Đây là lần thứ bao nhiêu trở lại Hội An, tôi không chắc lắm. Không kể những lần đi thẳng vào Hội An thì lần nào có công việc ở Đà Nẵng tôi cũng phải tìm cách vào Hội An một buổi. Có lẽ, một trong những đô thị tôi muốn ghé đến nhất, trở đi trở lại mãi không chán, chính là nơi này.
Nhưng thường là đến vào mùa hè. Năm nay thì mùa xuân. Cũng chẳng được chọn, chỉ là một cơ hội rất bất ngờ theo kiểu khó lặp lại. Ngày mai bay thì tối nay mới nhận được vé. Nhưng cũng đúng đến lúc tôi cảm thấy nhớ Hội An. Thực là cảm thấy nhớ, như nhớ một người bạn không hẳn thân, nhưng rất trân quý. Thứ khác nhất so với mọi lần có lẽ là chọn nơi nghỉ lại ở phía Nam, cách khu phố cổ hơn 10km. Một nơi yên tĩnh, sát biển, xa khu dân cư, với lối vào toàn cây cỏ hoa lá. Ở đấy chẳng gợi cảm giác gì về Hội An hết. Chỉ hơn 10km thôi, chẳng hiểu sao lại có cảm giác khác biệt đến vậy. Năm nay nàng Bân đan áo muộn, mãi không xong, nên cái rét cứ đi vắng vài ngày lại trở lại. Biển động. Những con sóng lớn, nước lạnh, chỉ dám đi ven ven trên bờ cát và lòng dạ thì cứ hướng về những con phố đã rất lâu không trở lại.
Sau bữa tối thì thuê taxi chạy vào phố.
Vắng, cảm giác đầu tiên là vắng đến kinh ngạc. Chưa bao giờ tôi thấy một Hội An vắng đến nhường ấy. Chưa đến 8 giờ tối mà hầu như mọi cửa hiệu đều đóng cửa. Những dãy đèn lồng vốn là thứ trang điểm đặc trưng nhất của Hội An vào ban đêm thì phần lớn đều tắt ngấm. Chúng tôi đi rất chậm, rất chậm qua những con phố. Những bức tường vàng quen thuộc chỗ đậm chỗ nhạt tuỳ theo ánh sáng của những ngọn đèn đường chiếu tới đâu. Không muốn nói to, không muốn thở mạnh, và bước đi những bước rón rén.
Sao những con phố đầy ánh sáng ấm áp trong tư duy của tôi lại trở nên lạnh giá, quạnh vắng nhường này? Giờ này thì làm gì có ai đã đi ngủ, nhưng chẳng nhà nào còn mở cửa nữa. Vì trời hơi lạnh, hay vì do chẳng có việc gì để làm? Đây là một đô thị cổ. Mà đô thị thì sống bằng giao thương buôn bán, chứ không phải sống bằng gieo trồng gặt hái. Trận đại dịch trên quy mô toàn cầu đã khiến những con phố đẹp đẽ của tôi chìm trong giấc ngủ sớm, là vậy.
- Xem thêm: Nhiếp ảnh, nghề đặc biệt ở Hội An
Một người đàn ông đi theo vài bước và dè dặt hỏi liệu chúng tôi có muốn đi thuyền trên sông Hoài không? Ông ấy nói vài câu gì đó mà tôi nghe không ra do ngữ điệu địa phương khá nặng, hoặc do ông nói nhỏ quá. Tôi rất muốn làm điều gì đó để người ta thấy vui hơn khi đã vắng khách quá lâu, nhưng tôi muốn ở lại với phố hơn là leo lên một chiếc thuyền có trang trí đầy những bóng đèn màu và trôi đi trên sông trong đêm tối. Thế nên đành phải lắc đầu. Hẳn là người ta đã rất vất vả để có thể trụ lại trong những ngày tháng dài đằng đẵng phải nghỉ việc bất đắc dĩ.
Quán cà phê duy nhất còn mở cửa có tên Thợ Dệt.
Trước cửa quán, trên vỉa hè có mấy cái bàn ghế nhỏ, cộng thêm cái xe đạp. Chắc là xe của cô bé nhân viên dùng để đi làm. Nếu như mọi khi, quán đông nghịt thì làm gì có chỗ để chiếc xe đạp chỏng chơ ngang nhiên ở đấy. Nhưng bây giờ thì chẳng có vị khách nào. Trong quán, nguyên một không gian của xưởng dệt với những cuộn tơ màu trắng ngà, khung dệt, lụa treo trên tường, vài mẫu sản phẩm đã hoàn thiện… Chỉ có điều tất cả đều ở trong trạng thái trưng bày, tức là chẳng có dấu hiệu nào của sự vận động. Đẹp, chỉn chu, gọn gàng ngăn nắp, nhưng tĩnh lặng.
Tôi vốn dĩ vẫn thích sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng khiến tôi có thể ngẫm ngợi về những vận động khác, mà cuộc sống thì vận động là chính chứ tĩnh lặng có bao nhiêu. Nhưng sự tĩnh lặng này của Hội An đêm nay khiến tôi thấy phấp phỏng.
Ngồi xuống, bên dưới những chiếc đèn lồng hiếm hoi đang được thắp sáng, bạn tôi nói rất khẽ: Thương phố quá. Ừ, tôi cũng muốn nói thế. Thương, và chợt nhớ những con phố sáng đèn ken chặt những đôi chân, những bờ vai, những ánh mắt và những bàn tay nắm chặt khi nào đó quá.
Tôi chạm những ngón tay tôi vào lòng bàn tay bạn. Cuộc đời dài bao lâu? Bất chợt tôi muốn hỏi câu ấy. Cuộc đời dài bao lâu để chúng ta biết cách mà sắp xếp những việc nào nên làm vào lúc nào cho vừa vặn, như là chúng ta có thể sẽ lại đến phố Hội bao nhiêu lần nữa trong cuộc đời, để chứng kiến sự đổi thay của nó, sự trở lại của cái dung mạo ấm áp, vui vẻ, đầy sức sống ngày nào ấy. Tôi nói, ngày mai mình sẽ đi tìm một cái xưởng dệt đang hoạt động, được không? Bạn tôi gật đầu.
Phố Hội sẽ thế nào nếu như không còn ngành dệt may nữa? Tôi không thể hình dung nổi nếu như Hội An thiếu những cửa tiệm đầy lụa. Những súc lụa mịn màng, óng ánh màu sắc. Nếu như bạn là phụ nữ, và nếu như bạn đã trót si mê trang phục lụa, thì tôi tin rằng bạn sẽ rất khó có thể tìm một thứ vải vóc gì khác để thay thế nó. Và những người mê lụa, biết cách làm cho lụa đẹp hơn khi ở trên người và biết cách khiến cho mình trở nên quyến rũ hơn khi mang mặc lụa, đều là những người rất tinh tế. Chắc chắn là như thế. Lụa là thứ kén người, nhưng đã kén được rồi thì thật khó rời xa.
Những cửa tiệm đầy lụa ở Hội An thực sự cuốn hút ghê gớm, nhất là vào những ngày hè đầy nắng. Lần nào vào Hội An tôi cũng phải mua một món đồ gì đó từ lụa. Váy vóc, áo dài, túi thêu, khăn… Gì cũng được, nhưng nhất định phải mua một món. Cũng có lần mua cả đèn lồng nữa. Nhưng quả thực là khi mang đèn lồng về Hà Nội thì chẳng biết treo ở đâu. Đèn lồng ấy, chúng chỉ thực sự đẹp khi ở Hội An mà thôi, khi chúng được thắp sáng trên nền của những bức tường sơn vàng và những cột nhà, những khung cửa, những mái ngói màu nâu sậm.
- Xem thêm: Nghề kim hoàn xưa ở Hội An
Rồi thì hôm sau tôi cũng được đến một xưởng dệt thật. Người ta đang lấy tơ từ những cái kén trong một nồi nước đang bốc hơi nghi ngút. Bên trong những cái kén là lũ tằm. Tất nhiên chúng không thể nào sống nổi trong cái nồi nước bốc hơi ấy. Trong xưởng, khung cửi chạy lạch xạch, trên khung thêu có bức tranh hoa cúc đại đóa dang dở, và những chiếc túi lụa thêu, những dải lụa mới nhuộm đang phơi ở sân sau… Tôi cố kìm để không thốt lên bởi một cơn xúc động vừa ùa tới. Tôi thấy hơi thở của Hội An đây rồi. Cuối cùng tôi cũng thấy. Hội An vẫn ở đây, chỉ là vắng vẻ một chút thôi.
Đàn tằm đang tỉ mẩn ăn lá dâu trong một cái mẹt lớn. Cứ ăn thôi, và không hề bận tâm về việc sự sống sẽ chẳng còn mấy đâu sau những đoạn tơ cuối cùng. Chợt không muốn hỏi cuộc đời dài bao lâu nữa. Bao lâu có quan trọng gì, đáng nói là “Như thế nào? Ra sao?”. Chúng ta đã sống ra sao cuộc đời mình? Liệu có được như mỗi con tằm, cặm cụi và nhiệt thành, trung thực và hết lòng, tận tụy suốt đời?
Trở lại với những con phố đêm trước. Trước khi tạm biệt cô chủ quán cà phê có nụ cười đẹp nhưng phảng phất buồn bã, gần như chẳng hề tương đồng với gương mặt còn rất trẻ, tôi nhờ cô chụp hộ vài kiểu ảnh. Những bức ảnh hiếm hoi mà tôi và bạn có đêm ấy vì sau đó chẳng gặp ai khác trên phố nữa. Sau này, mỗi lần nhìn lại bức ảnh được bao phủ bằng thứ ánh sáng màu vàng sậm đặc trưng của đêm Hội An, có lẽ tôi sẽ luôn cảm thấy hơi ấm tỏa ra từ bờ vai ấy và sẽ rất nhớ rằng chúng tôi đã từng cùng mỉm cười nhưng không cách nào vui được vì thương quá một Hội An quạnh hiu phiền muộn. Tôi chợt nhận ra, hình như đã lâu lắm rồi mình không gặp ai có chung một nỗi buồn. Điều đó chẳng dễ dàng gì. Đôi khi cần phải ngồi xuống, thật yên lặng, và để những xúc cảm tự đi tới nhau theo cách riêng của nó. Và trong đêm sâu thẳm trên phố vắng, tôi cảm thấy mình đang thuộc về một nơi đủ tin cậy, ấm áp và an toàn.
Hội An, cái thương cảng lớn hội tụ bao nhiêu khách buôn từ nhiều quốc gia trên thế giới nhiều thập kỷ về trước, vốn dĩ chưa từng yên ắng nhường này, có lẽ vậy. Những súc lụa đã ngủ yên bao lâu trong các cửa tiệm, và chưa biết khi nào chúng mới được lấy xuống để làm đẹp cho những vóc dáng yêu kiều. Những dãy đèn lồng đủ màu sắc chưa biết khi nào mới được thắp hết cả lên để chiếu sáng những rộn ràng tươi vui. Cũng là đô thị lâu năm, cũng là nơi tụ hội của hàng triệu khách du lịch, nhưng cứ hễ đặt chân đến Hội An là dường như người ta bớt ồn ào đi, hay chỉ là do tôi cảm thấy như vậy cũng không rõ nữa.
Nhưng rõ ràng, trong sự ồn ào của Hội An thường khi vẫn mang vóc dáng của từ tốn, chậm rãi, hiền hòa, tĩnh lặng. Và bây giờ thì, sự tĩnh lặng quá mức lại khiến Hội An như một món quà mà cả người trao lẫn người nhận đều lơ đãng. Chiếc máy ảnh trở nên nặng trĩu trên tay tôi. Tôi đã găm vào tâm trí mình cái đêm tĩnh lặng bậc nhất của đô thị này mà nó còn ghi lại rõ nét hơn thế. Sẽ thật khó khăn để trút ảnh từ thẻ nhớ ra máy tính mà không dâng lên trong lòng một nỗi thương mến quá những con phố này.
- Xem thêm: Chùa Cầu trong ký ức người Hội An
Rồi sẽ trở lại thôi, Hội An của tôi.
Bất giác tôi nhớ hai câu ca dao đã đọc đâu đó: Trèo lên cây ổi Hội An/ Biên thơ gửi xuống em chưa lấy chồng.
Tôi luôn tin rằng trong cuộc đời có những lý lẽ sẽ không bao giờ thay đổi, như là người ta có thể luôn chạm được vào nhau dù ngay cạnh hay khi đã ở rất xa, như là mọi con tằm sẽ luôn nhả tơ cho đến những giây phút cuối cùng được sống.