, ông Andrew Jeffries – Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam – nhận định.
“Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng”, ông nói thêm.
ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do hiệp định thương mại mang lại và kinh tế toàn cầu phục hồi.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể. Tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo ADB, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ các rào cản hành chính đối với DN và người dân, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của những biện pháp kiểm soát dịch và hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới.
Liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng cần có thời gian để FDI đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries cũng thừa nhận làn sóng dịch bệnh lần thứ tư là một trong yếu tố ảnh hưởng tới FDI.
“Quan trọng là đã có những động thái thay đổi trong sản xuất như khu công nghiệp ở miền Bắc đã quay lại hoạt động dù ở miền Nam thì chưa. Tôi cũng nhận thấy có sự lo ngại trong cộng đồng của doanh nghiệp nhưng không quá lo ngại nếu chúng ta có những biện pháp kiểm soát đại dịch tốt hơn,” ông Andrew Jeffries nói.
Cùng với đó, ông Andrew Jeffries cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải huy động thêm các nguồn lực khác để đảm bảo vốn cho nền kinh tế. Hiện nay, nợ công/GDP của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp – đó sẽ là một vị thế mạnh mẽ giúp Việt Nam huy động thêm nguồn vay.