Nhà văn danh tiếng người Pháp đã nhận định như vậy trong cuộc trò chuyện nhân dịp tác phẩm văn học đầu tiên của ông được chuyển thể thành kịch nói tại Việt Nam.
Có chủ đề “Mọi điều ta chưa nói – từ văn chương đến sân khấu”, cuộc trò chuyện được tổ chức bởi Sun Life, còn có sự góp mặt của đạo diễn, biên kịch Việt Linh.
Nhà văn Marc Levy là tác giả được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu mến qua các tác phẩm Nếu em không phải là giấc mơ, Gặp lại, Kiếp sau… Tính đến nay, ông là một trong những nhà văn đương đại của Pháp được chuyển ngữ và giới thiệu nhiều nhất tại Việt Nam với hơn 20 tác phẩm. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, một tác phẩm văn chương của ông được sân khấu hoá thông qua nghệ thuật kịch nói.
Và đạo diễn Việt Linh chính là người đã chuyển thể tiểu thuyết Mọi điều ta chưa nói thành vở kịch cùng tên, hiện đã được công diễn tại TP.HCM.
Cuộc trò chuyện được tổ chức ngay sau đêm diễn hôm trước của vở Mọi điều ta chưa nói tại sân khấu Hồng Hạc nên nhiều bạn đọc cũng như khán giả mến mộ nhà văn Marc Levy muốn biết cảm nhận của ông khi “đọc” tiểu thuyết của mình ở một loại hình khác. Nhà văn Marc Levy cho biết rất cảm động khi tiểu thuyết của ông được chuyển thể thành kịch. Nhà văn người Pháp rất hài lòng vì vở kịch đã chuyển thể thành công nội dung tác phẩm Mọi điều ta chưa nói.
“Tôi tìm lại được các nhân vật của mình, thấy được nội dung câu chuyện và tương tác giữa người cha và cô con gái. Chỉ có cái kết là hơi khác so với tiểu thuyết tuy nhiên tôi cho rằng đó là quan điểm và phần sáng tạo của tác giả vở kịch. Quan trọng là cái kết đó cũng rất hay. Tôi cho rằng vở kịch là một tác phẩm độc lập, có giá trị riêng, độc lập trong lòng khán giả”, tượng đài lớn của văn học lãng mạn chia sẻ.
Về phần mình, đạo diễn Việt Linh cho biết bà đã rung động khi đọc cuốn tiểu thuyết Mọi điều ta chưa nói, từ đó xuất hiện một niềm thôi thúc tự thân đó là “truyền sự rung động đó cho diễn viên, cho người xem”.
Lý giải vì sao lại chọn sân khấu hoá thành loại hình kịch, nữ đạo diễn cho biết đó là do “bệnh” thích nhìn chữ sang hình: “Tôi đọc một câu ca dao, nghe một bài thơ thì tôi nghĩ đến hình”, đạo diễn Việt Linh chia sẻ, đồng thời bộc bạch rằng bà hoàn toàn không hề biết mình là người đầu tiên trên thế giới làm kịch chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Marc Levy.
Nói hình ảnh là vậy tuy nhiên nguyên tắc để chuyển thể thành công cuốn tiểu thuyết của nhà văn Marc Levy nói riêng và tác phẩm văn học nói chung sang loại hình kịch, đạo diễn Việt Linh cho rằng cần giữ được năm yếu tố, đó là: nội dung, thông điệp của tác giả, không khí của tác phẩm, tính cách của tác giả gốc, tính cách nhân vật.
Nối tiếp vào mạch chuyện đang trở nên hào hứng, nhà văn Marc Levy góp lời, rằng khi đạo diễn Việt Linh đọc Mọi điều ta chưa nói và bật ra các hình ảnh trong đầu thì đó là thành công của nhà văn. “Nhiệm vụ của nhà văn là làm sao giúp cho người đọc thấy được hình ảnh khi đọc tác phẩm. Về phần mình, trong công việc sáng tác, khi mô tả nhân vật tôi không mô tả một cách vật chất bề ngoài của nhân vật đó mà cho độc giả thấy được nội tâm, tính cách… Tôi nghĩ sức mạnh của tiểu thuyết là khuyến khích sự tưởng tượng ở độc giả”.
Trả lời câu hỏi rằng phải chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết hơn 400 trang thành kịch, vậy điều thú vị cũng như thách thức là gì, đạo diễn Việt Linh kể: “Tôi nhắm mắt lại hình dung, lọc ra những gì cốt lõi nhất phải giữ lại. Các câu thoại trong tác phẩm văn học tôi cho phép mình thay đổi vị trí, trật tự xuất hiện trong vở kịch. Cái khó nhưng là cái muốn chuyển tải chính là tinh thần của nhà văn. Khi xem kịch nhà văn nhìn thấy mình trong đó thì mới thành công. Cũng giống như việc vẽ tranh, người này chỉ một vài nét sơ sài nhưng hiện lên được thần thái của người được vẽ nhưng người kia vẽ hết mọi thứ trên khuôn mặt nhưng lại không toát ra được thần thái gì. Do vậy tinh thần mới quan trọng chứ không phải tình tiết”.
Chia sẻ thêm về cái kết vượt ra ngoài văn bản gốc nhưng được nhà văn Marc Levy tán thưởng, đạo diễn Việt Linh cho biết: “Từ những gì đọc được tôi thấy nhà văn Marc Levy là con người nhân ái và có tinh thần lạc quan. Vì vậy tôi có chủ ý khi làm cái kết, với ngôn ngữ điện ảnh tôi muốn gửi đi thông điệp về tinh thần lạc quan cho người xem”.
Là nhà tổ chức sự kiện, ông Luc Nhon Ly, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, chia sẻ niềm vui khi được đồng hành cùng sân khấu Hồng Hạc mang tác phẩm Mọi điều ta chưa nói đến với công chúng. “Đồng thời, được chào đón và giao lưu với tác giả Marc Levy là một vinh dự để chúng ta có cơ hội hiểu thêm về những giá trị về tình yêu và cuộc sống mà ông đã truyền cảm hứng cho hàng triệu độc giả”, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam nói, đồng thời chia sẻ thêm đây là sự kiện nối tiếp chuỗi hoạt động đưa văn hoá nghệ thuật tới gần hơn với công chúng, sau hài độc thoại, thơ và vũ đạo.
Ngay sau cuộc trò chuyện, để bạn đọc và người xem có trải nghiệm thêm trọn vẹn, Sun Life cũng đã bố trí một khu vực riêng để các diễn viên sân khấu Hồng Hạc diễn hai phân cảnh từ vở kịch Mọi điều ta chưa nói. Ngoài ra,nhà văn Marc Levy cũng đã dành tặng món quà đặc biệt cho bạn đọc có mặt lại sự kiện, đó chính là những cuốn sách do ông trực tiếp ký tặng.
Nhà văn Marc Levy sinh năm 1961 tại Paris. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, ông chuyển đến Mỹ năm 1984, làm việc trong ngành đồ họa kiến trúc.
Năm 1991, ông trở lại Pháp và bắt đầu viết văn.
Năm 1999, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên Nếu em không phải một giấc mơ – tác phẩm trở thành hiện tượng của làng văn học thế giới. Tính cho đến nay, trung bình mỗi năm ông cho ra đời một tác phẩm mới.
Marc Levy là tác giả đương đại người Pháp được đọc nhiều bậc nhất trên toàn thế giới. 22 cuốn tiểu thuyết của ông đã xuất hiện ở khoảng 50 ngôn ngữ và bán được hơn 50 triệu bản ở thị trường toàn cầu. Các tiểu thuyết này nổi bật với sự lãng mạn, cũng như điểm xuyết yếu tố hài hước, tâm linh, trinh thám, khoa học giả tưởng… dễ đọc cũng như gợi ra được nhiều đồng cảm.
Tính đến nay, Marc Levy cũng là một trong những nhà văn đương đại của xứ lục lăng được chuyển ngữ và giới thiệu nhiều nhất tại Việt Nam với hơn 20 tác phẩm. Xuất hiện lần đầu tại Việt Nam từ năm 2006, các tác phẩm của ông luôn được yêu thích cũng như nhanh chóng đến với độc giả. Tiểu thuyết mới nhất của ông vừa được chuyển ngữ là Hoàng hôn của bầy mãnh thú – phần thứ 2 trong bộ 3 series khai thác đề tài chính trị.
Đây là lần thứ hai nhà văn Marc Levy đến Việt Nam. Trong thời gian lưu lại TP.HCM, ngoài tham gia buổi nói chuyện “Mọi điều ta chưa nói – từ văn chương đến sân khấu” thì nhà văn Marc Levy đã có mặt tại đêm công diễn Mọi điều ta chưa nói vào tối 7/11 tại Nhà hát TP.HCM. Dự suất diễn tối 8/11 dành cho sinh viên Đại học Văn Lang và tối 9.11 ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Ông cũng đã có buổi giao lưu với độc giả vào chiều 9/11 tại Đường sách TP.HCM.