Tình trạng nhập siêu cộng với thâm hụt ngân sách của nước ta những năm qua vẫn là một thực tế nan giải. Chỉ trong nửa đầu năm 2011, con số nhập siêu của Việt Nam đã lên tới 7,5 tỉ USD, 80% trong số đó là thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc, làm dấy lên sự lo ngại về một sự lệ thuộc về kinh tế. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ sẽ phải bắt đầu từ đâu?
Đó là câu chuyện được bàn thảo trong tọa đàm tháng 7 của Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tổ chức tại Press Café, với sáu vị khách mời: ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Eximbank, ông Lương Văn Lý – nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, hiện là Trưởng bộ phận đầu tư của Công ty luật Việt Long Thăng, ông Alan Phan – Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund, ông Huỳnh Thế Du – giảng viên chương trình kinh tế Fulbright, cùng hai chuyên gia kinh tế của báo – ông Huỳnh Bửu Sơn và ông Phan Chánh Dưỡng – những người đã quen thuộc với độc giả trong nhiều tọa đàm kinh tế của DNSGCT.
Trong nhiều bài phân tích kinh tế vĩ mô trên trang Vấn đề của báo, ông Huỳnh Bửu Sơn đã đặc biệt lưu ý đến sự khác biệt về chính sách tỷ giá giữa nước ta và Trung Quốc. Cả hai nước đều từ nền kinh tế tập trung chuyển sang kinh tế thị trường và cùng theo đuổi chính sách hướng về xuất khẩu. Sau khoảng 10 năm, Trung Quốc bắt đầu có một sự bứt phá thần tốc, mà ông Sơn cho rằng nhờ họ theo đuổi một chính sách rõ ràng và xuyên suốt, để sớm trở thành một cường quốc xuất khẩu, trong khi Việt Nam luôn bị nhập siêu với mức độ ngày càng cao.
Chính sách hướng về xuất khẩu, chuyện những nhà thầu Trung Quốc. Sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các nước
“Tôi nghĩ tỷ giá chính là một trong những nguyên nhân quan trọng – ông Sơn nói – Chúng ta duy trì VND ở giá cao, điều này chỉ có lợi cho các nhà nhập khẩu (đa phần là khu vực kinh tế công). Phải chăng chúng ta vẫn còn do dự về chiến lược phát triển, hướng về xuất khẩu hay thay thế hàng nhập khẩu? Vì thế mới duy trì tỷ giá cao và khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp không phải là thế mạnh của ta như chế tạo ôtô hay đóng tàu và chính điều ấy tạo áp lực cho nhập siêu.
Mặt khác, nhà nhập khẩu của ta thích chọn lựa những máy móc, thiết bị rẻ, mà không đâu hàng hóa rẻ như ở Trung Quốc vì họ đang là “công xưởng của thế giới”. Các nhà thầu Trung Quốc lại thường thắng thầu các dự án EPC (Engineering, procurement and construction – Thiết kế, mua sắm và xây dựng) ở nước ta do bỏ giá rất thấp, sau đó đương nhiên họ chọn mua máy móc thiết bị từ Trung Quốc, khiến tình trạng nhập siêu của nước ta đối với Trung Quốc ngày càng trầm trọng hơn”.
Về điều này, ông Lê Hùng Dũng cho biết, những năm 1980, các nước phát triển bán những trang thiết bị công nghệ cũ cho Trung Quốc, bây giờ nước này tìm cách đẩy sang Việt Nam thông qua các dự án mà các doanh nghiệp của họ thắng thầu. Bởi thế, nếu các chủ đầu tư Việt Nam không quyết liệt với việc kiểm định chất lượng gói thầu, thì chúng ta còn phải nghe điệp khúc “giá thầu thấp, công nghệ cũ, công trình kém chất lượng” dài dài.
Ông Lương Văn Lý kể về sự cố mới nhất tại Ba Lan, khi đoạn xa lộ 50km chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho Euro 2012 được thực hiện bởi một nhà thầu Trung Quốc (thắng thầu với giá thấp hơn giá chào thầu thấp nhất của các đối thủ cạnh tranh khoảng 30%) đang bị bỏ dở dang. Sự việc này khiến nhiều nước châu Âu rất cảnh giác với cái bẫy đấu thầu giá rẻ của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ông Lý nói: “Ở Việt Nam cũng không thiếu những ví dụ về chất lượng công trình của nhà thầu nước này, ngay TP. Hồ Chí Minh cũng từng khốn khổ với dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc, khi nhà thầu Trung Quốc bỏ ngang, mặc ai gánh chịu hậu quả”.
Từng làm ăn nhiều năm ở Trung Quốc, ông Alan Phan cho biết thực ra thành quả nước này đạt được chủ yếu do hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân. Cộng thêm lợi thế của một thị trường hơn 1,3 tỉ người với máu kinh doanh cao độ, cùng một dòng tiền FDI chảy vào dồi dào tìm cơ hội. Chính phủ Trung Quốc chỉ cần thực hiện hai điều là giữ tỷ giá ở mức thấp để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa khi xuất khẩu và giữ mức lãi suất tiết kiệm rất thấp – chỉ 2 – 3%/năm.
Dân Trung Quốc rất tiết kiệm, số tiền này đổ vào ngân hàng, giúp chi phí vốn của các doanh nghiệp nước này chỉ ở mức 5 – 6%/năm – một lợi thế rất lớn so với Việt Nam. Còn với những lo ngại về khả năng bị lệ thuộc kinh tế, ông Alan Phan cho rằng trên thế giới hiện không có nước nào không bị lệ thuộc vào một số nước khác cả. Trung Quốc lệ thuộc vào Mỹ – nơi tiêu thụ nhiều hàng hóa nước này nhất – và ngược lại, Mỹ lệ thuộc vào Trung Quốc, bởi chính quyền phải điều hành kinh tế sao cho người dân thỏa mãn để họ tiếp tục bầu cho đảng của mình, nên cứ vay tiền và giữ lãi suất thật thấp để mua hàng Trung Quốc giá rẻ về cho dân xài.
Do đó, lời giải cho bài toán “lệ thuộc” nằm ngay trong nội bộ của mỗi quốc gia. Nếu có gì đó trục trặc, nghĩa là bản thân chúng ta có vấn đề, chứ không phải do Trung Quốc hay một nước nào khác. Trên quan điểm đó, ông Alan Phan cho rằng một quốc gia cũng như một cá thể, nếu kinh doanh thất bại thì phải đóng cửa doanh nghiệp, đi làm thuê kiếm tiền. Nhưng nếu có ý chí, anh sẽ không phải làm thuê suốt đời, mà có thể tích lũy vốn để kinh doanh trở lại, giàu lên… Nghĩa là một nền kinh tế phụ thuộc vào chính các chủ thể hoạt động trong đó.
Ông nói: “Nếu có người đem một dự án đến xin đầu tư hay vay tiền của tôi, thì việc đầu tiên tôi phải hỏi rằng lợi thế cạnh tranh của anh là gì. Nếu không trình bày được, đừng nên nghĩ đến chuyện kinh doanh! Dường như đã có một sự nghịch lý, khi Việt Nam đổ tiền và hỗ trợ các kế hoạch sản xuất xe hơi, đóng tàu, hàng điện tử… – những lĩnh vực chúng ta không có lợi thế cạnh tranh. Hay như những lĩnh vực Trung Quốc đã làm cách đây 15 năm, giờ mình mới chạy theo thì quá trễ rồi.
Chúng ta ở kế bên Trung Quốc mà nếu họ làm gì tốt mình cũng “copy” thì sao cạnh tranh nổi. Như một tiệm tạp hóa nhỏ muốn đối đầu với một đại siêu thị cạnh bên, muốn tồn tại thì anh phải có cái gì đó khác với người ta. Đó là chưa kể yếu tố ngành công nghiệp phụ trợ là thế mạnh thực sự của Trung Quốc và là điểm yếu của Việt Nam”.
Tầm quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ. Cây tăm Việt Nam. Không nên trách doanh nghiệp thiếu tầm nhìn
Nghe đến đây, ông Lương Văn Lý rất tán đồng, cho rằng đó chính là lời giải thích cho bài toán nhập siêu của Việt Nam. Ông Lý nói: “Nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu, chúng ta thấy rằng có khoảng 60% số đó là nguyên vật liệu, phụ kiện, chứng tỏ bao năm nay chúng ta không có một chiến lược phát triển kinh tế đồng bộ. Những nước như Việt Nam phải sớm phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất ra những linh kiện, phụ kiện cho các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao. Cách đây 20 năm, phía Nhật đã đặt vấn đề sẵn sàng dùng nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam để phát triển công nghiệp phụ trợ ở nước ta, nhưng rất tiếc vì thiếu chiến lược thích hợp nên chúng ta đã để cơ hội đó trôi qua”.
Nghe thông tin này, ông Phan Chánh Dưỡng tỏ ra tiếc nuối và nhận xét rằng chúng ta đã chưa nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng của cụm ngành công nghiệp phụ trợ trong sự phát triển kinh tế. Ông đưa ra ví dụ, những công ty đầu tư vào ngành may mặc rất mong có một doanh nghiệp nào đó đứng ra sản xuất nút áo, nhưng không ai đầu tư vào ngành đó cả. Lý do là khi ấy ngành may mặc mới có khả năng sản xuất và tiêu thụ một triệu cái áo, nếu xây một nhà máy sản xuất nút áo thì phải cung cấp cho một thị trường 10 triệu cái áo mới có lãi.
Tương tự như vậy là các ngành khác. Vậy nên rất cần có sự can thiệp từ phía Nhà nước, với chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nào đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ. Do không xây dựng được một cụm ngành kinh tế, nên quy mô sản xuất của chúng ta không đủ lớn, nếu có đối tác đặt một đơn hàng lớn là phải từ chối.
Nhìn câu chuyện nhập siêu dưới hai góc độ, phân tích kinh tế thuần túy (năng lực cạnh tranh) và tiền tệ (chênh lệch về tỷ giá), ông Huỳnh Thế Du đưa ra một câu hỏi rất đơn giản, rằng tại sao nước ta nhập khẩu tăm từ Trung Quốc? Công nghệ sản xuất tăm rất đơn giản, nguyên liệu tre ở nước ta dồi dào, giá công lao động không chênh lệch mấy, tăm sản xuất trong nước lại không phải chịu phí vận chuyển, như vậy nếu chỉ phân tích kinh tế về lợi thế cạnh tranh quốc gia thì không trả lời được câu hỏi này.
“Nên lý do phải nằm ở tỷ giá”, ông Du kết luận và nói tiếp: “Xem các nền kinh tế thành công, như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, chúng ta đều thấy chính sách tỷ giá đóng một vai trò quan trọng. Theo tính toán của chúng tôi, vào năm ngoái, đồng VND được định giá cao hơn khoảng 15% so với USD, còn đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn 30 – 40% so với USD. Điều này có nghĩa là một mặt hàng cụ thể như cây tăm Việt Nam mặc nhiên có giá cao hơn khoảng 50% so với cây tăm Trung Quốc. Đó là câu chuyện về tỷ giá.
Thật ra, người dân chúng ta không kém năng động và tháo vát hơn người Trung Quốc. Nông dân nước ta rất chịu đổi mới và rất nhanh nhạy. Nhiều nông dân sẵn sàng bỏ vài tỉ đồng đào ao nuôi tôm, rồi sau đó tôm mất giá thì lấp ao tôm để trồng lúa, rồi lại dẹp lúa chuyển sang đào ao nuôi cá. Cũng như chặt cà phê trồng tiêu, sau đó đốn tiêu để trồng điều, cuối cùng tiêu điều hết. Điều đó cho thấy việc quản lý kinh tế chưa hiệu quả chứ không phải dân ta không giỏi… Chuyện không mặn mà với công nghiệp phụ trợ mà lại đầu tư cho công nghiệp đóng tàu hay sắt thép như đã nói ở trên là ví dụ điển hình”.
Ông Phan Chánh Dưỡng đề cập một khía cạnh quan trọng hơn, hệ quả của việc quản lý kinh tế kém hiệu quả, đó là sự suy giảm niềm tin. Ông Dưỡng nói: “Khi niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế suy giảm thì dự tính đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Trở lại ví dụ xây nhà máy sản xuất nút áo, nếu nhà đầu tư tin rằng năm năm nữa kinh tế sẽ phát triển, nhu cầu về sản phẩm này đủ cho nhà máy hoạt động hết công suất thì họ sẽ làm ngay. Nên nhớ rằng từng doanh nghiệp không chịu trách nhiệm cho cả nền kinh tế, họ hoạt động đơn thuần chỉ nhằm tối đa hóa lợi nhuận”.
Là người có nhiều quan hệ với các quan chức Nhà nước, ông Lê Hùng Dũng cho rằng những vị lãnh đạo biết và luôn trăn trở với những điều tồn tại của nền kinh tế, nhưng không dễ biến những giải pháp trên lý thuyết thành chính sách cụ thể để vừa đưa đất nước phát triển đúng theo chiến lược đường dài vừa giải quyết ổn thỏa những vấn đề cấp bách.
Ông Dũng nói: “Như anh Dưỡng vừa phát biểu, không thể trách doanh nghiệp không có chiến lược, tầm nhìn… được, tầm nhìn của họ chỉ trong phạm vi doanh nghiệp thôi. Tiềm lực nước ta yếu, trong khi phải khắc phục hậu quả của sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, nên có rất nhiều việc muốn làm mà không có tiền. Cũng như ai chẳng mong muốn và nỗ lực nuôi con cái khỏe mạnh, học giỏi, mai kia làm ông này bà nọ, nhưng có phải ai cũng làm được đâu. Điều hành một đất nước còn khó khăn hơn thế rất nhiều”.
Theo ông Dũng, Trung Quốc đã có một chiến lược rất tốt, mà chìa khóa nằm ở khâu tỷ giá. Ông kể: “Trong chuyến đi Mỹ gần đây, chúng tôi vào cửa hàng, siêu thị, kể cả các cửa hàng trên những phố sang trọng nhất, đều tràn ngập hàng “made in China”. Chiến lược tập trung cho xuất khẩu của họ đã đem đến kết quả là khoản dự trữ ngoại tệ lên đến hơn 3.400 tỉ USD”.
Những khoản tiền ẩn trong chiếc iphone. Nhận diện khó khăn để tìm giải pháp. Xây dựng lợi thế cạnh tranh
Ông Alan Phan dường như không bị thuyết phục bởi những số liệu ấy và cho rằng dù Trung Quốc xuất siêu, nhưng đến 32% tiền nhận từ xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI ở nước họ. Ông lấy ví dụ một chiếc iPhone ghi “made in China” bán ở thị trường thế giới với giá 500 USD, thì 80 USD vào túi người bán lẻ, Công ty Apple (Mỹ) được khoảng 240 USD tiền công nghệ và thiết kế, chừng 50-70 USD cho những linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật và một số nước khác, chỉ 12 USD thuộc về doanh nghiệp lắp ráp Trung Quốc.
“Vậy thì không nên nhìn vào những con số, mà phải nhìn vào giá trị – ông Alan Phan nói – Trong một nền kinh tế toàn cầu, ai có thế mạnh về lĩnh vực nào thì hãy làm cái đó, hàng hóa xuất xứ ở đâu không quan trọng, mà phải xem đồng tiền ấy thực sự vào tay ai. Dù là Mỹ hay Việt Nam, cũng không cần bắt chước những gì Trung Quốc đang làm”.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyện chiếc iPhone cho thấy Trung Quốc đã trở thành môi trường đầu tư tốt nhất cho các nhà máy trên khắp thế giới. Cũng phải thấy rằng cái nhận được của nước này không chỉ là 12 USD, mà còn là việc làm cho người lao động, nguồn thu thuế và cả thương hiệu “made in China” nữa. Tại sao Việt Nam cũng mở cửa, nhưng người ta ít đầu tư vào nước ta hơn Trung Quốc? Trong khi lao động Việt Nam vẫn được đánh giá là cần cù, chịu khó.
Ông Dưỡng tán đồng điều này và cho rằng có thể hàm lượng yếu tố nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao trong một sản phẩm công nghệ cao (như chiếc iPhone) xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao họ làm được, còn mình thì không. Do họ làm tốt nên người Mỹ muốn có được 240 USD trong chiếc iPhone ấy thì phải làm ăn tại Trung Quốc; Hàn Quốc, Nhật hay các nước khác cũng vậy. Chưa kể là dù chỉ nhận được 12 USD cho mỗi chiếc iPhone giá 500 USD mà người ta thặng dư được mấy ngàn tỉ USD! Trong khi xứ người thặng dư, thì câu chuyện của nước ta vẫn loay hoay với việc giảm nhập siêu cùng với cân bằng cán cân thanh toán.
Ông Lê Hùng Dũng phân tích, chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ (hơn 10%/năm) năm qua chưa được phản ánh đầy đủ vào tỷ giá USD/VND, bởi lần điều chỉnh tỷ giá gần nhất (tăng 9,3%) là từ tháng 2-2011. Hơn bốn tháng qua, sức mua giữa hai đồng tiền đã có sự chênh lệch, nên nếu tỷ giá vẫn giữ nguyên thì người nhập khẩu hàng từ nước ngoài về bán có lợi tương đối so với nhà sản xuất trong nước.
Thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp thường nhập hàng về để phòng tăng giá, nên con số dự báo nhập siêu cả năm ở mức 12,5 tỉ USD là có cơ sở. Một yếu tố đáng lo ngại là chênh lệch về lãi suất vay giữa tiền đồng và USD là rất lớn, trung bình khoảng 15 – 18%, nên các doanh nghiệp dùng đủ mọi cách để vay USD (lãi suất thấp), đến cuối năm họ sẽ mua USD trả nợ.
Ông Dũng dự đoán con số này phải hơn 3 tỉ USD, cộng với phần chênh lệch giữa nhập siêu và kiều hối, sẽ tạo áp lực cho đồng USD tăng giá. Dù những giải pháp thắt chặt tiền tệ đang được tiến hành nhằm kiềm chế lạm phát, các khách dự tọa đàm vẫn lưu ý rằng chính sách tiền tệ không nên làm khó các nhà sản xuất trong nước, bởi doanh nghiệp làm ăn được thì ngân sách quốc gia mới dồi dào do tiền thu thuế. Chính sách lãi suất hiện nay trên khía cạnh nào đó đang lấy của người nghèo chia cho người giàu, bởi những ai chỉ có mấy chục triệu đồng gửi tiết kiệm thì không có quyền mặc cả về lãi suất, mà chỉ những người rất nhiều tiền mới được quyền đàm phán với ngân hàng một mức lãi suất cao hơn.
Khó khăn vẫn hiển hiện, nhưng không vì vậy mà không có những cơ hội mở ra. Ông Huỳnh Bửu Sơn nói: “Nếu nhìn trên bề mặt, sẽ thấy kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn, nhưng thực tế bức tranh không quá xám, bởi vì chúng ta có một nền kinh tế tiền mặt nằm ngoài hệ thống ngân hàng, có khả năng tự cấp vốn và sống rất khỏe. Nguồn tài trợ có thể từ tiền tích lũy, từ gia đình, người thân ở trong cũng như ngoài nước.
Thực tế hàng chục năm qua cho thấy chính kinh tế tiền mặt đã giúp nền kinh tế Việt Nam luôn vượt qua sóng gió”. Theo ông Sơn, nội lực – sức dân vẫn còn đó và lúc nào họ cũng hăm hở làm ăn, làm giàu cho họ và làm giàu cho đất nước. Điều quan trọng là cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi thỏa đáng để tận dụng được nguồn lực này, chứ nếu để người dân và doanh nghiệp tư doanh chán nản, không muốn đầu tư thì mới là nguy cơ. Bên cạnh đầu tư trong nước, nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất nên hoan nghênh, bởi giúp giảm thâm hụt cán cân thanh toán, tạo công ăn việc làm…
Thế nhưng, khi các công ty lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chúng ta đã có chiến lược gì giữ chân họ hay chưa? Ông Huỳnh Thế Du phân tích: “Chúng ta không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nào chỉ khai thác tài nguyên hay lợi dụng chính sách ưu đãi thuế, quy định môi trường, đất đai… để hưởng lợi, mà nên ưu đãi cho những doanh nghiệp sản xuất. Các doanh nghiệp này sẽ tập trung vào sản xuất cái mà họ có lợi thế cạnh tranh.
Để làm được điều đó, họ rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể tiếp thu công nghệ rất cao của họ. Việc chúng ta cần làm ngay, theo tôi, rất đơn giản: Hãy nhìn vào các tập đoàn lớn của thế giới đang đầu tư vào Việt Nam, như Intel, Samsung, Canon…, xem họ cần những gì rồi đáp ứng đúng yêu cầu của họ. Họ cần nguồn nhân lực chất lượng cao và giao thông thuận tiện để giảm chi phí vận chuyển?
Vậy hãy tập trung làm điều đó. Rồi chính người dân và cả nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Người lao động có trình độ được trả lương cao và được trọng dụng ngay tại quê hương mình. Giao thông thuận tiện, giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh cho quốc gia là hệ quả của một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Nghĩa là chúng ta có thể xây dựng cho mình lợi thế cạnh tranh”.
Một quốc gia có khả năng xây dựng lợi thế cạnh tranh sẽ luôn có cơ hội để tồn tại và phát triển trong một thế giới hội nhập kinh tế toàn cầu. Làm được như vậy, có lẽ chúng ta không phải bận tâm về việc có hay không sự lệ thuộc về kinh tế, hay chuyện hàng hóa “made in Vietnam” có bao nhiêu phần trăm hàm lượng Việt Nam nữa.