Có thể tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ khó đạt 11 – 12% như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định mới đây, nhưng khách quan mà nói, đạt được con số 7% trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó suốt thời gian dài, mà chất lượng tín dụng vẫn đảm bảo là một nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng. Về phía mình, Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách hợp lý giúp mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp như hiện nay, mới đây nhất còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn và tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp cận nguồn vốn vay trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước còn cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cơ cấu lại các khoản vay, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của từng doanh nghiệp…
Sau một tháng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp có nợ xấu vay mới đã được các ngân hàng thương mại thực hiện khá tốt. Một doanh nghiệp dù có nợ được đánh giá là nợ xấu tại ngân hàng nhưng nếu có phương án sản xuất kinh doanh mới khả thi thì ngân hàng vẫn có thể khoanh nợ cũ và quyết định cho vay mới. Bởi đây đang là giai đoạn các doanh nghiệp rất cần vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịp tết và muốn doanh nghiệp có tiền trả nợ cũ thì các ngân hàng không có cách nào khác là cho họ vay mới để… làm ra tiền.
Từ đầu tháng 10, một số tổ chức tín dụng đã bắt đầu bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), với tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Dù vậy, chính các ngân hàng cũng thừa nhận việc xử lý nợ xấu của họ vẫn còn rất cam go, nợ xấu vẫn tăng chứ chưa có dấu hiệu giảm. Đó là do những khoản nợ bán cho VAMC chỉ là phần nổi của tảng băng. Tuy nhiên, điểm sáng ở đây là trên tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đang tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp. Giải pháp giãn nợ, giảm lãi suất cho những doanh nghiệp có nợ xấu được nhiều ngân hàng thương mại áp dụng. Đây thực chất là chương trình đánh giá lại khả năng trả nợ của khách hàng để thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất vốn vay… Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, việc giãn nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp là một lựa chọn hợp lý trong bối cảnh hiện nay, không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm có tiền trả nợ mà còn giúp ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng, cũng như kéo giảm con số tỷ lệ nợ xấu xuống so với trước.
Để thực hiện tốt việc cho vay mới đối với những doanh nghiệp có nợ cũ thường không có tài sản thế chấp do đã sử dụng hết cho những lần vay vốn trước đây, các ngân hàng thương mại đồng ý cho vay mới theo hình thức tín chấp. Ngoài ra, các ngân hàng tiếp tục quan hệ tốt với những doanh nghiệp làm ăn lâu dài bằng những mức lãi suất ưu đãi. Trong bối cảnh rất khó tìm được khách hàng mới hoạt động hiệu quả, việc tiếp tục cho khách hàng cũ vay vừa là cơ hội cho ngân hàng giải ngân nguồn vốn, vừa giúp cho doanh nghiệp có thể tồn tại để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Tiếp tục cho vay, vì vậy, sẽ vẫn là một xu hướng trong thời gian tới. Chỉ lưu ý là khâu xét duyệt dự án khả thi cần được tiến hành nghiêm túc. Nếu không, nợ xấu sẽ còn cao hơn nhiều so với hiện nay và tác hại với nền kinh tế là rất lớn.
Minh Hằng