Ở tận cùng phía nam đất nước có hai khu sinh thái nổi tiếng là rừng U Minh thượng ở Kiên Giang và U Minh hạ ở Cà Mau, cách nhau một con sông được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học là sông Trẹm. Cả hai khu rừng này là kiểu rừng rất đặc thù được xếp vào hạng độc đáo và quý hiếm trên thế giới.
U Minh hạ có rừng ngập mặn Cà Mau như một quà tặng thiên nhiên dành cho hàng vạn cư dân sống trên miền đất này từ bao đời qua. Tính đặc thù vị trí địa lý, khí hậu và thổ nhưỡng đã hình thành những cánh rừng ngập mặn trải dài ven biển, vừa có tác dụng tránh những con sóng gió tự nhiên, vừa tạo nên hệ sinh thái đặc thù. Rừng ngập mặn Cà Mau là giang sơn của hàng trăm loài động vật và thực vật sinh sôi nảy nở dưới những tán rừng xanh rợp bóng. Đây cũng là khu rừng ngập mặn lớn thứ hai trên thế giới chỉ xếp sau rừng ngập mặn Amazon ở Nam Mỹ.
Thống kê gần đây cho thấy rừng ngập mặn Cà Mau có hệ thực vật khá đa dạng với hơn 60 loại cây khác nhau như đước, mắm, vẹt, bần, giá, chà là… trong đó đước và mắm là cây chủ yếu chiếm đa số, nên nơi đây cũng được gọi là rừng đước Cà Mau. Chạy dài qua các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển và huyện Năm Căn là nơi trú ngụ của hàng chục loại chim và hàng trăm loại thủy hải sản trong đó có nhiều loại đặc trưng chỉ có ở rừng ngập mặn như cây mắm, cây đước, các loại cá như thòi lòi, cá dứa, cá bống sao, ba khía, tôm cua. Động vật thì có khỉ đuôi dài, nai, tê tê, rùa, trăn, rắn, các loài chim quý hiếm, một số loài có tên trong sách đỏ của thế giới đang cần được bảo tồn như cóc trắng, sú…
Diện tích đất rừng ngập mặn của Cà Mau gần 100.000 hecta trong đó có khoảng 57.000 hecta đất có rừng. Rừng ngập mặn Cà Mau được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Điều này giải thích thêm cho chúng ta biết một điều là rừng đước, rừng tràm vây quanh mũi Cà Mau từ đông sang tây có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chống xâm thực của biển vào đất liền và cũng là nơi giữ phù sa làm giàu cho đất mũi.
Nói là rừng nhưng vấn đề đặt ra không chỉ là bảo vệ và làm giàu tài nguyên thiên nhiên mà còn giải quyết một bài toán khác, đó là cuộc sống của người dân dưới tán rừng. Sự chọn lựa ở đây là thiết lập các cơ chế chính sách vừa quản lý bảo vệ và phát triển rừng nhưng đồng thời là đảm bảo được hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân dưới tán rừng. Đã có chủ trương giao quản lý bảo vệ rừng cho các đơn vị nhà nước quản lý. Cơ chế chính sách thứ hai là các đơn vị nhà nước với tư cách chủ rừng giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân quản lý chăm sóc bảo vệ ổn định sản xuất lâu dài. Đặc biệt những năm gần đây đã triển khai thí điểm giao đất về cho chính quyền địa phương xem xét và giao đất cho hộ gia đình sản xuất theo quy hoạch, nhờ vậy điều chỉnh các công tác quản lý bảo vệ rừng hài hòa với lợi ích về sinh kế của người dân.
Hiện nay rừng ngập mặn Cà Mau đang tận dụng ưu thế của mình để thu hút du khách vốn yêu chuộng thiên nhiên. Thống kê của địa phương cho thấy trong năm qua, 200.000 du khách đã đến đây trong đó có nhiều người nước ngoài muốn tìm hiểu về một hệ sinh thái đặc thù. Ho thích thú khi ngồi trên những chiếc xuồng máy len lỏi vào con rạch để tận mắt nhìn thấy những cây đước, cây bần hình dáng xù xì nhưng bền vững sinh sôi nảy nở chống chọi với khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhiều du khách đã có những bài viết mô tả cảm giác tận hưởng không khí trong lành cùng tiếng hót thánh thót của các loài chim và khi đi sâu vào rừng nhiều người có cảm giác như lạc vào một không gian huyền bí mà nếu sơ ý sẽ khó tìm được lối ra. Khung cảnh đó đã khiến rừng đước Cà Mau trở thành điểm du lịch hấp dẫn, góp phần giải quyết phần nào kinh tế khó khăn của người dân địa phương qua hoạt động dịch vụ như đưa khách tham quan bằng thuyền máy, phòng trọ và các điểm chợ thuỷ sản đa dạng.
Một lão nông dân vùng đước Cà Mau dạt dào tình yêu thiên nhiên biểu hiện qua một bài vè mộc mạc:“Mắm Bần đến trước/ Vẹt Đước theo sau/Ốc Còng ghé vào/ Chim Cò làm tổ/ Sấu Chồn tìm chỗ/ Khỉ Heo giành đất/ Bãi Bùn mở rộng/ Đất Nước trải ra/ Con người đến sau/ Dồn thâu ba cõi”. Điều này nhắc nhở rằng con người thừa hưởng được quà tặng là rừng đước Cà Mau nên phải biết giữ gìn cho mai sau.
Đã qua rồi thời người dân đốt than làm củi, thời săn bắt thú hiếm, nay rừng đước Cà Mau đã dần đi vào quỹ đạo bảo vệ môi trường sinh thái, người dân đã thấy yêu rừng cũng chính là yêu mình.