Khái niệm Ổ khóa tình yêu đã xuất hiện từ lâu và nguồn gốc xuất xứ của nó vẫn còn là một ẩn số gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, trong cuốn tiểu thuyết lãng mạn I want you (Anh muốn có em) của tác giả người Ý Federico Moccia (xuất bản năm 2006) có một tình tiết vô cùng “đắt giá” khiến nhiều người tin rằng Ý là nơi đã khai sinh ra “khóa tình yêu”.
Nữ nhân vật chính đã kể về một truyền thuyết rằng những người yêu nhau chỉ cần cùng nhau treo một chiếc ổ khóa lên cột đèn đường thứ ba trên cầu Ponte Milvio, thì thầm vào tai nhau lời nguyện ước “per sempre” (mãi mãi) thì suốt đời này sẽ không có gì chia cắt được họ. “Khóa tình yêu” trở thành minh chứng cho một tình yêu vững bền, bất diệt. Những ổ khóa này được người Ý gọi là amorchetto một cái tên sáng tạo, ghép từ tiếng Ý là amore (tình yêu) và luchetto (khóa) để thay cho chữ luchetto d´amore quá dài! Amorchetto ra đời từ đó! Biểu trưng lãng mạn này ngay lập tức thu hút được hàng ngàn bạn trẻ đang yêu, nhanh chóng tạo thành một “cơn sốt” trên toàn nước Ý và lan tỏa ra khắp Châu Âu và thế giới.
Hiện nay, tại nhiều thành phố ỏ Châu âu, và một số nước ở châu Á cũng có những cây cầu nổi tiếng về những ổ khóa tình yêu. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất là cây cầu Pont des Arts trước Bảo tàng Louvre ở Paris của Pháp. Cây cầu được người Pháp cho là biểu tượng của tình yêu.
Được xây dựng từ năm 1802, ban đầu cầu này có 9 nhịp, lấy cảm hứng từ những vườn treo với những bồn hoa ghế dài. Năm 1981, cầu xây dựng lại chỉ còn 7 nhịp. Không lâu sau, cây cầu đã chứa đầy ổ khóa tình yêu ở hai bên thành cầu!
Một tạp chí thời trang của Pháp xuất bản năm 2016 cho biết, từ lâu, tại Paris đã lưu truyền một truyền thuyết về một cặp uyên ương đứng trên cây cầu bắc qua sông Seine. Họ viết tên mình lên một ổ khóa, móc nó vào thành cầu và ném chìa xuống dòng nước chảy phía dưới. Cả hai tin rằng làm như thế tình yêu của họ sẽ được khóa chặt và ở bên nhau suốt đời. Từ đó, cầu Pont des Arts nhanh chóng trở thành điểm đến của hàng ngàn cặp tình nhân trên khắp thế giới. Họ tới đây để bày tỏ tình yêu của mình qua… những ổ khóa, có gởi lời yêu thương nồng cháy qua những lời viết bằng mọi ngôn ngữ rồi gắn lên thành cầu. Họ bóp khóa lại rồi vứt chìa xuống nước chảy xuôi dòng.
Theo thời gian số lượng ổ khóa trên cầu ngày càng nhiều. Và ngày 6-6-2014, một mảng thành cầu rộng 1m20x2m mang đầy ổ khóa đã đổ ập xuống sông Seine. Rất may lúc đó là khoảng 10 giờ đêm, trời tối và lạnh lại vắng người nên không có việc gì đáng tiếc. Nhân sự cố này, Hội đồng Thành phố đã cho các công nhân của công ty môi trường đô thị tháo gỡ hơn 700.000 ổ khóa, cân nặng đến 42 tấn đồng sắt cho vào nhà bảo tàng, đồng thời thiết kế là thành cầu bằng kính trong. Điều này là cần thiết, song cũng để lại ít nhiều tiếc nuối cho nhiều người, nhất là các cặp tình nhân. Một số người cho biết, chắc chắn họ sẽ rất nhớ hình ảnh quen thuộc trước đây từng thấy: các cặp yêu nhau tới cầu, khóa ổ khóa lên thành cầu, ném chìa xuống dưới rồi ôm hôn và chụp ảnh kỷ niệm… Có người còn mang máy quay phim để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thấy việc khóa tình yêu ở thủ đô nước Pháp là một điều hấp dẫn. Nhiều du khách cho rằng, họ cảm thấy bị nhức mắt khi nhìn thấy hàng trăm nghìn ổ khóa chen chúc nhau trên thành cầu. Số đông người dân Paris cũng coi những ổ khóa này là một sự ô nhiễm thị giác, một “căn bệnh bạc lá” trong lịch sử kiến trúc của thành phố. “Tình yêu cũng giống như cuộc sống vậy, nó là những kinh nghiệm thoáng qua và luôn luôn thay đổi”; một người dân bày tỏ quan điểm đồng tình về việc dỡ khóa.
Khi tất cả những ổ khóa trên cầu Pont des Arts được dỡ bỏ, nhiều du khách cho rằng Paris sẽ không còn là thành phố của tình yêu nữa. Tuy nhiên, trên tạp chí Le Figaro xuất bản năm 2016, nhà báo Michael Saint James, cho rằng chẳng ai có thể khóa nổi tình yêu: “Tình yêu luôn chảy mải miết như dòng sông Seine chảy quanh Paris vậy. Nó không bao giờ có thể bị khóa… Do vậy, việc khóa lại tình yêu bằng một chiếc ổ và treo nó trên cầu là điều không thực tế. Còn tình yêu mãi mãi không thay đổi chỉ tồn tại trong những câu chuyện cổ tích mà thôi!”. Nhà báo này nhấn mạnh: “Tình yêu đâu phải là một nhà tù để chúng ta giam giữ và khóa lại. Những người yêu nhau thực sự sẽ bảo vệ sự tự do của nhau”.
Không riêng gì cầu Pont des Arts ở Pháp, ổ khóa tình yêu còn xuất hiện ở nhiều cây cầu khác trên thế giới như cầu Hohenzollern bắc qua sông Rhine ở Cologne ( Đức); cầu Most Ljubavi ở Serbia; cầu Ponte Milvio ở Rome (Ý); cầu Butchers ở Slovenia hay cầu Brooklyn ở New York (Hoa Kỳ)…
Liên quan đến nguồn gốc ổ khóa tình yêu thì ở Hungary, người dân nước này lại cho rằng khóa tình yêu xuất hiện lần đầu ở trên cây cầu Desc ở miền Bắc nước họ. Do đó, có người đã nói vui rằng điều này suy ra cũng có vẻ hợp lý vì Hungary là một nước có tỷ lệ về người thất tình tự tử cao nhất thế giới. Sự xuất hiện sớm của các ổ khóa tình yêu ở Hungary là để…bảo đảm cho sự bền vững cho lứa đôi yêu nhau!
Được biết, việc thể hiện nghi thức móc ổ khó tình yêu đã diễn tiến mỗi nơi mỗi khác. Tại Nga, việc móc khóa tình yêu được thực hiện sau hôn lễ của đôi lứa được cử hành theo nghi thức ở nhà thờ Nhất Thống giáo. Sau buổi lễ đôi bạn đưa nhau ra cây cầu mà họ muốn. Họ trao nhau lời hứa hẹn, hôn nhau rồi bóp khóa vào thành cầu, cô dâu là người có… vinh dự vứt chìa khóa xuống dòng nước chảy trong tiếng reo hò cổ vũ của bạn bè hai họ. Có thể nói, đây chỉ là một nghi thức rất đời thường, nhưng trong ý nghĩ của một số người nó lại mang màu sắc thần tiên cổ tích..!
Nói chuyện về ổ khóa tình yêu thì không thể không nhắc đến cây cầu Hohenzollern bắc qua sông Rhine ở thành phố Cologne của Đức. Đây là một cây cầu “hai trong một” sử dụng cho đường sắt và cả cho đường bộ. Ngoài những ổ khóa tình yêu bình thường giũa hai người nam nữ, ở đây còn xuất hiện rất nhiều ổ khóa được gọi là “một trong hai”; đó là của các “pê-đê”, tức các cặp đôi đồng tính luyến ái, thay vì ổ khóa có khắc tên hai người thì ở đây, chỉ còn một, chẳng hạn: Henry + Henry; Cathy+Cathy… của các đôi tình nhân cùng phái!
Cũng như ở Pháp, tháng 2 năm 2017, Công ty vận tải đường sắt của thành phố Cologne đã xin lệnh nhà cầm quyền tháo bỏ các ổ khóa để bảo đảm an toàn cho việc giao thông trên cầu Hohenzollern. Tuy nhiên, việc đó không phải dễ dàng như ở Pháp. Trong khi Hội đồng thành phố đang bàn luận thì bà Haenen, chủ tịch Hội Văn hóa dân gian nhảy vào can thiệp. Bà cho rằng việc xuất hiện các ổ khóa tình yêu là một hiện tượng… văn hóa. Mà đã là văn hoa thì nhất thiết phải được duy trì và gìn giữ. Tiếng nói của bà Haenen rất có trọng lượng với các cử tri, vì thế công ty Vận tải chỉ được phép di dời một số ổ khóa tình yêu đến các cây trụ điện gần bên. Nhưng có lẽ đây cũng không phải là một giải pháp dài lâu vì dưới sức nặng của… tình yêu, các cây trụ điện đó cũng dần dần có các dấu hiệu xiêu vẹo…!
Chính vì sự xuất hiện ổ khóa tình yêu ở nhiều nước trên thế giới, nên gần đây trên Internet đã xuất hiện nhiều chuyện vui để kể cho nhau lúc trà dư tửu hậu. Dựa vào văn học sử Trung Hoa, một số người giàu tưởng tượng đã cho rằng Trung Hoa mới là nơi đầu tiên xuất hiện ổ khóa tình yêu. Bằng chứng là Đỗ Mục; một thi bá đời Đường đã viết: “ Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều “, nghĩa là Một đài đồng tước khóa xuân hai Kiều. Hai kiều là Đại Kiều và Tiểu Kiều; hai người đẹp nổi tiếng của đất Giang Đông, một người lấy Tôn Sách, một người lấy Chu Du. Khóa Xuân nếu gọi đầy đủ là “Ổ Khóa Buồng Xuân”, tức là là cái ổ… khóa gìn giữ cái xuân xanh đáng giá ngàn…vàng của người đàn bà!
Đã móc ổ khóa tình yêu thì cũng phải có cách để mở khóa. Việc giải hạn tức mở bỏ các ổ khóa tình yêu, để trả lại tự do cho nhau như thế nào còn đang được bàn cãi! Lúc móc khóa tình yêu, không ai nghĩ đến có ngày mình lại phải mở khóa để đường ai nấy đi. Tuy nhiên người Trung Hoa ngày xưa thì đã có tiền lệ; nàng Trác Văn Quân năm xưa góa chồng trong lúc còn xuân, cô tự nguyện giam mình vào chốn khuê phòng để trăm năm thờ chồng. Sự việc diễn ra ước chừng nửa năm, bỗng dưng có một gã phong tình tên là Tư Mã Tương Như nửa đêm ôm đàn đến đứng dưới lầu nhà nàng gãy khúc “Phượng Cầu Kỳ Hoàng”. Đến đêm thứ ba thì nàng động mối xuân tình, cầm lòng không được, nàng bèn gom hết xuyến vàng, tư trang cùng Tư Mã Tương Như ra đi biền biệt, bặt vô âm tín…!
Tình yêu đôi lứa qua những ổ khóa tình yêu hiệu quả như thế nào thì chỉ có những người trong cuộc mới biết, nhưng những câu chuyện chung quanh nó có lẽ sẽ không bao giờ vơi cạn!