Các nhà quản lý đồng thời là chủ doanh nghiệp của mình thường làm việc rất chăm chỉ và chú tâm đến công việc của mình hơn bất cứ ai khác. Tuy nhiên, không nên vì thế mà quên đi rằng anh không chỉ có một mình.
Theo Peter Economy, tác giả của cuốn sách thuộc hàng “best-seller” (bán chạy) Managing For Dummies, The Management Bible, Leading Through Uncertainty (tạm dịch: Cẩm nang cho nhà quản trị doanh nghiệp) và hơn 60 đầu sách khác thuộc lĩnh vực quản lý, để thành công lâu dài, các nhà quản lý cần phải có một đội ngũ nhân viên năng động, sẵn sàng tham gia vào mọi hoạt động của công ty và gắn bó lâu dài với tổ chức. Điều có cũng có nghĩa là sếp cần “giải phóng năng lượng” trong từng cá nhân của đội ngũ nhân sự. Economy đưa ra những lời khuyên dưới đây giúp các nhà quản lý thực hiện điều này.
1. Hướng nhân viên đến những việc làm đúng đắn
Những tổ chức thành công luôn chia sẻ những câu chuyện thành công với nhân viên. Ở những tổ chức này, nhà quản lý luôn chú trọng các quy trình, chiến lược và các ý tưởng mang tính xây dựng của nhân viên và giải thích với nhân viên về những lợi ích mà họ sẽ có được khi thực hiện những điều này.
- Xem thêm: Hãy giao việc cho nhân viên
Khi nhân viên làm đúng và làm tốt, nên để cho mọi người xung quanh biết về điều ấy. Động viên những nhân viên xuất sắc, có thành tích cao bằng cách đánh giá cao những nỗ lực của họ trước các đồng nghiệp.
2. Đặt ra những tiêu chuẩn cao
Về các vấn đề như giao tiếp, năng suất làm việc và tính chuyên môn trong toàn tổ chức. Khi nhân viên chưa thực hiện được những chuẩn mực cao này thì nhà quản lý cần làm việc gần gũi với họ và giúp họ cải thiện chất lượng công việc của mình.
Không nên nhượng bộ cho sự yếu kém của nhân viên bằng cách hạ thấp các tiêu chuẩn. Thay vào đó, sếp cần kề vai sát cánh với nhân viên và làm việc với tinh thần đồng đội cao để cùng nhau vượt qua những thử thách.
Hãy lắng nghe nhân viên để tìm hiểu những khó khăn, trở ngại của họ, tập trung vào những giải pháp khả thi và nỗ lực để đạt được những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra.
3. Giao tiếp, truyền thông thường xuyên, rõ ràng và chuyên nghiệp
Nhân viên luôn mong đợi sự đánh giá trung thực, khách quan của sếp về kết quả, thành tích công việc của họ. Khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhà quản lý cần chia sẻ những gì đang phát huy tác dụng tốt và những câu chuyện thành công với toàn tổ chức.
Khi đối diện với nhiều vấn đề ngăn cản sự tiến bộ của tổ chức, sếp cần suy nghĩ về sự ảnh hưởng mà mình có thể tạo ra để giải quyết vấn đề bằng cách thảo luận về các mối quan tâm một cách mang tính xây dựng. Hãy sử dụng truyền thông và giao tiếp như một công cụ để động viên, tạo hứng khởi cho nhân viên cũng như thảo luận và giải quyết các vấn đề.
4. Tin tưởng nhân viên
Những nhà quản lý giỏi nhất là những nhà quản lý luôn hiểu rằng thành công của tổ chức gắn liền với thành công của nhân viên và nỗ lực để tạo ra niềm tin cho nhân viên vào bản thân nhà quản lý và vào tổ chức. Sếp có thể làm điều này bằng cách xây dựng một môi trường làm việc an toàn, cởi mở và giao tiếp hai chiều.
- Xem thêm: Giúp nhân viên thành công
5. Giúp nhân viên trưởng thành
Hướng nhân viên đến những thành công chứ không phải chăm chăm tìm ra những thất bại của họ. Hãy trang bị cho nhân viên các công cụ, các chương trình đào tạo, huấn luyện cần thiết để họ có thể đáp ứng và thậm chí làm tốt hơn những chuẩn mực đã đề ra.
Khuyến khích nhân viên phát hiện ra những điểm mạnh và những động cơ lớn nhất của họ trong công việc. Chỉ ra cho họ thấy những lợi ích mà tổ chức có được từ những nỗ lực của họ và điều ấy đem đến cho bản thân họ những lợi ích gì. Sau khi hiểu được động cơ làm việc của nhân viên thì nên gắn chúng với các nhiệm vụ, công việc hằng ngày của họ.
6. Xây dựng một môi trường làm việc hiệu quả
Đó phải là một môi trường làm việc tích cực, chuyên nghiệp, vừa mang tính công nghiệp nhưng cũng vừa thoải mái. Đảm bảo rằng nhân viên luôn có những công việc thử thách nhưng cũng không đến nỗi quá căng thẳng.
Bất cứ khi nào có thể thì nên giao phó thêm cho nhân viên những công việc, nhiệm vụ hay vị trí mang tính phức tạp hơn với nhiều trách nhiệm hơn, để cho họ luôn có động cơ phát triển cùng sự thành công của tổ chức.
7. Xây dựng một cộng đồng
Hãy làm cho nhân viên cảm thấy rằng họ là một thành phần đặc biệt của tổ chức và những nỗ lực của họ luôn được trân trọng, đánh giá cao. Xem nhân viên như những cộng sự hay đồng nghiệp và gắn họ với thành công của tổ chức.