Một cô bạn vừa về quê ra, than phiền: “Trong quê bây giờ sao ít thấy cái bến nước trước nhà quá!”. Cũng phải thôi. Đường bộ giờ mở ra khắp nơi, đi lại thuận tiện, muốn đi đâu là chạy xe vèo một cái đã tới, có còn phải xuống ghe, xuống xuồng gì đâu mà cần cái bến nước trước nhà.
Dẫu ở vùng đất Nam bộ sông rạch chằng chịt, ghe xuồng đã càng ngày càng hiếm đi, chỉ có ở những vùng xa trong vàm, trong rạch nhỏ người dân mới phải dùng đường thủy để đưa hàng ra chợ. Thêm vào đó, những bờ đê bao lại được xây cao tránh lũ, đường nước dẫn từ sông rạch vào mương nhà đã ngày càng bị bít gần hết, đến nước tưới tiêu cho cây trái trong vườn cũng dùng nước giếng hoặc nước máy, cần gì cái cầu bắc ra sông để múc nước hay cái bến nước để tắm giặt nữa.
Ôi, cái bến nước trước nhà! Nơi có cây cầu dừa nho nhỏ hay một cây cầu bằng cây tạp đóng thành từng bậc thang gọn gàng bắc xuống sông rạch cho những người phụ nữ ra ngồi giặt giũ và thả mái tóc dài óng mượt xuống dòng nước gội đầu rồi trầm mình xuống sông tắm táp. Nơi sáng sáng, chiều chiều đám trẻ con vùng vẫy, reo hò ầm ĩ cả một vùng quê yên tĩnh. Cũng là nơi có những gốc dừa đong đưa tàn lá dưới bóng trăng huyền ảo làm chốn hẹn hò cho đôi lứa bước vào tuổi mộng mơ.
Bà ngoại tôi xưa còn kể trong quê có lần ghe đi rước dâu vì trời tối mò đã đậu nhầm bến nhà hàng xóm, nhà này lại có con gái chưa chồng. Vậy là nhà trai bị buộc phải lên nhà làm lễ rước cô dâu bên này. Chuyện khó tin nhưng có thiệt. Mới thấy cái bến nước trước nhà quan trọng thế nào trong đời sống trước đây.
Còn nhớ căn nhà tôi ở khi từ quê tản cư ra tuy nằm ngay thành phố nhưng trước nhà là một con rạch nhỏ chảy qua. Vì vậy trước đây ba tôi dùng một tấm đan lớn bằng bê tông bắc cây cầu xuống sông, vừa để hàng xóm xuống tắm giặt vừa làm bến nước để bà con trong quê chèo ghe ra cập lại. Chưa hết, nhờ có cây cầu, chiều nào bọn trẻ trong xóm cũng chạy lại, nhảy ùm ùm xuống tắm lội, có khi theo con nước lên còn thả tàu từ sông lớn bên ngoài vào khiến tiếng la hét, tiếng cười đùa dậy lên khắp xóm. Mấy đứa con tôi cũng nhờ vậy mà năm sáu tuổi đã bơi như rái, thả xuống sông rạch không phải nơm nớp lo sợ. Đó cũng là nơi các chị, các bà nội trợ thủ thỉ tâm sự cùng nhau chuyện nhà cửa, chuyện chồng con như để sẻ chia những niềm vui nỗi buồn trong đời thường còn nhiều vất vả.
Cái bến nước trước nhà ngoài là chỗ tắm giặt còn là chỗ để mỗi nhà vườn đưa xuống ghe xuồng từng cần xé, từng thúng trái cây trong mảnh vườn sau nhà. Những trái xoài, trái cam, trái quýt, những buồng chuối, chùm nhãn, chùm dâu… ngất ngưởng trên ghe đi vào chợ từ những bến sông xa từng có mặt ở khắp nơi để thành hình ảnh “Cây đa, bến nước, sân đình” thân quen một thuở giờ đã xa ngái, mịt mù.
Trong quê bây giờ sao ít thấy “bến nước” quá! Phát hiện của chị bạn sáng nay sao có chút bùi ngùi. Giống như tấm đan làm cây cầu trước nhà tôi đã mất cùng với cả dãy nhà bên bờ rạch đã giải tỏa trắng để xây bờ kè và một hồ nước mới từ con rạch cũ vậy. Mọi thứ đều đổi thay đến choáng ngợp. Và những bến nước thân thuộc, nhỏ nhoi trước mỗi nhà phải chăng đang mất đi dần dần trong một tiếng than buồn…