Họ có thể không biết rằng gần 70 năm trước, nhà triết học, tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ là Jean Piaget, được coi là một trong hai nhà Tâm lý học lớn nhất thế kỷ XX (cùng với Sigmund Freud) đã làm công việc ấy một cách rất khoa học. Suốt trong hai năm, ông ghi chép chính xác những phản ứng tự nhiên và những phản ứng do ông kích thích tạo nên ở ba đứa con mình, nhằm quan sát sự ra đời và phát triển về trí khôn của trẻ em. Rồi ông vận dụng những lý thuyết tâm lý học đã có, đưa vào sự lý giải đầy sáng tạo của riêng mình, để cuối cùng hoàn chỉnh lý thuyết về nhận thức được gọi là “tri thức học di truyền” (genetic epistemology).
Thuyết này coi kiến thức được phát triển ở con người khi thông tin mới đi vào tiếp xúc với kiến thức đã có trong con người nhờ những kinh nghiệm trước đó. Vậy kiến thức được sáng tạo trong quá trình khám phá thế giới. Đứa trẻ tự tạo nên kiến thức có nghĩa là làm nên thế giới của chính mình từ kinh nghiệm, thay đổi nó từ chỗ hỗn loạn đến chỗ có tổ chức. Và như thế, Piaget tin rằng một người thầy chủ yếu là người tạo điều kiện thuận lợi, quan sát và hướng dẫn học sinh xây dựng nên kiến thức của chính chúng hơn là người truyền thụ kiến thức.
Đóng góp của Piaget với giáo dục được tóm tắt ở những điểm sau: 1. Tập trung vào quá trình tư duy của trẻ hơn là ở sản phẩm cuối cùng (tức là chú trọng phương pháp tạo ra kiến thức chứ không phải một số kiến thức cụ thể). 2. Nhìn nhận vai trò chủ chốt của việc trẻ tự khai tâm, tích cực tham dự vào hoạt động học. 3. Tôn trọng tiến trình phát triển từng bước của trí khôn để giáo dục phù hợp với lứa tuổi của trẻ. 4. Chấp nhận sự khác biệt cá nhân trong phát triển.
Lý thuyết Piaget có ảnh hưởng sâu rộng với nền giáo dục thế giới trong thế kỷ XX, trong đó có tác động của Piaget đối với thành công ngoạn mục của giáo dục Mỹ trong nửa thế kỷ lại đây. Ở Việt Nam, gần đây nhóm thiện nguyện Cánh Buồm do nhà giáo lão thành kiêm nhà văn, dịch giả Phạm Toàn đã chịu ảnh hưởng quan trọng của Piaget khi biên soạn bộ sách học cấp tiểu học theo phương pháp mới, được sự ủng hộ mạnh mẽ của công luận và những nhà lãnh đạo như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó ban Tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng, các trí thức lớn như Hoàng Tụy, Chu Hảo… Đó là phương châm “Học bằng cách làm” (Learning by doing), thầy giáo hướng dẫn học trò tự xây dựng kiến thức qua những công việc chính các em làm trên lớp chứ không thụ động nghe giảng, chép, học thuộc lòng.
Nhóm Cánh Buồm, được NXB Tri Thức đỡ đầu, lại vừa thành lập Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm do nhà thơ kiêm dịch giả Hoàng Hưng chủ trì với sự tham gia của các dịch giả tên tuổi Dương Tường, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh, nhà nghiên cứu người Pháp gốc Việt Đặng Xuân Thảo, nhà giáo dục lão thành Vũ Thế Khôi… Tủ sách này ra đời thật đúng lúc, khi ngành Giáo dục nước nhà đang chuẩn bị vào một cuộc cải tổ được Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận coi là căn bản nhất từ trước đến nay, đặc biệt là về phương pháp giảng dạy chuyển từ “thầy giảng, trò nghe, thầy đọc, trò chép và học thuộc lòng” sang “thầy hướng dẫn trò tự xây dựng kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống”. Thiết nghĩ, Tâm lý học Giáo dục Piaget chính là cơ sở khoa học của phương pháp này.
Sự ra đời trí khôn ở trẻ em, cuốn sách đầu tiên của Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm, cũng là cuốn thứ nhất trong ba cuốn sách cơ bản đầu tiên về sự phát triển trí khôn trẻ em của Piaget vừa được NXB Tri Thức phát hành. Trong cuốn này, từ các quan sát và suy luận của mình, tác giả đi đến kết luận: Ngay từ trong nôi, trẻ đã chứng tỏ một hoạt động cảm giác và vận động khác thường, đến cuối năm thứ nhất thì hoạt động này đã thể hiện mọi tính chất của sự hiểu mang tính trí khôn. Tác giả chia quá trình hình thành trí khôn của trẻ làm những giai đoạn: Thích nghi cảm giác – vận động tạo bởi phản xạ (như bú…) và thích nghi học được; thích nghi cố ý đi từ đồng hóa tái tạo đến phát kiến những phương tiện mới bằng các kết hợp tâm trí. Đó là sự phát triển trí khôn trước khi có ngôn ngữ.
Các nhà giáo dục cũng như các phụ huynh quan tâm đến sự phát triển trí tuệ của con em mình ngay từ thuởấu thơ sẽ tìm thấy trong cuốn sách những kiến thức bổ ích cho việc giáo dục học sinh và con em.
Thuận Thành