Từ vài chục năm nay, khu chợ Quận 13 Paris đã trở thành một địa điểm du lịch không thể thiếu của các du khách gốc châu Á mỗi khi đến thủ đô nước Pháp. Mặc dù đến Paris nhiều lần, nhưng lần nào chúng tôi cũng tìm đến đây để quan sát cuộc sống và sinh hoạt của một bộ phận cộng đồng Việt sống xa quê. Ở khu phố chợ này, ngoài người Hoa chiếm số đông, còn có người Việt, Lào, Campuchia, Thái,…, tạo nên một xã hội châu Á thu nhỏ trong lòng Kinh đô ánh sáng.
Từ nhà chúng tôi xuống tuyến đường Metro số 7, chạy khoảng 30 phút là đến trung tâm của khu chợ. Vừa bước lên khỏi ga tàu điện ngầm, ngay lập tức cảm giác như mình đang ở đâu đó tại TP.HCM; đập vào mắt là hàng loạt bảng hiệu hàng quán được viết bằng tiếng Việt.
Hai đại lộ chính của khu này là Italie và Ivry, cùng nhiều con phố lân cận như Choisy, tràn ngập các cửa hàng với nhiều bảng hiệu phần lớn xuất xứ từ Sài Gòn. Khá nhiều người bán hàng rong trên lề đường Choisy, hay trước cửa chợ Tang Frères trên đường Ivry. Họ bán đủ thứ, từ rau cải đến những món ăn như đậu phụng luộc, bắp nấu,…. Họ mời chào khách bằng tiếng Việt và tiếng Hoa. Vì buôn bán lề đường nên họ luôn đối phó với cảnh sát. Một đặc tính rất Việt Nam là ở đây, có nhiều nhóm thanh niên tụ tại các tiệm café có chơi xổ số thể thao và đua ngựa. Họ uống café, trò chuyện và hồi hộp chờ kết quả cuộc chơi là thú vui của họ. Những dãy phố dài với những cửa hàng, siêu thị, quầy tạp hóa san sát nhau làm không khí lúc nào cũng náo nhiệt. Hầu hết, các loại thực phẩm của châu Á đều có mặt tại nơi đây. Gần đó là thương xá Olympic, nơi có nhiều nhà sách Việt, trong đó có nhà sách Khai Trí một thời rất nổi tiếng ở Sài Gòn xưa.
Băng qua phía bên kia đường Ivry có bảng Tang Frères, nơi đầu một con đường dẫn vào chợ. Đây là ngôi chợ thực phẩm lớn nhất ở khu phố này. Cũng như các ngôi chợ ở Việt Nam, bên ngoài chợ có bày bán các loại cây hoa kiểng, cây ăn trái… Chợ chỉ có 1 tầng nhưng rộng lớn, bán đủ loại thực phẩm của người Hoa và của người Việt nhập khẩu từ Việt Nam sang, như cà phê Trung Nguyên, bánh tráng, chả giò, mắm nêm, mắm cá lóc, mắm tôm chua, mắm ruốc xào sả, mắm cá cơm…
Được biết, Tang Frères có nghĩa là anh em họ Trần. Chợ do hai anh em người Hoa tên là Bou Rattanavan (Trần Khắc Uy) và Bounmy Rattanavan (Trần Khắc Quang) cư trú ở Lào thành lập và sở hữu. Năm 1975, họ sang Pháp và mua lại cái Parking ngầm của khu người Pháp không làm ăn được tại đây. Sau đó, họ cất chợ bên trên, dần dần, số người Hoa, người Việt… sang Paris ngày càng đông, họ sống tập trung quanh đó và buôn bán ở chợ, từ đó hình thành nên một khu chợ sầm uất ngày nay.
Điểm đặc biệt là ở khu phố này có rất nhiều quán phở. Đó là Phở Pasteur, Phở Hòa Pasteur, Phở 13, Phở 14, Phở 99, Phở Cây Ớt, Phở Xe lửa, Phở Nghi Xuân, Phở Mùi… Bảng hiệu ghi rõ ràng là Phở, chứ không cần dịch ra tiếng Tây. Từ đó, có thể biết rằng Phở Việt đã trở thành một thương hiệu quốc tế chứ không phải chỉ là món ăn trong nước. Ngoài ra, ở khu vực này còn có nhiều hiệu ăn khác như bún bò Huế, mỳ Quảng, bánh cuốn rải rác dọc theo các tuyến phố này.
Rời chợ Tang Frères, chúng tôi leo lên bậc thang xi-măng để lên khu thương xá Việt trong một cao ốc mà hình như tầng trên là khu căn họ apartment. Hành lang thương xá hơi tối nhưng mát mẻ vì có máy lạnh. Nơi đây, tập trung các tiệm ăn, nữ trang, quần áo, giày dép… Thời điểm chúng tôi đến lần đầu (tháng 6.2016) ở đây có các bảng hiệu như Thúy Nga, Làng Văn, Phở 34, Thẩm mỹ viện Crystal… Lần này thì không còn thấy nữa.
Đằng sau thương xá, bước xuống là một khoảng sân rộng bao quanh bằng những chung cư cao ốc hàng chục tầng, nghe nói những chung cư này được xây từ những năm 1960 của thế kỷ trước cho những gia đình có thu nhập thấp của người dân Pháp. Bên cạnh những khu phố chợ sầm uất là cuộc sống của hàng ngàn người gốc châu Á sống trong các tòa nhà cao chọc trời này. Một người thân của gia đình chúng tôi từ Đài Loan đến định cư ở Paris khoảng hơm 40 năm về trước cho biết: Từ thập niên 1920, đã có những sinh viên Trung Quốc sống ở Quận 13, nơi họ cùng với Chu Ân Lai thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Pháp. Thời kỳ này, cũng có những sinh viên người Việt Nam sống ở Paris. Sau đó, làn sóng nhập cư mạnh mẽ của người Hoa và từ các nước Đông Nam Á đến, bắt đầu khoảng giữa thập niên 1970, phần đông trong số họ ra đi vì chiến tranh; từ đó, họ dần dần hình thành nên khu phố chợ này. Nhiều di dân xuất thân từ miền Nam Trung Quốc nên tiếng Triều Châu, tiếng Quảng Châu được sử dụng phổ biến ở nơi đây. Sở dĩ lúc đó, những người châu Á chọn Quận 13 vì ở đây còn nhiều căn hộ trống. Những tòa nhà vừa mới được xây dựng thuộc dự án Italie 13 đã không thành công trong việc thu hút những dân cư trẻ của Paris đến sống như dự định.
Hiện ở Pháp có khoảng 250.000 người Việt sinh sống, ở các tỉnh thành của nước Pháp. Ở Pháp ở đâu cũng đều có các khu thương mại Việt-Hoa, nhưng khu chợ Á châu Quận 13 này vẫn là khu thương mại sầm uất và nhộn nhịp nhất tại Paris.
Trong những ngày giáp Tết, nhiều người châu Á quanh vùng, nhất là người Việt đến chợ Tết tại Quận 13 Paris cùng với người thân mua sắm vật phẩm cúng ông bà và ăn Tết Việt. Ngày cuối tuần của thời gian giáp Tết, người Việt đến chợ Tết rất đông. Ai cũng muốn được hòa mình vào không khí Tết Việt ở mùa Đông nước Pháp. Cả khu chợ trưng bày đủ các loại bánh trái, hoa quả… không khác mấy chợ Tết ở quê nhà.
Được biết năm nào cũng thế, khu phố chợ này luôn có đầy đủ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm đón Tết của bà con Việt tại Paris và nhiều vùng lân cận. Một chủ cửa hàng ở đây cho chúng tôi biết hàng ở đây được nhập từ Việt Nam sang, một tuần một chuyến chủ yếu là ở TPHCM, nhưng đến thời điểm 20 tháng chạp Âm lịch, khu chợ đã tăng thêm một chuyến hàng Tết nữa với đầy đủ các thứ hàng hóa phục vụ Tết cho bà con như gạo nếp, đậu xanh, lá dong, bánh mứt, ô mai, lạc rang, dưa món… Rồi xoài, mãng cầu, thanh long, lạp xường, bánh đa nem… thậm chí cả tỏi, ớt cũng được mang sang. Trên các kệ hàng của chất kín hàng hóa phục vụ Tết, có thể nói rằng không thiếu một thứ gì. Đặc biệt, ở đây cũng có những cửa hàng bán các loại hoa chưng Tết. Hoa đào được bày bán khá nhiều. Trên đường ra khỏi chợ, chúng tôi gặp một cụ bà mua mới được một cành đào ưng ý, gặp người quen bà cười rất tươi: “Vui quá vì ngày trước ở Việt Nam, năm nào chúng tôi cũng phải sắm cành đào thật đẹp chưng Tết. Bên này đào tuy nhỏ và ít hoa, nhưng có hoa đào thì mới có không khí ấm áp của ngày Tết…”!
Dịp Tết, nơi đây có bày ra thêm khu ẩm thực trong khoảng từ 25 tháng chạp đến hết Tết Nguyên đán. Tại gian chợ này, bà con có thể đến thưởng thức các món đặc sản như hủ tiếu, bún bò, bánh tét, xôi vò, phở bò… Rất nhiều gia đình Việt đã đến đây để thưởng thức các món ăn mà không phải dễ dàng nấu được ở gia đình. Nhiều người đến chợ Tết từ rất sớm để thưởng thức các món ăn mà mình ưa thích, cùng chia sẻ những câu chuyện về Tết xưa. Ngoài ra, cộng đồng người Việt còn tổ chức chương trình văn nghệ đón chào năm mới…
Ở đâu cũng thế, ngôi chợ luôn là nơi chốn để kết nối tình thân, là chỗ để người cùng quê gắn chặt tình dân tộc. Thật xúc động biết bao, giữa khung cảnh mùa Đông giá rét ở phương Tây, người Việt xa quê đã tụ hội về khu chợ 13 để hưởng không khí đón mừng năm mới với đầy đủ sắc màu ấm áp như đang ở quê nhà…