Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam gần đây đã phải công bố một thực tế đáng buồn là tính đến tháng 4-2014, có tới 12 ngàn tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) đang bị trốn đóng và nợ đọng. Đã vậy, con số này đang lớn lên hằng tháng theo cấp số nhân nên nguy cơ vỡ quỹ BHXH thêm nghiêm trọng hơn.
Hằng năm, quỹ BHXH chi trả cho trên 1,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng và trên 600 ngàn người hưởng một lần với tổng số tiền chi ra là 60 ngàn tỉ đồng. Như vậy, số nợ đọng BHXH đang tương đương 20% tổng số tiền lương hưu và trợ cấp trung bình hằng năm của người dân. Con số nợ trên nếu không thu được sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 260 ngàn người thuộc diện hưu trí.
Các doanh nghiệp cần bảo đảm tốt quyền lợi cho người lao động, có như vậy, người lao động mới yên tâm làm việc
Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn công bố thêm một sự thật là có đến 24 ngàn tỉ đồng nằm trong diện “thất thoát” do việc đóng quỹ BHXH chỉ căn cứ vào tiền lương tối thiểu, mà không căn cứ theo thu nhập thực. Con số này bằng tới 40% quỹ lương hưu và trợ cấp xã hội và đủ để chi trả cho hơn 620 ngàn người già về hưu trong một năm. Cứ đà này, chỉ sáu năm nữa, quỹ BHXH sẽ bắt đầu bị thâm hụt và sẽ cạn kiệt trong vòng 20 năm nữa.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có khoảng 16 triệu người lao động là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ghi nhận có 11 triệu người đang thực sự tham gia (tương đương 68,8% số người phải tham gia bảo hiểm), nghĩa là khoảng 5 triệu người đang trốn đóng bảo hiểm. Số người tham gia BHXH hiện mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động, còn đóng BHXH tự nguyện dù được nhiều người đồng tình nhưng mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia.
Tính tổng các khoản trên, quỹ BHXH đang bị thiếu hụt 91 ngàn tỉ đồng, tương đương 60% số thu quỹ mỗi năm.
Do tình hình kinh tế khó khăn, thời gian qua có đến 300 ngàn doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, vì vậy tỷ lệ doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể sẽ cao hơn cả mức 75%. Hậu quả có thể xảy ra là lớp cán bộ và nhân viên ở độ tuổi trung niên đang làm việc hiện nay có nguy cơ sẽ không nhận được đồng lương hưu nào khi nghỉ hưu (khoảng 20 năm nữa), cho dù quỹ bảo hiểm vẫn có thể được ngân sách nhà nước bảo lãnh.
Để đối phó nguy cơ vỡ quỹ BHXH, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội quyết định tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Bản dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội đề xuất từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sau khi nghe Chính phủ trình dự thảo luật trên, đa số thành viên của Ủy ban Các vấn đề xã hội không đồng tình với đề nghị nâng tuổi hưu, chỉ đồng ý nâng tuổi hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.
Liên quan đến quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH, do đó đã tán thành với dự thảo luật để thu hẹp dần khoảng cách giữa tiền lương tháng đóng BHXH và thu nhập thực tế của người lao động. Dự luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong kỳ họp sau.