Nằm trên đỉnh đồi Montmartre; nơi tọa lạc của nhà thờ Sacré-Cœur nổi tiếng, cũng là một địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh Paris, Place du Tertre là một quảng trường nhỏ nhưng ấn tượng nhất của thành phố hoa lệ này.
Tuy được gọi là “quảng trường” nhưng thực tế đây chỉ là một khoảng không gian nhỏ, được bao bọc bởi các nhà hàng và quán cà phê xung quanh.
Ở trên độ cao khoảng 130 mét, nằm rất gần nhà thờ Sacré-Cœur, Quảng trường Tertre là một địa điểm luôn tấp nập khách du lịch. Ở giữa, một sân rộng lát đá trồng cây xanh, được các nhà hàng ở bên sử dụng cho khách hàng ngồi ăn ngoài trời, thường vào buổi tối. Khoảng thời gian còn lại là nơi tập trung các họa sĩ vẽ chân dung, biếm họa cho khách tham quan.
Nơi đây thuộc khu phố Montmartre, nhiều tài liệu cho biết địa điểm này từng là nơi tập trung của nhiều họa sĩ lớn đầu thế kỷ XX. Nhiều người gọi khu này gọi là “chợ hội họa”; chợ của các họa sĩ nằm ở ngay dưới chân đồi, có điều chợ này hàng hóa mua bán là những sản phẩm tinh thần. Đa số các khách hàng đến từ các phương xa, họ đến để mua một bức họa mình ưa thích, hoặc ngồi tạo dáng để họa sĩ vẽ chân dung cho mình. Theo thời giá năm 2019, thì một bức vẽ chân dung phác họa giá 20 Euros, muốn tô màu thì phải trả thêm 30 Euros nữa. Giá cả không cao lắm, vì thế các họa sĩ ở đây cũng thường xuyên có khách hàng.
Được biết, trong quá khứ Quảng trường Tertre là bãi chiến địa cho những trận địa pháo, cản bước quân địch trong chiến tranh Pháp – Phổ xa xưa. Cuối thế kỷ XVIII, quảng trường đã là điểm hẹn của các nghệ sĩ lang thang. Với Van Gogh, Renoir, Pissarro hay Utrillo đều có thời gian sống ở đây. Nghệ nhân hè phố Edith Piaf một thời nổi tiếng của Paris hoa lệ cũng thường xuyên lui tới nhâm nhi vang đỏ ở các quán bar nghệ sĩ cạnh đó. Và cũng ở nơi đây, cô đã viết lời cho bản nhạc nhẹ đầu tiên “La Vie En Rose” của cô.
Có thể nói rằng, những họa sĩ vẽ chân dung ở đây đang thổi hồn cho Quảng trường Tertre thêm phần đặc sắc. Chợ các họa sĩ đã thu hút hơn 11 triệu du khách mỗi năm, không kém gì tháp truyền hình Eiffel hay nhà thờ Đức Bà Paris. Nhìn từ xa có thể thấy khu vực giữa của lòng quảng trường trông như một xưởng vẽ lớn ngoài trời. Vào mùa đông, các nghệ sĩ được phép sử dụng toàn bộ khu vực, chỉ cần tôn trọng ranh giới giữa một bên là họa sĩ vẽ chân dung,và bên kia là họa sĩ vẽ hí họa là đủ. Vào mùa hè có một số nhà hàng, quán cà phê bên cạnh được phép sử dụng một phần khu vực chợ vẽ, vì thế không gian chợ của các họa sĩ bị thu hẹp lại.
Cạnh các họa sĩ vẽ chân dung và hí họa còn có một cái chợ khác cũng thuộc về hội họa; là Trung tâm hội họa theo trường phái Salvador Dali. Salvador Dali (1904-1989) là họa sĩ, nhà điêu khắc sinh tại xứ Catalonia, Tây Ban Nha. Ông được coi như một trong những họa sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX, với phong các trường phái siêu thực “không giống ai”. Ông nổi tiếng với những tác phẩm ấn tượng mang tính siêu thực. Kỹ năng hội họa của ông thường được cho là do ảnh hưởng của các bậc thầy thời kỳ Phục hưng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “The Persistence of Memory” được hoàn thành vào năm 1931. Theo các nhà phê bình thì ý nghĩa của bức họa này có thể nói rất khó nắm bắt, hình ảnh chủ đạo của bức tranh chỉ là 4 chiếc đồng hồ đặt nổi bật trong khung cảnh sa mạc hoang vắng. Hơn thế nữa, hình dạng của những chiếc đồng hồ này bị biến dạng như đang bị tan chảy. Trong phong cách tranh siêu thực, thường những chi tiết kỳ lạ hoặc có vị trí bất bình thường gợi ra nhiều câu hỏi. Tại sao chúng lại bị tan chảy? Tại sao lại đặt ở sa mạc? Tại sao không có hình bóng con người?…
Họa sĩ Salvador rất giàu trí tưởng tượng. Sự lập dị của ông nhằm gây chú ý đôi khi còn thu hút công chúng nhiều hơn so với các tác phẩm của ông. Có người cho rằng chủ nghĩa siêu thực mà họa sĩ Dali đại diện là phản ứng hiện thực của những thế hệ thanh niên bị “sốc” vì chiến tranh, nhất là qua 2 cuộc Thế chiến mà khắp cả châu Âu, đâu cũng là chiến trường với vô vàn thảm cảnh. Lớp người này cũng chống lại văn minh – khoa học kỹ thuật đã sáng chế ra những loại vũ khí tập thể giết người. Họ muốn quay về nguồn với thiên nhiên hoang dại và cảnh vật điêu tàn mộng mị…
Đã nhiều lần đến đây, và mỗi lần chúng tôi lại có được những cảm xúc khác nhau, nhất là nhìn ngắm bức tranh The Persistence of Memory của Salvador Dali. Bức tranh mang lại một cảm giác mênh mông khó tả. Vừa nhâm nhi một ly cà phê, vừa nhìn ngắm họa sĩ thể hiện tài năng trên Quảng trường Tertre dưới ánh nắng vàng vẫn là niềm vui nho nhỏ trong phút thư giãn trước khi tiếp tục hành trình khám phá những con phố giấu mình trong ngôi làng cổ Montmartre, đó là điều thật thú vị.
Một đồng nghiệp của chúng tôi sau khi tham quan cái chợ vẽ này đã có nhận xét: “Cách cảm nhận Montmartre hay nhất là trục xuất hết những ấn tượng sách vở ra khỏi tâm trí. Khi đó, chính Montmartre sẽ trở thành một bức hí họa sinh động và một bản hợp tấu phức điệu. Du lịch đã thương mại hóa nghệ thuật, nhưng chính cái ô hợp của Quảng trường Place du Tertre lại tạo cho Montmartre một nét đặc trưng không thể nào quên…”.