Lý Quí Trung là tên tuổi gắn liền với vai trò đồng sáng lập Phở 24, với hơn 70 cửa hàng tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2011, sau gần 10 năm điều hành và xây dựng Phở 24 thành một trong những thương hiệu ẩm thực hàng đầu Việt Nam, ông chuyển nhượng toàn bộ cổ phần để theo đuổi những kế hoạch mới tại Úc.
Những ngày cuối năm 2021, Lý Quí Trung đã ra mắt sách Startup trong thời kỳ bình thường mới – một đúc kết trải nghiệm thực tế của ông sau đoạn đường kinh doanh 25 năm với đủ sắc thái từ làm thuê đến làm chủ, từ thành công đến thất bại. Được sự đồng ý của tác giả, Người Đô Thị trích đăng nội dung quyển sách này, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành tại Việt Nam.
Chuỗi tiệm ăn chuyên bán gỏi cuốn và bánh mì thịt hiệu Roll’d của người Việt tại Úc là một trong những trường hợp điển hình của mô hình startup, với một đội ngũ sáng lập tương đối lý tưởng. Chuỗi này được thành lập vào năm 2012 tại Melbourne, đến thời điểm 2020 đã có hơn 80 cửa hàng tại Úc với tiêu chuẩn và cách làm khá hiện đại.
Đứng đầu đội ngũ này là doanh nhân trẻ Bảo Hoàng, bộ mặt của thương hiệu và cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc “mở rộng bờ cõi”. Đồng hành với anh là người bạn thân thời sinh viên Ray Esquieres có nhiều kinh nghiệm trong ngành ngân hàng trước đó, nên rõ ràng khâu tài chính đã được định hướng bài bản ngay từ đầu. Còn về chuyên môn trong lãnh vực ăn uống thì có Tin Ly, người vừa có kinh nghiệm trong nghề vừa có cả một gia đình chuyên kinh doanh món bánh mì Việt Nam đứng ngay phía sau. Với ba thành viên sáng lập trẻ trung đầy năng lượng và sở hữu những thế mạnh trong nhiều lãnh vực khác nhau như vậy thì công cuộc khởi nghiệp gần như đã thành công đến một nửa.
Có người còn nói yếu tố con người trong kinh doanh hay startup thậm chí còn quan trọng hơn cả sản phẩm hay ý tưởng kinh doanh. Có con người là có tất cả. Vì chính họ là những người định hình và mài giũa liên tục ý tưởng kinh doanh, mô hình kinh doanh từ những ngày nó còn trong trứng nước. Và cũng chính họ là người truyền cảm hứng và kêu gọi nhiều người khác cùng chung tay hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp của mình. Nhưng quan trọng nhất, họ là người thấy thương hiệu mình sẽ đi về đâu, đi xa được đến đâu mà trong bản kế hoạch kinh doanh gọi là “tầm nhìn”. Một startup mà không có tầm nhìn hoặc tầm nhìn không rõ ràng thì chẳng khác nào ra khơi mà không có hải bàn định hướng. Hơn thế nữa, tầm nhìn phóng xa được bao nhiêu thì giá trị công ty sẽ đi xa đến đó. Vì vậy nó có liên quan đến phần định giá công ty, kêu gọi vốn đầu tư.
Đội ngũ các nhân viên trụ cột của startup phải là đội ngũ của những con người có suy nghĩ như những nhà kinh doanh – chứ không phải những người chỉ làm công để ăn lương và chờ hết giờ để đi về.
Trở lại với đội hình các nhà sáng lập, ngoài những kỹ năng, khả năng, kinh nghiệm trong các lãnh vực khác nhau để có thể bù đắp cho nhau, yếu tố tính cách cá nhân cũng đóng một vai trò không nhỏ. Nhiều startup gặp rắc rối hay sụp đổ chỉ vì lý do hết sức “con người” này!…
Trong khởi nghiệp không hẳn những người có tính cách khác nhau là không thể hòa hợp với nhau được, mà ngược lại đôi khi chính sự khác biệt này mới giúp đội hình trở nên “tròn trịa” hơn, ít xung đột về mặt phân chia trách nhiệm. Ví dụ, trong đội ngũ các nhà sáng lập chỉ cần một người có tính cách đối ngoại xuất sắc là đã quá đủ, vì nếu tất cả đều thích đối ngoại thì còn ai lo đối nội? Nhưng làm gì thì làm, tính cách tuy trái ngược nhau nhưng phải được dung hòa bởi một sự tin tưởng, hiểu biết bao trùm. Đó là lý do tại sao nhiều nhà sáng lập là bạn thân của nhau hoặc là các thành viên trong cùng một gia đình.
Như ở Việt Nam, chuỗi nhượng quyền mì cay 7 cấp độ Sasin được sáng lập bởi ba người bạn thân cùng quê Cần Thơ, còn bánh Kinh Đô thì có hai anh em ruột cùng với hai người vợ luôn kề vai sát cánh. Phở 24 cũng vậy, cả một đội ngũ anh em, dâu rể mỗi người một thế mạnh cùng chung tay gây dựng sự nghiệp. Sự khác biệt về tính cách trong các trường hợp này là một ưu điểm chứ không phải khuyết điểm. Đó là về tính cách khác nhau, còn về các khía cạnh khác thì chưa chắc yếu tố “gia đình” luôn là điểm cộng cho nhà khởi nghiệp. Đây là một chủ đề khá thú vị và có nhiều bàn cãi, xứng đáng được thảo luận sâu hơn…
Vậy chuyện gì xảy ra nếu đội ngũ con người của các startup không có bạn bè chí cốt hay người thân trong gia đình ăn ý để khởi nghiệp? Jeff Bezos đã chứng minh ông không cần ai đi cùng thuyền mới sáng lập được Amazon – một trong những công ty lớn nhất thế giới. Do đó con đường dẫn đến thành công là muôn màu muôn vẻ và không có một khuôn mẫu nào là đúng cho tất cả. Có điều, bắt đầu bằng một đội ngũ với những kỹ năng bù đắp cho nhau thì lúc nào cũng thuận lợi hơn là đơn thương độc mã.
Và trong bất kỳ trường hợp nào, nhà khởi nghiệp cũng sẽ phải cần xác định rõ mình thiếu kỹ năng gì, kinh nghiệm gì để chọn người phù hợp lấp vào khoảng trống của đội ngũ các nhà sáng lập. Kế tiếp là tính tình, tính cách và quan trọng không kém, thời gian cống hiến của những thành viên này ra sao, toàn thời gian hay bán thời gian. Trong một môi trường kinh doanh đầy năng động và có quá nhiều sự lựa chọn như hiện nay thì không nhất thiết đòi hỏi tất cả các thành viên sáng lập đều phải dành trọn thời gian cho doanh nghiệp startup.
Vấn đề nằm ở chỗ chất lượng chứ không phải số lượng, thà rằng bán thời gian nhưng đóng góp hiệu quả, còn hơn toàn thời gian mà không đóng góp được gì. Miễn sao sự phân công trách nhiệm cùng quyền lợi đi kèm phải rạch ròi, công bằng giữa các nhà sáng lập với nhau ngay từ đầu. Nếu không thì sớm muộn gì cũng sẽ đến giai đoạn lấn cấn người làm ít người làm nhiều, dẫn đến mâu thuẫn rạn nứt từ bên trong.
Sách vở thường tập trung nhiều vào khía cạnh liệu năng lực các nhà sáng lập có phù hợp với sản phẩm hay thị trường mà họ nhắm đến hay không (founders fit), mà ít khi nói đến khía cạnh liệu các nhà sáng lập này có làm việc được với nhau một cách ăn ý, lâu bền hay không. Đây mới chính là sát thủ ẩn danh của khá nhiều startup.
Nhưng dù gì đi nữa thì vai trò của nhà sáng lập chủ chốt hay nhà sáng lập “đứng mũi chịu sào” cũng là quan trọng nhất. Nhân vật này phải có đủ bản lĩnh để sửa sai mọi thứ xảy ra trên hành trình khởi nghiệp, bao gồm cả việc sửa sai thành phần đội hình các nhà đồng sáng lập bằng nhiều hình thức khác nhau. Do đó, thật không sai khi nói nhà sáng lập chủ chốt phải có tố chất của một nhà lãnh đạo, một nhà ngoại giao, và một nhà thương thuyết hiệu quả từ bên trong lẫn bên ngoài. Họ là linh hồn của doanh nghiệp.
Yếu tố con người luôn là yếu tố hàng đầu trong sự thành bại của một startup hay một doanh nghiệp nói chung. Ý tưởng kinh doanh có thể đến từ một người nhưng để hoàn thiện và triển khai nó một cách thành công thì cần cả một đội ngũ.
Đặc biệt là trong những lúc khó khăn nhất thì vai trò đầu tàu này lại càng nổi bật. Đối nội cũng như đối ngoại. Như trường hợp Jeff Bezos trong thời kỳ môi trường kinh doanh đầy biến động do ảnh hưởng của COVID-19 chẳng hạn, ông đã gác tất cả qua một bên để xắn tay áo trở lại trực tiếp điều hành mọi hoạt động như một CEO. Howard Schultz cũng vậy, ông cũng đã từng quay trở lại vị trí nhà điều hành trực tiếp vài lần trong quá khứ để cứu Starbucks ra khỏi các thời kỳ khủng hoảng. Sự hiện diện đúng lúc của những nhà lãnh đạo này là tối quan trọng, vì làm cho từng thành viên trong tổ chức trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Chướng ngại vật nào cũng sẽ vượt qua.
Yếu tố con người trong câu chuyện khởi nghiệp không những chỉ dừng lại ở các nhà sáng lập mà còn là các nhân sự quản lý trụ cột, và dĩ nhiên có cả người thầy, người cố vấn (mentor)… Nói về đội ngũ nhân viên trụ cột, không thể không nhắc đến một đòi hỏi vô cùng quan trọng, đó là tính năng động, uyển chuyển để đối phó với các hoàn cảnh khó khăn, thay đổi. Vì khởi nghiệp suy cho cùng là một cuộc thử nghiệm lớn với vô số những thử nghiệm nhỏ xảy ra hàng ngày cần được điều chỉnh liên tục và kịp thời.
Thay đổi sản phẩm, thay đổi chiến lược kinh doanh, thậm chí thay đổi cả thương hiệu, phá bỏ tất cả mọi thứ để xây dựng lại từ đầu. Đó là khởi nghiệp, nó đòi hỏi những người đi cùng thuyền với các nhà sáng lập phải sở hữu chung một tư duy cởi mở, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nói một cách khác, đội ngũ các nhân viên trụ cột của startup phải là đội ngũ của những con người có suy nghĩ như những nhà kinh doanh – chứ không phải những người chỉ làm công để ăn lương và chờ hết giờ để đi về. Họ phải thở cùng một nhịp với các nhà sáng lập. Bởi vậy ở các nước nhiều nhà sáng lập startup đã không ngần ngại dành cho những cộng sự quý giá thuở ban đầu này một phần thưởng gọi là share option hay stock option, quyền được mua cổ phiếu với giá rẻ đã được ấn định trước ngay từ đầu. Để sau này khi công ty thành công thì giá trị cổ phiếu sẽ tăng lên đáng kể, và quyền mua khi đó là một đặc ân to lớn.
Thung lũng Silicon của Mỹ đã chứng kiến không biết bao nhiêu người làm việc cho các startup công nghệ trở thành triệu phú chỉ qua một đêm, khi công ty bước lên sàn chứng khoán. Facebook có hàng ngàn nhân viên như vậy. Mà cũng hợp lý vì đầu quân làm việc cho startup là chấp nhận nhiều thiệt thòi, trong đó có thiệt thòi về mức thu nhập lúc nào cũng khiêm tốn hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Cho nên rủi ro cần phải đi chung với phần thưởng xứng đáng, đúng với tinh thần doanh nhân. Sau đây là một ví dụ mang tính minh họa về chế độ share option:
Công ty ABC mời John gia nhập công ty cổ phần vào năm 2020 với gói quyền lợi bao gồm quyền mua cổ phiếu share option là 20.000 cổ phiếu với giá ấn định 50 cent cho một cổ phiếu, với điều kiện phải gắn bó với công ty ít nhất 2 năm. Nếu vì một lý do nào đó mà John rời công ty trước thời hạn này thì quyền mua đó không có hiệu lực. Còn nếu anh ta tiếp tục làm việc cho công ty đến hết thời gian 2 năm theo yêu cầu thì lúc đó John chỉ cần bỏ ra 10.000 USD để mua 20.000 cổ phiếu với mệnh giá 50 cent/cổ phiếu, bất kể giá cổ phiếu thực tế ngoài thị trường lúc đó có giá trị là bao nhiêu. Do đó, ví dụ như giá cổ phiếu của ABC thời điểm năm 2022 tăng lên thành 20 USD/cổ phiếu, thì John có thể hưởng lợi phần chênh lệch đến 390.000 USD khi quyết định thực hiện quyền mua 20.000 cổ phiếu với giá chỉ có 10.000 USD của thời điểm năm 2020. Một phần thưởng trong mơ nhưng không quá đỗi kinh ngạc đối với các startup công nghệ.
Tuy nhiên, phần thưởng này chỉ thật sự có giá trị khi công ty lên sàn chứng khoán, hoặc ít ra là có kế hoạch niêm yết công khai lần đầu (IPO). Nếu không thì quyền mua này mất tác dụng do giá trị cổ phiếu của công ty không được thị trường xác định, cũng như không biết chừng nào mới bùng nổ để có lợi cho nhân viên. Cho nên trước khi cân nhắc áp dụng hình thức thưởng bằng share option, các nhà sáng lập cần xác định cho rõ là liệu doanh nghiệp mình có tham vọng trở thành công ty đại chúng hay không, nếu không thì chỉ có lãng phí thời gian và có khi còn phản tác dụng.
Tóm lại, yếu tố con người luôn là yếu tố hàng đầu trong sự thành bại của một startup hay một doanh nghiệp nói chung. Ý tưởng kinh doanh có thể đến từ một người nhưng để hoàn thiện và triển khai nó một cách thành công thì cần cả một đội ngũ. Jeff Bezos có thể không cần đến các nhà đồng sáng lập nhưng chắc chắn phải cần đến những người cố vấn và những nhân viên cộng tác vô cùng đắc lực mới làm nên một đế chế Amazon hùng mạnh như ngày hôm nay.
Trong Startup trong thời kỳ bình thường mới, Lý Quí Trung cho biết, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 được dự đoán sẽ kéo dài trong nhiều năm, ngay cả khi đại dịch đi qua hoàn toàn. Nhiều lĩnh vực sẽ gặp vô vàn khó khăn, trong khi nhiều lĩnh vực khác sẽ bùng nổ, lên ngôi.
Và trong số các lĩnh vực lên ngôi, không thể không kể đến lĩnh vực công nghệ tài chính fintech, nhờ xu thế khuyến khích chuyển đổi số phát sinh từ đại dịch. “Khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác. Đó là một đặc điểm rất thật trong thời kỳ bình thường mới”, ông Trung chia sẻ.
Lý Quí Trung đã nhận bằng tiến sĩ ở Mỹ. Ông hiện là giáo sư kiêm nhiệm và cố vấn cao cấp danh dự của Đại học Western Sydney Univeristy (Úc). Ông còn được biết đến là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực F&B, doanh nhân trí thức có những đóng góp giá trị đối với cộng đồng doanh nghiệp, tác giả của nhiều đầu sách về nhượng quyền thương mại và xây dựng thương hiệu dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam…