Trong cuốn sách “Chữa lành sau sang chấn”, tác giả đưa ra một kiến giải khá mới mẻ về cách nhìn nhận sang chấn.
Nhắc đến hai chữ “chữa lành”, hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy dị ứng và bội thực khi nghe tới khái niệm này, bởi nó nổi lên như một hiện tượng trong vòng năm năm trở lại đây – người người nhà nhà khắp nơi đều nói về chữa lành. Rồi có hằng hà sa số cuốn sách, khóa học, hội thảo, câu chuyện,… được lan truyền trên mạng về thông điệp chữa lành. Ta có bị tổn thương gì nhiều nhặn mà phải chữa lành cơ chứ?
Ấy là bạn chưa biết một điều rằng, sang chấn là một phần của cuộc sống và là điều bạn không thể tránh khỏi. Trải nghiệm đầu tiên của bạn trên trái đất này – được sinh ra đời – đã là một sang chấn, có thể cho cả bạn và mẹ bạn. Nhiều người trưởng thành sống những khuôn mẫu đau khổ và thương tổn vì sang chấn mà không hề ý thức về nó, và nỗi đau đó sẽ còn kéo dài cho tới cuối đời.
Vậy “Chữa lành sau sang chấn” có gì mới, trong vô vàn cuốn sách về chủ đề chữa lành? Bản thân mình từng đọc khá nhiều tựa sách về chữa lành trên thị trường của hầu hết các đơn vị xuất bản, bởi một khi thật sự quan tâm đến đề tài nào, mình thường tìm đọc cho bằng hết sách của các nhà để có một cái nhìn tổng quan về chủ đề ấy. Không phải mèo khen mèo dài đuôi, nhưng thú thật là chưa có cuốn sách nào cho mình cảm giác thỏa mãn, cho đến khi biên tập cuốn Chữa lành sau sang chấn.
Tiến sĩ Nicole LePera, tác giả cuốn sách, là một nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về phân tâm học. Bà đã tiên phong đề ra triết lý Tâm lý học Toàn diện (Holistic Psychology), một cách tiếp cận mang tính cách mạng tập trung vào ba trụ cột – trí óc, cơ thể và linh hồn – nhằm tái cân bằng cơ thể và hệ thần kinh, chữa lành những tổn thương cảm xúc chưa được giải quyết. Theo quan điểm của bà, sự mất kết nối giữa tâm trí, cơ thể và linh hồn có thể biểu hiện thành bệnh tật và rối loạn. Nhiều người khi gặp vấn đề về tâm lý như trầm cảm hay sang chấn thường chỉ giải quyết phần bề nổi ở khía cạnh thân và tâm, mà bỏ quên mất phần bản thể linh hồn ở sâu bên trong mỗi người. Có thể nói Chữa lành sau sang chấn là cuốn sách dung hòa được cả hai phương diện tâm linh và tâm lý một cách khoa học bài bản.
Nói thêm về tác giả Nicole LePera, bà là lesbian và kết hôn hợp pháp với người yêu đồng giới. Ngay từ nhỏ, bà sống trong một gia đình có người mẹ gặp phải vấn đề tâm lý, thường hay lên cơn như bị “quỷ nhập” và luôn lạnh nhạt với con cái. Sau này lớn lên, tác giả mới phát hiện rằng, hóa ra mẹ bà cũng chỉ là một “sản phẩm” của bà ngoại, một đứa trẻ từng bị tổn thương và chưa bao giờ nhận được tình yêu mà bà khao khát. Nói cho cùng, kẻ tổn thương lại luôn muốn làm tổn thương người khác. Và khuôn mẫu đó một lần nữa lại vận vào người tác giả khi bà luôn tìm kiếm những mối quan hệ yêu đương để rồi sau đó lại lạnh nhạt và làm tổn thương đối phương, như một vòng lặp không hồi kết.
Trong Chữa lành sau sang chấn, tác giả đưa ra một kiến giải khá mới mẻ về cách nhìn nhận sang chấn. Đa số chúng ta đều hình dung sang chấn tâm lý ở người trưởng thành là kết quả một sự kiện chấn động nào đó thời thơ ấu, nhưng không phải tuổi thơ của người nào cũng từng trải qua những sự kiện chấn động như vậy, vậy tại sao họ vẫn có sang chấn khi lớn lên? Theo tác giả, quá khứ của mỗi người có thể khác nhau, nhưng các khuôn mẫu hành vi lại có tính quy luật và đi theo các kịch bản giống nhau. Trong cuộc sống của một đứa trẻ, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Nếu cha mẹ là những người lớn có những sang chấn chưa được giải quyết hay không biết cách chữa lành cho bản thân, họ sẽ trút hết những sang chấn của mình lên con cái – một cách vô thức. Trong cuốn sách, tác giả đưa ra các khuôn mẫu hành vi như vậy để nhận diện kèm theo những câu chuyện rất đời, mà bất cứ người trưởng thành nào cũng sẽ nhìn thấy chính bản thân mình trong đó.
Với trọng tâm là công cụ Tâm lý học Toàn diện, cuốn sách sẽ dẫn dắt độc giả bước vào hành trình chữa lành – một truyền thống không phải chỉ mới nổi trong vài năm gần đây mà đã có từ rất lâu và được truyền lại qua nhiều thời đại. Lần lượt, chúng ta sẽ được tìm hiểu về cơ chế của Tâm lý học Toàn diện, về bản ngã có ý thức, về cơ thể sang chấn, mở rộng cách hiểu về sang chấn, thiết lập ranh giới cá nhân và nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong mình, để cuối cùng là hướng đến sự trưởng thành về cảm xúc.