Đầu năm 1975 ông đảm nhiệm vị trí Phụ tá Khoa trưởng đặc trách nghiên cứu và phát triển của Trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ, tiền thân của Đại học Bách khoa (ĐHBK) TP. Hồ Chí Minh ngày nay. Ông tiếp tục giảng dạy ở đây cho đến khi nghỉ hưu đầu năm 2008. TS Nguyễn Thiện Tống được nhiều người biết đến với vai trò “kiến trúc sư trưởng” xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không và giữ vị trí Chủ nhiệm bộ môn từ năm 1996 đến năm 2007.
Đây có lẽ cũng là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong suốt 33 năm gắn bó với công tác giảng dạy của người trí thức gốc Huế này. Đằng sau những đóng góp của ông với sự nghiệp giáo dục là một hành trình nhiều thăng trầm của một trí thức có khát vọng đóng góp cho đất nước.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn hăng say làm việc. Ngoài công việc tại Trường Đại học Cửu Long, ông và TS Lê Đình Tuân đang hoàn tất dự án thiết kế chế tạo tàu đệm khí, một sản phẩm kết hợp kỹ thuật hàng không và hàng hải, dự kiến sẽ chạy thử nghiệm vào tháng 7 tới. Nếu thành công, loại phương tiện này sẽ có nhiều ứng dụng thiết thực trong dân dụng, cứu hộ cứu nạn, cũng như quốc phòng.
____
Khi nhận bằng Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không thì ngành khoa học này ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, đất nước lại đang chia cắt và còn chiến tranh, đâu là lý do khiến ông quyết định trở về?
Những người đi du học theo học bổng Colombo Plan có ràng buộc là phải về nước sau khi học xong. Nhưng với những người có học vị tiến sĩ thì vẫn có thể ở lại Úc hoặc đi nước khác làm việc. Khi biết tôi quyết định về Việt Nam, nhiều người cũng tỏ ra ngạc nhiên, trong đó có cả người thầy trực tiếp hướng dẫn luận án tiến sĩ cho tôi. Ông đưa ra cho tôi nhiều sự lựa chọn, hoặc ở lại Úc tiếp tục phát triển mô hình khí động lực học áp dụng cho phi thuyền con thoi, công trình khoa học mà tôi làm trợ lý nghiên cứu cho ông suốt sáu tháng trong thời gian chờ nhận bằng, hoặc giới thiệu tôi qua một số nước có khoa học hàng không phát triển như Mỹ, Anh… để tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Còn về Việt Nam, ông nói tôi chỉ có thể đi dạy thôi. Đó cũng là suy nghĩ của tôi, mong muốn nhân rộng tri thức, sự hiểu biết của mình ở cấp độ đại học. Tự cho mình giỏi có thể bị xem là không khiêm nhường, nhưng tôi nghĩ những người nhận được học bổng du học thì đã được thừa nhận là giỏi, mà những người càng giỏi thì trách nhiệm bản thân với đất nước càng lớn.
Những người càng giỏi thì trách nhiệm bản thân với đất nước càng lớn.
____
Nhưng thực tế là gần hai thập niên kể từ khi ông về nước, Bộ môn Kỹ thuật Hàng không mới được thành lập?
Thực ra ý tưởng thành lập bộ môn Kỹ thuật Hàng không đã phôi thai từ đầu thập niên 1980 khi Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh lúc đó là GS Trần Hồng Quân, sau này làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (Bộ GD-ĐT), yêu cầu tôi soạn chương trình đào tạo Kỹ thuật Hàng không. Vận dụng kinh nghiệm làm việc ở Đại học Kỹ thuật “Phú Thọ” từ trước 1975, tôi đề nghị mở những môn nhiệm ý, tức là môn tự chọn, vận động sinh viên từ các ngành khác qua học, nhằm chuẩn bị đội ngũ giảng viên, tiến tới xây dựng Bộ môn Kỹ thuật Hàng không. Tuy nhiên phương thức đào tạo của chúng ta hồi ấy theo kiểu niên chế, nên khó thực hiện. Cơ hội thành lập Bộ môn Kỹ thuật Hàng không lại bắt đầu giữa thập niên 1990, sau khi tôi đi hoàn tất chương trình Thạc sĩ Quản trị Hành chính công tại Trường Kennedy thuộc Viện đại học Harvard.
____
Vậy trong suốt hai thập niên làm giảng viên ở Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ông làm những gì?
Do tôi hiểu biết khá nhiều về nhiệt và lưu chất, nên tôi chuyển sang nghiên cứu về năng lượng mặt trời và năng lượng gió… Khi tôi nghiên cứu về năng lượng mặt trời thì người ta cũng làm. Tôi chuyển qua năng lượng gió thì lại có người khác cũng làm về gió. Rồi tôi được điều chuyển qua Khoa Thủy lợi do nhà trường muốn tập trung giảng viên dạy các môn cơ học chất lỏng và chất khí… Nhìn lại, trong suốt hai thập niên kể từ khi đất nước thống nhất, tôi không có cơ hội đóng góp về chuyên môn.
____
Phải chăng đó là lý do khiến ông chuyển hướng sang nghiên cứu về chính sách công, cụ thể là du học chương trình Thạc sĩ Hành chính công tại Viện đại học Harvard?
Cũng không hẳn vậy. Sau 1975, chúng ta khá dè dặt trong quan hệ quốc tế nên tôi không có điều kiện ra nước ngoài. Mãi đến năm 1989, Nhà nước thay đổi chính sách, tôi mới có cơ hội qua Thái Lan. Chuyến công tác này giúp nhận thức xã hội của tôi rõ nét và mạnh mẽ hơn, thông qua tìm hiểu về hoạt động của các số tổ chức phi chính phủ, về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển không đồng đều, bất công xã hội… tựu chung là những vấn đề thường gặp ở những nước chậm và đang phát triển. Theo quan sát của tôi, đứng trước những vấn đề lớn, nhà nước thường hỏi ý kiến trí thức. Tôi muốn đóng góp ý kiến nhưng ngoài chuyên môn khoa học kỹ thuật, có nhiều vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế thì tôi không rành. Thế nên, khi xem thông tin mô tả danh sách các môn học tại Trường Kennedy, tôi rất thích thú vì tin rằng với vốn tri thức được trang bị, tôi có thể đóng góp ý kiến vào những lĩnh vực mà mình quan tâm là chính sách giáo dục và chính sách công nghiệp. Vợ tôi cũng khuyến khích tôi đi học. Cô ấy nói tôi ở trong nước đã lâu, bị “sét rỉ” quá rồi, có cơ hội thì nên đi. Sau khi hoàn tất chương trình học và về nước, tôi làm việc bán thời gian cho Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam năm 1995 với mức lương 1.500 USD/tháng. So với đồng lương giảng viên mà tôi vẫn nhận từ trường hằng tháng, thì khoản thu nhập này khá hậu hĩnh. Đúng lúc đó thì GS Trương Minh Vệ, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, đề nghị tôi xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Kỹ thuật Hàng không.
____
Có vẻ như tình thế đặt ông đứng trước một quyết định không hề dễ dàng?
Thành thực là tâm trạng tôi lúc đó khá phân vân. Nếu tiếp tục tham gia Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tôi có cơ hội truyền tải kiến thức về kinh tế thị trường, nghiên cứu và đóng góp ý kiến về mặt chính sách. Còn nhận lời xây dựng và phát triển Bộ môn Kỹ thuật Hàng không thì sẽ rất mệt, bởi quá nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, giáo trình, giảng viên… đều thiếu trong khi thời gian chuẩn bị khá gấp gáp. Tôi quyết định nhận lời vì tôi là người duy nhất ở Trường Đại học Bách Khoa có trình độ hiểu biết đáng kể về kỹ thuật hàng không, và đây là cơ hội để tôi đóng góp về chuyên môn khoa học kỹ thuật. Tháng 4-1996, Bộ môn Kỹ thuật Hàng không được thành lập, trực thuộc Ban Giám hiệu. Tôi được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn và cũng là thành viên duy nhất. Trong vòng bốn tháng, tôi vừa biên soạn chương trình, vừa kêu gọi những anh em Việt kiều ở nước ngoài hỗ trợ tài liệu. Tháng 8-1996 nội dung đào tạo được phê duyệt, thì tháng 9-1996, chúng tôi tuyển sinh khóa I. Đối tượng là sinh viên vừa học năm thứ hai ở các khoa trong trường, có điểm trung bình từ 7 trở lên. Chỉ tiêu là 30 sinh viên nhưng chỉ tuyển được hơn 20 người. Trong quá trình học, một số xin rút, nên còn chừng 17, 18 người.
____
Đầu vào khá tốt, nhưng việc cơ sở vật chất thiếu thốn, chẳng hạn như phòng thí nghiệm nghèo nàn, có tác động như thế nào đến chất lượng “đầu ra”, thưa ông?
Lúc ấy có một nguồn hy vọng là xin được nguồn viện trợ từ Chính phủ Pháp, khoảng 700 ngàn USD để trang bị phòng thí nghiệm. Nhà trường có cấp cho 500 triệu đồng để xây dựng phòng thí nghiệm. Tuy nhiên để tranh thủ nguồn viện trợ, chúng tôi đã dành phần lớn số tiền đó để mua một thiết bị cho đồng bộ với hệ thống thiết bị trong dự án xin viện trợ. Nhưng vì nhiều lý do mà dự án xin viện trợ 700 ngàn USD bất thành, nên chúng tôi kẹt một khoản tiền khá lớn vào thiết bị đã mua, và thiếu các thiết bị đồng bộ. Thành ra, chúng tôi làm thí nghiệm ảo, bằng cách cho sinh viên xem những thí nghiệm nước ngoài được ghi lại trên băng video do một số anh em Việt kiều gửi về. Mặc dù học tập trong điều kiện thiếu thốn như vậy nhưng những sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng không của chúng tôi khi được học bổng đi du học nước ngoài đều hòa nhập khá tốt và phần lớn ở trong nhóm giỏi. Như vậy chứng tỏ chất lượng đào tạo ngành kỹ thuật hàng không của chúng tôi rất tốt. Chỉ tiếc là sau khi học xong phần lớn đều ở lại nước ngoài làm việc.
____
Theo ông thì tại sao lại có tình trạng này?
Trong thâm tâm, tôi luôn mong mỏi các em sẽ quay trở về đóng góp cho đất nước. Trong số học trò của tôi, có một số sau khi đậu tiến sĩ, về nước làm việc nhưng nhu cầu trong nước lại chưa sử dụng hết năng lực của họ. So với những người ở lại nước ngoài làm việc thì các em thiệt thòi hơn. Hy vọng khi đất nước mình phát triển đến một mức độ nào đó thì chất xám sẽ quay trở về, cũng giống như trường hợp của Hàn Quốc, Đài Loan…
____
Nhìn lại những thăng trầm trong cuộc đời, có khi nào ông cảm thấy hối tiếc về quyết định trở về của mình?
Buồn thì có, nhưng hối tiếc thì không. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát “Thương cho người và lạnh lùng riêng”, tôi cảm nhận thành “Thương cho mình và tiếc cho đời”. Thương cho mình với bao hoài bão mà không được đóng góp như mong ước và tiếc cho đời không cho mình cơ hội đóng góp nhiều. Tôi không đòi hỏi có được điều kiện thuận lợi, chỉ cần đừng bị gây khó. Dù sao tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào trong thời gian 11 năm làm việc ở Bộ môn Kỹ thuật Hàng không.
Tôi không đòi hỏi có được điều kiện thuận lợi, chỉ cần đừng bị gây khó.
____
Được biết ông là một trong những người được mời tham gia hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giáo dục diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh cuối tháng 4 vừa qua. Ông mang những gì đến hội thảo này?
Tôi tập trung vào hai vấn đề: tổ chức quản lý và mô hình viện đại học đa lĩnh vực. Đây là hai vấn đề tôi đã đề cập đến từ năm 1992, khi Việt Nam có phong trào cải tổ giáo dục. Đại học phải là nơi trí tuệ phát triển, biên giới hiểu biết được nới rộng. Đại học phải bao gồm đủ mọi mặt tri thức của xã hội, chứ không chỉ một hai ngành đơn lẻ, chuyên biệt.
Nhược điểm lớn nhất của hệ thống giáo dục đại học là sự phân tán trách nhiệm quản lý qua nhiều bộ và nhiều tỉnh thành chủ quản. Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục giữa Bộ GD-ĐT với các bộ ngành khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất. Việc tách rời quản lý nhà nước về chuyên môn với quản lý nhân sự, tài chính đã làm giảm tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đối với toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân và làm cho bộ máy quản lý giáo dục trở nên cồng kềnh, nặng nề. Năng lực của các cơ quan quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới.
Nhược điểm lớn thứ hai là sự tách rời giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học. Sự tách rời này làm cho các nhà khoa học ít được tham gia giảng dạy và giảng viên đại học bị hạn chế tham gia việc nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng ít được tiếp cận những nhà khoa học giỏi. Điều đó làm cho trường đại chưa trở thành trung tâm chất lượng về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nhược điểm lớn thứ ba là sự phân tán của quá nhiều học viện và trường đại học chuyên ngành riêng rẽ với chương trình đào tạo quá nhiều tiểu chuyên ngành rất hẹp. Chính việc tổ chức quản lý các trường đại học có mục tiêu đào tạo nặng về kiến thức theo chuyên ngành hẹp khiến sinh viên không được trang bị nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát cần thiết để hình thành khả năng tự học suốt đời.
Hiện nay chúng ta hầu như không có các viện đại học đa lĩnh vực, trong đó gồm các viện nghiên cứu và phần lớn sinh viên là trên đại học. Mặt khác, Việt Nam thiếu các trường cao đẳng cộng đồng và cao đẳng chuyên nghiệp ở các tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu gia tăng sinh viên đại chúng mà không làm giảm chất lượng của các viện đại học tinh hoa.
Chúng ta thiếu các viện đại học đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng mà chỉ có phần lớn là các trường đại học chuyên ngành riêng lẻ như sư phạm, y dược, khoa học, nông lâm, kỹ thuật, kinh tế, kiến trúc… Đây là các trường đại học mà giảng dạy là chủ yếu nhưng có mục tiêu đào tạo những nhà chuyên môn theo những chương trình đào tạo tương đối hẹp và có ít phần giáo dục tổng quát hơn khi so với các viện đại học đa lĩnh vực.
____
Từ những nhược điểm trên, theo ông, nên khắc phục theo hướng nào?
Việc trường thuộc bộ chủ quản là một hệ quả của nền kinh tế kế hoạch tập trung, nhằm đào tạo ra những người “ngồi ở đâu, làm gì”. Nói ngắn gọn là học để thừa hành. Với mục đích như vậy nên mới sinh ra cách học nhồi nhét, mới có những bài văn mẫu… Học trò bị triệt tiêu sáng tạo, chỉ đón ý thầy để được điểm cao. Khi đi làm thì đón ý lãnh đạo để được đánh giá tốt. Thành ra không trung thực, đến độ không còn là mình nữa. Nói theo triết học là sự vong thân.
Theo tôi, nên mạnh dạn từ bỏ nguyên tắc bộ chủ quản, cho phép đại học tự trị. Mô hình Đại học Quốc gia thực tế là đã được trao quyền tự trị. Giám đốc và các Phó Giám đốc do Thủ tướng bổ nhiệm. Các trường đại học khác thì tùy theo mức độ mà cho phép tự trị đến đâu. Cách nay khá lâu, tôi ca ngợi việc các trường trên ở Huế được gộp lại thành Viện Đại học Huế thì mấy tháng gần đây tôi được biết trường Đại học Y bị tách ra, đưa về cho Bộ Y tế.
____
Khi rời hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục, trong ông đọng lại điều gì?
Điều đọng lại là nhiều người chưa thẳng thắn góp ý giải quyết vấn đề. Tâm lý né tránh là rào cản đối với chấn hưng giáo dục. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đặt câu hỏi rằng có ai nêu lý do gì mà không dùng chữ “viện đại học” không, tại sao Luật Giáo dục đưa ra khái niệm trường đại học và đại học quốc gia, hai cách gọi này có gì khác nhau.
Cũng tại hội thảo này, có người còn đặt vấn đề tại sao không ai bàn đến việc bỏ hẳn chương trình đào tạo tại chức.
____
Cách nay không lâu dư luận rùm beng về việc Đà Nẵng tuyên bố không tuyển công chức tốt nghiệp đại học tại chức. Ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng Đà Nẵng can đảm, nhìn thẳng và nói thẳng sự thật. Nếu như Đà Nẵng là một doanh nghiệp tuyển dụng lao động bình thường, có lẽ mọi chuyện sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ. Tuyển hay không là quyền của họ. Tuyên bố của Đà Nẵng, theo phán đoán của tôi, là hệ quả của một quá trình. Vấn đề không phải ở Đà Nẵng, mà là trách nhiệm của ngành giáo dục không đảm bảo chất lượng. Tôi nghĩ nên bỏ chương trình đào tạo tại chức. Tôi ủng hộ nhiều hình thức đào tạo, chẳng hạn như từ xa, bán thời gian… nhưng chất lượng đầu ra phải làm thật chặt, bài thi phải làm như nhau. Nhìn lại lịch sử, ngày xưa, ai cũng có quyền thi tú tài và học bao nhiêu môn thì thi bấy nhiêu. Như vậy, tú tài chỉ có một chất lượng. Còn hiện nay chúng ta có quá nhiều chất lượng. Rồi đào tạo liên thông cũng sai. Trung cấp học liên thông lên cao đẳng, cao đẳng liên thông lên đại học…
____
Nhưng có ý kiến cho rằng đào tạo liên thông là tạo cơ hội để mọi người đều được hưởng giáo dục đại học?
Tôi không tán thành. Đào tạo liên thông là cơ hội để mọi người được cấp bằng đại học, một cách hợp thức hóa, cào bằng chất lượng. Chất lượng đào tạo cao đẳng liên thông lên đại học, thẳng thắn mà nói, không thể bằng đào tạo đại học từ đầu được.
Đào tạo liên thông là cơ hội để mọi người được cấp bằng đại học, một cách hợp thức hóa, cào bằng chất lượng.
____
Thử nhìn lại, ông thấy những ý kiến đóng góp của mình được lắng nghe đến đâu?
Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Tôi nói những điều mình tin là đúng. Thêm nữa, bên cạnh tôi còn có những người khác, chia sẻ và cùng đóng góp tiếng nói trên tinh thần xây dựng. Dẫu số này không nhiều nhưng cũng đủ để mình giữ được sự lạc quan. Tôi thấy đã có những mầm mống của sự thay đổi, có điều điều kiện chưa đủ chín muồi để thay đổi. Tôi tin vào quy luật lượng biến sẽ kéo theo chất biến.
____
Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện.
Xem thêm: