Tư duy lính trinh sát, hay còn gọi là tư duy truy tìm sự thật là phương pháp tư duy giúp ta có cái nhìn chính xác, toàn diện cho mọi vấn đề để từ đó, đưa ra những quyết định đúng đắn, sẵn sàng đón nhận những thử thách, rủi ro và lèo lái cuộc đời thuận buồm xuôi gió.
Khi suy luận, tìm kiếm thông tin hay ra quyết định, chúng ta thường bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi bản sắc cá nhân. Như tác giả Julia Galef đã chia sẻ trong “Tư duy truy tìm sự thật” rằng “Chúng ta sẽ ‘vạch lá tìm sâu’ trong lập luận mình muốn bác bỏ nhưng lại phớt lờ những ‘lỗ hổng’ trong lập luận mà mình tán thành”.
Việc dán nhãn bản thân là người lạc quan, người nội tâm, người theo chủ nghĩa vô thần,… sẽ khiến bạn cảm thấy phải bảo vệ một quan điểm nào đó đến cùng, dù cho điều đó có sai lầm. Tinh thần này được Galef ví như tư duy của một chiến binh khi vào trận.
Ngược lại với tư duy chiến binh, tư duy lính trinh sát mang ý nghĩa ẩn dụ từ hình ảnh người lính trinh sát, luôn cố tìm kiếm thông tin, dữ liệu trước trận chiến để đưa ra đối sách phù hợp. Tư duy lính trinh sát nhìn nhận sự việc một cách khách quan và chính xác. Thay vì chỉ thấy những gì mình muốn thấy, tin những gì mình muốn tin, và chỉ đấu tranh cho một phương diện của vấn đề, người mang trong mình tư duy lính trinh sát sẽ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của sự việc, từ đó chủ động trong mọi tình huống và đưa ra những giải pháp đúng đắn.
Dù vậy, sự thật là phần lớn thời gian chúng ta đều không sống và hành xử với tư duy lính trinh sát. Như Galef đã nói, “Chúng ta tranh luận theo kiểu đối đầu, với những suy nghĩ như phải ‘bảo vệ’, phải ‘bác bỏ’ hay phải đưa ra những lý lẽ ‘không có kẽ hở’ một cách thường xuyên và tự nhiên đến nỗi ta không thể nhận ra. Nguyên nhân là vì cách suy nghĩ đó đã quá quen thuộc, quá tự nhiên, và tâm trí chúng ta đã được lập trình để nhìn nhận các cuộc tranh luận theo hướng đó”. Hơn nữa, tư duy chiến binh cũng được nhận định là mang lại cho ta sự thoải mái, sức ảnh hưởng to lớn trong ngắn hạn và đôi khi giúp ta duy trì động lực. Nhưng, hậu quả thì lại khôn lường
Lắm lúc bạn sẽ ngưỡng mộ những người luôn bình tĩnh và sáng suốt trước mọi sự việc. Bạn nghĩ là họ giỏi giang, hiểu biết sâu rộng và có tư duy nhạy bén. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Trên thực tế, những gì họ có là “các kỹ năng làm chủ cảm xúc, thói quen cũng như quan điểm có-thể-điều-chỉnh, giúp họ dễ tư duy như một lính trinh sát”, Galef nhận định .
Không thể phủ nhận tư duy lính trinh sát sẽ giúp bạn vẽ nên bức tranh toàn cảnh về hiện thực, nhưng có lẽ cũng vì vậy mà đôi khi nó sẽ khiến bạn tổn thương, bởi như người ta nói, sự thật thì thường hay khắc nghiệt. Thế nhưng về lâu dài, lối tư duy truy tìm sự thật này lại có tác động tích cực, giúp ta phát triển và thay đổi quan điểm sao cho phù hợp.
Bằng kinh nghiệm có được trong nhiều năm diễn thuyết và nghiên cứu say mê, trong cuốn sách “Tư duy truy tìm sự thật”, Julia Galef đã chỉ ra lý do tại sao con người thường thiên về lối tư duy chiến binh để rồi đưa ra những quyết định sai lầm. Cùng với những ví dụ minh họa cụ thể, tác giả đã phân tích, giúp bạn đọc hiểu rõ tầm quan trọng của tư duy truy tìm sự thật; cách để cải thiện bản thân, tự rèn luyện để hạn chế lối tư duy chiến binh rồi dần lĩnh hội và áp dụng tư duy lính trinh sát vào cuộc sống.
Cũng theo tác giả việc này không hề dễ dàng, nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu bạn từng bước làm theo những hướng dẫn trong sách, chẳng hạn như chấp nhận hiện trạng của thực tế, rèn luyện tính điềm tĩnh, đừng quá chú trọng bản sắc cá nhân, và mở lòng để thấu hiểu những người không cùng quan điểm với mình…
Thế giới hiện đại với nhiều áp lực cuộc sống khiến cho lối tư duy chiến binh vốn giúp con người sinh tồn và truyền lại bộ gen cho thế hệ sau trong thời cổ đại giờ đây đã không còn phù hợp nữa. “Đã đến lúc chúng ta thay đổi cách tư duy, không cố chứng minh mình đúng hoặc tìm cách bảo vệ bản thân khỏi những tư tưởng đối nghịch mà tập trung nhìn nhận thế giới theo đúng bản chất của nó”, để đạt được những mục tiêu cũng như hạnh phúc và quyền tự quyết cho cuộc đời của mình. Đã đến lúc chúng ta nên áp dụng tư duy lính trinh sát – lối tư duy truy tìm sự thật.
“Chúng ta biết rất rõ về việc lập luận của ta có nhiều kẽ hở như thế nào, nhưng đáng ngạc nhiên là ta lại biết rất ít về cách để khắc phục những kẽ hở đó trong cuộc sống hằng ngày. May thay, Julia Galef có thể giúp ta thay đổi điều đó. Với những thông tin xác đáng và hữu dụng, ‘Tư duy truy tìm sự thật’ của Julia sẽ giúp chúng ta suy nghĩ thấu đáo hơn, nhìn nhận bản thân chính xác hơn và sai ít hơn.” – Adam Grant, tác giả của Originals, Give and Take, đồng thời là người dẫn chương trình podcast của WorkLife, nhận định.
Là cuốn sách thuộc thể loại tâm lý học nhưng “Tư duy truy tìm sự thật” không mang nặng tính học thuật mà trái lại có tính ứng dụng rất cao. Đây là cuốn sách mà độc giả thuộc mọi lĩnh vực, mọi độ tuổi và tầng lớp đều có thể đọc để có được một hành trình hoàn thiện bản thân sâu sắc và ý nghĩa hơn…
Julia Galef là một diễn giả nổi tiếng của chương trình TED Talk. Năm 2016, bài diễn thuyết “Why You Think You’re Right – Even If You’re Wrong” của Julia Galef đã đạt hơn 4 triệu lượt xem trên TED Talk. Ngoài diễn thuyết, Julia còn chủ trì chương trình phát thanh “Rationally Speaking” và từng phỏng vấn các diễn giả, triết gia, và nhà khoa học nổi tiếng như Neil deGrasse Tyson, Phil Tetlock, Tyler Cowen…