Không chỉ đơn thuần là trò chơi giải trí, golf còn rất có ích cho sức khỏe và tinh thần của người chơi, chẳng hạn phòng ngừa các bệnh về tim mạch, giúp cho xương chắc khỏe, xả bớt stress… Hơn nữa, golf là môn thể thao không phân biệt độ tuổi, giới tính, không có đối kháng và không phải là thể thao cần gắng mọi sức lực như nhiều môn thể thao khác. Chính vì vậy, golf trở thành môn thể thao yêu thích dành cho những người đã bước sang tuổi trung niên.
Ở nhiều nước, để trở thành thành viên của câu lạc bộ golf, người chơi không phải bỏ ra một khoản tiền lớn như tại ViệtNam, do đó thành phần chơi golf rất đa dạng. Song song đó, lĩnh vực sức khỏe cho người chơi golf cũng phát triển tương ứng. Golf là một môn thể thao nhẹ nhàng và không có nhiều chấn thương như bóng đá, bóng rổ… Tại ViệtNam, con số thương tích từ chơi golf chưa được thống kê nhưng tại các nước châu Âu, tai nạn từ golf cũng khá phổ biến.
Không ít người nghĩ rằng chơi golf là lãng phí thời gian vì phải đi bộ hàng giờ trên sân, nhưng theo các chuyên gia sức khỏe thì đây là liệu pháp hiệu quả để phòng ngừa nhiều loại bệnh thường gặp. Trong không gian thiên nhiên yên tĩnh, xanh mát, cùng đuổi theo quả banh trên những thảm cỏ non tơ trải dài mênh mông đến hàng ngàn mét vuông với các loại chim, cò và chồn, sóc chạy nhảy vui vẻ bên cạnh, mọi lo âu, muộn phiền của người chơi sẽ tan biến hết.
Thời gian trên sân golf là những giờ phút hiếm hoi được phép ngưng suy nghĩ về công việc, về những vấn đề phức tạp, căng thẳng của cuộc sống. Khi mọi lo toan được tạm gác sang một bên thì sẽ có lợi cho sức khỏe của người chơi, nhất là những nhà lãnh đạo, doanh nhân, những người lao động trí óc và đặc biệt là người có tuổi. Vì thế, nhiều người tìm đến với golf để giải tỏa stress, điều trị một số trạng thái suy yếu, rối loạn hoạt động thần kinh và đã đạt được kết quả khả quan.
Đánh xong một vòng 18 lỗ golf đồng nghĩa với việc đi bộ hết quãng đường ngoằn ngoèo dài gần chục cây số. Một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị cho các vận động viên thể thao cho biết: “Đi bộ là hoạt động co bóp các khối cơ, xương khớp. Những tín hiệu, xung động phát ra được chuyển về não, từ đó hình thành những xung động mới phát đến các nội tạng khắp cơ thể. Con đường đi từ khối cơ đang vận động đến các nội tạng qua não gọi là phản xạ vận động nội tạng. Các xung động này giúp cải thiện trạng thái nuôi dưỡng các tế bào ở các nội tạng, đồng thời các mao mạch tăng cường tưới máu, cung cấp oxy cho các khối cơ cũng như toàn cơ thể, thúc đẩy quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng, nâng cao hiệu suất hoạt động của các tổ chức nội mô, tăng cường các quá trình hồi phục và hạn chế quá trình lão hóa”.
Golf là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, rèn luyện độ dẻo dai và ổn định năng lượng, chống thừa cân, ổn định sự chuyển hóa mỡ, tăng thành phần chống xơ vữa mạch máu, phòng và giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim. Đặc biệt, những người bị bệnh đái tháo đường khi đi bộ thường xuyên trên sân golf sẽ làm tăng hoạt tính của insulin, góp phần ổn định đường huyết, làm giảm nguy cơ biến chứng do căn bệnh này gây ra.
Hơn nữa, golf là môn thể thao không phân biệt độ tuổi, giới tính, chơi golf là thi đấu với chính mình. Một golfer đã ngoài 65 tuổi vẫn chơi golf thường xuyên cho biết: “Do vận động và đi bộ, nhịp thở tăng, đưa được nhiều dưỡng khí cho cơ thể và đào thải được nhiều khí độc ra khỏi cơ thể. Lúc đó hoạt động của cơ tim có tác dụng tăng những mạch bàng hệ, thúc đẩy việc sinh ra những mạch bàng hệ mới, làm giảm tần suất co bóp của tim lúc nghỉ, giảm trị số huyết áp nhờ giảm sức cản ngoại vi, hạn chế được nguy cơ nhiễm mỡ xơ mạch. Vì vậy, chơi golf rất hữu ích trong việc bảo vệ cơ tim và hệ tim mạch”.