Tại Java, trong một vùng cây trái xanh biếc, nơi cuộc sống có vẻ rất an bình, núi lửa Merapi khổng lồ có thể khạc ra lửa khói, tấn công bất cứ lúc nào. Vậy mà không ai nghĩ đến chuyện bỏ đi. Tình yêu quê hương nặng đến mức bất chấp sự đe dọa của tử thần hay sao?
Trên ngọn đồi Klangon ở miền Trung đảo Java, vài quán cóc nhỏ bán thức ăn mang đi, nước uống, thuốc lá hay những bó hoa edelweiss nhiều màu sắc đặc trưng của vùng này. Trong rừng thông và tre, những con khỉ đang đánh đu, trong tiếng hót líu lo của loài chim bông lau đầu vàng. Mấy chục người dân trong vùng lợi dụng lúc thời tiết tốt để uống cà phê dưới ánh nắng mặt trời vào cuối buổi chiều.
Husna, Rahma và Kirana, 19 tuổi, đang đùa giỡn, vui vẻ nói: “Chúng tôi đi lang thang và chụp ảnh selfie. Cầm smartphone trên tay, họ vừa chụp ảnh, vừa cười khúc khích. Chẳng có chút gì lo lắng. Thật khó tưởng tượng là ngay sau lưng họ, một ngọn núi lửa nguy hiểm nhất thế giới đang rình rập: Merapi, với sườn núi màu tro chen lẫn nhiều đường rãnh nham thạch khổng lồ.
Từ miệng núi ở độ cao 2.900 mét vẫn đang tỏa khói thường xuyên. Những tảng đá, mây tro và đôi khi cả nham thạch đỏ rực đổ xuống sườn núi, kéo dài hàng trăm mét. Từ tháng 5.2018, núi lửa đã phun ra và dân chúng được báo động ở cấp 2, waspada – “cảnh giác” trong tiếng Indonesia, trên bậc thang đến số 4 là awas – “nguy hiểm”, phải di tản toàn bộ! Mọi người bị cấm đến gần miệng núi lửa trong vòng bán kính 3km.
Với bình quân 5-10 năm phun trào một lần, núi lửa Merapi hoạt động mạnh nhất tại Indonesia. 61 lần giận dữ của nó trong suốt 5 thế kỷ đã giết chết khoảng 7.000 người. Thế nhưng nó vẫn đứng hiên ngang giữa một vùng dân cư đông đúc nhất thế giới. Tại miền Trung đảo Java, mật độ dân số vào khoảng 1.200 người/km2, gấp 10 lần tại nước Pháp.
Khi phun trào, có đến 3 triệu người bị tác động và từ 350.000 – 500.000 người trực tiếp tiếp xúc với khói bụi nóng, trộn lẫn với tro và khí độc, lên đến hàng trăm độ C, gây chết chóc, chảy xuống sườn núi, tàn phá mọi thứ trên đường đi. Làm sao giải thích được sự ngoan cố của bao nhiêu con người, vẫn kiên trì sống tại một nơi nguy hiểm đến thế?
Mbah Lurah Suroto thức dậy sau giấc ngủ trưa, hai mắt đỏ ngầu. Ông kepala desa (trưởng làng) này 42 tuổi, quản lý Glagaharjo, với 3.000 cư dân nằm ở phía Nam miệng núi lửa, cách đó 3 km. Vùng này được xếp loại KRB III, nghĩa là nguy hiểm nhất. Ngọn núi có thể nhìn thấy qua cửa sổ của mỗi ngôi nhà. Nó nhìn xuống mọi góc đường. Nhà bằng xi măng, xây dọc theo sườn núi dốc.
Nhà thờ hình hộp đơn giản màu xám tro, không có gác chuông, lợp ngói. Trong làng chẳng có nhà nào được xây trên 10 năm. Ông trưởng làng nói. Quả vậy, trong khoảng tháng 10 – tháng 12-2010, cuộc “phun trào thế kỷ” đã hủy diệt Glagaharjo và biến những dốc núi xanh rì thành cảnh tượng mặt trăng. Lệnh di tản toàn diện ban ra vào phút chót, ngày 25-10 đã cho phép dân cư sống chung quanh miệng núi lửa 25km, tổng cộng đến hơn 400.000 người chạy đến các trung tâm tiếp nhận Yogyakarta, thủ phủ của tỉnh.
Một quyết định đã cứu mạng hơn 20.000 người. Thế nhưng vẫn có 367 kẻ xấu số bị đốt cháy, chết ngạt, bị nghiền nát dưới đống đổ nát của nhà cửa hay bắn đi do hơi nóng. Một tổng kết kinh hoàng, nhưng không nghiêm trọng bằng trận phun trào của Merapi vào năm 1930 đã giết chết 1.300 người khi chưa có hệ thống di tản nào được tổ chức lúc đó. Ngày nay, chính quyền đã rút được kinh nghiệm sai lầm và không ngừng cải tiến kế họach khẩn cấp.
Ngày nay dọc theo sườn núi Merapi, khắp nơi đều có những tấm bảng mang dòng chữ Jalur evakuasi – đường thoát hiểm, viết chữ màu trắng trên nền xanh, chỉ đường để đến được nơi an toàn, nằm bên dưới. Ông Mbah Lurah Suroto cho biết: “Ngày nay chúng tôi có thể chuyển tất cả mọi người ra khỏi đây trong vòng 15 phút. Dân chúng Glagaharjođều tập luyện thoát hiểm mỗi tháng một lần!”.
Ở đây cũng như mọi ngôi làng khác trong khu vực KRB III, còi báo động có thể vang lên bất cứ lúc nào. Chúng được lắp trên các trụ điện ở các ngã tư đường. Nhà nào cũng được cung cấp máy bộ đàm để liên lạc với trưởng làng, đội an ninh và hàng xóm. Trên mạng xã hội lúc nào cũng cập nhật tình hình của núi lửa cho mọi người cùng biết.
Sau cùng, mỗi làng đều có một chị cả ở gần thủ phủ Yogyakarta để có thể tìm một nơi trú ẩn tạm. Ông Mbah Lurah Suroto nói: “Chúng tôi chẳng có lý do gì để phải sợ hãi cả. Như thế, núi lửa Merapi được xem như một người bạn. Người ta không dễ dàng bỏ bạn của mình được, dù nó có vẻ như hung dữ”.
Thủ phủ Yogyakarta, nằm ở phía Nam miệng núi lửa, cách đó 25km, với 400.000 dân, nơi đặt Văn phòng điều tra & Phát triển kỹ thuật Nguy cơ địa chất (BPPTKG) có nhiệm vụ canh giữ con quái thú Merapi. Các chuyên gia ở đây theo dõi mọi hoạt động của nó 24/24 giờ. 80 nhà địa chất với các thiết bị tối tân theo dõi từng mm thay đổi của miệng núi lửa bằng tia laser, hồng ngoại và thiết bị định vị vệ tinh GPS cực nhạy.
Chuyên gia người Pháp Francois Beauducel cho biết: “Tổng cộng chúng tôi có 60 thiết bị dò tìm và 5 trạm quan sát chung quanh núi lửa, với các chuyên gia canh giữ 24/24 giờ. Với 50 tuổi, anh ta đã bỏ ra phân nửa cuộc đời dể nghiên cứu về núi lửa tại Indonesia. Merapi là ngọn núi lửa trẻ có tính khí thất thường; đỉnh của nó hình thành cách nay chỉ mới 60.000 năm, hoạt động theo kiểu nồi áp suất.
Dung nham bắt đầu tích tụ bên trong cái hố trong suốt mấy tháng. Đặc sệt, nó nhốt khí lại, đun lên 800oC. Kết quả là áp suất tích tụ, tạo ra một cái vòm nham thạch phồng lên và bất ngờ đổ sập xuống, bắn ra những khối đá, dòng nham thạch và những trận mưa tro ra chung quanh hàng chục km, tạo thành những đám lửa nóng có thể đốt cháy những sườn núi rất cứng với tốc độ hàng trăm km/giờ.
Hàng năm vào tháng 4, một đoàn người đàn ông và đàn bà mặc sà rông leo lên núi lửa, miệng đọc kinh. tay mang theo nhang đèn. Sau 1 giờ 30 phút đi bộ, họ lên đến một nơi gọi là Sri Manganti nằm cách miệng núi lửa ở một khoảng cho phép, đặt lễ vật cúng bao gồm: nước hoa, tiền, áo quần, gạo, trái cây, rau củ cho Merapi. Nghi lễ này gọi là Lbuhan Ndalem có từ thế kỷ 16, nhằm tôn kính các vị thần bảo vệ núi lửa.
Đặc biệt là thần Kyai Sapu Jagad bảo vệ thành phố Yogyakarta khỏi bị nham thạch của Merapi tấn công, nhất là ngôi đền Kraton nằm giữa trung tâm. Ở giữa những bức tường lộng lẫy, cao vút, trắng muốt, nơi này ngày nay là nơi cư ngụ của quốc vương Hamengkubuwono thứ 10, thừa kế một triều đại đã kéo dài suốt 3 thế kỷ.
Một điều kỳ lạ tại nước Cộng hòa Indonesia, vị đế vương này vẫn cai trị một phần đất đặc biệt tại Yogyakarta từ khi được độc lập vào năm 1945. Dưới quyền của ông ta là các quan chức tỉnh và cả juru kunci (người giữ chìa khóa) núi lửa Merapi. Một quan chức tâm linh và đạo đức rất đáng kinh, phụ trách liên lạc giữa ngôi đền và ngọn núi thánh, chủ trì các nghi lễ Lbuhan Ndalem.
Vị juru kunci hiện nay là Mas Kliwon Surakso Hargo, còn gọi là Mas Asih, 52 tuổi, thừa kế chức vụ của cha là Mbah Maridjan bị núi lửa thiêu chết trong trận phun trào vào năm 2010, lúc 83 tuổi. Ông này bất chấp lệnh di tản của chính quyền, nhất quyết không rời khỏi ngôi làng Kinahrejo, cách miệng núi lửa chỉ 4 km, cùng với 34 đệ tử, đứng yên chờ đợi.
Ông tự xem mình là thủ lĩnh của làng cũng như một vị thuyền trưởng của chiếc tàu đang bị đắm, phải chết theo nó cho tròn khí tiết! Ngày nay, ông được tôn vinh như một vị thánh. Mas Asih cho biết: “Với chúng tôi, Merapi không nguy hiểm. Đó là món quà của Thượng đế”. Thoạt tiên, văn hóa núi lửa là của Ấn Độ giáo, nhưng sau đó nghi thức cũng dành cho người Hồi giáo. Không phải ngẫu nhiên mà cách nay 1.000 năm, triều đại Sailendra đã xây dựng ở phía Tây miệng núi lửa 30km ngôi chùa Phật giáo Borobudur có hình kim tự tháp cao 35m, với 5 tầng, 72 tháp và hàng trăm phù điêu. Từ trên đỉnh, lúc trời tốt, các tượng Phật bằng đá nhìn thẳng vào núi Merapi ở chân trời, có vẻ thách thức sau đôi mắt nhắm nghiền.
Không xa đó là vùng đất thấp ở sườn phía Tây, cánh đồng Kedu trải dài, với những dòng sông lấp lánh màu bạc dưới ánh nắng mặt trời, chen lẫn những cây xoài, dừa và sung khổng lồ. Cánh đồng Kedu được gọi là vườn Java, đón gió mùa và tro núi lửa, là một trong những nơi trù phú nhất Indonesia. Đó cũng là một trung tâm du lịch. Công viên Quốc gia núi Merapi mỗi năm thu hút đến 250.000 du khách, hầu hết là người Indonesia. Người ta leo lên đến tận đỉnh núi để cắm trại, nếu không bị cấm vì nguy hiểm.
Sườn núi Merapi không hề vắng vẻ như tưởng tượng, mà chen chúc dày đặc nhà cửa, khách sạn, quán cà phê, nhà hàng, nơi cắm trại… Nạn kẹt xe không kém gì các trung tâm thành phố. Núi lửa không làm cho ai kinh sợ, mà còn trái lại, leo núi là một điều hãnh diện. Nhóm nhạc rock Mystis có bản nhạc Spirit of Merapi Forest (Tinh thần của rừng Merapi). Lãnh thổ đặc biệt Yogyakarta đã tăng vọt lên hơn 400.000 dân trong vòng 10 năm sau trận núi lửa thế kỷ năm 2010, tức 11%.
Một dòng người kéo đến làm cho chính quyền sợ xanh mặt! Kunto Riyadi, Giám đốc kế hoạch phát triển vùng Sleman, quận bao trùm các sườn đồi phía Nam của núi lửa, nhấn mạnh: “Cấm xây cất bất cứ thứ gì tại vùng KRB III, nơi đã có mấy ngàn người rồi. Sau trận bùng phát núi lửa năm 2010, người ta đã quay trở về xây lại nhà cửa của mình. Chúng tôi không thể khuyên can họ được, đề nghị họ đến những nơi đất thấp để xây cất, cho nhìn thấy tuyến đường đi của nham thạch. Họ vẫn bất chấp. Chúng tôi không biết phải làm sao!”. Thật là phi lý! Sự ngoan cố này là vấn đề của niềm tin.
Khi mặt trời lặn, im lặng bao trùm. Ngọn núi nguy hiểm chỉ còn là một cái bóng trên bầu trời đen. Đó là thời gian mà Renon, 41 tuổi, chọn để ngồi trên chiếc ghế dài trên sân thượng, ngắm đỉnh núi khi đang hít một hơi thuốc lá tẩm đinh hương. Gốc gác tại làng Petung gần miệng núi lửa, người chủ gia đình có bộ râu rậm này đã mất hết tất cả vào năm 2010: nhà cửa, cánh đồng, gia súc, phải sống nhiều tháng trong lều tại trại tị nạn trước khi di dời đến một căn nhà chắc chắn tại Pagerjurang, gần Yogyakarta.
Từ đó, người nông dân này làm tài xế xe Jeep và bảo vệ các khu du lịch. Anh ta chẳng bao giờ rời chiếc máy bộ đàm, hỏi thăm tin tức bạn bè sống gần miệng hố núi lửa: “Tôi biết là kỳ cục. Nhưng tôi vẫn mơ trở về Petung. Ở đây cái gì cũng quá đắt, phá phức tạp, lại còn chật chội nữa. Nhiều nguy hiểm thì sao? Khó tránh khỏi bị tàn pha? Tôi đã sinh ra gần núi lửa. Cái mà tôi muốn là sống hòa hợp với Merapi. Một cái gì đó trong bản năng bảo tôi phải trở về! Chẳng thể nào giải thích được!”.
- Xem thêm: Trekking núi lửa Rinjani, Indonesia