Trong nghĩa khái quát, nhịp là sự phân biệt trong một chuỗi ngữ lưu, được đánh dấu bằng chỗ ngừng, bằng điểm nhấn ngữ âm, ngữ nghĩa, bắt buộc hay không bắt buộc. Nhịp thơ thường có chu kỳ ngắn, láy đi láy lại, thể hiện ở nhịp dòng thơ và nhịp tiết tấu trong dòng. Những thể thơ truyền thống dân tộc được xem là sinh mệnh mang tiết điệu hồn sông nước Việt.
Lũy tre làng xanh xào xạc gió. Lòng ao hồ sen sáng môi thơm. Đường nghiêng mây áo dài bay phơ phất. Nhịp sáu tám ân nghĩa đong đưa… Lục bát được ngắt dòng 6/8 theo tiết điệu nhịp chẵn, ngắt theo luật bằng – trắc. Trăm năm/ trong cõi/người ta – Chữ tài/chữ mệnh/khéo là ghét nhau. Nhịp trong song thất lục bát lẽ trước chẵn sau trong hai câu thất và nhịp chẵn ở hai câu sáu tám. Trống Tràng thành/lung lay bóng nguyệt – Khói cam tuyền/mờ mịt thức mây – Chín tầng gươm báu/trao tay – Nửa đêm/ truyền hịch/định ngày/xuất chinh. Nhịp chẵn trước lẻ sau phổ biến trong thể Đường luật thất ngôn bát cú. Bất tri/tam bách/dư niên hậu – Thiên hạ/hà nhân/khấp Tố Như.
Cần có sự phân biệt giữa nhịp và điệu. Nhịp có được nhờ vào những chữ ngừng – ngắt giữa các dòng thơ và trong một dòng thơ, tạo thành khúc nhịp, tiết tấu và những khúc đoạn có độ dài tương đương lặp lại. Nhịp thơ được tạo nên từ những âm tiết, dòng thơ được thành từ những nhịp thơ. Ngược lại, dòng thơ chia thành những nhịp thơ, nhịp thơ bao gồm những âm tiết. Điệu có được nhờ sự sắp xếp lặp lại tuần hoàn các âm thanh mạnh – yếu, dài – ngắn, cao – thấp theo những khuôn thước nhất định. Sự bài trí và hòa phối giữa các nhịp khác nhau (chẵn – lẻ, bằng – trắc, bổng – trầm) theo một thể thơ sẽ tạo nên cấu trúc nhịp điệu (metre) của dòng thơ và khổ thơ. Ngòi đầu cầu//nước trong/như lọc – Đường bên cầu//cỏ mọc/còn non (Chinh phụ ngâm). “Tiết điệu là bản thiết kế, nhịp điệu là tòa nhà không người ở. Tiết điệu là bộ xương, nhịp điệu là cơ thể đang chuyển động. Tiết điệu là bản đồ, nhịp điệu là khu đất” (Philip Hobsbaum). Dòng thơ có được sự hài hòa, tương ứng giữa hai cấu trúc tiết điệu (metre) và nhịp điệu (rhythm) là lý tưởng. Cấu trúc tiết điệu ba bước thơ song tiết đồng thời cũng là cấu trúc nhịp điệu khuôn nhịp 2/2/2. Hoa cười/ngọc thốt/đoan trang.
Bao gồm nhịp và điệu hòa hợp như xác và hồn làm nên nhịp điệu vốn được xem là sinh mệnh của thơ ca. Như vậy, không chỉ là chỗ ngừng tiết tấu và ngừng dòng thơ mà cả sự diễn xuất, sự hài hòa trong biểu đạt của tác giả góp phần làm nên nhịp điệu thơ. Dòng thơ với độ dài số tiếng và vần như là điểm ngắt là đơn vị cơ bản của sự lặp lại trong thơ. Dòng thơ lại có kiểu ngắt nhịp của luật thơ với độ dài ngắn, cân đối – không cân đối khác nhau. Như vậy, nhịp của luật thơ là giống nhau nhưng điệu của thơ, tiết điệu khác nhau tạo nên cảm giác nhanh chậm khác nhau mãi chảy trong mạch thơ làm nên chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh. Mỗi thể thơ có một nhịp điệu riêng. Cùng là một thể thơ nhưng nhịp điệu ở mỗi bài thơ không hoàn toàn giống nhau. Và ngay trong một bài, nhịp điệu trong từng dòng lại bất chợt biến đổi. Nhịp điệu với các phương diện ngữ nghĩa gắn với cảm xúc và hình tượng hơn là luật thơ… nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mỹ về thế giới, tạo cảm giác vận động sự sống, chống sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuật.
Nguyên lý tạo thành nhịp điệu chính là sự lặp lại (R.Jakobson). Thơ với sự lặp lại của chuỗi âm thanh, ngôn từ, hình ảnh, cấu trúc… tạo nên nhịp điệu như phương cách cho những ý, tình, hình, nhạc… vận động đến mỹ học thơ dung hòa sự phối hợp của tinh thần, sự đa dạng của điệu sống, sự biểu hiện cách tân ở mỗi thời, mỗi khuynh hướng, mỗi nhà thơ… Nhịp điệu chẳng những là bản chất của nghệ thuật, mà với thơ ca – nghệ thuật thính giác – nó là nhịp lòng, điệu hồn, là yếu tố sống còn của thơ ca.
***
Nhịp điệu thơ Việt về cơ bản có hai đặc điểm quan trọng là tính lặp lại và tính chu kỳ của các yếu tố tương đồng. Nhịp điệu thơ tiếng Anh dựa trên tiết điệu, nhịp trọng âm. Nhịp điệu thơ tiếng Việt dựa trên phối điệu âm tiết bằng – trắc, nhịp thanh điệu lên bổng xuống trầm, du dương, réo rắt. Bước thơ (số tiếng trên mỗi dòng) thường là nhịp chẵn và nhịp lẽ. Thể ngũ ngôn và thất ngôn Trung Quốc chẵn trước lẻ sau, còn ngũ ngôn và cặp thất trong song thất lục bát của Việt Nam thì ngược lại.
Nhịp hai cổ truyền trong thơ lục bát Truyện Kiều tuy có vai trò quan trọng, nhưng không hẳn có vị thế áp đảo. Nhịp điệu trong thơ lục bát nói chung khá tẻ nhạt như những con sóng nhỏ vỗ đều lặp lại. Một truyện thơ lục bát dài hơi như Truyện Kiều dễ rơi vào đơn điệu, nếu bản thân Nguyễn Du chẳng dụng công cho sự đa dạng về nhịp điệu ở các dòng thơ. Tiếp nhận nhịp thơ vốn tinh tế, tương đối trong cảm thụ – tri giác nhịp điệu đối với câu thơ 6/8 với những biến thể ngắt nhịp, ở dòng lục theo khuôn nhịp 2/2/2, 2/4, 3/3, 4/2, 1/3/2, 2/1/3, 1/2/3, 1/5, 1/1/4, 1/1/2/2, 1/2/1/2; ở dòng bát theo kiểu ngắt nhịp: 2/2/2/2, 4/4, 2/2/4, 4/2/2, 3/1/4, 3/5, 2/4/2, 4/1/3, 1/3/1/3, 2/6, 2/2/1/3, 3/1/2, 2/1/1/4.
Để câu thơ có thể biến hóa cấu trúc nhịp điệu, vẫn giữ nguyên độ dài, thay đổi cường phách khúc nhịp, vượt ra ngoài khuôn thước nhịp 2 chẵn truyền thống, dùng khuôn nhịp khác, dùng toàn nhịp lẻ 3 – 5. Bắt phong trần/phải phong trần – Cho thanh cao/mới được phần thanh cao. Cấu trúc ưa nhịp chẵn là tiết điệu chứ không phải nhịp điệu. Có thể trùng nhau hoặc không. Ôi Kim lang hỡi Kim lang, cấu trúc tiết điệu 2/2/2, cấu trúc nhịp điệu 3/3, 1/2/1/2. Một câu thơ có thể có hơn một cách ngắt nhịp. Đĩa dầu hao nước mắt đầy năm canh vẫn có thể có hơn một mô hình cấu trúc nhịp điệu 2/2/2/2, 3/5, 3/3/2. Tiếp nhận, thưởng thức, phê bình câu thơ trong sự tri giác – cảm thụ vẫn có tính tương đối. Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương có thể là nhịp 4/4, 3/5, 3/1/4.
Tất nhiên, ta rất trọng sự tri giác – cảm thụ ở cá nhân người đọc, nhưng dù là tương đối và đa dạng, vẫn phải hiểu dụng ý nghệ thuật trong cách ngắt nhịp của chính Nguyễn Du. Ai cũng ngắt nhịp chẵn ở câu lục theo kiểu 2/2/2 hoặc 2/4 – Trải qua một cuộc bể dâu… là điều quen thuộc đến truyền thống. Thế nhưng sang dòng bát dường như “có vấn đề”. Mỗi người gạch nhịp khác nhau theo 4/1/3, 4/4, 2/2/1/3, 2/2/2/2… Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Liệu đâu là cách ngắt nhịp của Tố Như. Dù sao, Truyện Kiều nói riêng và thơ lục bát nói chung vẫn rất ưa nhịp chẵn. Quen thuộc như một câu thơ kể chuyện Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh… có thể ngắt nhịp 1/3/1/3 dường như ý nghĩa của lễ và hội được nhấn mạnh, nhưng ít nhiều mất đi tính uyển chuyển nhịp nhàng của dòng thơ. Hầu hết vẫn chọn giải pháp ngắt nhịp chẵn 4/4, 2/2/2/2.
Như vậy, thơ lục bát Truyện Kiều chẳng những ưa nhịp chẵn, ưa sự cân bằng mà mắt cả nhịp lẻ, cảm thụ – tri giác nhịp điệu mỗi dòng thơ phải ý thức đến nội dung, ngữ nghĩa – ngữ pháp, tình ý… mà bút hoa Nguyễn Du đã dụng công. Ngắt nhịp 2/1/3 ở dòng lục Cỏ non xanh tận chân trời... Tương ứng ngắt nhịp 2/1/1/4 ở dòng bát Cành lê trắng điểm một vài bông hoa làm cho màu trắng cành lê nổi bật, cặp màu tương phản hài hòa diện điểm, cảm được vẻ đẹp thắm tình bức tranh xuân.
Quan niệm mới, ý thức mới, cảm hứng mới, phương thức biểu hiện mới… Thơ Mới đã vượt thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp của thơ cũ, vượt qua những quy luật nghiêm ngặt vần luật của loại thơ niêm luật. Đa dạng thể thơ, cách tân tạo câu ghép chữ, phóng túng tự do trong lao động sáng tạo cứ như con chim ngứa cổ hót chơi ở từng cá thể… làm nên nhịp điệu hồn mới. Cứ tuôn trào theo cảm hứng tự nhiên, tiết tấu giàu nhạc cảm như Cây đàn muôn điệu, như Tiếng trúc tuyệt vời (Thế Lữ). Tiếng địch thổi đâu đây – Cớ sao nghe réo rắt? Lơ lửng cao đưa tận trời xanh ngắt – Mây bay, gió cuốn mây bay – Tiếng vi vút như khuyên van như dìu dặt – Như hắt hiu cùng hơi gió heo may. Độ dài câu thơ, dòng thơ bị phá vỡ về số lượng âm tiết là nhân tố quan trọng chi phối nhịp điệu. Sự phức hợp của nhiều thể thơ, sự xen kẽ giữa các câu thơ 5 chữ, 9 chữ, 6 chữ, 8 chữ… làm nhạc điệu bổng trầm dìu dặt. Nhịp điệu, bước đi của các câu thơ khi lắng xuống, khi êm ả tỏa ra với hàng loạt từ luyến láy ấn tượng.
Đường luật với tính chất điệu ngâm, mỗi câu thơ trùng với dòng thơ, mỗi dòng thơ thể hiện một cấu trúc ngữ pháp độc lập. Thơ Mới với tính chất điệu nói, vắt dòng được tổ chức theo nguyên tắc hướng ngoại tạo hình, câu thơ kéo dài ra. Đã thấy xuân về với gió đông – Với trên màu má gái chưa chồng. Câu thơ được dùng với ý nghĩa là một dòng thơ. Tiếp thu mà tiếp biến, trong đó kéo theo nhịp điệu – nhạc điệu. Cái tự do của Thơ Mới chủ yếu là tự do về một số dòng thơ thoát khỏi vần luật – niêm luật của thất ngôn bát cú. Tự do về số dòng thơ là tự do cao nhất trong tâm bay tùy hứng làm nên nhịp điệu ở cái tôi trực cảm. Những bài thơ của Hàn Mặc Tử như Tiếng vang, Đây thôn Vỹ Dạ, Hồn là ai, Khói hương tan… chứa những dòng thơ đang tuôn chảy, đột ngột dừng lại, bỏ lửng dở dang… Với sự chu chuyển của nhịp điệu và vần điệu, nhiều khi một câu thơ (theo ngữ pháp) phải vắt qua hai dòng song song. Song le/trong khói//yêu thương vẫn – Phảng phất/còn vương/vấn cạnh lòng (Thế Lữ).
Từ cái Ta trong thơ cổ điển biểu hiện cái nhìn và sự trầm tư nội tại mang truyền thống ngôn chí, ngôn hoài… đến cái Tôi trong Thơ Mới giàu khả năng thể hiện cụ thể trực cảm chân thành giọng điệu tiếng nói riêng của từng con người, giải phóng điệu cá thể, cải tạo nhạc điệu từ tiếng lòng, hơi thở, nhịp tình… tạo nên nhịp tim trần trong từng khoảnh khắc. Lấy tâm trạng làm nội dung, lấy cái nhìn cá thể làm nền tảng tạo hình, lấy tiếng nói cá thể làm giọng điệu và nhạc điệu. Ví ngầm gắn với tưởng tượng, liên tưởng, cảm nhận sống động của chủ thể. Cây dài bóng xế ngẩn ngơ… Hồn em đã chín mấy mùa thương đau… Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi (Huy Cận).
Hầu hết các nhà thơ Tây học ý thức làm mới nhịp điệu câu thơ, biểu hiện trực quan trên dấu câu. Chân quê lục bát tàu hoa với cách dùng dấu ba chấm làm nên hai câu thơ ngắt nhịp mới và hay. Anh đi đấy/ anh về đâu – Cánh buồm nâu…/cánh buồm nâu/cánh buồm (Nguyễn Bính). Một câu thơ quen thuộc: Thế là tàn một giấc mơ có những 3 cách ngắt nhịp (1 nhịp trọn liền âm tiết, 2 nhịp 2/4, 2 nhịp 3/3) ngữ nghĩa khác nhau. Cấu trúc nhịp chẵn khá phổ biến trên chuỗi ngôn ngữ xuất phát từ trạng thái bình thản, thong thả, nhịp nhàng… đã được tháo dỡ, hình thành nhịp lẻ, rời trúc trắc, dùng dằng – dứt khoát giữa không và có… mơ hồ tinh tế lý lẽ con tim. Cái gì như thể nhớ mong – Nhớ nàng, không, quyết là không nhớ nàng. Cũng là tình điệu, Nguyễn Bính lửng lơ chân quê – phố thị… Xuân Diệu cuống quýt vội vàng – băn khoăn cô quạnh. Mau với chứ, vội vàng lên với chứ – Em, em ơi, tình non sắp già rồi. Tình điệu khác nhau được biểu hiện ngay trên dấu câu, liên từ, lặp từ…
***
Hình thức thể loại thường ổn định, chậm thay đổi. Nhịp điệu mỗi giai đoạn, khuynh hướng, chủ thể sáng tạo trong từng bài, câu… lại biến hóa theo sự tương thông linh hoạt của tình điệu – cái bên trong có thể thay đổi. Nhất là trong thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ đương đại… với những đặc điểm là phá khổ, mở rộng câu, nhiều dòng… để tô đậm nhịp điệu… với bao ngã rẽ, cách tân, thể nghiệm. “Nhịp, đó là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ” (Maiakovski). Nhịp điệu trong thơ tự do là sự cộng hưởng nhịp điệu đời sống và tâm hồn, tạo nhịp điệu riêng như hơi thở, nhịp tim, sinh mệnh từng bài thơ.
Ở ba đỉnh tam giác tương tác tương thông: tác giả – tác phẩm – người đọc là hành trình sáng tạo – tiếp nhận theo quy luật khách quan của thi ca mà cũng đầy chủ quan đa dạng ở chủ – khách. Sáng tạo thơ là phô bày nhịp điệu cảm xúc, tâm tình, ký thác thông điệp. Tiếp nhận thơ là bước qua cánh cửa tâm hồn mở vào thế giới nghệ thuật thi nhân. Tri giác – cảm thụ nhịp điệu vẫn có đặc tính tương đối. Từ góc độ ngữ âm học, ngôn ngữ học – tâm lý… cho thấy sự tạo sinh nhịp điệu nơi người sáng tác, và sự cảm thụ nhịp điệu nơi người tiếp nhận là cả một phức hợp điệu hồn tinh tế. Thơ xa xưa mang dạng thức ngôn ngữ nói để hát, ngâm diễn xướng… Sau này thơ mang dạng thức ngôn ngữ viết để đọc. Dòng thơ là chuỗi từ hình nằm trên một đoạn thẳng khi viết và tạo thành một chuỗi nhịp điệu khi đọc. Đọc to câu thơ, nghe cảm ra nó, nhận ra, cảm thụ, phân tích… nhịp điệu ở tính nghiệm thân (embodiment). Câu thơ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy chẳng rõ có mấy khúc đoạn tiết tấu, sự cảm thụ nhịp điệu có những cách khác nhau ở nhịp 4/3, 3/4, 3/1/3. Hỏi lại Nguyễn Đình Thi… thì ông biết hỏi ai… thôi cười không nói… Tình điệu tâm hồn quyết định hình thức nhịp điệu thơ.
Nhịp điệu thường đi liền với nhạc điệu. Tiếng Việt giàu có về nguyên âm, phụ âm, thanh điệu, âm tiết thường ngắn và tách rời nhau… làm nên đặc tính cho ngôn ngữ thơ Việt tương giao nhịp điệu – nhạc điệu. Tinh tế đến mơ hồ nhưng không thể lầm lẫn khi ngắt nhịp thơ về mặt ngôn ngữ và ngắt nhịp thơ theo cảm xúc về tính nhạc. Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá… Nghệ thuật của hưng phấn và cảm xúc đòi hỏi sự nghiêm ngặt tương đối… là cả hành trình sáng tạo và tiếp nhận thi ca. Ai chẳng thích mới lạ ở sự hòa âm, phối điệu tinh khéo tự nhiên, nhịp điệu hay và lạ, câu thơ hay tình ý và đẹp âm hưởng, ngân hưởng giá trị nhân văn. To be or not to be: that is question (Hamlet – Shakespeare).