Thật lạ, trong tòa nhà là một không gian yên ắng nhưng vào đây khách sẽ đắm mình với vẻ huyên náo của những ký ức “vang bóng một thời”.
Tuần rồi, ngay tại Phố cổ Hà Nội, tôi có một cuộc dạo chơi kỳ thú – Trở về Trung thu xưa. Cuộc dạo chơi diễn ra trong một tòa nhà xưa được tôn tạo làm trung tâm văn hóa ngay trong khu Phố cổ.
Thật lạ, trong tòa nhà là một không gian yên ắng nhưng vào đây khách sẽ đắm mình với vẻ huyên náo của những ký ức “vang bóng một thời”. Chúng không kém gì cái khung cảnh lễ hội nhộn nhịp đang diễn ra gần đấy, ở Hàng Mã – Hàng Giấy –khu chợ đồ chơi Trung thu truyền thống của Thủ đô, nhưng lại có phần trang trọng và đằm thắm, sâu sắc hơn.
Thật vậy, ngay ngoài cửa là hai “lồng đèn”giấy bồi thật to, được tạo dáng thành hai chiếc cột thanh tú thường thấy ở cổng vào ở các ngôi đình của miền Bắc. Thả từ trên xuống, giữa hai cột là một đầu lân có sắc mặt màu đen oai vệ, đi kèm những chiếc cờ ngũ sắc tươi vui.
Khách qua cửa lại thấy giữa “sân đình” có ba đầu lân màu đỏ được treo cao, uốn lượn chào đón. Trên sân là hai mô hình đèn kéo quân hình bát giác cao lớn vừa gợi lại hình ảnh đèn xưa, vừa là nơi trình bày tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống ghi lại những sinh hoạt cổ truyền mộc mạc. Những người thiết kế không gian “sân đình” còn khéo léo làm một mái đình lợp ngói vảy cá – được chiếu đèn lung linh, nổi lên bay bổng như một “lồng đèn” tráng lệ.
Ô kìa, dưới và trên “mái đình” là những chiếc lồng đèn đã đi vào cổ tích của tuổi thơ cả nước. Đây này những con cá chép, cá hóa long, con thỏ ngọc, con heo thân thương. Đặc biệt là chiếc lồng đèn con cua màu xanh, có những chiếc càng dài và nhọn, được làm rất công phu, hiếm thấy. Ngắm chúng tung tăng trên cao, ta ngỡ như được trở lại một đêm trăng sao rước đèn huy hoàng!
Thêm một bất ngờ khác đang chờ đợi ở cuối gian phòng. Đấy là chiếc bàn bày cỗ Trung Thu với mâm trái cây ngũ quả. Ngoài chuối, bưởi xoài và na, còn có những quả hồng căng tròn – đặc sản của mùa Thu. Ngay bên cạnh đấy là một dĩa cốm bọc lá sen cùng những quả chuối vàng ươm – hai món quà ăn kèm với cốm, rất tuyệt.
Và dĩ nhiên, không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo và đủ loại mứt kẹo. Song thú vị hơn cả là có một chú “cún” mũm mĩm, có bộ lộng xù được kết bằng những tép bưởi vàng mọng, nằm ngoan ngoãn trên khay. Bàn tay thiếu nữ hay nghệ sĩ nào có thể làm nên một tác phẩm điêu khắc bằng trái cây dễ thương như thế?
Trên mâm cỗ còn có mặt nạ ông địa và hai chiếc tàu thủy bằng thiếc xinh xắn, có “nồi súp de” nhỏ xíu có thể lướt sóng trong chậu nước. Tất cả đều là những đồ chơi mùa Trung Thu lâu đời của Hà Nội – ngàn năm văn vật. Tuy nhiên, còn một đồ chơi khác đi cùng mâm cỗ, rất lạ, rất Bắc, các miền khác dường như không có, đó chính là ông Tiến sĩ giấy. Đó một tiểu tượng bằng giấy thể hiện một ông quan trẻ đội mũ cánh chuồn, áo mão xênh xang, vinh quy bái tổ về làng. Có lẽ hình ảnh này thể hiện mơ ước học hành thành đạt để làm rạng rỡ dòng tộc và quê hương – một mơ ước truyền đời của những người dân chất phác, dù ở nông thôn hay thành thị từ nhiều thế kỷ. Mơ ước ấy được truyền dẫn cho trẻ thơ qua đồ chơi Tiến sĩ giấy trong mùa Trung Thu vào thời điểm “nông nhàn”.
Ngẫm nghĩ mơ ước giản dị này luôn còn đó, và không nhất thiết chỉ trong mùa Trung thu mà có cả trong bốn mùa. Thời hiện đại, đồ chơi Tiến sĩ giấy bị thay thế bởi những đồ chơi khác hào nhoáng hơn, cụ thể hơn. À mà này, thay vì chỉ là đồ chơi, trong thực tế vẫn còn nhiều “Tiến sĩ giấy” bằng xương bằng thịt đó thôi. Bởi trong xã hội hiện giờ không hiếm thói mua bằng mua cấp, mua học vị, học hành thật giả lẩn lộn nhưng vẫn ung dung thăng tiến!
Trong không gian tòa nhà không chỉ có các lồng đèn và đồ chơi của Trung thu xưa. Khách thưởng ngoạn còn thích thú được xem trên bảng triển lãm các dòng thuyết minh và hình ảnh tư liệu lưu trữ về sinh hoạt Trung thu từ thời nhà Nguyễn đến thời Pháp thuộc. Nổi bật là văn bản được vua Minh Mạng phê duyệt năm 1827 cho biết Tết Trung thu không chỉ là dịp lễ hội cho trẻ nhỏ và gia đình. Nhà vua ra lệnh cho Tổng trấn Bắc Thành phải cho binh lính được nghỉ ba ngày và chi tiền mua trâu và lợn để khoản đải cho họ.
Bên cạnh đấy, có văn bản của vua Tự Đức năm 1870 quy định việc nhà vua đích thân dự các lễ tiết lớn, trong đó có Tết Trung thu. Cũng vua tự Đức, đã cho phạt roi và giáng cấp các viên quan làm sai nghi lễ dịp Trung thu, vào năm 1877.
Ngay chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi mới thành lập vào tháng 9.1945 đã có văn bản cho công chức được nghỉ buổi chiều ngày lễ quan trọng ấy! Một số văn bản khác còn cho thấy, từ đầu thế kỷ 20, chính quyền ở Hà Nội đã “bật đèn xanh” cho người dân tổ chức thi làm các loại đồ chơi Trung thu và được đốt pháo, múa lân, thi hát trống quân. Xem ra chính quyền không chỉ biết thu thuế mà còn biết lo cho người dân vui chơi tử tế, là kinh nghiệm hay, rất đáng kế thừa!
Nhiều hình ảnh tư liệu cho thấy cảnh các phố phường Hà Nội xưa nhộn nhịp sinh hoạt và lễ nghi mùa Trung thu, từ trẻ đến già. Tôi bồi hồi khi gặp ở đây mẩu quảng cáo trên báo về bánh Trung thu Đông Hưng Viên “chánh hiệu” có trụ sở ở số 90 phố Hàng Buồm. Hiệu bánh nổi tiếng ấy với hình ảnh “trade mark” là con công kiều diễm màu xanh, sau năm 1954 di cư vào Sài Gòn, có trụ sở chính ở phố Phan Chu Trinh, bên hông chợ Bến Thành. Chắc nhiều người Sài Gòn xưa còn nhớ hiệu bánh Trung Thu Đông Hưng Viên lừng lẫy, đã đi vào dĩ vãng, trở thành “hồn muôn năm cũ”.
Ôi, ước chi sang năm ở Phố cổ Sài Gòn là khu chợ Bến Thành cũng có một cuộc triển lãm Trung thu xưa Sài Gòn nhỉ!
Triển lãm “Trở về Trung thu xưa” do Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cùng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Một tổ chức tại nhà số 50 Đào Duy Từ , phường Hàng Buồm, khai mạc sang 22/9/2023.
- Xem thêm: Chiếc đèn kéo quân và giấc mơ cung Hằng