Chúng tôi đến với Atlanta – thủ phủ bang Georgia, đầu tàu của vùng mà người Mỹ gọi là “The Deep South” hay “Miền Nam u tối” trước đây, nhân dịp tham dự hội nghị của ngành tài chính và bảo hiểm toàn cầu.
Hội nghị này mang một tên nghe rất oách – MDRT, tạm dịch là hội nghị bàn tròn của câu lạc bộ triệu phú đôla. Tại sao một nơi có nhiều biến động từ cuộc nội chiến Bắc – Nam Hoa Kỳ (1861-1865), đến những sự kiện căng thẳng màu da trong thập niên 1960 lại được chọn cho một cuộc họp mang tính quốc tế như vậy? Hơn nữa, đã có một thời, Atlanta là một trong những thành phố có tỷ lệ phạm tội cao nhất nước Mỹ cùng với Chicago, Detroit, Philadelphia.
Atlanta ngày nay đã hoàn toàn khác với những gì bạn đọc còn nhớ trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Cuốn theo chiều gió của nữ văn sĩ Margaret Mitchell và cũng khác với những gì chúng tôi nghĩ trước chuyến đi. Atlanta đã theo gió cuốn trôi cùng thời cuộc để biến mình thành một hiện tượng về sự thay đổi hướng đi đúng và một bài học cho cả nước Mỹ.
Atlanta và Cuốn theo chiều gió
Dẹp qua những bộn bề công việc của hội nghị, chúng tôi cố thu xếp ít thời gian để thăm thú Atlanta. Hầu hết tài xế của dãy taxi đang chờ khách trước Khách sạn Omni là người da đen. Lái xe cho chúng tôi là một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi tên John, trong xe luôn xập xình các điệu nhạc blues.
Khi nghe khách muốn đi đến “đường Cây Đào” (Peachtree Street, một địa danh nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió), ông cười và nói ở Atlanta có nhiều con đường mang tên như vậy. Con đường xưa chúng tôi muốn đến có lẽ nay đã thành đại lộ Cây Đào trên bản đồ. Ông nói du khách thường đến địa chỉ số 990 đường Cây Đào là nhà ở của bà Margaret Mitchell trước đây, giờ là một nhà bảo tàng nhỏ.
- Xem thêm: Augusta êm đềm
Trên đường đi, những con đường bùn lầy đất đỏ được mô tả trong tiểu thuyết dĩ nhiên không còn, xung quanh chỉ toàn là phố xá tráng lệ bên những hàng cây xanh mát. Ngôi nhà số 990 xây theo kiến trúc cũ, nằm lọt trong dãy phố nguy nga. Hôm chúng tôi đến, không ai được vào ngôi nhà vì cảnh sát đang bảo vệ cho một đoàn làm phim tư liệu nước ngoài.
Được biết, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Cuốn theo chiều gió đã ở tầng trên của ngôi nhà này từ năm 1925 đến 1932 trước khi bà mất vì tai nạn giao thông năm 1949. Như đoạn kết của tác phẩm viết, xét cho cùng, mai là một ngày mới, Tập đoàn Daimler-Benz đã dành 5 triệu USD quyên góp để biến ngôi nhà và tòa nhà phía sau thành nhà Bảo tàng “Cuốn theo chiều gió”. Chính Margaret Mitchell đã biến vùng đất này, cuộc nội chiến Bắc – Nam ở Mỹ trở nên lãng mạn làm mê say nhiều thế hệ độc giả.
Atlanta và cộng đồng người da đen
Người Anh đến định cư tại vùng Georgia rất sớm, từ thế kỷ XVI, họ đưa nô lệ da đen buôn từ Tây Phi sang để phục vụ đồn điền. Người da đen bị đối xử tàn tệ và bị khai thác đến tận xương tủy. Ngày nay, phía đông bắc thành phố là khu vực đông người da đen nhất với những nhà thờ và nơi kỷ niệm phong trào đấu tranh của Martin Luther King cũng như mộ của ông và bà Coretta King.
Gần 70% dân thành phố Atlantalà người da đen. Đi dạo trên đại lộ Auburn, nơi ra đời của Martin Luther King, người viết chợt liên tưởng về số phận người da đen với những người Việt thời thuộc địa khi bị đưa đi khai thác đồn điền. Cuộc sống cơ cực đó chỉ thay đổi khi con người thay đổi. Luther King và loạt bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” (I Have a Dream) đã làm thức tỉnh và thay đổi cả cộng đồng.
Ông kêu gọi mọi người hãy xóa bỏ hàng rào chủng tộc để cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái hơn. Tầm ảnh hưởng của ông rất rộng lớn, nhiều thành phố ở Mỹ sau này đều có con đường mang tên ông.
Atlanta theo gió cuốn trôi
Trong vòng năm mươi năm nữa, trên toàn lãnh thổ miền Nam sẽ có vô số đàn bà chua xót nhìn về dĩ vãng, nhớ lại những thuở huy hoàng, những người đã chết, gợi lại những kỷ niệm đau thương vô bổ và hãnh diện về cảnh nghèo khổ với tất cả niềm cay đắng. Nhưng Scarlet sẽ nhất định không, nàng sẽ không bao giờ nhìn lại dĩ vãng… (Chương 25 – Cuốn theo chiều gió).
Sau cuộc nội chiến, kinh tế của cả bang Georgia nói chung và thành phố Atlanta nói riêng trở nên kiệt quệ. Oán giận vẫn còn đó, người miền Nam vẫn chưa nguôi ngoai với những người Yankee miền Bắc tàn phá quê hương họ, khi Tổng thống Lincoln chưa kịp hóa giải được điều này thì đã bị ám sát.
Thị trưởng William Hartsfield của Atlanta đã phần nào làm không khí dịu lại trong những năm 1950 khi phát biểu “Tôi sẵn sàng trải thảm đỏ để mời bất cứ người Yankee nào đem tiền bạc đến đây làm ăn với chúng tôi”.
Dân số thành phố từ đó đã tăng nhanh chóng mặt. Tiểu đô thị mười ngàn dân ngày xưa nay dân số chỉ riêng khu trung tâm đã lên đến gần nửa triệu người, còn tính cả vùng phụ cận thì Atlanta là thành phố đông dân thứ chín tại Hoa Kỳ với hơn 5 triệu dân.
Người châu Á đến định cư ngày một đông, trong đó có khoảng ba mươi ngàn người Việt. Diện tích thành phố cũng tăng lên nhanh chóng, từ nơi cắm cọc cuối cùng cho đường ray của Công ty hỏa xa Western & Atlantic ngày nào, nay thành phố vẫn đang tiếp tục phát triển về phía bắc.
Thế vận hội Olympic mùa hè năm 1996 đã tạo bệ phóng cho Atlanta về nhiều mặt. Trung tâm thành phố ngày nay đã mọc lên nhiều tòa nhà chọc trời bên cạnh hệ thống xa lộ chằng chịt nối liền mười tám quận vành đai.
- Xem thêm: Savannah, phố xưa yêu kiều
Atlanta còn là trung tâm giáo dục quan trọng nhất của vùng Đông Nam, nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu cũng được đặt tại đây như Georgia Tech, Trường ĐH Emory, Trường ĐH Oglethorpe, Trường ĐH Georgia.
Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách của giới lãnh đạo, tình trạng căng thẳng màu da không còn gay gắt, tỷ lệ phạm tội giảm xuống đáng kể… đã giúp Atlanta hoàn toàn tự tin trở thành một trung tâm kỹ thuật cao giống Thung lũng Silicon ở California.
Nhiều khách du lịch không khỏi ngỡ ngàng khi tham quan nơi những lon nước ngọt Coca-Cola nổi tiếng thế giới được pha chế bởi dược sĩ John Pemberton – một người con của thành phố Atlanta. Họ có cơ hội được thử cả trăm mùi vị nước ngọt có gas của hãng này bán trên khắp thế giới. Vậy nên nhiều người gọi Atlantalà quê hương của Coca-Cola cũng không có gì là quá đáng.
Đại bản doanh của hãng truyền thông CNN lừng danh của Ted Turner cũng được đặt tại Atlanta, nơi du khách khó thể quên được năm mươi lăm phút chứng kiến cận cảnh nơi hậu trường những cuộc phỏng vấn với các nhân vật nổi tiếng, những hệ thống máy móc kết nối CNN và các sự kiện nóng nhất đang diễn ra đâu đó.
Ngay giữa gian đại sảnh của tòa nhà là một trong hai chiếc hummer (xe thiết giáp) được CNN sử dụng để trực tiếp truyền hình tin tức chiến sự tại Iraqnăm 2003. Atlanta còn là nơi đặt tổng hành dinh của nhiều “ông lớn” khác như hãng viễn thông AT&T Mobility, Home Depot, UPS.
Sân bay quốc tế Atlanta Hartsfield-Jackson là nhà của Delta Airlines – hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ trong nhiều năm liền sau khi mua lại Northwest Airlines năm 2008. Bà Fiona Wright, một đối tác làm ăn của Viettours tại Atlanta, là một “Atlantan” thứ thiệt có các thế hệ cha ông gắn liền với bang Georgia này. Bà hài hước nói: “Bây giờ người Mỹ đi lên thiên đường hay xuống địa ngục cũng phải ghé qua Atlanta để… đổi chuyến bay thôi”.
Khẩu hiệu “Chúng ta cần thay đổi” (We Need Change) của ông Barack Obama sử dụng khi tranh cử tổng thống là một ví dụ về những sự thay đổi cần thiết dù ở vị trí quốc gia hay thành phố. Ngay chúng ta cũng vậy, nếu muốn cuộc đời thay đổi, chính bạn phải thay đổi trước, cũng phải có những lúc biết theo gió cuốn trôi cùng thời cuộc.