Với hơn 80 ngàn người được xem trực tiếp và hàng triệu người xem truyền hình ở khắp nơi trên thế giới, lễ khai mạc Olympic London 2012 tối 27-7 thật xứng đáng để chờ đợi.
Nếu như lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 hoành tráng, lộng lẫy và phô trương, thì lễ khai mạc Olympic London 2012 ẩn chứa sự thông minh, duyên dáng, nhưng không kém phần ấn tượng và đầy tính nhân văn – một màn tiếp thị tuyệt vời của nước Anh với thế giới. Có thể châu Âu đang ngập chìm trong khủng hoảng, nước Anh ngày nay không còn là một đế quốc, nơi “mặt trời không bao giờ lặn”, nhưng đẳng cấp quý tộc của người châu Âu nói chung, người Anh nói riêng vẫn hiển hiện trong từng ý tưởng, con người, cảnh vật, màu sắc,… trong lễ khai mạc sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Báo chí Anh và nhiều nước đã cùng khen ngợi màn trình diễn đặc sắc này. Tại Anh, tờ The Times cho đó là “Màn trình diễn vĩ đại nhất”, còn tờ Independent ca ngợi ý tưởng bảy vận động viên trẻ tuổi đón đuốc từ tay chèo thuyền người Anh Steve Redgrave, truyền vào bảy cánh hoa để từ đó lan tỏa đến toàn bộ 204 cánh hoa biểu trưng cho 204 đoàn tham dự Olympic 2012 là “London đã thắp sáng cả thế giới”. Láng giềng của nước Anh bên kia eo biển Manche thường không mấy khi khen ngợi người hàng xóm, nhưng lần này đã khác.
Tờ L’Equipe tỏ ra ngưỡng mộ: “Với màn trình diễn xen lẫn giữa hài hước và hùng vĩ, đạo diễn Danny Boyle đã hiện đại hóa cuộc diễu hành của các vận động viên…”. Trong khi tờ Bild của Đức trầm trồ: “Hoàn toàn ngoạn mục!” thì tờ Sydney Morning Herald của nước Úc ca ngợi buổi lễ khai mạc là “một khởi đầu không thể nào quên”.
Từ Mỹ, trang Sports Illustrated mô tả đây là một buổi lễ “sôi động và đầy tự hào”. Đây cũng là lần đầu tiên mà lá cờ Olympic được tám người nâng tiến đến cột cờ gồm những nhân vật đấu tranh cho môi trường, nhân quyền, trong đó có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon.
Những phụ nữ trong các bộ đồ Anh truyền thống, từng bầy cừu, ngỗng, bò trên một khung cảnh đồng cỏ trong phần mở màn chủ đề “Những hòn đảo của điều kỳ diệu” đã tạo một sự khởi đầu đậm chất lễ hội. Dưới bàn tay của đạo diễn Danny Boyle từng đoạt Oscar với phim Triệu phú khu ổ chuột, lễ khai mạc Olympic 2012 trở thành một sự kiện mang màu sắc điện ảnh nhưng vẫn đầy chất thơ, đậm nét văn hóa, ca nhạc và truyền thống Anh.
Chất điện ảnh thể hiện rõ nét nhất ở cảnh Daniel Craig (diễn viên người Anh nổi tiếng với các vai diễn Điệp viên 007 James Bond) đưa Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị (do Gary Connery – nam vận động viên nhảy dù nổi tiếng – đóng thế) rời cung điện lên chiếc trực thăng đặc biệt để đến với đêm khai mạc. Khác với những nhiệm vụ khó khăn của James Bond trong phim, nhiệm vụ của chàng điệp viên lần này quá dễ dàng và không có gì nguy hiểm, cũng không hề phải giữ bí mật, bởi suốt đường bay qua những địa danh nổi tiếng của thủ đô London, chiếc trực thăng của Nữ hoàng được đông đảo người dân Anh chào đón, hò reo. Sau màn nhảy dù của “kẻ đóng thế” từ trực thăng xuống, Nữ hoàngElizabeth thật tiến vào vị trí danh dự trong sự phấn khích của hàng triệu người theo dõi.
Những gì điển hình nhất về một nước Anh đáng tự hào đều có mặt trong buổi trình diễn, từ bầy cừu và con chó chăn cừu của những ngày mà nước Anh còn thống trị thị trường vải sợi và may mặc toàn cầu; ban nhạc rock Sex Pistols đã khởi xướng phong trào nhạc punk đương đại, Chúa tể Voldemort trong bộ truyện Harry Potter, kỹ sư Isambard Kingdom Brunel, người đã xây dựng đường hầm sông Thames và cầu treo Clifton qua sông Avon George còn tới hôm nay… Tất cả khiến khán giả được trải nghiệm với những gì người Anh đã trải qua, một quá khứ hào hùng và một cái nhìn mạnh mẽ về tương lai. Paul McCartney, cựu thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles, kết thúc buổi tối mà âm nhạc đã được chơi liên tục không ngừng với Hey Jude – một bài hát gợi nhớ nhiều ký ức quá khứ.
Thủ tướng David Cameron từng nói rằng Olympic ở Anh không phải là một sự kiện do nhà nước bảo trợ, mà là sự kiện của người dân. Với những gì đạo diễn Danny Boyle đã làm, nước Anh thực sự đã làm được điều đó.