Từ nền tảng thiết kế 3D đến chiến lược phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn, Dassault Systèmes không đơn thuần là nhà cung cấp phần mềm – mà là đối tác chiến lược trong hành trình chuyển đổi số của Việt Nam.
Một Việt Nam nhiều tiềm năng – và cũng nhiều thách thức
Phát biểu bên lề French Tech Summit 2025, ông Ding Ming Chee – Giám đốc Kinh doanh cao cấp khu vực ASEAN của Dassault Systèmes – chia sẻ thẳng thắn: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á, nhưng để giữ vững tốc độ phát triển, cần phải giải các bài toán về công nghệ, nhân lực và tư duy đổi mới.”
Các thách thức ông đề cập không mới: bảo vệ sở hữu trí tuệ, thiếu hụt kỹ năng công nghệ cao, quy trình phê duyệt còn chậm và tâm lý “quay lại lối cũ khi gặp khó”. Nhưng ông cũng nhìn thấy cơ hội rõ ràng: Việt Nam có tầm nhìn, có lực lượng lao động trẻ, có FDI mạnh mẽ – và đang mở rộng không gian hợp tác quốc tế.
Dassault đến Việt Nam để làm gì?
Tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Pháp này đã âm thầm góp mặt tại Việt Nam hơn 20 năm qua thông qua mạng lưới đối tác. Nhưng kể từ tháng 7/2022, Dassault Systèmes quyết định “bật chế độ chính thức” với văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội – một bước đi thể hiện rõ cam kết đầu tư dài hạn tại thị trường này.
Hiện tại, họ đang bắt tay với nhiều đối tác chiến lược như Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Vingroup, cùng nhiều cơ quan quản lý và doanh nghiệp hàng đầu khác để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa 4 lĩnh vực trọng yếu:
- Quốc phòng: Với nền tảng mô phỏng ảo và thiết kế sản phẩm từng được sử dụng bởi các tập đoàn hàng không – quốc phòng lớn nhất thế giới, Dassault đang giúp Việt Nam rút ngắn lộ trình công nghiệp hóa quốc phòng bằng cách số hóa từng chi tiết thiết kế, tối ưu hóa toàn bộ quy trình nghiên cứu và sản xuất.
- Ô tô – xe điện: Dassault chính là đối tác công nghệ đứng sau toàn bộ quá trình thiết kế của VinFast. Từ năm 2019, tất cả các mẫu xe điện của hãng này đều được phát triển trên nền tảng 3DEXPERIENCE – phần mềm mô phỏng mạnh mẽ cho phép đồng bộ hóa thiết kế, kỹ thuật và sản xuất.
- Bán dẫn: Tham vọng của Việt Nam là trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn vào năm 2050. Dassault tham gia vào phần “downstream” – tức khâu sản xuất, đóng gói và vận hành – bằng công nghệ Virtual Twin (bản sao số), giúp mô phỏng và tối ưu hóa mọi quy trình sản xuất, đồng thời hỗ trợ đào tạo kỹ sư một cách nhanh chóng và thực tiễn.
- Nhân lực tương lai: Dassault không giấu tham vọng tái hiện mô hình đào tạo công nghệ cao như họ đã làm với Đại học Purdue (Mỹ) – nơi sinh viên được học qua phòng sạch ảo 3D. Với nền tảng này, họ kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc hình thành một thế hệ kỹ sư mới cho Việt Nam: giỏi kỹ năng, thành thạo công nghệ và sẵn sàng hội nhập toàn cầu.
Công nghệ là gì nếu không có tri thức?
Theo ông Ding, “Chỉ cung cấp công nghệ là chưa đủ. Chúng tôi đến để mang theo tri thức đã được kiểm chứng toàn cầu.” Chính góc nhìn toàn diện từ việc hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới mới là thứ giúp Việt Nam rút ngắn đường đi đến mục tiêu công nghiệp hóa.
Tham vọng của Dassault không dừng ở bán phần mềm. Họ đang xây dựng “vũ trụ kỹ thuật số” 3D UNIV+RSES – nền tảng tích hợp AI tạo sinh, bản sao mô phỏng ảo, quản lý vòng đời sản phẩm, và không gian học tập tương tác – với kỳ vọng tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đích thực.
Cảm hứng dành cho Việt Nam
“Chúng tôi không đến đây để chứng minh Dassault Systèmes giỏi đến đâu, mà để đồng hành cùng Việt Nam hiện thực hóa khát vọng công nghệ của mình,” ông Ding kết luận.
Trong một thế giới biến động, chỉ những ai biết kết nối công nghệ với tầm nhìn mới đủ sức bứt phá. Và Dassault Systèmes tin rằng, Việt Nam đang sẵn sàng cho điều đó.