Trong những ngày gần đây, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 120 tàu, trong đó có 42-43 tàu hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 15-17 tàu kéo, 34 tàu cá vỏ sắt và sáu tàu hộ vệ tên lửa, dò mìn để tổ chức đội hình nhiều lớp ngăn chặn các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam thực thi pháp luật trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta. Các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam còn phát hiện nhiều máy bay quân sự của Trung Quốc hoạt động nhiều lần tại khu vực giàn khoan HD-981. Khi tàu của Việt Nam tiến tới gần giàn khoan để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía Trung Quốc đã có những hành động cản trở như bật còi uy hiếp, dàn hàng ngang dùng tốc độ cao để áp sát, ngăn cản, sẵn sàng đâm va các tàu của ta trên các hướng ở khoảng cách gần. Hậu quả nghiêm trọng nhất là tàu kiểm ngư mang số 951 của Việt Nam bị năm tàu Trung Quốc đâm vào đã hư hại nặng. Ngày 29-6, gần 40 tàu Trung Quốc với sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh số hiệu 46102 và 46106 đã dương oai múa võ uy hiếp một nhóm tàu cá của ngư dân ta đánh bắt hải sản ở khu vực cách giàn khoan HD-981 khoảng 42-44 hải lý về phía Tây – Tây Nam.
Tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam
Từ ngày 24-6, giàn khoan Nam Hải 9 của Trung Quốc đã vào vị trí và bắt đầu triển khai hoạt động khoan. Ngay sau đó, nhiều máy bay quân sự của Trung Quốc đã quần đảo trên bầu trời để bảo vệ giàn khoan này. Khu vực hoạt động của giàn khoan Nam Hải 9 thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc, cách bờ biển Việt Nam chỉ 160km. Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển, không bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển chồng lấn chưa được phân định, nhưng Trung Quốc vẫn ngang nhiên vi phạm. Chưa hết, cũng trong ngày 24-6, truyền thông Trung Quốc còn công bố tấm bản đồ dọc mới của nước này như một “phiên bản mở rộng” thành đường mười đoạn của đường chín đoạn mà họ đưa ra trước đây. Đoạn mới này rất sát với đảo Palawan và nằm trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Philippines chỉ khoảng 12-24 hải lý. Vì vậy, Philippines, sau đó là Mỹ… đã lập tức phản bác bản đồ đó vì nó vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Riêng phần chính phủ Ấn Độ đã mạnh mẽ lên án tấm bản đồ vì đã ngang nhiên đưa lãnh thổ bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ ghép vào lãnh thổ Trung Quốc với tên gọi là Nam Tây Tạng.