1989, nhiều người hẳn còn nhớ đó là năm mà lịch sử chính trị thế giới khắc đậm dấu ấn các sự kiện “Bức tường Berlin” và “Thiên An Môn”. Còn với chàng thanh niên 24 tuổi Nguyễn Minh Hòa thì đó là năm không thể quên trong ký ức một người mê nhiếp ảnh từ những năm cấp hai nhưng chỉ đến lúc đó mới được sở hữu chiếc máy ảnh chuyên nghiệp đầu tiên từ tiền dành dụm.
[1]
Chiếc Praktica do Đức sản xuất ấy đến tận bây giờ vẫn được Minh Hòa giữ kỹ như một báu vật vì chính nó giúp anh khởi nghiệp và đeo đuổi nghiệp nhiếp ảnh suốt 32 năm qua. Cũng không biết chính xác là Hòa chọn nghề hay nghề đã chọn Hòa, nhưng rõ ràng là sau hơn mười năm chuyên chụp ảnh cưới và ảnh chân dung được nhiều người biết tới, kinh nghiệm cầm máy đã cho Hòa cơ may trở thành tác giả ảnh bìa nhiều nhất của các tạp chí thời trang hàng đầu ở Việt Nam thời hoàng kim.
Lần hồi, những khao khát vươn lên và sự nghiêm túc trong nghề đã đưa tên tuổi Minh Hòa đến với những khách hàng lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có công ty vận tải APL – một trong 5 hãng vận tải lớn nhất thế giới thuộc tập đoàn NOL với 160 năm hình thành và sở hữu tới 153 tàu container, có hợp đồng giao dịch với hơn 140 nước. Chụp các sự kiện thương mại với chất lượng cao và thái độ ứng xử chuyên nghiệp không chỉ tạo dựng uy tín cho Minh Hòa trong giới doanh nghiệp mà còn cho anh cả những cơ hội nghề nghiệp đặc biệt chính anh cũng không ngờ tới.
[2]
Chụp ảnh các VIP hàng đầu thế giới, nhiều hay ít cũng là mơ ước của những người cầm máy chuyên nghiệp. Mơ thì mơ, nhưng người chuyên chụp thương mại – dịch vụ như Minh Hòa chưa bao giờ nghĩ sẽ có cơ hội như đồng nghiệp làm việc ở các cơ quan báo chí. Vậy mà cơ hội đã bất ngờ đến khi Minh Hòa được chính APL Việt Nam đánh tiếng: chuẩn bị chụp một VIP hot bậc nhất thế giới sắp đến Việt Nam. Hàng loạt thủ tục làm hồ sơ an ninh rất nghiêm cẩn diễn ra sau đó. Đến lúc này thì Minh Hòa đã biết mình sẽ chụp ảnh ai trong sự kiện gì. Thì ra, APL chính là đơn vị đăng cai tổ chức và tài trợ sự kiện dành cho 2.000 doanh nhân Việt Nam và nước ngoài đến nghe VIP phát biểu chỉ vỏn vẹn 45 phút.
VIP đó chính là Tổng thống Bill Clinton – tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam từ sau năm 1975. Buổi sáng ngày 19.11.2000 trở thành kỷ niệm không thể quên trong đời cầm máy của Minh Hòa. Anh được APL bố trí có mặt ở cảng VICT- quận 4 từ 6 giờ, máy móc phải qua hai vòng kiểm tra nghiêm ngặt, vòng đầu là của an ninh Việt Nam, vào trong thì lại được “chăm sóc” kỹ hơn bởi mấy anh an ninh Mỹ lực lưỡng.
Minh Hòa kể: Sau khi vào tới khu vực dành riêng cho phóng viên báo đài, Hòa tận dụng cơ hội đến sớm nhất để chọn vị trí đẹp nhất. Vừa lúc đó thì chị Tổng giám đốc của APL và lãnh đạo Tập đoàn NOL đến đưa Hòa đi giới thiệu với vị trưởng an ninh Nhà Trắng, cũng là phụ nữ. Tại khu vực cách ly ở bên hông sân khấu, Hòa được nhân viên an ninh đeo một huy hiệu lên cổ áo. Huy hiệu này chính là chỉ dấu để nhóm cận vệ Tổng thống nhận biết đây là người được tiếp cận Tổng thống trong bán kính 3-4m. Hòa là một trong 15 người được cấp huy hiệu này (trong đó dĩ nhiên có nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng).
Ở khu vực cách ly đặc biệt toàn là lãnh đạo cấp cao người nước ngoài của APL và NOL, chỉ có Hòa và chị Lê Hải Liễu – Giám đốc Công ty gỗ Đức Thành – là người Việt. Nhìn các bạn phóng viên ảnh của các cơ quan báo chí Việt Nam và các hãng thông tấn nước ngoài đứng xa khu vực trung tâm sự kiện gần 30 m, Hòa mới cảm nhận được hết may mắn nghề nghiệp có được. May mắn thứ hai trong sự kiện này là Minh Hòa có được một tấm ảnh kỷ niệm nhờ phóng viên ảnh Trần Tiến Dũng (báo Tuổi Trẻ) chụp cho từ xa.
Tuy không được trò chuyện với Tổng thống Bill Clinton trong một dịp tiếp cận vô cùng hiếm hoi như thế, Minh Hòa lại có được cơ hội khác từ tấm “thông hành” từng chụp ảnh cho Tổng thống Mỹ ở cự ly rất gần. Ba năm sau đó, khi làm giấy tờ đi Mỹ lần đầu, Minh Hòa nhanh chóng được cấp visa với thời hạn một năm chỉ sau hai ngày nộp hồ sơ. Người ta cho anh biết, hồ sơ của anh nằm trong gần 400 hồ sơ xanh của công dân Việt Nam mà cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam đang lưu giữ.
[3]
Mở máy cho tôi xem các sưu tập ảnh của anh chụp trong những năm gần đây, Minh Hòa không giấu được niềm tự hào. Anh nói: “Nghề nghiệp đã cho em may mắn được đi chụp ảnh ở hơn 20 nước, được chiêm ngưỡng rất nhiều di sản quý giá của nước ngoài và Việt Nam, gặp rất nhiều con người Việt Nam mà cuộc đời và nhân cách của họ có vô số điều hay để mình học hỏi.
Trong những người mà em ngưỡng mộ và đã được gặp có thiền sư Thích Nhất Hạnh, có nghệ sĩ Kiều Chinh, doanh nhân Lê Kiên Thành, doanh nhân Lê Hải Liễu, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, và còn những người khác nữa đã đứng trước ống kính của em không chỉ như nhân vật ảnh chân dung mà còn như những người cho em nhiều cảm xúc, năng lượng tích cực. Nhưng nếu nói chuyến đi chụp ảnh nhân vật nào cho đến nay tạo nhiều ấn tượng nhất thì đó là lần em được mời sang Mỹ chụp ảnh buổi lễ thăng chức cho ông Nguyễn Từ Huấn, từ đại tá lên phó đề đốc hải quân Hoa Kỳ”.
Và sau đây là câu chuyện Hòa kể cho tôi nghe vào một buổi sáng cuối cùng của năm 2021. Thông qua sự quen biết với chị Hoàng Lan, chủ nhiệm CLB người yêu thích nhiếp ảnh của Nhà văn hóa Thanh Niên và chị Nga, bạn của chị Hoàng Lan ở Mỹ, Minh Hòa được giới thiệu với phía Mỹ trong tư cách nhiếp ảnh gia Việt Nam từng được chọn chụp ảnh Tổng thống Bill Clinton ở cự ly gần nhất khi ông gặp gỡ các doanh nhân trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000.
“Tấm giấy thông hành” từ 10 năm trước giúp Hòa nhanh chóng được phía Mỹ chấp nhận mời sang Mỹ chụp ảnh chính cho buổi lễ thăng chức của ông Nguyễn Từ Huấn tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Hải quân Hoa Kỳ (US Navy Memorial & Naval Heritage Center), 701 đường Pennsylvania, thủ đô Washington DC. Đích thân tướng ba sao, Phó đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Thomas J. Moore ký thư mời Hòa.
Ấn tượng trước hết với một nhiếp ảnh gia ở Việt Nam như Hòa là buổi lễ thăng chức được tổ chức ngoài trời, vì thế nhiều người qua đường có thể quan sát trực tiếp từ khoảng cách không xa. Ấn tượng thứ hai là chính vợ và các con trai, con gái của ông Nguyễn Từ Huấn được mời lên gắn quân hàm, đội mũ, mặc quân phục tân phó đề đốc cho cha. Ấn tượng thứ ba là quốc ca Mỹ trong buổi lễ là do một phụ nữ Mỹ gốc Việt thể hiện, trong tà áo dài Việt Nam – chị Thảo MC VietFace TV. Ấn tượng cuối cùng là khi quốc ca Mỹ trỗi lên và khi tướng Thomas J.Moore chủ trì buổi lễ trao quyết định thăng chức cho ông Nguyễn Từ Huấn, Minh Hòa được phép đứng ở vị trí trung tâm chụp tấm ảnh vô giá duy nhất đầy đặn về buổi lễ.
Cho tới thời điểm ngày 10.10.2019, ông Huấn là người đầu tiên được phong tướng hải quân Hoa Kỳ mà không phải gốc Mỹ và không sinh ra tại Mỹ. Có lẽ vì vậy và cũng có lẽ vì mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ gần đây có những chuyển biến tích cực hơn nên người ta đã chú trọng yếu tố Việt Nam trong văn hóa buổi lễ thăng chức của ông Huấn: những tà áo dài Việt Nam, người hát quốc ca Mỹ là người gốc Việt, người chụp ảnh cho ông Huấn tại buổi lễ là người từ Việt Nam sang, nhiều người Việt Nam nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ đã được mời đến dự – trong đó có nữ tài tử Kiều Chinh.
Sau sự kiện thăng chức nói trên không lâu, Minh Hòa bất ngờ nhận được một lá thư của ông Huấn gửi qua đường bưu điện, trong thư có đoạn viết: “… Khi nào hết dịch bệnh, hoặc anh về Việt Nam ta cà phê với nhau, hoặc em sang Mỹ anh sẽ dành thời gian cho em”. Đọc lá thư của ông Huấn, một người rất bận rộn, lại có cương vị cao trong quân đội, Minh Hòa chợt hiểu thêm những gì đã được nghe kể về ông từ những người có uy tín và am hiểu quân đội Mỹ.
Chỉ dưới 1% người mang hàm đại tá hải quân Mỹ được thăng cấp tướng với những tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt, từ tinh thần kỷ luật cho đến trách nhiệm và thành tích đạt được. Ứng viên sau đó được một ủy ban độc lập thuộc quân đội xem xét lại quá trình cống hiến trong binh nghiệp, kể cả việc điều tra xem người đề bạt và người được đề cử có bất kỳ ràng buộc cá nhân hoặc quan hệ riêng tư nào dẫn đến thiên vị hay không.
Sau khi trải qua loạt thủ tục minh bạch nhân thân, quân đội đưa hồ sơ lên Ủy ban quân vụ Thượng viện để được xét chuẩn thuận. Quốc hội Mỹ rất khắt khe trong việc phong tướng, quân đội không bao giờ có thể “thuyết phục” Quốc hội phong tướng ào ạt. Không chỉ thành tích cá nhân từ chiến trường và kinh nghiệm, người đáng được gọi là tướng chỉ huy còn phải có một phẩm chất quan trọng: biết nâng đỡ “đàn em”, huấn luyện và hướng dẫn thuộc cấp hoàn thành nhiệm vụ, để giúp họ có thể trở thành những sĩ quan chỉ huy xứng đáng trong tương lai.
Ông Huấn trước khi nhập ngũ đã có ba bằng thạc sĩ tại các trường đại học Mỹ và hiện tại là Tham mưu phó Bộ tư lệnh Hải dương hệ thống Hải quân (Naval Sea Systems Command-NAVSEA), đặc trách an ninh mạng. Những người gần gũi ông Huấn nói, ông luôn tự thấy mình mang món nợ là người Việt Nam và luôn tâm sự không yên lòng khi thấy có quốc gia thường xuyên lăm le, đe dọa an ninh chủ quyền của Việt Nam.
[4]
Khi viết những dòng cuối cùng của bài báo Tết rất muộn này, trong đầu tôi bỗng hiện ra rất rõ bộ ảnh Có một Sài Gòn bình yên đến lạ mà Minh Hòa đã chụp những ngày TP.HCM giãn cách vì đại dịch Covid-19, một bộ ảnh có sức lan tỏa mạnh và được nhiều người chia sẻ.
Kể về bộ ảnh “có một không hai” này, Hòa tâm sự: “Tháng 4 năm 2020, khi cả nước giãn cách xã hội với vắng lặng ở sân bay, ở các ngã tư, ở các trung tâm thương mại, ở các trường học… em nghĩ cần ghi lại những hình ảnh lịch sử này cho các bạn trẻ thế hệ kế tiếp vì có thể các bạn ấy sẽ không bao giờ được chứng kiến. Tưởng chỉ một tuần, đâu có ngờ giãn cách kéo dài đến tận 4 tháng sau đó với 67 đêm “giới nghiêm” liên tiếp.
Trong 4 tháng ấy em xách máy đi chụp suốt. Khi thì sáng sớm canh những vệt nắng lọt qua những khe giữa các tòa nhà, khi thì canh nắng chiều, rồi chụp cả ban đêm kể từ ngày 26.7, thành phố quyết định sau 18 giờ người dân không được phép ra đường – điều mà trong lịch sử của thành phố này chưa bao giờ xảy ra kể từ năm 1975…
Em nghĩ đây là khoảng thời gian em chụp về Sài Gòn – TP.HCM nhiều nhất, cảm xúc nhất trong cuộc đời”.
– Hỏi: Hòa đã từng nói “Không kẹt xe, không ồn ào, không náo nhiệt không phải Sài Gòn”, vậy phải hiểu Sài Gòn vắng lặng kinh người trong bộ ảnh của Hòa là như thế nào?
– Trả lời: Sài Gòn chỉ vắng lặng người đi trên đường chứ không vắng những tấm lòng thiện nguyện giúp người khó khăn lúc dịch bệnh và cứu người bị dịch bệnh tấn công.
Những bộ ảnh khác của em như Những chiến binh trong đêm những ngày Sài Gòn giới nghiêm, Sài Gòn khóc, Ai ở đâu yên đó, Sài Gòn hồi sinh… chính là hình ảnh một Sài Gòn lạc quan, thấm đẫm lòng trắc ẩn và tình yêu thương. Em muốn nói với tất cả mọi người quanh mình qua những bức ảnh của em rằng, rồi cơn đại dịch này sẽ qua, chúng ta sẽ trở lại bình thường, một bình thường khác với trước khi có dịch.
“Hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng bạn”, đó là thông điệp từ một bức ảnh chụp hoàng hôn của em trong bộ ảnh. Chị thấy độc đáo à?
– Độc đáo chứ!
[5]
– Hòa ơi, để làm một nhiếp ảnh gia thực sự chắc là khó lắm nhỉ?
– Vâng, khó đó chị. Có mấy chữ em phải nhớ mà soi theo suốt khoảng thời gian cầm máy đi chụp cuộc đời này: TÂM-TÍN-TÀI-TẦM. Cả đời chị ạ!
– Ảnh: Nguyễn Minh Hòa