Bà mẹ thiên nhiên luôn quảng đại với con người khi không ngừng tạo ra những tuyệt tác trên hành tinh. Dù những cảnh quang hùng vĩ hay êm đềm, phi thường hay thơ mộng, tất cả đều khiến con người phải ngỡ ngàng. Hãy cùng đến tham quan một số địa danh nổi tiếng ấy.
Hang băng Skaftafell ngàn năm tuổi
Nằm trong Vườn quốc gia Vatnajökull, Đông Nam Iceland, hang băng Skaftafell được hình thành do sự quy tụ của các chỏm băng và dòng sông băng bên bờ biển. Lối vào hang rộng gần 7m nằm phía bờ biển nhưng vì cấu trúc hang băng không được vững chãi, dễ bị sụp đổ nên việc khám phá hang động này được khuyến khích thực hiện vào mùa đông khi lớp băng đông cứng hơn.
Vào thời điểm này, màu sắc hang cũng trở nên hấp dẫn hơn. Những cơn mưa lớn gột rửa bề mặt băng, tạo điều kiện cho ánh sáng xuyên qua lớp băng dày và khiến hang băng chuyển sang màu xanh như ngọc. Đứng trong lòng hang có thể nghe thấy những âm thanh rạn nứt nhưng không phải vì nó sẽ sụp đổ mà vì nó đang di chuyển cùng các sông băng.
Victoria – thác nước hùng vĩ nhất hành tinh
Với chiều cao trên 100m và chiều rộng lên tới 1.700m, thác Victoria nằm trên đường biên giới giữa Zambia và Zimbabwe (châu Phi) được xem là thác nước lớn nhất trên trái đất. Tên gọi Victoria được nhà thám hiểm Scotland David Livingstone, người đã phát hiện ra dòng thác này vào năm 1855 đặt tên theo tên Nữ hoàng Victoria của Vương quốc Anh. Người dân địa phương còn gọi thác là Mosi-oa-Tunya, nghĩa là Khói sấm, cái tên bộc lộ đầy đủ vẻ đẹp phi thường của thiên nhiên nơi đây.
Thác Victoria bao gồm bốn thác nước, được phân cách bởi các hòn đảo nhỏ và các rặng san hô. Vào khoảng giữa tháng 4 đến tháng 7, dòng nước xiết từ sông Zambezi hùng dũng đổ vào khe vực khiến thác Victoria và khu vực xung quanh chìm trong màn sương khói dày đặc, thậm chí có thể nhìn thấy khói bốc lên từ cách xa 50km. Vào năm 1905, một cây cầu nối liền hai quốc gia được xây dựng gần dòng thác cho phép du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ nơi này.
Biển Chết – hồ nước mặn nhất thế giới
Biển Chết còn được gọi là Biển Muối không phải là biển mà là một hồ nước tọa lạc ở biên giới giữa hai nước Jordan và Israel. Nằm khoảng 400m dưới mực nước biển nên hồ nước trở thành nơi mặn nhất trên trái đất. Điều này cũng khiến các khoáng chất tập trung trong hồ, đẩy nồng độ muối đến 27%, gấp 9 lần so với nồng độ muối trung bình của các hồ khác. Độ mặn này khiến cho Biển Chết trở thành một môi trường khắc nghiệt, khó có loài thủy sinh và sinh vật nào có thể sinh sống ở đây.
Thế nhưng, điều này lại tạo ra sức lôi cuốn đặc biệt đối với các du khách từ các khu vực xung quanh Địa Trung Hải trong hàng nghìn năm qua. Nó từng là nơi ẩn náu của vua David, và được coi là khu nghỉ dưỡng đầu tiên trên thế giới của Herod Đại Đế. Nhờ độ mặn của nó mà du khách có thể dễ dàng nổi trên mặt nước ngay cả khi không biết bơi. Ngoài ra, Biển Chết được xem như một trong những nơi nghỉ dưỡng để chữa bệnh và nghiên cứu y học lý tưởng nhất thế giới.
Thủy tinh cung Great Barrier Reef
Trải dài 2.300km với 3.000 bãi san hô, 900 hòn đảo nổi và 300 đảo san hô, Great Barrier Reef (Đông Bắc Úc) trở thành dải san hô lớn nhất hành tinh, nơi cư ngụ của 11.000 sinh vật biển, trong đó nhiều loài được xem là dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Du khách đến Great Barrier Reef có cơ hội ngắm nhìn những rặng san hô rực rỡ sắc màu và cuộc sống dưới lòng đại dương.
Vào thời kỳ sinh sản của san hô (khoảng rằm tháng 10 và tháng 11), mặt biển chuyển dần từ màu hồng nhạt sang một màu khác hẳn tạo ra hàng ngàn bong bóng sâm banh xuất hiện trên bề mặt biển. Great Barrier Reef được UNESCO công nhận là một trong bảy kỳ quan của thế giới tự nhiên và được xếp hạng di sản thế giới.