“Tình yêu, rốt cuộc nó là gì?”
Bạn đã từng tự hỏi hay thắc mắc điều này với ai chưa? Tôi nghĩ chắc chắn là có!
Tình yêu là gì mà nó đến không hề báo trước. Và rồi nó có thể biến mất đột ngột, đổi dạ thay lòng lúc nào không hay, dối lừa và cả làm tổn thương nhau … Những đắm say từng có liệu rằng có thật hay chỉ là ảo?
Mỗi cặp đôi có một chuyện tình khác nhau, từng người có cách yêu riêng. Nhưng rõ ràng, đã là tình yêu thì cần có sự tôn trọng, cần có lòng tin, có mong muốn gắn kết, là trách nhiệm trong yêu thương và chăm sóc nhau bằng sự nâng niu, trân trọng. Ở đây, không liên quan đến sự ràng buộc hay bất kỳ một sự cưỡng cầu nào về mặt pháp lý, đơn thuần là cam kết về mặt cảm xúc và tâm hồn.
“Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” của Raymond Carver là một tập truyện khá kỳ lạ
Đây cũng là quyển sách không dễ review hay đưa ra một nhận xét tổng thể nào đó vì nó bao hàm quá nhiều ý nghĩa dù gói gọn trong 200 trang. “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” không phải là một câu chuyện dài xuyên suốt mà là tổng hợp của nhiều truyện ngắn. Đó là sự tan vỡ, bất hạnh, đau thương; cũng đan xen cả những trải nghiệm kịch tích như bài bạc, săn bắn, sex, tuổi trẻ sa đọa, …
Mỗi truyện ngắn là một câu chuyện của một cặp đôi với cuộc sống đời thường của họ. Tác giả chẳng đưa ra bất kỳ định nghĩa hay quan điểm gì về tình yêu cả. Nhưng qua những ngôn từ ngắn gọn và không thể súc tích hơn, chúng ta có thể thấu cảm được mọi trạng thái cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau. Nào là sự bội phản, xung đột không thể hoá giải, từ những vết rạn nhỏ trong tình cảm cho đến đổ vỡ hôn nhân. Rồi thì hoang mang đi đến bế tắc của sự tuyệt vọng tột cùng … Mỗi độc giả sẽ tự đưa ra cho chính mình một hoặc nhiều nhận định, định nghĩa về tình yêu.
Và đôi khi, không ngoại trừ trường hợp chúng ta chỉ cảm nhận chứ không thể gọi tên. Bởi vì, có lúc, ngôn ngữ cũng bất lực hoặc không đủ để viết thành một định nghĩa tròn trịa cho tình yêu.
Bạn thì sao? Bạn nói chuyện gì khi nói về chuyện tình …
Đôi nét về nhà văn Raymond Carver (1938 – 1988)
Một trong những nhà văn kiệt xuất của nền văn học Mỹ, ông nổi tiếng với thể loại truyện ngắn và thơ. Không chỉ vậy, ông còn tạo ra dấu ấn cá nhân của mình bởi lối viết tối giản, ngắn gọn và vô cùng súc tích nhưng tràn đầy ý nghĩa. Các tác phẩm của Raymond Carver luôn có một phong cách riêng đó là luôn mang đến sự khác lạ thú vị cho người đọc dù chỉ là miêu tả những điều rất bình dị.
Ông là một nguồn cảm hứng cho những ai mê viết lách trong hoàn cảnh không thuận lợi. Vì mưu sinh, Raymond đã làm rất nhiều nghề từ gác cổng bệnh viện, bán dạo sách, biên tập, lao công ở trạm xăng và cả người chở hàng. Dù vậy, ông vẫn học thêm về khóa viết văn sáng tạo, kiên trì theo đuổi đam mê viết lách và không ngừng sáng tác. Và mọi nỗ lực đã được đền đáp, mầm xanh luôn được nuôi dưỡng sẽ đến ngày đơm hoa kết trái. Raymond Carver trở thành một nhà văn nổi tiếng tầm cỡ thế giới.