Diễn biến của thị trường trong quý I được cho là tăng trưởng khá nóng, không phù hợp với những gì đang xảy ra của nền kinh tế, vốn chưa có nhiều thay đổi tích cực. Thị trường đang có sự giằng co. Khi VN-Index tăng điểm, nhiều người nắm giữ cổ phiếu giá thấp đã mua trước đó sẽ chốt lời, đặt lệnh bán, còn những ai giữ tiền trong tài khoản thận trọng đặt lệnh mua. Đến khi thị trường giảm điểm, lực cầu lại mạnh lên trong khi bên nắm cổ phiếu lại ngần ngại xả hàng. Vậy nên, sự rung lắc của thị trường vẫn sẽ tiếp diễn với những phiên tăng, giảm điểm đan xen, trong bối cảnh chưa có thêm thông tin mới có tính hỗ trợ mạnh. Bốn phiên giao dịch trong tuần qua cho thấy điều đó: Hai phiên đầu tuần VN-Index tăng điểm, sau ngày nghỉ giỗ Tổ, thị trường lại có hai phiên giảm điểm, trong khi thanh khoản khá thấp, chỉ quanh mốc 2.300 tỉ đồng. Kết thúc phiên cuối tuần (11-4), VN-Index đúng bằng điểm số của phiên đầu tuần (7-4). Sự thận trọng của nhà đầu tư trong khi thị trường tỏ ra phụ thuộc vào một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn khiến thị trường trở nên khá buồn tẻ.
Trong khi chưa có những tin hỗ trợ mạnh của kinh tế vĩ mô, thì những tin hỗ trợ mang tính kỹ thuật, như thông tin từỦy ban Chứng khoán Nhà nước về việc sẽ mở rộng quyền mua, bán chứng khoán trong ngày với các nhà đầu tư nước ngoài theo hướng không hạn chế, trở thành một điểm sáng. Việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua bán cổ phiếu trên cùng một tài khoản trong phiên giao dịch sẽ giúp cho giao dịch của khối ngoại thuận lợi hơn, giúp họ có thể giao dịch nhiều hơn, làm tăng thanh khoản, qua đó tác động tích cực tới thị trường. Dù trên thực tế các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là các tổ chức, các quỹ thường không mua bán trong phiên, và quy định này nếu được thực hiện cũng chỉ mang tính kỹ thuật, ảnh hưởng chủ yếu tới tâm lý của nhà đầu tư, nhưng nó vẫn có tác động tích cực đến thị trường. Cũng như khi các nhà quản lý cho phép kéo dài thời gian giao dịch và nâng biên độ giới hạn trần sàn, các biến động trong cùng phiên giao dịch đã nhiều hơn, cường độ cũng mạnh hơn. Do đó, biện pháp mở rộng quyền cho khối ngoại nếu được thực hiện ắt sẽ có tác động tích cực tới thanh khoản của thị trường. Dù chỉ chiếm 10 – 15% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, nhưng khối ngoại thường giao dịch các cổ phiếu blue-chip, do đó mức ảnh hưởng đến thị trường là rất đáng kể. Chưa kể đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước là thường theo dõi sát động thái của khối ngoại để quyết định danh mục đầu tư cho riêng mình. Ngoài ra, việc mở rộng quyền này có thể là một nhân tố tích cực thu hút sự quan tâm của khối ngoại tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Với các nhà đầu tư hiện hữu, việc này sẽ khuyến khích họ giao dịch mua bán nhiều hơn, nên có thể xem là một biện pháp tích cực trong giai đoạn hiện nay. Biện pháp này còn có thể sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức nước ngoài trong việc nhận ủy thác đầu tư của các nhà đầu tư khác, qua đó thu hút thêm nguồn vốn ngoại vào thị trường. Tuy nhiên, việc chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép thực hiện hoạt động này, còn nhà đầu tư trong nước thì không được phép sẽ tạo ra sự phân biệt, không bình đẳng trên thị trường. Và như đã nói, dù sao đây cũng chỉ là một biện pháp mang tính kỹ thuật, giúp tăng thanh khoản, thu hút thêm nhà đầu tư mà thôi. Sự tăng giảm điểm của thị trường vẫn sẽ được quyết định bởi sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với các kênh khác và các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động hiệu quả hay không.
Sau một giai đoạn giao dịch với khối lượng lớn trong tháng 3 với VN-Index đạt đỉnh 609,46 trong giai đoạn này, thị trường đã tích lũy một vùng khối lượng lớn có mức giá trung bình khá cao. Cộng với việc khối lượng giao dịch hiện đã giảm gần 40% so với mức trung bình trước đó, đã cho thấy mức hấp thụ của thị trường giảm, dòng tiền trở nên thận trọng hơn khiến cho VN-Index chưa thể tái lập được đỉnh cũ. Thị trường vẫn sẽ giao dịch mạnh với nhóm cổ phiếu có thông tin tốt từ kết quả kinh doanh và các cổ phiếu blue-chip, dù việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng các cổ phiếu này trong thời gian qua có thể khiến những nhà đầu tư cá nhân muốn mua vào trở nên thận trọng hơn.
Phiên giao dịch đầu tuần (14-4), các cổ phiếu
blue-chip bị bán rất mạnh đã kéo VN-Index xuống hơn bốn điểm, tuột khỏi mốc 600, dừng lại ở mức 596,11 điểm, giảm 4,46 điểm (-0,74%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 128,080 triệu đơn vị, trị giá 2.587,25 tỉ đồng. Các cổ phiếu trụ cột trên sàn HoSE như BVH, VNM, GAS, VIC, MSN… đồng loạt giảm giá và nới rộng biên độ giảm của VN-Index. Mã DPM tiếp tục chuỗi ngày giảm giá, xuống 38.700 đồng/cổ phiếu, là mức giá thấp nhất trong vòng tám tháng qua của cổ phiếu này.
Thành Huân