Nhà văn Bảo Ninh không giống như nhiều người làm văn nghệ ở nước ta, nhà văn Bảo Ninh là người tương đối kiệm lời. Trong các cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè, bao giờ anh cũng đóng vai là người nghe nhiều hơn là tham gia vào diễn đàn “tranh khôn, tranh dại”.
Lắng nghe và thích thú mỗi khi gặp những điều anh cho là rất giống với suy nghĩ của mình. Bạn thân thường gọi anh với cái tên “Thân phận” thay cho cái tên Bảo Ninh đã quen thuộc với độc giả bởi dường như họ thấy ở anh có gì đó rất giống số phận của tác phẩm Thân phận của tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh). Vì lý do nữa là cuốn tiểu thuyết nói về thân phận của con người trong và sau cuộc chiến. Có thể nói Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết có số phận đặc biệt của văn học Việt Nam trong suốt hơn hai thập niên qua.
Xuất bản lần đầu tại Việt Nam nó bị đổi tên là Thân phận của tình yêu (năm 1990) và được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1991). Vậy mà sau đó, tác phẩm vẫn bị một số ý kiến trong hội phản đối vì “có vấn đề” đến nỗi lãnh đạo của hội đã từng phải phân trần, xin “thông cảm”. Đến khi tiểu thuyết được dịch và xuất bản ở nước ngoài với cái tên tục của nó, Nỗi buồn chiến tranh, thì tác phẩm này lại trở thành niềm tự hào của hội…
Có lẽ đây là tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Gần đây là bản dịch tiếng Nhật và với bản dịch này, anh được trao giải Nikkei Asia của Nhật Bản – giải thưởng dành cho những người châu Á có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp cải thiện cuộc sống của người dân khu vực này trên ba lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và văn hóa. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra ngay sau khi Bảo Ninh trở về từ Nhật Bản, bắt đầu bằng những ấn tượng của anh về xứ sở hoa anh đào. Anh cho biết:
Do không biết bất kỳ ngoại ngữ nào nên tôi luôn cảm thấy những lần đi ra nước ngoài của mình bị hoài phí rất nhiều. Tiếng rằng đã thấy tận mắt một đất nước mà thật ra chẳng thấy gì. Thường bó hẹp trong quan hệ với nhà xuất bản, dăm câu ba điều với độc giả, một hai chuyến tham quan nhìn trời nhìn đất nước người, rồi về, và quên. Nhưng chuyến qua Nhật lần này thì tôi chắc chắn mình sẽ nhớ mãi. Bởi có hai sự đặc biệt.
Thứ nhất là do được bạn hữu bên đó bố trí cho tham gia một đoàn cứu trợ nạn nhân sóng thần và động đất, nên tôi tới được vùng biển Đông Bắc Nhật Bản. Tôi không thể kể được với bạn, bởi vì không lời nào diễn tả những gì tôi đã thấy. Chỉ có thể nói đại khái thế này: Ai tới đó vào thời gian này đều choáng trước cảnh tượng của thảm họa ngày 11-3 và cũng đều thấy xúc động, kính trọng và khâm phục người Nhật, cả chính phủ, cả chính quyền địa phương và muôn dân đất nước ấy đều đã thật phi thường trong cơn hoạn nạn vừa qua.
Thứ nhì là: Tuần lễ cuối tháng 5-2011, do đang ở Tokyo, nên tôi chỉ biết về “Sự kiện vịnh Bắc bộ” xảy ra trên mặt biển Đại Lãnh ngày 26-5 là từ những người bạn Nhật và sau đó là từ truyền hình Tokyo. Như tôi thấy, thì vụ tàu Bình Minh 02 bị ngang nhiên gây hấn ngay trên sân vườn nhà mình đã tác động rất mạnh vào dư luận Nhật Bản. Đài báo của thủ đô và của cả những vùng rất xa như Sendai – nơi bị sóng thần tấn công – đưa tin rất nhiều và liên tục về vụ tàu Bình Minh 02.
Không biết tiếng Nhật, nhưng nhìn lên màn hình tivi, thấy bà Nguyễn Phương Nga (người phát ngôn của Bộ Ngoại giao – PV) đang phát biểu, thấy đảo Hoàng Sa với con số 1974, Trường Sa với 1988, rồi thù lù hình cái lưỡi bò gớm ghiếc, rồi ảnh đoạn cáp thăm dò bị cắt và điểm khoanh tròn ngay sát khúc cong của bờ biển Việt Nam với chữ Đại Lãnh, tôi hiểu trên tivi người ta đang liên tục nói về vấn đề gì, và thái độ cùng quan điểm của họ là thế nào. Những ngày đó tôi rất lo, thậm chí lo cả cái sự khi về nước sẽ phải ba tiếng rưỡi đồng hồ bay qua đất của ông hàng xóm đáng sợ. Nhưng cũng đầy phấn chấn. Và tự tin. Tự tin thấy Việt Nam không đơn độc. Việt Nam được quý trọng và đồng cảm.
____
Hành động ngang ngược của Trung Quốc đã bị Việt Nam phản ứng kịp thời qua con đường ngoại giao. Tình hình sắp tới e rằng còn diễn biến phức tạp. Hy vọng Nhà nước và nhân dân đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng phản ứng đúng mực trước những bước đi có tính toán tiếp theo của chính phủ quốc gia láng giềng này. Trở lại với câu chuyện về giải thưởng anh vừa được trao. Người được vinh danh có bất ngờ về giải thưởng này?
Cũng có bất ngờ. Tôi nghe thông báo về giải thưởng này vào ngày 12-3, tức là chỉ một ngày sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật. Còn cuốn Nỗi buồn chiến tranh thì đã được dịch rất tốt qua tiếng Nhật. Một văn bản tiếng Nhật rất hay, tôi nghe độc giả Nhật đánh giá vậy. Dịch giả là ông Ikawa, một nhà văn cũng là nhà báo, đại diện của tờ Asahi Shimbun tại Sài Gòn trước 1975 và tại Hà Nội thời Đổi mới. Lần đầu, năm 1996, ông dịch cuốn này từ bản tiếng Anh. Nhưng có lẽ với sự nhạy cảm của người châu Á, ông ấy không mấy hài lòng với sự chuyển ngữ của người phương Tây nên gần đây ông ấy đã dịch lại từ nguyên bản tiếng Việt, với sự cộng tác của dịch giả Hoa Higuchi.
____
Đây hẳn không phải là lần đầu tiên anh ra nước ngoài với những sự kiện liên quan đến văn học. Mỗi lần đi, anh thấy sao về văn học Việt Nam ở nước ngoài?
Văn học Việt Nam rất đáng đọc, nhưng nhiều năm qua, từ sau khi không còn hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, về văn xuôi dường như độc giả nước ngoài chỉ chủ yếu biết các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Dương Thu Hương, Bảo Ninh… chừng chục tác giả tiểu thuyết và truyện ngắn. Tất nhiên, nếu đủ tỉnh táo thì những tác giả này đều biết như vậy là rất không đầy đủ, nhưng thử hỏi rằng ai sẽ là người chọn và giới thiệu những nhà văn Việt Nam khác ra nước ngoài bây giờ? Tôi nhớ cách đây ba năm, có một nhà xuất bản của Thái Lan sang nước ta, họ tự chọn một số truyện ngắn và đề nghị giới làm văn học nước ta giúp cho việc dịch (vì người ta đọc thì hiểu nhưng dịch lại là chuyện khác) để ra một tuyển tập truyện ngắn Việt Nam tại Thái Lan.
Nhưng phía mình, nhiều nhà văn lại không chịu, nói là phải để người Việt Nam chúng tôi tự chọn. Thế là sinh ra bất đồng và kế hoạch bị phá sản. Trong việc chọn và dịch tác phẩm giới thiệu ra nước ngoài, các nhà văn chúng ta thường rơi vào tình trạng xem xét nhân thân, thứ bậc về độ tuổi, về chiếu trên chiếu dưới trên văn đàn của tác giả chứ lại không nghĩ đến chuyện họ (người nước ngoài – PV) thích gì, cần gì. Ngay cả người dịch cũng bị xem xét về nhân thân, mặc dù người ta chỉ làm công việc dịch thuật chứ có sáng tác đâu. Văn học rất quan trọng. Muốn tìm hiểu một dân tộc một cách kỹ càng thì người ta hay tìm đến văn học, phim ảnh. Vậy mà cả hai mảng ấy ở ta đều chưa thể làm nên chuyện ở nước ngoài.
Bối cảnh lịch sử hiện nay là cơ hội rất lớn để chúng ta có được những tác phẩm để đời.
____
Vậy, theo anh phải làm thế nào? Kinh phí có phải là vấn đề trong việc đưa văn học Việt ra thế giới?
Tôi nghĩ kinh phí không phải là vấn đề. Ta có tiền để làm nhiều việc khác kém quan trọng hơn. Trại sáng tác chẳng hạn, theo tôi không nên mở nhiều vì ít hiệu quả và thường là lãng phí tiền bạc. Sáng tác phụ thuộc vào khả năng và nhiệt tâm và thậm chí nhu cầu của mỗi cá nhân nhà văn. Nếu có mở các trại, là nơi tạo điều kiện ăn ở tốt trong một thời gian dài, xa biệt và tĩnh tâm cho các trại viên, thì nên chủ yếu là trại dịch thuật, đặc biệt là dịch văn học Việt ra tiếng nước ngoài. Số tiền “đầu tư sáng tác” của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho hội viên, nên để ra chí ít là một nửa cho việc này. Dành cho các dịch giả có khả năng dịch được tiểu thuyết Việt, thơ Việt qua tiếng Anh, tiếng Hán, tiếng Nhật…v.v. Các dịch giả được “đầu tư chiều sâu” này có thể là người nước ngoài, là người Việt Nam sống ở nước ngoài.
Hơn nữa, trước hết phải nhận thức được sự cần thiết phải có tiếng nói của văn học Việt ở thế giới. Cần cầu thị và đừng thiển cận. Những người Việt ở nước ngoài sẽ là những yếu tố tích cực để truyền bá văn học nước nhà, nếu biết cách kêu gọi và biết tôn trọng, biết quý họ. Không chỉ trong công việc dịch thuật, mà cả trong mọi việc liên quan đến xuất bản ở nước ngoài đều cần đến tài năng, sự am hiểu và sự nhiệt tâm của những người trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài.
Một cuốn tiểu thuyết Việt dù hay và dịch tốt đến mấy, nếu chỉ in ngàn bản ở một nhà xuất bản khu trú trong phạm vi trường đại học, thì chẳng ích gì cho việc giới thiệu và quảng bá văn học Việt. Nó phải được xuất bản tại một nhà xuất bản nổi tiếng và phát hành số lượng lớn trong những hệ thống xuất bản có tính đa quốc gia. Làm được tốt nhất việc đó còn ai bằng các dịch giả, các nhà văn, nhà báo, luật gia, các chủ xuất bản người Việt Nam sống ở nước ngoài?
____
Cụ thể hơn là thế nào, thưa anh?
Không nên phàn nàn nhau, chỉ trích nhau và họp hành quá nhiều, tốn tiền của mà chả giải quyết vấn đề gì. Tôi lấy ví dụ, hãy tập trung vào, dồn đầu tư tiền bạc và thì giờ cho việc dịch một tác giả nào đó thật cẩn thận đi, như Vũ Trọng Phụng chẳng hạn. Tập trung làm một “chiến dịch” giới thiệu Nam Cao sang Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đi. Nam Cao là nhà văn hiện đại hàng đầu của đất nước này. Tiểu thuyết Sống mòn của ông rất mới, thuần Việt mà lại “rất Pháp”.
Bỏ qua các tranh cãi, bỏ qua ngay cả sự ác cảm, mạnh dạn chọn ra chỉ vài tác giả rõ ràng là rất nổi tiếng hiện nay ở Việt Nam như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà và dồn tâm lực vào dịch, giới thiệu, xuất bản tác phẩm của họ. Dĩ nhiên còn nhiều tác giả nữa, nhưng hoặc để họ tự làm, hoặc để từ từ. Hội Nhà văn, tức là Nhà nước, trước mắt tập trung vào vài tác giả mà chúng ta thấy là nếu dịch thì nhất định sẽ có hiệu quả tốt cho việc giới thiệu văn học Việt đương đại ra thế giới.
Lúc này, tính hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Thậm chí, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, tuyệt hay, người Việt chúng ta không ai không thừa nhận, nhưng ngay lúc này hãy coi đó là một di sản văn hóa lớn của dân tộc, chưa nên vội dốc lực dịch với hy vọng mau chóng đạt được bản dịch xứng tầm với bản tiếng Việt để có thể xuất bản và phát hành rộng ở nước ngoài.
Vì thứ nhất là Truyện Kiều không trực tiếp mang hơi thở thời đại, thứ hai dịch thơ đâu phải chuyện dễ, không chừng làm thiên hạ hiểu sai tầm tuyệt tác của tác phẩm. Mà cho dù bản dịch có hoàn chỉnh về mặt ngữ nghĩa đi chăng nữa thì cũng sẽ rất ít người trong số đông độc giả không phải nhà nghiên cứu tìm đọc. Thật sự là rất khó quảng bá. Mà văn học Việt thì lại đang rất cần được quảng bá.
____
Anh nhận xét thế nào về tình hình văn học trong nước?
Tôi “ze rô” ngoại ngữ nên chỉ biết văn học nước ngoài qua các bản dịch. Như vậy là rất hạn chế. Dù vậy, tôi tin là mình không nói liều khi dám quả quyết rằng văn học Việt Nam hiện đại có những tác giả và tác phẩm ngang tầm với văn học thế giới đương đại: Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Thiệp… thật đáng tiếc cho độc giả thế giới khi họ không được đọc những nhà văn đó.
Bối cảnh lịch sử hiện nay là cơ hội rất lớn để chúng ta có được những tác phẩm để đời. Và dĩ nhiên những tác phẩm ấy sẽ làm rạng danh văn học Việt trên văn đàn thế giới. Cố nhiên, muốn rạng danh trên thế giới thì trước nhất phải thực sự được yêu chuộng ở Việt Nam. Không thể nổi tiếng, không thể rạng danh nếu coi nổi tiếng và rạng danh là mục đích. Không thể đọ với “Tây, Tàu” nếu coi “Tây, Tàu” là độc giả trước nhất của mình.
Truyền thống văn học Việt Nam là văn học hiện thực. Tất cả các nhà văn muốn viết theo lối Tây lối Tàu, xa lánh những vấn đề của dân tộc mình, ẩn ngòi bút vào cõi “phi hiện thực, phi chính trị” thì không thể nào thành công ở Việt Nam, vì những vấn đề không phải của nước Việt thì người đọc Việt Nam không quan tâm. Chẳng hạn, nếu “anh” tránh viết về những bất công xã hội, những thống khố ngày hôm nay trong cuộc sống của chúng ta và viết theo kiểu văn chương “giường chiếu” thì mặc dù có người đọc thật đấy, nhưng đừng bao giờ hy vọng trở thành một nhà văn thực sự của đất nước này. Càng không nên có ý định đưa tác phẩm của mình đến với thế giới.
Tại sao không viết về những vấn đề của nông dân và nông thôn hiện nay, như tình trạng cường hào ác bá mới, như sự tụt hậu văn hóa, như vấn đề mất đất vì đô thị hóa chẳng hạn.
Điều quan trọng nhất đối với một nhà văn, ấy là tầm văn hóa. Tầm văn hóa càng sâu rộng, tác phẩm của nhà văn càng đạt được tới gần hơn nỗi niềm và tiếng lòng của nhân dân thời đại mình.
____
Cách đây ba năm, nghe tin Nỗi buồn chiến tranh được người nước ngoài mua bản quyền, chuyển thể làm phim, nhiều người đã rất mừng và mong đợi… vậy mà hóa ra lại là mừng… hụt. Lý do nào khiến cho dự án bị dừng, thưa anh?
Nhiều lý do lắm, bất đồng ngôn ngữ cũng là một lý do. Đọc kịch bản thấy “Mỹ” quá. Biên kịch kiêm đạo diễn muốn biến tác phẩm thành một phim hoàn toàn kiểu Mỹ. Không thống nhất được quan điểm nên thôi.
Có những đoạn miêu tả về cuộc chiến, viết thành lời trong tiểu thuyết thì được nhưng chuyển tải hình ảnh theo ngôn ngữ điện ảnh thì còn phải cân nhắc nhiều. Nhà sản xuất là một doanh nhân người Anh, ông Dominic Scriven, sống và làm việc đã rất nhiều năm ở Sài Gòn, rất yêu và am hiểu văn hóa Việt. Ông ấy đã thành đạt rất nhiều ở Việt Nam, bởi vậy muốn làm được điều gì đó cho ân tình ấy. Ông thuê ê-kíp làm phim của Mỹ mà ông tin là họ có khả năng. Nhưng khi tôi không nhất trí, ông đồng ý dừng.… Nếu phim được làm thì kể ra tôi cũng sẽ có tiền. Tiếc ơi là tiếc, nhưng không thể kiếm tiền bằng mọi giá…
____
Có lần anh đã từng nói: “Ngoại ngữ, sách nghiên cứu, phê bình… là những thứ muôn năm tôi không nuốt nổi” và cho đó là hạn chế của mình. Nhưng biết đâu, đó lại chính là lợi thế của anh, bởi sau Bảo Ninh – tiểu thuyết, người yêu văn học còn biết đến một Bảo Ninh – truyện ngắn với những câu chuyện dung dị nhưng khá ám ảnh, đi vào lòng người… Theo anh, điều quan trọng đối với một nhà văn là gì?
Tôi đã nói vậy thật sao? Tôi mà quá khích vậy ư? Ngoại ngữ thì đúng là tôi quá tệ. Mười năm phổ thông học tiếng Nga, điểm số chẳng kém ai, song thuộc loại: Chỉ biết chia động từ mà không cần biết nghĩa của động từ mình đang chia. Cũng khá giống với học văn, thuộc lòng bài thơ mà chẳng ưa gì bài thơ đó. Đọc thuộc lòng một cách buồn ngủ.
Làm luận vanh vách theo dàn bài mà chẳng biết mình đang viết cái gì. Nhưng đối với văn học phê bình thì không phải vậy đâu. Theo tôi thì không đọc, không học, không ngẫm nghĩ từ văn học phê bình làm sao viết văn được. Ba tôi, giáo sư Hoàng Tuệ, là nhà ngôn ngữ học, từ ba tôi mà tôi yêu văn học, và tôi đặc biệt thích đọc những khảo cứu của ông về ngôn ngữ văn học. Người thầy lớn nhất của tôi, người đã dạy cho tôi thành một nhà văn là giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, mà thầy Hiến thì đương nhiên là một trong những nhà phê bình hàng đầu của văn học Việt đương đại.
Cùng ông là các nhà phê bình như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Ngọc Trà, Trần Đình Sử … tác phẩm của các vị ấy là căn bản kiến thức văn học của tôi. Và nhà văn Nguyên Ngọc, mặc dù ông không phải là nhà phê bình. Hôm rồi, ở Tokyo, tôi có bình luận với các ông giáo sư Nhật rằng, với tư cách là một nhà văn Việt Nam, thì xứng đáng nhất nhận giải thưởng văn hóa, theo tôi, là nhà văn Nguyên Ngọc. Đó, đấy là tôi trả lời cho ý thứ hai trong câu hỏi của bạn. Điều quan trọng nhất đối với một nhà văn, ấy là tầm văn hóa. Tầm văn hóa càng sâu rộng, tác phẩm của nhà văn càng đạt được tới gần hơn nỗi niềm và tiếng lòng của nhân dân thời đại mình.
____
Nghe đồn anh đang viết tiếu thuyết? Cuốn ấy nó thế nào, sao lâu thế?
Đồn gì chứ. Đó là ông Nguyễn Việt Chiến viết vậy trên báo. Nói trước bước không qua. Nhưng bạn đã hỏi, tôi xin nói thế này: Bao nhiêu năm qua, tôi chỉ ngày lại ngày viết độc có một cuốn sách mà không xong, thành ra ngày nào cũng viết mà lại như chẳng hề viết cái gì. Cuốn sách quá khó viết đối với tôi, có thể là quá tầm.
Cuốn sách có bối cảnh chủ yếu là đời sống thường nhật của người dân miền Nam nước Việt trong giai đoạn 1954-1975. Trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt, chúng ta đang để bị mất đi, hay nói đúng hơn là đã để bị gián đoạn 20 năm đó. Hay dở, xấu tốt gì thì hai chục năm đó cũng một đoạn đời của dân tộc Việt. Tôi muốn viết về giai đoạn ấy, về xã hội Việt Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa ở một nửa đất nước. Xã hội ấy không chỉ có ông Diệm, ông Nhu và Thiệu – Kỳ mà có cả đồng bào của mình nữa, hay đúng hơn là hoàn toàn đồng bào mình. Hai mươi năm ấy, nhân dân miền Nam Việt Nam sống ra sao? Thực sự những điều gì đã làm cho non sông về một mối? Theo suy nghĩ của tôi, người dân miền Nam đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc thống nhất đất nước này.
Ngay cả sự đầu hàng của tướng Dương Văn Minh và đông đảo quân sĩ của ông ấy cũng là một sự đóng góp đáng kể trong việc tránh thương vong thêm cho dân tộc, cho tình yêu thương và hoà hiếu, cho sự đồng lòng… Có thể tôi viết sẽ không được hay, không được như ý vì tôi không được sống trong cái không khí ấy, cái môi trường ấy. Nhưng dứt khoát, giai đoạn lịch sử ấy phải được viết ra. Rồi sẽ có những nhà văn khác viết, còn tôi thì vẫn đang gắng.
____
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!