Một công trình nghiên cứu của Standard Bank cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu chương trình riêng mà mục đích là biến nhân dân tệ thành đồng tiền có thể chuyển đổi của họ hướng vào các đối tác châu Phi nhập khẩu nhiều hàng của mình. Đây là những nước trong khu vực có thị trường tài chính đáng kể: trước hết là Nigeria và Nam Phi, sau đó đến Kenya rồi Angola và Ghana. Tháng 8-2011, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới khẳng định xu thế đó: từ nay đến năm 2025, đồng nhân dân tệ có thể trở thành một ngoại tệ thế giới quan trọng, cùng với đồng USD và đồng euro.
Điều chắc chắn là việc quốc tế hóa đồng tiền của nền kinh tế thế giới thứ hai đang diễn ra. Song việc đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền chính của nhân loại chỉ là ước muốn hay là điều sẽ phải đến?
Giảm phụ thuộc vào ngoại tệ là bước đầu
Trong chiến lược quốc tế hóa đồng tiền quốc gia của mình, Trung Quốc, với lượng dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỉ USD, có thể giảm sự phụ thuộc vào ngoại tệ nước ngoài, cụ thể là đồng USD. Vả lại, hạ giá đồng nhân dân tệ như hiện nay sẽ nuôi dưỡng lạm phát. Lập luận thì không thiếu, song cải cách vẫn cần được tiến hành để tự do hóa không hạn chế đồng tiền Trung Quốc và lượng vốn bằng đồng nhân dân tệ.
Giáo sư kinh tế học Catherine Figuière, thuộc Trường Đại học Grenoble (Pháp) và là nhà nghiên cứu về châu Á từ năm 1989, nhận xét tuy đạt mức tăng trưởng hai con số trong thập niên qua (trừ năm 2009 chỉ đạt 8,7%), Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế xếp vào hàng đang phát triển. Năm 2010, Liên Hiệp Quốc xếp Trung Quốc đứng thứ 89 thế giới về phát triển con người. Chính phủ Trung Quốc, không giống như các nước châu Á trỗi dậy khác, thực hiện chiến lược dựa trên xuất khẩu. Sức mua trong nước bị giảm đi bởi dân chúng không giàu và các gia đình tiết kiệm để phòng xa, không phải là động lực tăng trưởng ở Trung Quốc.
Xuất khẩu giúp Trung Quốc vươn lên, thể hiện ở thặng dư thương mại tăng từ 16,6 tỉ USD (năm 1995) lên 297 tỉ USD (năm 2008). Cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay kéo mức cầu thế giới và lượng hàng bán của Trung Quốc xuống, từ đó khiến thặng dư của nước này chỉ còn 197 tỉ USD (năm 2009). Chính sách tỷ giá vẫn là một công cụ được Bắc Kinh sử dụng trong chiến lược phát triển kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng tối thiểu khoảng 8% được các nhà lãnh đạo nước này coi là ngưỡng để giữ được xã hội yên bình. Đồng nhân dân tệ tương đối yếu làm tăng sức cạnh tranh của hãng sản xuất tại Trung Quốc trên các thị trường nước ngoài.
Hai yếu tố kết hợp với nhau là sức cạnh tranh – giá, theo chuyên gia Catherine Fuigière, đồng thời là tác giả nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về hội nhập của châu Á, bảo đảm cho các nhà xuất khẩu có được thị trường – kể cả các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, từ đó góp phần đáng kể tạo ra của cải và việc làm. Trung Quốc giữ vị trí quan trọng trong trao đổi thương mại ở Đông Nam Á, nhưng đồng nhân dân tệ không được sử dụng như đồng tiền thanh toán. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn tìm cách biến đồng tiền của mình thành một thứ ngoại tệ để thanh toán. Thế nhưng các nước châu Á nói chung vẫn sử dụng đồng USD để thanh toán trao đổi trong khu vực và với quốc tế.
Chú ý nhiều đến châu Á
Về phần mình, giáo sư kinh tế học Laëtitia Guilhot, thuộc Trường Đại học Quản lý Lyon (Pháp) và là tác giả nhiều bài báo và công trình nghiên cứu về châu Á, cho rằng chiến lược hối đoái của Trung Quốc đang hướng chủ yếu vào các nước châu Á có lượng trao đổi kinh tế và thương mại với nhau ngày càng tăng, một không gian được gọi chung là “ASEAN + 3” gồm 10 nước ASEAN cộng với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 1997, tất cả các sáng kiến về thể chế của châu Á trong các lĩnh vực tiền tệ và tài chính đều có liên quan đến 13 nước này. Hợp tác tiền tệ giữa các nước đó bịảnh hưởng bởi khoảng cách rất lớn về phát triển giữa các nước giàu nhất như Nhật Bản và Hàn Quốc và các nước nghèo nhất như Myanmar, Campuchia và Lào.
Tất cả điều đó, theo nhà kinh tế học Antoine Brunet, cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách chấm dứt thế bá quyền của Mỹ và thúc đẩy quy chế quốc tế cho đồng nhân dân tệ. Đối với Bắc Kinh, đẩy lùi ảnh hưởng của đồng USD là phương tiện tốt để đạt mục tiêu đó, nhưng làm thế nào để áp đặt ý muốn chủ quan về phương diện tiền tệ trong thực tế là nhân dân tệ vẫn chưa phải là đồng tiền mạnh so với đôla Mỹ?
Thách thức đồng đôla Mỹ
Gần đây, Trung Quốc đã cho phép chuyển đổi tự do đồng đôla Australia thành nhân dân tệ và đồng nhân dân tệ thành đôla Australia trên lãnh thổ nước này. Trước đây, Trung Quốc đã từng cho phép chuyển đổi giữa đồng nhân dân tệ và đồng yen Nhật trên lãnh thổ mình. Kiểu biện pháp đó giúp Trung Quốc có thêm phương tiện để khích lệ nhiều nước buôn bán với mình thanh toán, trao đổi song phương không bằng đồng USD mà hoặc bằng đồng yen, hoặc bằng đồng tiền của một nước thứ ba. Bắc Kinh cũng đưa ra một loạt sáng kiến nhằm giúp ngân hàng trung ương của một số nước đối tác có thể tạo dựng được dự trữ ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ. Các ngân hàng trung ương này quả thực đã được mua và nắm giữ tín phiếu ngắn hạn được Nhà nước Trung Quốc phát hành bằng đồng nhân dân tệ, đồng thời được phép thực hiện vào bất kỳ lúc nào hành động cân bằng: thanh lý các tín phiếu đó và tái chuyển đổi số tiền bằng đồng nhân dân tệ thu hồi được thành đồng tiền quốc gia của mình.
Tất cả những sáng kiến đó của Trung Quốc, như nhận xét của chuyên gia Antoine Brunot, người cũng là chủ tịch AB Marches, chỉ nhằm một mục đích: thúc đẩy quy chế quốc tế của đồng nhân dân tệ bất chấp quy chế quốc tế sẵn có của đồng USD và thực hiện điều mong ước là đồng tiền của thế giới không còn là đồng USD nữa mà sẽ là đồng nhân dân tệ.
Cho đến thời gian gần đây, tất cả nguyên liệu quan trọng đều được định giá bằng đồng USD (dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than, kim loại, nguyên liệu nông nghiệp…). Điều đó dẫn đến hậu quả là các nước xuất khẩu thanh toán chỉ bằng đồng USD, số nguyên liệu mà họ dành cho xuất khẩu và tiếp đó yêu cầu thanh toán chỉ bằng đồng USD khi đến hạn thanh toán.
Hệ quả của cách làm đó là đồng USD rất có uy tín và ngân hàng trung ương các nước thứ ba rất sẵn sàng chấp nhận tích lũy USD với số lượng ngày càng lớn. Và việc ngân hàng trung ương của các nước thứ ba có thiên hướng chấp nhận tích lũy số USD ra khỏi lãnh thổ Mỹ (sau khi đã được phát ra hoặc bởi các ngân hàng thương mại hoặc bởi Nhà nước Mỹ) cho phép hệ thống ngân hàng của Mỹ có thể phát hành đồng USD rất rộng rãi mà không sợ bị bó buộc gì. Hơn nữa cũng nhờ thực trạng rất đặc biệt đó mà từ năm 2008, hệ thống ngân hàng của Mỹ đã có thể chi tiền để bù đắp số thâm hụt ngân sách khổng lồ và liên tiếp mà cả các thị trường của Mỹ lẫn nền kinh tế của nước này đều không bịảnh hưởng. Đó chính là điều được mệnh danh là uy tín của đồng USD. Chính vì uy tín đó mà từ năm 2008, Trung Quốc miệt mài tiến hành việc đặt lại vấn đề uy tín đối với đồng USD trong cố gắng “hạ bệ” đồng tiền này. Và mọi sáng kiến được nêu ra ở trên đều đóng góp đáng kể vào tiến trình đó.
Lê Quân tổng hợp