Những doanh nghiệp hi-tech hàng đầu thế giới đang tỏ ra e ngại rằng một khi Chính phủ Mỹ cứ tiến hành do thám, thâm nhập vào dữ liệu được dự trữ trên các đám mây thì điều đó sẽ trở thành một mối nguy không nhỏ đe dọa đến lợi nhuận trong tương lai của họ. Mặc dù những gì đang diễn ra vẫn chưa tác động rõ đến tình hình lợi nhuận các công ty, nhưng đứng trước sự tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm dựa trên cơ sở lưu trữ, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu đa nền tảng điện toán đám mây (cho phép người sử dụng kết nối với thông tin bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu) thì lo ngại của họ là đúng. Sự thật về việc Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) sử dụng phương pháp dò tin bằng cách thu nhận dữ liệu từ các doanh nghiệp hi-tech lớn (bị cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ) đã tạo nên một thách thức thật sự đối với các công ty chuyên cung cấp dịch vụ phần mềm và quản lý các mạng xã hội.
Tại Mỹ, thông tin mật không còn bất khả xâm phạm
Gần đây, các doanh nghiệp lớn là Apple, Facebook, LinkedIn, Google, Microsoft, Twitter, AOL và Yahoo đã bắt tay hợp tác, kêu gọi Chính phủ Mỹ phải thay đổi cách họ quan sát và thu thập thông tin trên toàn thế giới. Trong lá thư gửi đi, tám doanh nghiệp này khẳng định họ hiểu rõ chính quyền các nước có nhiệm vụ bảo vệ công dân của mình, nhưng sự thật do Edward Snowden tiết lộ hồi mùa hè vừa qua là bằng chứng cụ thể đòi hỏi phải nhanh chóng cải tổ cách thức mà Chính phủ Mỹ giám sát người dân trên toàn thế giới. Tài liệu mà Edward Snowden công bố cho thấy NSA có đường truyền kết nối trực tiếp đến hệ thống máy chủ tại các công ty hi-tech nêu trên, trong khi các doanh nghiệp ấy không hề biết rằng họ đã vô tình tạo ra một lối đi bí mật cho nhà cầm quyền. Ngoại trừ Twitter vốn mới bắt đầu phát hành cổ phiếu cuối năm 2013, giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp đã ký trong lá thư gửi đến Chính phủ Mỹ vẫn tăng kể từ khi các tài liệu mật của Edward Snowden được đăng trên các tờ báo The Washington Post và The Guardian hồi tháng 6-2013. Tuy nhiên, điều ấy không đồng nghĩa với việc NSA do thám không gây ra rủi ro tiềm năng cho sự tăng trưởng của các công ty này trong tương lai. Chẳng hạn phân khúc Cloud Services của Microsoft (bao gồm Windows Azure) đã đạt mức tăng trưởng 103% (tương đương 261 triệu USD) nhưng kể từ khi Edward Snowden nói ra sự thật, tình hình kinh doanh các sản phẩm điện toán đám mây đã trở nên khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là ở thị trường ngoài nước Mỹ. Khách hàng đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn về tính bảo mật và độ an toàn của những dữ liệu được dự trữ trên các đám mây, e ngại rằng chúng sẽ bị Chính phủ Mỹ rình mò hoặc bị các hacker thâm nhập theo ngõ sau.
Lâm Kiên theo The Huffington Post