Dự trữ ngoại hối của nước ta hiện đã lên mức cao nhất từ trước đến nay, cao hơn nhiều so với năm 2007 – năm bùng nổ của vốn ngoại khi Việt Nam gia nhập WTO. Nguồn lực quốc gia được củng cố là cần thiết để ổn định tỷ giá cũng góp phần cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và cũng là yếu tố hỗ trợ để có những đánh giá tốt hơn từ các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, cũng đã có một số câu hỏi được đặt ra: Làm sao Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng ngoại tệ lớn tới 7,7 tỉ USD trong vòng quý I-2014? Nguồn tiền mua ngoại tệ lấy từ đâu? Liệu đã phải bơm ra một lượng lớn nội tệ không?
Những thông tin đáng chú ý mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là: (1) Trên thị trường, lượng cung ngoại tệ dồi dào trong khi cầu ngoại tệ tương đối thấp (trong quý I, cả nước xuất siêu khoảng 1 tỉ USD, nguồn kiều hối và các dòng vốn nước ngoài như đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp tiếp tục đổ vào Việt Nam); (2) Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ – tỷ giá đã và đang được thực hiện theo hướng nâng cao vị thế đồng tiền Việt Nam, giảm lợi thế của việc nắm giữ ngoại tệ và xu hướng găm giữ ngoại tệ không còn diễn ra như trước.
Ngoài việc mua ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân thì ngoại tệ của ngân sách Nhà nước, của các tổ chức quốc tế và của chính các tổ chức tín dụng cũng được hút về. Ngân hàng Nhà nước sử dụng nguồn tiền cung ứng được quyết định bởi Thống đốc để mua ngoại tệ, đảm bảo đạt được các mục tiêu chính sách tiền tệ. Nhằm hạn chế áp lực tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp can thiệp trung hòa tác động này ngay từ đầu năm, nghĩa là đưa tiền ra qua kênh mua ngoại tệ và hút tiền về thông qua các kênh khác, chủ yếu qua việc phát hành tín phiếu trên nghiệp vụ thị trường mở (ví dụ bỏ ra 21.000 tỉ đồng để mua 1 tỉ USD, ngay sau đó phát hành tín phiếu để hút 21.000 tỉ đồng đó về rồi lại dùng chính nó để mua tiếp ngoại tệ). Vòng “cuốn chiếu” như vậy giúp trung hòa tác động của lượng tiền cung ứng, nhất là ở khía cạnh áp lực lạm phát. Điểm tích tụ ở đây là khối lượng tín phiếu phát hành, vòng quay đáo hạn và lãi suất phải trả. Tất nhiên, khi mua được thêm 7,7 tỉ USD để tăng nguồn lực dự trữ quốc gia thì phải chấp nhận chi phí trả qua lãi suất tín phiếu.