Có người bảo: “Tình yêu không mua được bằng tiền, nhưng có thể… bán được vé máy bay khứ hồi, tour trăng mật, combo spa và cả gói bảo hiểm nhân thọ.” Thái Lan nghe xong gật gù, rồi thẳng tay gật thêm một cái: thông qua luật hôn nhân đồng giới.

Không chỉ vì yêu thương nhân quyền đâu, mà vì yêu tiền – thứ tiền hồng đang dậy sóng toàn cầu.
Cầu vồng giờ đây có màu USD
Giữa một Đông Nam Á còn đang vật lộn trong mớ cải cách “chờ duyệt”, Thái Lan cười nhẹ rồi lao đầu vào thị trường 4.700 tỷ USD của “rainbow economy” – tức kinh tế LGBTQ+.
Nghĩa là thôi không tranh cãi chuyện “giới tính thứ mấy”, mà tranh thủ chốt đơn du lịch, kí hợp đồng đầu tư, chạy marketing bằng sự bao dung có tính phí.
Luật hôn nhân đồng giới vừa thông qua đã đưa Thái Lan thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á “cưới được tình yêu”.
Và quan trọng hơn – cưới được… hằng hà sa số “pink dollars”, đơn vị tiền tệ tính bằng cảm xúc và đam mê tiêu tiền của cộng đồng LGBTQ+.
Công nghiệp hồng: Ngành làm tiền từ tự do
Theo các tổ chức nghiên cứu, khách du lịch LGBTQ+ chi tiêu nhiều hơn 40–70% so với khách thông thường, và trung bình ở lại lâu hơn. Họ cũng là nhóm trung thành cao với thương hiệu, miễn là thương hiệu đó không kì thị như… một số “fanpage đạo đức giả” thi thoảng nổi lên rồi tắt.
Thế nên, Thái Lan không chỉ dừng lại ở việc “cho cưới”, mà còn “cưới cả chiến lược”:
– Khách sạn có gói honeymoon cho mọi giới
– Spa treo bảng “love is love”
– Ngân hàng có sản phẩm tài chính dành riêng cho cặp đôi LGBTQ+
– Và tất nhiên, ngành giải trí thì… hồng từ sân khấu ra đến hậu trường
Nói cách khác: mọi dịch vụ đều đang “gái công khai, giá minh bạch” với tình yêu đồng giới.
Còn ta vẫn loay hoay… giới tính
Ở Việt Nam, dù đã có những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn vô vàn câu hỏi vặn vẹo:
“Cho kết hôn thì có được hưởng tài sản không?” – Ủa, dị tính kết hôn xong có bao nhiêu cặp không cãi nhau vì tài sản?
“Có ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục không?” – Trong khi TikTok đang nhảy mông lung và livestream phẫu thuật thẩm mỹ công khai…
“LGBTQ+ có phải trào lưu không?” – Ủa, nếu yêu nhau mà thành trào lưu thì Facebook của người ta phải… cháy server.
Khi Thái Lan đã “mở cửa trái tim” để mở thêm két sắt quốc gia, Việt Nam vẫn đang họp bàn nên gọi là LGBT hay LGBTQIA2+ hay LGBTQ+S++meta?
Văn bản còn chưa xong thì tiền nó đã lên máy bay sang Bangkok.
Thị trường cảm xúc – Ai biết khai thác là người thắng
Có thể bạn chưa để ý, nhưng trong thời đại cảm xúc hóa, ai “làm người ta cảm động” thì sẽ “làm người ta động túi”. Thái Lan hiểu điều đó, và vận hành nó cực tốt.
Lễ hội Pride ở Bangkok được tổ chức như một sự kiện quốc gia: có hỗ trợ chính quyền, có tài trợ doanh nghiệp, có… vệ sinh công cộng đạt chuẩn quốc tế. Truyền hình chiếu, báo chí đưa, du khách vỗ tay, dân bản địa… đếm tiền. Hôn nhân ở đây không chỉ là quyền con người, mà là chiến lược quốc gia.

Khi người ta cưới nhau ở Bangkok, người ta để lại tiền ở khách sạn, nhà hàng, xe hoa, đèn lồng, hoa tươi, nhiếp ảnh, bánh cưới, thậm chí cả… đơn vị tổ chức lễ cưới trọn gói cho cặp đôi đồng giới đến từ châu Âu.
Một đám cưới hợp pháp, tạo ra một chuỗi giá trị – dài hơn cả dây đèn led ngoài phố đi bộ.
Còn ở ta: Yêu phải nhìn trước ngó sau
Không thiếu người LGBTQ+ thành đạt ở Việt Nam. Không thiếu những người yêu nhau đàng hoàng – bền bỉ – chung thủy hơn nhiều cặp “chuẩn truyền thống”. Nhưng họ vẫn sống trong cái “mập mờ hợp lệ”, có nghĩa là:
– Được yêu, nhưng không được cưới.
– Được sống cùng nhau, nhưng không được bảo vệ pháp lý.
– Được đóng thuế, nhưng không được quyền hưởng phúc lợi như một cặp đôi hợp pháp.
Trong khi đó, các thương hiệu ở ta vẫn đang ngại ngần: “Sợ khách phản ứng”, “sợ dân bảo câu view”, “sợ đụng chạm tới thuần phong”…
Nhưng người tiêu dùng thì đâu có sợ: “Chỗ nào tôn trọng mình – mình tiêu tiền.”
Thương hiệu cũng cần… tự do
Sự thật là, thương hiệu không thể “cầu thị” mà lại “kì thị”. Muốn sống sót trong thời đại mà cảm xúc là đơn vị đo niềm tin, thì thương hiệu phải dũng cảm chọn phe – và phe đó nên là: nhân quyền và tử tế.
Nếu không, họ sẽ bị bỏ lại phía sau – không phải vì sản phẩm dở, mà vì thái độ kém.
Và trong cuộc chơi đó, Thái Lan đã chọn đứng về phía tự do. Mà tự do – thì lúc nào cũng có giá. Và càng ngày càng… đắt.
Chốt mặn: Bán tự do thành tiền – không phải nước nào cũng làm được.
Khi tự do trở thành giá trị xuất khẩu, khi tình yêu là sản phẩm được bảo hộ bởi pháp luật, thì quốc gia đó đã vượt khỏi tâm lý “quản lý cảm xúc công dân” và bước vào nền kinh tế cảm xúc.
Thái Lan không chỉ dẫn đầu Đông Nam Á về ngành giải trí, phẫu thuật thẩm mỹ hay du lịch.
Họ đang vươn lên dẫn đầu về cách bán sự thấu hiểu.
Còn ta thì… vẫn đang kiểm duyệt nội dung có “màu sắc nhạy cảm”.