Hội nghị chuyên đề về mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn – xanh (BCG Symposium) trong khuôn khổ năm APEC 2022 được tổ chức tại Thái Lan với chủ đề “Sharing a Sustainable Future”.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Nhà sáng lập – Tổng giám đốc công ty Thời trang và Kết nối (FASLINK) là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự hội nghị, chia sẻ về thành công trong hành trình thương mại hoá các loại sợi vải xanh và hướng tới sự phát triển bền vững của ngành thời trang Việt Nam.
Mô hình Kinh tế sinh học – tuần hoàn – xanh (BCG) được xem là một chiến lược quốc gia của Thái Lan nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch và hướng đến sự phát triển bền vững trên mọi phương diện và phù hợp với mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Hội nghị chuyên đề BCG Symposium có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ thương mại Thái Lan – Ông Jurin Laksanawisit, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan và các đại diện thuộc 21 nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)
Mục tiêu chính của Hội nghị chuyên đề BCG nhằm thảo luận và chia sẻ về mô hình Kinh tế BCG, đặc biệt ứng dụng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) ở các nền kinh tế thành viên APEC, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tăng cường thương mại, đầu tư dựa trên các chính sách kinh tế bền vững và đổi mới.
Tại Hội nghị chuyên đề BCG Symposium, Bà Trần Hoàng Phú Xuân đã có bài trình bày và tham gia phiên thảo luận cùng với các đại diện khác đến từ Nhật Bản, Thái Lan,… về câu chuyện nỗ lực của Faslink và cá nhân trong hành trình tìm kiếm nguyên liệu, R&D và thương mại hoá các loại sợi vải xanh từ bã cà phê, vỏ hàu, lá bạc hà, thân và lá sen, chai nhựa PET, cũng như những thách thức và cơ hội của việc ứng dụng mô hình BCG trong ngành thời trang tại Việt Nam, hướng đến tương lai Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” trong năm 2050.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân đã có phần mở đầu và trình bày mạnh mẽ về sự kiên định trong hành trình của mình: “Là một phần của chuỗi cung ứng Thời trang Việt Nam, chúng tôi chọn Going Green là trách nhiệm của mình đối với thế hệ tương lai. Tại Faslink, chúng tôi tin rằng có một thị trường ngách tiềm năng chưa được khai thác cho hoạt động kinh doanh bền vững, đó là lý do Faslink thực hiện sứ mệnh này. Sự có mặt của tôi tại Hội nghị hôm nay đánh giá được chúng tôi đã tiên phong thương mại hóa được nhiều loại sợi bền vững thành công và tôi muốn lan toả về điều này tại diễn đàn APEC”.
Trong phần trình bày, CEO Faslink – Bà Trần Hoàng Phú Xuân đã chia sẻ thông điệp mạnh mẽ, gây ấn tượng với đại diện các nước: “Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững trong kinh doanh sẽ khó có lợi nhuận, do đó, nhiệm vụ của tôi sẽ khiến cho thời trang bền vững không chỉ là mục tiêu xã hội mà là tiềm năng kinh doanh có trách nhiệm cần được khai phá.”
Thành lập từ năm 2008, Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang (Faslink) được biết đến là doanh nghiệp tiên phong đầu tư mạnh cho R&D và cho ra thị trường nhiều loại sợi vải xanh từ sen, bã cà phê, bạc hà, chai nhựa PET… có tính ứng dụng cao và được thị trường đón nhận tích cực.
Theo đuổi định hướng “mặc khỏe để sống xanh”, các nguyên liệu xanh của Faslink được tạo nên từ các yếu tố có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường sống, an toàn cho sức khỏe người dùng, dễ dàng chế tác trong may mặc và có thể tự phân hủy theo thời gian. Faslink đã ra mắt và thương mại hoá thành công áo sơ mi, Polo, đồ lót làm từ sợi tự nhiên, bao gồm sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi xơ dừa, và sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng được tiêu chí mềm mịn, bền đẹp và thời trang. Trong đó nôỉ bật là sợi cà phê, lần đầu tiên chiếc áo chiếc áo Polo “Made in Vietnam” làm từ chất liệu vải cà phê ra đời.
“Hành trình tạo nên những sợi vải xanh từ bã cà phê, lá và thân sen, vỏ sò, than vỏ dừa, cellulose bạc hà…của chúng tôi; không chỉ bắt nguồn từ ý tưởng và xu hướng trong kinh doanh mà gắn liền với sự đam mê, khát vọng mạnh mẽ phát huy giá trị của những nguyên liệu được xem là bình thường, ít giá trị trong tự nhiên. Những sợi vải xanh đã tạo nên những bước đi mới, thúc đẩy sự phát triển sáng tạo trong ngành công nghiệp dệt may và thời trang. Tôi mong muốn ngày càng nhiều người Việt Nam sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm may mặc thân thiện với môi trường.” – Tổng Giám Đốc Faslink – bà Trần Hoàng Phú Xuân, chia sẻ thêm
Không riêng ở mảng nguyên liệu, Faslink thực hiện chuyển đổi xanh toàn diện trong vận hành, sản xuất, phân phối và tiếp thị sản phẩm theo xu hướng eco-fashion. Đồng hành cùng hơn 900 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, Faslink đã và đang rất thành công trong việc ghi lại dấu ấn riêng trong từng dự án. Với sự tham gia trong vai trò đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị chuyên đề về mô hình kinh tế BCG trong khuôn khổ APEC 2022, Faslink tiếp tục khẳng định cam kết chuyển đổi xanh, liên kết với các mắc xích trong chuỗi các nhà cung ứng thời trang bền vững tạo nên sức mạnh nội lực cho thời trang Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là động lực giúp Faslink có thể xây dựng được hợp đồng với đối tác nước ngoài, đưa sản phẩm của người Việt vươn tới biển lớn và được bạn bè quốc tế công nhận.