Cũng vì cái nghề làm du lịch gắn với chân đi, vì anh vừa làm quản lý, điều hành kiêm luôn việc của hướng dẫn viên thì có mấy khi rảnh rỗi. Hai tập sách Ngày đàng, sàng khôn, là tập hợp những bài viết về các điểm đến, những câu chuyện du lịch của anh: tập 1 Dọc đường đất nước viết về du lịch nội địa, những nơi chốn thân quen của 64 tỉnh thành trong cả nước. Tập 2 Thế giới lạ mà quen là những chuyến du ký nước ngoài. Sách do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh phát hành qua Tổng công ty Văn hóa Phương Nam.
Không chỉ giới thiệu những điểm đến với những cảm nhận thú vị mà với con mắt của người làm du lịch, anh cũng nhiều lần trăn trở về bài toán phát triển du lịch nước nhà. Dù những điểm đến rất quen thuộc với nhiều người, có thể là quê của ai đó, nhưng không phải ai cũng chịu khó khám phá từng ngóc ngách, tìm hiểu cặn kẽ về lịch sử, văn hóa, địa lý để có thể làm một hướng dẫn viên địa phương. Vậy mà anh làm được việc này một cách tường tận. Từ Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Cần Giờ, Củ Chi… cho đến đảo thiêng Trường Sa, đại ngàn Bạch Mã, Đại Lãnh kỳ thú, Cát Bà mùa thu, cố đô Hoa Lư… nơi đâu cũng hiện lên những nét đặc trưng hấp dẫn. Điều đặc biệt của du lịch là không thể thiếu ẩm thực. Những món ăn chân quê của từng vùng miền được anh khám phá, “mời” bạn đọc đủ để ai đó là tín đồ của món ngon phải xách balô lên và đi khắp Việt Nam để thưởng thức đặc sản ba miền. Khi đã chu du khắp Việt Nam, thu vào tầm mắt vẻ đẹp của giang san cẩm tú, anh lại dẫn dắt bạn đọc đi một vòng thế giới. Từ những địa danh du lịch nổi tiếng tới những nơi ít người biết anh đều trải nghiệm qua như Ấn Độ thiên đường của loài vật, Berlin thủ đô xanh, Nhật Bản những chuyện thần kỳ, Phnom Penh thành phố ngã tư sông, kỳ bí cánh đồng Chum, Moskva xa mà gần… Tất cả những bài viết trong hai tập sách đều không có hình minh họa, đó là chủ ý của tác giả vì anh đã “chụp hình bằng chữ” nên để cho độc giả sử dụng trí tưởng tượng sẽ thú vị hơn.
Theo lời tự bạch của anh thì những bài viết nghiệp dư này không theo thể loại nào cả. Đó chỉ là “Đi, thấy, nghe, cảm và viết” theo cách của riêng anh: “Tôi chưa gặp ai đến một vùng đất mới nào mà không học được một điều gì đó. Với tôi, cuộc sống là những chuyến đi. Còn đi là còn sống. Còn sống là còn đi”. Đã trải qua nhiều nghề khác nhau, anh nghiệm ra công việc hợp với mình nhất là du lịch, bởi nhờ nó mà anh “được” nhiều thứ quý giá khác: “Nghề đã chọn mình nên mình không thể phụ nghề. Tôi làm du lịch như một thứ tôn giáo nghề nghiệp. Nhờ đi nhiều nên quen nhiều người, biết nhiều vùng đất mới, hiểu thêm nhiều thứ mà chẳng trường lớp nào dạy nổi. Đi riết thành ghiền, có tháng tôi chỉ được ở nhà có năm, bảy bữa. Nhờ làm hướng dẫn viên, tôi có thêm kinh nghiệm để quản lý, thêm thực tiễn để giảng dạy, thêm kiến thức để viết, thêm bạn bè, thêm tình nghĩa để sống tốt hơn”.
Việt An