Năm nay, thật may mắn, một lần nữa, tại đình An Vĩnh chúng tôi đã gặp lại ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ của tộc họ Phạm Văn, một trong những tộc họ lập nghiệp lâu đời ở đảo Lý Sơn. Họa sĩ Trần Văn Quân (Hội Mỹ thuật TP.HCM) và tôi bày tỏ ý kiến muốn được nghe ông kể chuyện đất đảo. Ông hẹn buổi trưa đến tư gia ở thôn Đông, xã An Vĩnh.
Những người muôn năm cũ…
Từ chỗ ở của đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi đến nhà ông Phạm Thoại Tuyền cách xa khoảng vài cây số, nhưng do chưa quen đường, chúng tôi vẫn bị lạc. “Đường đi ở cửa miệng”, hỏi thăm thì ra hết. Quả vậy, mọi người bảo cứ lấy cái mốc cột bưu điện cao cao là đến ngay ngõ hẻm vào nhà ông Tuyền. Qua khỏi khu chợ nho nhỏ của phường đã thấy cái ngõ quen thuộc nhà ông Phạm Thoại Tuyền. Nhà ông có khoảng sân khá rộng, một kiểu nhà xưa có sân vườn quý hiếm trên đất đảo. Chỉ mới vào ngõ đã thấy trước sân là một không gian hoa kiểng xanh tươi và phía sau là mái nhà ngói cổ kính sậm màu. Không gian đẹp quá khiến người ta có cảm giác như lạc vào cõi xưa thật êm đềm. Vẫn như năm nào, ông Phạm Thoại Tuyền tiếp chúng tôi ở phòng khách của gian nhà giữa. Căn phòng treo nhiều bức ảnh trang trọng và một số tư liệu quý như một phòng trưng bày nho nhỏ. Thật thú vị, lần này chúng tôi lại thấy có thêm Bằng vinh danh mới treo bên tường (ký ngày 9.12.2017) của Họ Phạm Việt Nam – Hội đồng toàn quốc với những dòng chữ ghi nhận, đánh giá trân trọng dành cho ông Phạm Thoại Tuyền ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – người có nhiều công lao đóng góp việc họ: “Là người con ưu tú của dòng họ đã có hơn 50 năm sưu tầm được nhiều tư liệu quý và hơn 1.000 cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử về chủ quyền biển đảo, về cai đội Phạm Hữu Nhật cùng thủy đội hùng binh, cách nay gần 200 năm, đã phụng mệnh vua Minh Mạng đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa”.
Chúng tôi háo hức muốn nghe những câu chuyện đất đảo và chuyện xưa bắt đầu được ông Phạm Thoại Tuyền kể lại. Theo ông Tuyền, lịch sử đất đảo được kể có 7 vị tiền hiền ở An Hải, gồm họ Nguyễn, Trương, Dương, Trần, Võ, Cù và ở An Vĩnh có 6 vị tiền hiền mang họ Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Xuân, Võ Văn, Lê, Nguyễn. Nói riêng về bản thân mình, tính ra ông là con cháu họ Phạm Văn đời thứ 11 và cho đến thời điểm hiện tại (năm 2018), cháu nội của ông là đời thứ 13. Minh chứng về nhiệm vụ của ông Phạm Hữu Nhật, tộc họ Phạm Văn trong việc dò tìm các đảo, đo đạc quần đảo Hoàng Sa ngày xưa, quốc sử triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục chính Biên, quyển 165 có ghi “… niên hiệu Minh Mệnh thứ 17, năm 1836, Vua y lời tâu, phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
Còn câu chuyện Bà Roi? Nhân vật huyền thoại này cũng thuộc tộc họ Phạm Văn? Ông Phạm Thoại Tuyền cẩn trọng giở ra từng trang tư liệu sách báo và một số hình ảnh về Đền Bà Roi và ôn tồn kể chuyện. Tộc họ Phạm Văn xưa có bà Phạm Thị Lôi nổi tiếng xinh đẹp, đảm đang. Bà sinh năm 1629 và mất năm 1645. Tuy chết trẻ nhưng câu chuyện về bà khá lạ lùng. Năm 16 tuổi, vào ngày rằm tháng 5, năm 1645, thời Chúa Nguyễn Phúc Lan, khi phát hiện bọn giặc Tàu Ô kéo vào đất đảo, Phạm Thị Lôi dũng cảm chạy báo tin cho cha và dân làng tìm cách đối phó. Sau đó, giặc phát hiện ra cô gái, chúng hùng hổ truy bắt. Kiên quyết không để sa vào tay giặc, Phạm Thị Lôi đã gieo mình xuống biển sâu tự vẫn (địa điểm vũng Thầy Tu ngày nay). Thật lạ kỳ, cái chết của cô gái đất đảo với hình ảnh oai nghiêm, khí tiết lẫm liệt, như ngồi thiền làm bọn Tàu Ô khiếp sợ, bỏ đi. Về sau, để ghi nhớ công ơn của người con gái dũng cảm Phạm Thị Lôi, dân làng đã lập đền thờ, gọi là Dinh Bà Roi (còn có tên Trinh Tịnh Đường). Hàng năm, người dân Lý Sơn vẫn cúng tế bà trang trọng vào ngày 16.5 âm lịch.
Cuộc trò chuyện còn là cơ hội để chúng tôi trao đổi, hỏi thêm những thông tin, tư liệu có liên quan tộc họ Phạm Văn và một số tộc họ khác. Gần đây nhất có quyển Lý Sơn xưa và nay, do Th.S Nguyễn Hằng Thanh chủ biên (NXB Tài nguyên Môi trường và bản đồ Việt Nam, H., 2017), tập hợp nhiều đề tài về đất nước, con người, lịch sử, kinh tế, môi trường của đảo Lý Sơn. Nhóm tác giả này gồm: Hoàng Khôi, Nguyễn Hồng Thanh, Lê Trúc Vy, Hải Long, PGS-TS Lê Trọng (quê đảo Lý Sơn), Th.S Nguyễn Hương Mai, Phạm Khánh Linh, Nguyễn Minh Thành, Thanh Hải… Nội dung quyển sách khá thú vị, chỉ tiếc là hiếm hoi đề tài liên quan văn học xứ đảo. Nhưng nếu điểm lại, chúng tôi có thể xem văn tế, văn cúng ở đây vẫn mang đặc điểm của một thể loại văn học. Qua bài Cù Lao Ré – đảo Lý Sơn, một đảo danh tiếng, tác giả Hoàng Khôi đã nhắc đến bài văn tế của họ Võ và trích dẫn một đoạn văn tế khác được đọc ở đình An Vĩnh và Âm linh tự: … Ra đi có mấy người trở lại/ Xót thương thay/ Son sắt một lòng/ Ngang dọc chí nam nhi/ Phong ba dồn dập/ Tuyết sương chẳng quản/ mưa gió chẳng sờn/ Quân vụ biên phòng/ Chạnh niềm viễn xứ/ Hoàng Sa lãnh hải/ tháng năm vô định/… Hỡi ôi! Đất Việt Nam/ Trải qua cơn lao khổ/ Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thuở nọ/ Thọ sinh hề khí/ Tư hề quy/ Hoàng Sa lãnh hải/ Biển cả mênh mông/ Tháng năm vô định… (SĐD, trang 24, 25).
Tuy không so sánh thực thụ nhưng có lẽ sự cảm khái từ ý nghĩa bài văn tế đọc ở lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, khiến tác giả Hoàng Khôi liên tưởng đến bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu: Chẳng phải án cướp án gian đẩy tới mà đánh giặc cho cam tâm, Vốn không giữ thành giữ lũy bỏ đi mà hiệu lực cho đáng số/ Nhưng nghĩ rằng: Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta/ bát cơm manh áo ở đời mắc mớ chi ông cha nó…
Phải chăng lời lẽ thiết tha, nhịp điệu, âm điệu hào hùng, da diết của thể loại văn tế bộc lộ tâm tình, hành động của người phu binh đảo Lý Sơn xưa cũng giống như sự bộc lộ tâm tình và hành động của những nông dân yêu nước đất Cần Giuộc thời chống Pháp? Ở đây, qua văn tế đã cho thấy mỗi người con, người dân Việt Nam, dù ở thời kỳ nào, cũng đều chung một tâm nguyện, chung một tinh thần yêu nước, tự nguyện, dốc lòng, dốc sức bảo vệ giang sơn, lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
Của tin còn một chút này…
Vì sao với bề dày hơn 300 năm lịch sử, nhưng đi tìm trước tác của các tộc họ xưa trên đảo Lý Sơn còn lại quá hiếm! Ông Phạm Thoại Tuyền cắt nghĩa sở dĩ như vậy là do nhiều nguyên nhân: địch họa, thiên tai, thời tiết gió bão khắc nghiệt, thiếu điều kiện, phương tiện bảo tồn, bảo vệ sách vở (ngay cả việc giữ gìn những sắc phong của vua ban cũng bị mất mát, thất lạc!). Tuy vậy, năm 1994, sau thời gian thu thập, xác minh từ những trang giấy ố vàng rách nát và tìm hiểu, ghi chép từ người bà con, bạn bè còn nhớ, còn thuộc thơ, ông Tuyền đã sưu tầm được một số bài thơ của người bác ruột, tác giả Phạm Châu, bút hiệu Liên Bích (ngoài đời thường gọi là Thầy Tư Huấn). Ông Phạm Châu còn là một nhà cách mạng yêu nước. Ông sinh năm 1920, tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn; lớn lên tham gia cách mạng năm 1945 và làm bí thư thân hào xã Vĩnh Long. Vào năm 1951, Pháp chiếm đảo Lý Sơn, Đảng ủy đưa ông ra làm lý trưởng (tề) để nắm bắt thông tin nhằm kịp thời đối phó với địch. Về sau, chẳng may hoạt động bị lộ, Pháp bắt ông nhốt dưới hầm tàu Glèver, chuẩn bị đem giam tại nhà lao Con Gà ở Đà Nẵng. Trên tàu, mặc dù bị địch tra tấn dã man, ông kiên quyết không khai một lời. Cuối cùng, ông Phạm Châu hi sinh trên tàu ngày 21.3.1953. Trước sự đấu tranh của nhân dân, Pháp phải thả xác ông vào bờ. Hiện mộ của ông được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Lý Sơn.
Thơ Phạm Châu sáng tác trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX và thiên về đề tài địa dư. Theo ông Phạm Châu viết trong trang bản thảo, sở dĩ ông chọn đề tài “địa dư” vì đây là bộ môn trọng yếu, mang ý nghĩa lớn về học vấn, tri thức; và còn một lẽ nữa, vì “là người sinh trưởng nơi băng đảo, nên từng chứng kiến thấy nghe tường tận và khảo cứu kỹ, nên bỉ nhân không nệ lời văn thô thiển, xin tạm chép ra đây một bài thơ theo thể song thất lục bát, hầu cống hiến quý quan khách bạn bè theo dõi…” (Lời nói đầu của tập thơ Địa dư đảo Lý Sơn chưa xuất bản)
Ông Phạm Thoại Tuyền cung cấp cho chúng tôi xem văn bản bài thơ Địa dư đảo Lý Sơn dài 192 câu viết theo thể song thất lục bát. Nếu lấy điểm nhìn từ đất liền ra đảo Lý Sơn, trước đây ca dao địa phương đã nêu: Trực nhìn ngó thấy Bàn Than/ Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ. Ba hòn lao Ré này chính là đảo Lớn (còn có tên Cù lao Ré), Đảo Bé (An Bình hay Bờ Bãi) và hòn Mù Cu.
Với tác giả Phạm Châu, ông lấy cái nhìn toàn cảnh từ trên cao xuống, mô tả rõ nét hơn từng cảnh vật: Hãy xem thử đảo này phong kiểng/ Năm hòn non ẩn hiện đàng hoàng/ Phía đông có núi Thái Sơn/ Đá cây khóc gió chim ngàn kêu sương/ Dưới chân núi Phạn Đường Thiên Khổng…
Quả thật, nhìn trực tiếp và mô tả “cận cảnh địa lý”, Phạm Châu cho thấy Lý Sơn gồm 5 hòn: Hòn Thới Lới, Hòn Sỏi, Hòn Vung, Hòn Tai, Hòn Giếng Tiền. Địa danh Phạn Đường Thiên Khổng cũng chính là Chùa Hang với tên Thiên Khổng Thạch Tự (Chùa Đá Trời Sinh). Bỗng dưng, từ cảnh trí này, khiến tôi liên tưởng đến bài thơ Ngũ Hành Sơn của Bích Khê (có lẽ được ông sáng tác vào khoảng thời gian những năm cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, lúc ông thường xuyên đi lại các vùng đất xứ Quảng; có lúc ở Thu Xà, có lúc “lang thang trên các ngả Sa Kỳ, Trà Khúc” (Lời giới thiệu Thơ Bích Khê Tuyển tập, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi xuất bản, 2005, trang 5). Bích Khê cũng có những phác thảo phong cảnh thanh tịnh, bình yên tương tự: ở đó cũng có núi, có tiếng suối chảy róc rách, có biển mù sương và xa xa vang vọng tiếng chuông chùa… Tuyệt nhất năm hòn, ngọn Thủy sơn/ Chẳng suối Phong Nha nghe róc rách…/ Trên biển mù sương thổi lại non…/ Hồi chuông thiên cổ dộng boong boong (SĐD, trang 124).
Dù là mượn thơ ca để làm công việc mô tả địa dư mang tính khoa học, nhưng có lẽ với tư cách “người con của băng đảo”, nhiều trải nghiệm và cảm xúc về quê hương từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, Phạm Châu vẫn thích đắm mình mê mải cùng phong cảnh quá thơ mộng, hữu tình của quê hương: Quanh lộn xuống đó là Bãi Bé/ Cuối xóm Đông ít kẻ ra vào/ Bốn bờ cát trắng phau phau/ Đá đưa xỏa sóng, nước nhào lộn rêu/ Thuyền ngư phủ nhẹ phêu mặt nước/ Sóng nhấp nhô xõa trước cánh chèo. Bãi Bé nằm ở phía Đông của đảo thuộc xã An Hải, cạnh Hang Câu. Trước có bãi cát trắng đẹp, người ta quen gọi là Bãi Bé và nơi đây xưa phong cảnh hoang sơ, tuyệt đẹp.
Rồi, cũng đành “phá cách” một chút trong bức tranh phong cảnh thiên nhiên là bóng dáng của ngọn hải đăng bằng sắt hiện đại của Pháp những năm đầu thế kỷ XX xuất hiện: Thì đâu có thấy, thấy gần Đèn Pha/ Đèn sắt ấy cao đà hết sức/ Ba trăm hai mươi sáu bực lên…
Tất nhiên, Địa dư đảo Lý Sơn tiếp tục bàn đến một số khía cạnh khác về nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại, giao thông… Chẳng hạn, thống kê dân số vào thời điểm sáng tác lúc bấy giờ là 6.000 người, năm 1940: Trẻ già trai gái phỏng hơn sáu ngàn (Hiện tại dân số ở đây đã lên đến hơn 20.000 người). Về nghề nghiệp được kể ra căn bản: nghề trồng lúa, nuôi bò, trồng dừa, thợ mộc, nghề tằm, nghề may, đánh cá, buôn bán… Đáng lưu ý, “bức tranh kinh tế” Lý Sơn được tác giả Phạm Châu mô tả tỉ mỉ, cho thấy có sự giao lưu nhộn nhịp về thương mại, lưu thông hàng hóa: sản vật của Lý Sơn được chở vào đất liền bán cho ba miền Trung, Nam, Bắc. Ngược lại, việc mua lúa gạo, đường,… từ đất liền mang ra đảo thường xuyên: Kể hai xã về đường thương mại/ Việc giao thông đi lại ngập ngừng/ Phần nhiều mua gánh bán bưng/…Kể sản vật lấy ngay dưới biển/ Nào hải sâm chí liễn đồi mồi/ Ốc xà cừ với đá vôi/ Chở đi các xứ bán thôi cũng nhiều/… Môn thuốc Nam có chán vạn gì/ Nhân sâm, bản hạ, đơn quy/ Chở đi các xứ ba kỳ bán buôn/ Mua lúa gạo, lĩnh, lương, hàng vải/ Mua đường, cau vận tải đem về/…
Thơ Phạm Châu giản dị, chân thật, ngôn từ rõ ràng, mang ý nghĩa mô tả địa dư Lý Sơn công phu, khoa học và hữu ích cho mọi người. Nhìn ở nhiều góc cạnh, có thể nói Địa dư đảo Lý Sơn là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, là bức tranh kinh tế thời kỳ phát triển sơ khai thương mại hai chiều của đất đảo – đất liền; và tất nhiên, loại trừ những khiếm khuyết, Địa dư đảo Lý Sơn còn là bức khảm văn hóa đa sắc màu, có nhiều truyền thống được lưu truyền từ xa xưa.
Thử đọc lại đoạn thơ mô tả Tết xưa trên đảo Lý Sơn:
Kể hai xã đất liền công thổ
Có bao nhiêu chừng độ ít hôi
Tam ngươn, tứ quý đủ rồi
Cũng nhờ cá trích, đá vôi nhiều tiền
Xã Hải Yến tháng giêng mùng bảy
Bơi đua xong chạy nhảy cướp bòng
Tết chơi chè chén vui lòng
Nhân dân bài bạc thong dong tháng ngày…
Ngày nay, Tết Lý Sơn đã bỏ đi những hủ tục “chè chén”, “bài bạc”. Bên cạnh tục lệ người dân gói bánh ít lá gai lại có thêm ý nghĩa mới: bộ đội biên phòng gói bánh chưng bằng lá bàng vuông ăn Tết. Đặc biệt, lễ hội đua thuyền truyền thống từ 300 năm nay vẫn tiếp tục phát triển với các đội mang tên Long, Lân, Quy, Phụng. Hội đua thuyền truyền thống vừa mang ý nghĩa giải trí, thể thao, về nguồn, tưởng nhớ đội thủy binh Hoàng Sa vừa mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, kinh tế phát triển, mang lại đời sống an lành, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân xứ đảo.